NHỮNG CÁM DỖ NGỌT NGÀO
Chẳng có ai lại không thích một cuộc sống tiện
nghi, an nhàn, dễ dãi. Chính lối sống này đã tác động không nhỏ đến giới nhà tu…
Dẫn nhập
Ngay khi được tạo
dựng, con người đã cảm thấy trong mình tồn tại sự giằng co giữa việc làm điều tốt
và điều xấu. Những trang đầu của sách Sáng Thế cho ta thấy con người luôn mang
trong mình ước muốn làm chủ tể vạn vật, tự ý định đoạt điều gì là tốt hay xấu
theo sở thích, và khi lòng ham muốn bị con rắn kích thích, xúi giục, nguyên tổ
đã phạm tội.
Như vậy, sự xấu và cám dỗ bắt nguồn từ cả bên trong lẫn bên ngoài
con người. Đôi khi nó xuất
phát do nhu cầu tự nhiên, do tình cờ, do bị xúi giục, nhưng đôi khi cũng do con
người tự tìm lấy. Sự nguy hiểm là ở chỗ con người rất dễ bị lôi cuốn bởi những
lời lẽ đường mật ngon ngọt, và óc tưởng tượng lai thêu dệt thêm nhiều lợi ích
giả tạo [1]. Điều này giải thích tại sao thánh Phaolô phải thú nhận với tín hữu
Rôma rằng: “Muốn sự thiện thì tôi có thể
muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi
không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7,18-19).
Vẫn biết rằng
cám dỗ là điều tất yếu, luôn có và cần thiết, nhưng nếu con người không cẩn trọng
thì sa ngã là điều khó tránh khỏi. Chính vì vậy, khi dạy các tông đồ cầu nguyện,
Đức Giêsu đã không quên dạy các ông thưa với Chúa Cha rằng: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”
(Mt 6,13). Nhưng lẽ thường, con người chỉ đề phòng và chiến đấu chống trả những
cám dỗ nặng nề, chứ chẳng mấy ai có đủ bản lĩnh để chống lại những cám dỗ ngọt
ngào vốn đang ru ngủ chính bản thân mình.
Trong bối cảnh
xã hội hiện nay, con người, đặc biệt là những người sống ơn gọi tu trì vẫn luôn
có thừa lý do để biện minh cho giấc ngủ của mình trong vô vàn những cám dỗ ngọt
ngào của cuộc sống.
I. VÌ CHÚA VÀ GIÁO HỘI
Lý do thứ nhất
mà giới nhà tu chúng ta đưa ra để biện minh cho mình không gì khác hơn và cũng
không gì cao quý hơn là chúng ta làm vì Chúa, Giáo hội và Hội dòng. Vì Chúa,
Giáo hội và Hội dòng chúng ta mới xả thân làm việc, mới giảng giải Lời Chúa và
mới phục vụ tha nhân.
1. Xả thân hay vinh
thân?
Nhìn vào thực
trạng đời sống của những người sống trong ơn gọi tu trì hiện nay, nhiều người
không thể không đặt lại câu hỏi: Chúng ta đi tu vì Chúa và Giáo hội hay là để
mong tìm một vị thế xã hội? Dĩ nhiên chẳng ai trong chúng ta dấn thân trong ơn
gọi tu trì chỉ để tìm kiếm một vị thế xã hội hay chút ít danh vọng; nhưng cũng
chẳng ai trong chúng ta dám khẳng định rằng mình đi tu là hoàn toàn vì Chúa và
Giáo hội.
Người Việt Nam
luôn tôn trọng và kính phục những người sống trong “nhà Đức Chúa Trời. ”Tâm thức
ấy đã ít nhiều tác động đến giới nhà tu chúng ta. Vậy nên, đôi lúc chúng ta cảm
thấy hãnh diện và tự hào vì mình là một tu sĩ hay giáo sĩ. Cũng vì lẽ ấy mà đôi
khi chúng ta cảm thấy buồn phiền vì cảm thấy mình không được kính trọng, không được gọi bằng cha này, thầy kia hay sơ nọ như ý mình muốn, rồi từ
đó đâm ra chán nản, mất dần nhiệt huyết phục vụ.
