CHÀNG RỂ CÒN Ở VỚI HỌ
Khi còn hướng về Chúa, ai cũng sẽ vui mừng
nhận ra Thiên Chúa chia sẻ đến tận cùng thân phận làm người của họ với một tình yêu vô
biên vô lượng.
Ngày 17.2.2006, một trận lũ bùn kinh
khủng đã chôn vùi cả ngôi làng Guinsaugon, tỉnh Leyte, Philippines, mà số người
thiệt mạng được dự đoán lên đến con số 1800. Trong cả tuần, người ta tìm kiếm
suốt ngày đêm chỉ mong cứu được hết những ai còn sống.
Việc tìm kiếm tập trung chủ yếu vào
một ngôi trường có khoảng 250 học sinh đang học khi nửa ngọn núi ập xuống làng.
Có một thông tin chưa được kiểm chứng cho biết một số học sinh gửi tin nhắn qua
điện thoại di động làm cho các đội cứu hộ hăng hái hẳn lên.
Đêm Chúa nhật 19.2.2006, nghị sĩ
Roger Mercado cho biết: “Họ đã chạm được
tới đỉnh của ngôi trường. Họ sẽ tiếp tục đào và lắng nghe những âm thanh của sự
sống ở bên dưới.” Đêm sau, máy cảm biến của đội cứu hộ Mỹ và Malaysia đã
phát hiện ra những tiếng như sột soạt và gõ nhẹ, và họ đã nỗ lực tìm suốt đêm. Trước
những dấu hiệu của sự sống, ông Rosette Lerias, tỉnh trưởng Leyte, cho biết: “Đối với tôi, điều đó quá đủ để vui mừng.”
Thật khó mà tưởng tượng được là có
ai sống sót sau năm, sáu ngày bị chôn vùi dưới lòng đất ẩm ướt, nhưng người ta
vẫn cứ tìm.
Còn hơn thế là cuộc tìm kiếm của
tình yêu Thiên Chúa: bao nhiêu ơn lành Chúa ban cũng mau chóng bị tà thần phủ lấp
đi: “Nó đâu biết rằng chính Ta đã ban cho
nó lúa mì, rượu mới với dầu tươi, cũng chính
Ta đã tặng cho nó bạc vàng nhiều vô kể, vậy mà chúng lại đem chế tạo đồ dâng
kính Ba-an!”; dù vậy, tình yêu Chúa vẫn luôn tìm kiếm họ, và trong mầu nhiệm nhập thể, Chúa đã lập hôn ước với họ để chia sẻ
những giới hạn và đau khổ của phận con người, sẵn lòng mang cả tội lỗi của họ,
vì yêu: “Ta sẽ lập hôn ước với ngươi
trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương” (Hs 2,10.21).
Phận người có nhiều giới hạn, như
sách Giảng viên trình bày: “Ở dưới bầu trời
này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để
lìa thế” (Gv 3,1-2). Khi lập hôn ước với nhân loại, Đấng vô hạn đã sẵn lòng
trở nên hữu hạn, “có một thời để chào đời,
một thời để lìa thế”, để từ nay trong Ngài, cuộc sống hữu hạn của mỗi người
cũng mang thêm chiều kích vô hạn của Thiên Chúa.
Phận người phải chịu đau khổ, nhưng
trong hôn ước với con người, Đức Kitô chịu đóng đinh đã nên ánh sáng rạng chiếu
đời người trong mọi nghịch cảnh, đau khổ. Thánh Vianney đã trình bày một cách
tuyệt diệu sức mạnh tô đẹp mọi sự của tình yêu Chúa: “Dù muốn dù không, phải đau khổ. Có người đau khổ như người trộm lành,
người khác thì như tên trộm dữ. Cả hai đều đau khổ như nhau; nhưng một người
thì biết làm cho đau khổ của mình đầy công đức, chấp nhận chúng trong tinh thần
đền bù và quay về phía Đức Giêsu, người ấy đón nhận từ môi miệng Ngài những lời
đẹp đẽ này: “Hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng cùng Ta.” Còn trái lại, người kia la hét, phun ra những
lời chửi rủa độc địa, báng bổ và chết trong nỗi tuyệt vọng khủng khiếp nhất.”
Trong hôn ước đặc biệt này, sự trung
thành của tình yêu Chúa trở nên nền tảng vững chắc cho hạnh phúc nhân loại. Dù
có bị đau khổ bao vây đến đâu, hạnh phúc của mọi người tùy vào hướng nhìn
của họ: khi còn hướng về Chúa, “chàng rể còn ở với họ”, ai cũng sẽ vui
mừng nhận ra Thiên Chúa - người bạn đời của họ - chia sẻ đến tận cùng thân phận
làm người của họ với một tình yêu vô biên vô lượng: “Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi.
Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải
hà” (Tv 103,3-4); còn khi quay đi nơi khác, họ sẽ thấy mình phải cô đơn đương
đầu với bao đau khổ bình thường của kiếp người.
Nhưng không ai có thể đóng khung
tình yêu trong một giới hạn quy định nào. Dù đánh phạt hay chữa lành, mọi
việc Chúa làm đều bởi tình yêu. Thần
Khí-Tình yêu là rượu mới mà Đức Kitô đem đến, không thể chứa được trong những bầu
rượu cũ là lề luật cứ theo chữ viết trong văn bản: “Đấng ban cho chúng tôi khả năng phục vụ Giao ước mới, không phải Giao ước
căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thần Khí. Vì chữ viết thì giết chết, còn Thần
Khí mới làm cho sống” (2Cr 3,6).
Trong cuốn “Chạy trốn”, sau khi kể một
câu chuyện ngắn về một nhà ga xe lửa được xây dựng cách làng 3 km, cha Anthony
de Mello đã viết: “Một nhà ga hiện đại
cách xa đường sắt 3 km thì cũng vô lý không kém một đền thờ người ta hay lui tới
nhưng lại cách xa cuộc sống của họ đến 3 cm!”
Tôi trách người khác vì sự lười biếng
việc đạo của họ, lại an tâm về sự chuyên chăm giữ luật của mình, nhưng Chúa chỉ
hỏi tôi: “Chàng Rể còn ở với tôi không?”