Thời sự GH _ các chứng nhân tại Irak

CÁC CHỨNG NHÂN TẠI IRAK
Nữ tu Dòng Đaminh lên tiếng tại Hạ Viện Mỹ: "Kitô hữu Irak đã mất hết tất cả chỉ còn niềm tin"
‪#‎GNsP -(15.05.2015)- “Những người Kitô Giáo Iraq đã mất hết nhà cửa, di sản, và phẩm giá của mình, trở thành nạn nhân của Nhà Nước Hồi Giáo. Họ đang cảm thấy thế gian này bỏ rơi họ, nhưng niềm tin vào Thiên Chúa thì rất mạnh.” Đó là những lời của một nữ tu người Iraq nói với các thành viên của Hội Đồng vào ngày 13.05 vừa qua.
Xơ Diana Momeka dòng Đaminh nói với Uỷ Ban Ngoại Giao Hạ Viện Hoa Kỳ rằng người Kitô Hữu Iraq vô gia cư “ngày càng gia tăng.” Nhiều người bị buộc ra khỏi nhà đã sống trong những hoàn cảnh khắc nghiệt – cả gia đình tạm trú trong những chiếc thùng chứa hàng, các bậc cha mẹ không có việc làm và con cái không được đi học.
Nhưng xơ Diana khẳng định niềm tin của họ không bị phá vỡ dù gặp nghịch cảnh. Xơ nói: “Nghịch cảnh làm cho chúng tôi mạnh mẽ hơn.”
“Chúng tôi bị buộc ra khỏi nhà, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy bàn tay của Chúa vẫn ở cùng...Giữa nghịch cảnh tối tăm, đau khổ này, chúng tôi thấy rằng Thiên Chúa đang ôm lấy chúng tôi. Đó là mòn quà Thần Khí để chúng tôi ở lại và gia tăng niềm tin ngang qua gian khổ.”
Xơ Diana thuộc Dòng Đaminh cộng đoàn thánh Catarena Siena, nằm ở Mosul ở Miền Bắc Iraq. Quân đội Hồi Giáo đã đánh bom tu viện vào năm 2009, và sau khi được chính quyền địa phương bảo vệ cách đặc biệt, xơ Diana và cộng đoàn rời đến Qaraqosh.
ISIS tiếp tục công kích nơi ở của các xơ vào mùa hè năm ngoái. Khi ISIS càn quét hết các khu vực của Irag và Syria, lập một bộ máy cầm quyền, thì hơn 120.000 người Iraq đã bị trục xuất ra Cánh Đồng Niniveh, khi phải đối diện với một trong ba chọn lựa: buộc cải đạo sang Hồi Giáo; ở lại phải đóng thuế cho ISIS; hoặc rời khỏi ngay lập tức.
Cộng đoàn nhà dòng lại di chuyển một lần nữa, lần này đến Kurdistan. “Chúng tôi bị đuổi ra khỏi nhà trong một vài giờ mà không có bất kỳ một sự báo trước nào.”
Hầu hết không còn người kitô hữu nào ở lại Mosul, trừ khoảng 100 Kitô Hữu bị ISIS bắt làm con tin.
Rất khó khăn để xin được visa (thị thực) vào Mỹ, vì xơ bị Lãnh Sự Quán Mỹ ở bản địa từ chối vì Sơ là người không còn ở đó.
Sau đó nhờ áp lực lên Sứ Quán Mỹ, xơ được cấp visa để đến Mỹ làm chứng trước Uỷ Ban Ngoại Giao Hạ Viện Hoa Kỳ vào ngày 13.05 đề cập đến “cuộc chiến của ISIS chống lại các cộng đoàn tôn giáo thiểu số.”
Xơ Diana đã viết trong biên bản gởi lên uỷ ban rằng: “Bản thân tôi cũng là một người bé nhỏ - một nạn nhân của ISIS và tất cả sự dã man của nó. Tôi đến đây được đây rất ư gian khó. Tôi ở đây để xin quý vị, khẩn xin quý vị vì cộng đồng nhân loại của chúng tôi mà trợ giúp cho chúng tôi.”
Xơ nói “các Kitô Hữu ở Miền Bắc Iraq đã mất “hầu hết mọi thứ” khi ISIS phá huỷ và xúc phạm đến các nhà thờ, đền thờ, và những vùng đất thánh khác.”
“Chúng tôi đã mất hết mọi thứ trong vùng Kurdistan, chúng tôi cảm thấy không có phẩm giá nữa. Khi quý vị mất nhà cửa của mình, thì quý vị mất hết mọi thứ quý vị có. Quý vị mất di sản, văn hoá của quý vị.”
“Các tu viện đã tồn tại qua hàng nhiều thế kỷ nay đã bị phá huỷ thì đó là một dấu chỉ cho thấy rằng lịch sử của quý vị đã tan biến, quý vị chẳng là gì nữa.”
Trẻ em lớn lên không có một nền giáo dục đúng đắn và toàn thể đời sống gia đình đã “thay đổi cách triệt để.” “Chúng tôi bị bỏ rơi, đó là điều chúng tôi cảm nhận được!”
Nhà cầm quyền địa phương chỉ là một sự trợ giúp nhỏ bé đối với những người bị loại trừ. Chính quyền Kurdish đã cho phép các Kitô Hữu tị nạn bước vào lãnh thổ của họ nhưng lại không đưa ra một sự hỗ trợ ý nghĩa nào cả.
Giáo Hội tại Kurdistan đã là một sự trợ giúp lớn đối với các kitô hữu bằng việc cung cấp thực phẩm, chỗ ở, và những hỗ trợ khác.
Cuối cùng, người bị loại trừ muốn trở về quê hương của họ và không muốn tái định cư ở nơi nào khác cả. Có nhiều người nói ‘Tại sao các Kitô Hữu không rời khỏi Iraq và đi đến một đất nước nào khác và định cư ở đó?
Xơ trả lời “Tại sao chúng tôi phải rời khỏi đất nước của chúng tôi? Chúng tôi đã làm gì?”
“Người Kitô Hữu Iraq là dân tộc đầu tiên của vùng đất này. Mặc dù cha ông tổ tiên chúng tôi đã kinh qua đủ loại bách hại, nhưng họ vẫn ở lại trên mảnh đất của mình, xây dựng một nền văn hoá phục vụ nhân loại qua nhiều thời đại.”
“Chúng tôi không muốn gì hơn là được trở về với cuộc sống của chúng tôi. Chúng tôi không muốn gì hơn là trở về nhà.”
GNsP (theo CNA)