Rất có thể, khi
được trao nhiệm vụ, chúng ta không ngại xả thân làm việc hết mình, quên ăn,
quên ngủ để mong sao chu toàn trách vụ cách tốt nhất theo khả năng. Thế rồi khi
công việc hoàn tất, chúng ta lại muốn được người này kể công, người kia biết ơn, người khác nữa khen ngợi. Nhờ thành quả tốt, chúng ta dễ được nể phục, được tôn vinh.
Mãn nguyện,
chúng ta có nguy cơ quên rằng bên cạnh sự nỗ lực bản thân, còn có ơn Chúa và sự
công tác trực tiếp hay gián tiếp của nhiều người khác nữa.
2. Ý Chúa hay ý ta?
Ơn gọi tu trì
là cơ hội tốt để chúng ta học hiểu và sống Lời Chúa, rồi từ đó trao tặng cho
người khác. Vậy mà đôi khi chúng ta lại rất hăng hái, nhiệt tình giảng giải Lời
Chúa một cách rất ư là chủ quan, không theo ý Chúa mà cũng chẳng theo hướng dẫn
của Giáo hội. Đó là chưa kể đến việc một số người trong chúng ta có lúc còn uốn cong cả Lời Chúa để giải thích theo ý riêng, sao cho có lợi
cho mình mà không nghĩ đến trách nhiệm và bổn phận phải giảng dạy Lời Chúa cách
tinh ròng.
Đáng buồn hơn nữa
là có những người trong chúng ta lại lợi dụng Lời Chúa, lợi dụng toà giảng để nói xấu, lên án, chỉ
trích hay chửi bới người khác. Vì vậy, có người đã phải đau đớn và thất vọng mà
nói lên rằng họ phải đi “lễ chửi”; hay hôm nào dự lễ mà không thấy cha chửi thì
họ lại mỉa mai: “Hôm nay cha ăn cơm không
ngon. ” Ấy vậy mà lắm khi chúng ta còn cố tình ngây ngô giải thích rằng:
ngày xưa Đức Giêsu cũng thường hay lên án và chỉ trích những người thuộc giới
lãnh đạo Do Thái, thậm chí Người còn đánh đuổi, đập phá đồ đạc và hàng hoá của
họ ngay tại đền thờ nữa.
Tiếc thay,
chúng ta đã đồng hoá sự thánh thiện của Chúa với những giận dữ chẳng có chút gì
là thánh thiện của bản thân.
3. Quyền hay hành?
Theo gương Đức
Giêsu, chức quyền của chúng ta là để phục vụ chứ không phải để được phục vụ và
thống trị (x. Mt 20,24-28). Sống được như thế không phải là điều đơn giản chút
nào; vì xu hướng chung của con người là khi lãnh trách vụ, có quyền trong tay rồi thì chúng ta hay “hành” người khác. Thực tế cho thấy rõ điều đó.
Khi có địa vị
và quyền lực, chúng ta rất dễ dàng đòi hỏi này nọ. Chúng ta đòi hỏi người khác,
nhất là những người dưới quyền, phải làm điều này điều kia cho mình và theo ý
mình. Chúng ta thích ra lệnh, thích sử dụng quyền lực để buộc người khác phải
vâng lời. Rồi khi đã quen ra lệnh, chúng ta có nguy cơ dễ dàng lạm quyền để làm
những việc nằm ngoài trách vụ và quyền hạn của mình, hoặc can thiệp sâu vào các vấn đề riêng tư của cá nhân hay các sinh hoạt nội bộ của các nhóm, các cộng đoàn khác.
Vậy, thay vì để
phục vụ, chúng ta lại bị cám dỗ dùng quyền để làm khổ người khác
II. VÌ ĐỨC ÁI
Lý do thứ hai
mà chúng ta thường nại đến để biện minh cho mình là vì đức ái. Vì đức ái, chúng
ta mới góp ý xây dựng, mới lo cho lợi ích chung và mới sống vì tha nhân.
1. Góp ý hay chỉ
trích?
Góp ý xây dựng
luôn là điều tốt và nên làm. Chính Đức Giêsu cũng đã khuyên các môn đệ nên góp
ý xây dựng và sửa lỗi cho nhau (x. Mt 18,15-17).
Tuy nhiên,
trong thực tế chẳng mấy khi chúng ta hoàn toàn thực lòng góp ý xây dựng cho người
khác. Rất có thể ẩn sâu trong những lời góp ý của chúng ta là thái độ phê bình
chỉ trích người khác. Đây là khuynh hướng tự nhiên của hầu hết chúng ta. Chúng
ta dễ dàng nhìn thấy khuyết điểm hơn là ưu điểm của người khác để rồi tìm cách
bắt bẻ, phê bình, chỉ trích họ. Đôi khi chúng ta lấy làm tự hào vì mình đã nhận
ra khuyết điểm để góp ý cho họ và nghĩ rằng họ sẽ cám ơn và thán phục chúng ta
[2].
Nhìn lại, việc
xét đoán hay chỉ trích người khác chẳng nói lên được điều gì từ phía người bị
chỉ trích nhưng lại cho thấy thái độ muốn chê trách, lên lớp, giáo điều của
chúng ta. Bởi cho rằng quan niệm của mình là hay, là đúng nên khi đối diện với
những người có quan điểm khác, chúng ta thường hay tìm cách bắt bẻ, phê bình và chỉ trích họ.
Lại nữa, khi có
thành kiến với người nào đó, rồi nhân cơ hội có ai góp ý với người ấy là ta dễ
dàng nhảy vào ngay và cũng sẽ không tiếc lời “góp ý” với đối tượng để chỉ rõ những
hạn chế, khuyết điểm của họ.
2. Ích chung hay
ích riêng?
Là những người
dấn thân trong lý tưởng phục vụ, chúng ta luôn sẵn sàng làm mọi việc vì lợi ích
chung của mọi người. Chính vì lẽ đó mà chúng ta luôn nhận được sự hỗ trợ đắc lực
về nhân sự, phương tiện, cơ sở vật chất… và dĩ nhiên là cả tiền bạc nữa. Nhờ uy
tín, chúng ta dễ được nhiều người “chọn mặt gửi vàng. ” Do vậy, càng ngày chúng
ta càng có nhiều điều kiện để phục vụ ích chung.
Tuy nhiên,
trong quá trình phục vụ, đôi khi nhìn lại thời gian và công sức mình đã bỏ ra với
những thành quả đạt được, chúng ta lại nghĩ đến những điều mình có quyền được
hưởng; và từ đó, chúng ta bắt đầu có khuynh hướng tìm lợi lộc riêng cho mình, với lý do: làm thợ thì đáng được
trả công. Ban đầu chúng ta tự “trả công” cho mình bằng những cái rất nhỏ bé,
bình thường, nhưng sau đó chuyển dần sang những cái có giá trị lớn hơn; và cuối
cùng, nếu không cẩn trọng, chúng ta dễ có nguy cơ mắc vào thói quý chuộng của cải
và ham thích tiền bạc, để rồi tự biến mình thành con người tham lam, ích kỷ và
vụ lợi.
Nhìn vào thực tế,
chúng ta không khỏi đau lòng vì vẫn còn đó nhiều tu sĩ hay giáo sĩ đangvướng
vào vòng xoáy của cơn lốc lợi lộc, tiền tài, xem ích chung nhẹ hơn ích riêng,
chỉ biết lo vun vén cho riêng mình mà quên đi bổn phận và trách nhiệm phải lo
cho ích chung của tất cả mọi người.
3. Tha nhân hay bản
thân?
Chúng ta thường
cố gắng để tạo nên và duy trì các mối tương quan với nhiều cộng đoàn, nhiều
nhóm và nhiều cá nhân khác nhau, bởi lý do rất đơn giản và chính đáng: vì lợi
ích của tha nhân.
Tuy nhiên, thực
tế không đơn thuần như vậy. Hình như có chút gì đó vụ lợi ẩn sâu dưới
lớp vỏ đức ái của chúng ta. Rất
có thể chúng ta làm như vậy là để tạo cho mình một vị thế, một chỗ đứng nào đó.
Rất có thể chúng ta đang tìm một chút danh vọng hay lợi lộc, tiền tài. Rất có
thể chúng ta muốn chứng tỏ cho mọi
người biết những khả
năng thiên phú của mình. Hay cũng rất có thể là chúng ta đang cố gắng lấp đầy nỗi
cô đơn, trống vắng trong tâm hồn…
Và để khỏa lấp
nỗi cô đơn, trống vắng ấy, chúng ta rất dễ dàng tìm đến những mối tương quan với người khác phái. Điều này dễ hiểu, bởi đó là xu hướng tự
nhiên của con người. Nhưng phải chăng mối tương quan của chúng ta trong những
cái gọi là “người hướng dẫn tâm linh”, “người đồng hành thiêng liêng”, “người mẹ
thiêng liêng”, “người cha tinh thần”, “người anh em kết nghĩa” hay “người bạn đồng
chí hướng”,… đều hoàn toàn cần thiết, tốt đẹp và trong sáng?
Có lẽ, tự mỗi
người chúng ta đã có câu trả lời cho mình!
III. VÌ SỨ VỤ
Lý do thứ ba để
chúng ta biện minh cho mình là vì sứ vụ. Vì sứ vụ, nên chúng ta cần phải có những
phương tiện để làm việc; và khi đã mệt mỏi, chúng ta cần được nghỉ ngơi dưỡng sức
1. Sứ vụ hay đua
đòi, hưởng thụ?
Để thi hành sứ
vụ, bên cạnh yếu tố con người, chúng ta còn cần đến sự hỗ trợ của rất nhiều
phương tiện khác. Càng có nhiều phương tiện hiện đại, chúng ta càng dễ dàng làm
việc và dễ dàng thành công. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội thực dụng và hưởng
thụ hiện nay, đặt ra những nhu cầu giả tạo trong việc sử dụng các phương tiện
hiện đại để hỗ trợ cho công cuộc thi hành sứ vụ đang là một cám dỗ hết sức ngọt
ngào và tinh tế đối với mỗi người chúng ta.
Một chiếc xe
máy, một chiếc máy vi tính, một chiếc điện thoại di động,… có thể là những
phương tiện rất hưũ ích cho sứ vụ của chúng ta. Chúng ta cần những phương tiện ấy
để làm việc. Nhưng nhìn lại thì hình như có chút gì đó hơi xa hoa, hưởng thụ và đua đòi. Hãy xem, chiếc xe máy của chúng ta không
chỉ bền, đẹp, chạy tốt mà còn là xe phân khối lớn, đắt tiền, mẫu mã thể thao, rất
sành điệu và hợp thời; dàn máy vi tính của chúng ta cũng vậy, phải luôn là loại
mới nhất, với đầy đủ các chương trình phần mềm hiện hành có tính năng ưu việt,
và dĩ nhiên phải nối mạng Internet nữa; còn chiếc điện thoại di động của chúng
ta cũng phải luôn là loại mới nhất, đẹp nhất, có thể nghe nhạc, chụp hình hay nối
mạng Internet được,…
Những phương tiện
ấy có vẻ rất cần thiết, song thực ra nhu cầu của chúng ta không đến mức đòi hỏi
chúng phải hiện đại, tối tân đến như vậy. Chúng ta chỉ cần có phương tiện đi lại,
làm việc và liên lạc, miễn sao chúng ở trong tình trạng sử dụng tốt và hiệu quả
là đủ. Còn những yếu tố khác chỉ là tùy phụ, nên nếu chúng ta muốn có những phương tiện đắt tiền, hiện đại nhất thì đó chỉ là đua đòi, hưởng thụ hay để tỏ
ra mình là người chịu chơi, sành điệu hơn người khác.
2. Nghỉ ngơi hay
ươn lười, thoái thác?
Ngày nay, với
khối lượng và áp lực công việc vốn đã nhiều đang ngày càng tăng lên, khiến
chúng ta dễ có nguy cơ rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng, kiệt sức hay đột
quỵ. Vì thế, để có sức khoẻ bền bỉ, dẻo dai hầu thi hành sứ vụ cách hiệu quả,
chúng ta cần có những khoảng thời gian thư giãn,
nghỉ ngơi cho lại sức. Chính Đức Giêsu đã khuyên các môn đệ và cả chúng ta: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”
(Mc 6,31).
Đức Giêsu
khuyên chúng ta nghỉ ngơi đôi chút để có sức khoẻ làm việc, nhưng dường như
chúng ta đang có xu hướng lạm dụng câu nói ấy. Để được sống an nhàn, thảnh
thơi, chúng ta dễ thoái thác mọi công việc, với lý do là cần phải học hỏi, rèn
luyện và đào sâu thêm kiến thức hầu chuẩn bị tốt cho sứ vụ tương lai; nhưng thực
ra là vì chúng ta sợ công việc, sợ
trách nhiệm, sợ liên luỵ, sợ phải đối diện với những khó khăn thử thách trên hành trình dấn thân vì sứ vụ.
Cũng vậy, không hiếm khi chúng ta nại đến trách vụ mình đang đảm nhận để từ chối
công việc khác, từ chối hỗ trợ người khác, dù rằng mình có thừa khả năng để làm
những việc ấy.
Chưa hết, lắm
khi chúng ta còn nại đến những công việc, những trách nhiệm của mình ở nơi nọ,
nơi kia để từ chối, trốn tránh các sinh hoạt chung của cộng đoàn như làm việc,
học hành, hội họp,… và thậm chí là cả phụng vụ nữa. Tệ hơn, có khi vì ham chơi,
mải tán gẫu hay mê ngủ nướng mà chúng ta bỏ những việc trên, để rồi được an
lòng khi nại đến lý do: cứ thư giãn, nghỉ ngơi cho khoẻ để lấy sức làm việc!
TẠM KẾT: HÃY TỈNH THỨC
VÀ HÃY NGẨNG ĐẦU LÊN
Trong bối cảnh
xã hội thực dụng hiện nay, chúng ta có dám nói không trước những lời mời gọi hưởng
thụ quyến rũ của đời sống vật chất; bởi chẳng có ai lại không thích một cuộc sống
tiện nghi, an nhàn, dễ dãi. Chính lối sống này đã tác động không nhỏ đến giới
nhà tu, khiến chúng ta luôn phải đối diện với những cám dỗ hết sức ngọt ngào và
tinh tế trên bước đường thi hành sứ vụ.
Do đó, dưới ánh
sáng Tin mừng, chúng ta phải luôn luôn tỉnh thức và canh phòng cẩn trọng, cũng
như phải không ngừng nỗ lực nhận diện và ra sức chống trả những chước cám dỗ vốn
đang ẩn tàng dưới rất nhiều dạng thức khác nhau. Chỉ có như vậy, chúng ta mới
có thể vượt thắng được những cám dỗ ngọt ngào vốn đang ru ngủ không những con
người thời đại mà cả chúng ta nữa.
Để được như thế,
chúng ta cần huấn luyện lương tâm sao cho mỗi ngày một nhạy bén và trong sáng
hơn, hầu có thể nhận ra đâu là những cám dỗ có nguy cơ làm cho mình lạc xa đường
lối Chúa, dù rằng đó chỉ là những cám dỗ nhẹ nhàng, êm ái.
Ước mong sao mỗi
chúng ta luôn được bền đỗ và hạnh phúc trong ơn gọi, dẫu có lúc cảm thấy mình bị
lúng túng, chao đảo khi phải đối diện với vô số những mời gọi, cám dỗ trên đường
đời.
Lm. Đa Minh
Đinh Viết Tiên
[1] Xc. Phan Tấn
Thành, Đời Sống Tâm Linh III, tr. 290.
[2] Xc. Veritas,
Con Đường Hạnh Phúc II, tr. 35.