Suy niệm hạnh thánh _ 25/4

Thánh Marcô
(1578-1622)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Những gì chúng ta biết về Thánh Máccô thì trực tiếp từ Kinh Thánh Tân Ước. Ngài thường được coi là nhân vật Máccô trong Tông Đồ Công Vụ 12,12 (Khi Phêrô thoát khỏi ngục và đến nhà mẹ của Máccô).
Phaolô và Barnabas muốn đem theo Máccô trong chuyến truyền giáo đầu tiên, nhưng vì một vài lý do nào đó, Máccô đã ở lại Giêrusalem một mình. Trong cuộc hành trình thứ hai, Phaolô lại từ chối không muốn đem theo Máccô, bất kể sự nài nỉ của Barnabas, điều đó chứng tỏ Máccô đã làm phật lòng Phaolô. Sau này, Phaolô yêu cầu Máccô đến thăm ngài khi ở trong ngục, điều đó cho thấy sự bất hòa giữa 2 người đã không còn.
phúc âm đầu tiên và ngắn nhất trong bốn Phúc Âm, Máccô nhấn mạnh đến việc Đức Giêsu bị loài người tẩy chay trong khi chính Người là Thiên Chúa. Phúc Âm Thánh Máccô có lẽ được viết cho Dân Ngoại tòng giáo ở Rôma -- sau cái chết của Thánh Phêrô và Phaolô khoảng giữa thập niên 60 và 70.
Cũng như các thánh sử khác, Máccô không phải là một trong 12 tông đồ. Chúng ta không rõ ngài có biết Đức Kitô một cách cá biệt hay không.
Dấu hiệu của Thánh Máccô là sư tử có cánh, do bởi đoạn Máccô diễn tả Gioan Tẩy Giả như một "tiếng kêu trong hoang địa" (Máccô 1,3), mà các nghệ nhân so sánh tiếng kêu ấy như tiếng sư tử gầm. Đôi cánh của sư tử là vì người ta dùng thị kiến của Êgiêkien về bốn con vật có cánh mà áp dụng cho các thánh sử.
Suy niệm 1:  Kinh Thánh
Những gì chúng ta biết về Thánh Máccô thì trực tiếp từ Kinh Thánh Tân Ước.
Kinh Thánh là một kho tàng tích chứa mọi sự khôn ngoan trời đất mang tính vô tận và tuyệt hảo, vì thế chẳng những Kinh Thánh giúp cho chúng ta biết được về Thánh Mác cô mà còn bao điều khác nữa.
Chính Đức Giêsu đã hé mở cho thấy giá trị vượt thời gian và không gian của Kinh Thánh khi nói: Lời Kinh Thánh không thể bị hủy bỏ (Ga 10,35) và được thánh Phêrô xưng tụng: Lời Chúa vẫn tồn tại đến muôn thuở muôn đời (1Pr 1,25).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống niềm xác tín về giá trị vô cùng của Kinh Thánh.
Suy niệm 2:  Ở lại
Phaolô và Barnabas muốn đem theo Máccô trong chuyến truyền giáo đầu tiên, nhưng vì một vài lý do nào đó, Máccô đã ở lại Giêrusalem một mình.
Lên đường truyền giáo là một sứ vụ quan trọng và khẩn thiết, nhưng chủ yếu phải ở lại cùng Chúa để nhận ra Thiên Ý và thực thi. Đó cũng là lý do Máccô không lên đường truyền giáo như ý định của Phaolô và Barnabas mà ở lại Giêrusalem một mình.
Và nhất là sau này nhiều người khác cho rằng Máccô đã ở lại làm giám mục đầu tiên của Alexandria, Ai Cập. Thành phố Venice, nổi tiếng với quảng trường San Marco, cho rằng Thánh Máccô là quan thầy của thành phố này; một vương cung thánh đường vĩ đại ở đây được coi là nơi chôn cất thánh nhân.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết ở lại cùng Chúa để nhận ra Thiên Ý và thực thi. 
Suy niệm 3:  Bất hòa
Phaolô yêu cầu Máccô đến thăm ngài khi ở trong ngục, điều đó cho thấy sự bất hòa giữa 2 người đã không còn.
Thật khó hình dung được việc ở những bậc thánh nhân như một Phaolô và một Máccô lại để mối bất hòa xảy ra. Nhưng điều này cho thấy thánh nhân cũng chỉ là con người, nên trên bước đường hoàn thiện bản thân vẫn luôn tồn tại nhiều khuyết điểm cần phải sửa chữa.
Nhưng cũng chính nhờ thánh thiện mà cuối cùng các ngài cũng đã giải hòa được với nhau, để lại một tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Ai cũng có lỗi lầm, điều qun trọng là biết kiên nhẫn khắc phục.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nghiền ngẫm và thực hành lời dạy: Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn (Ep 4,26).
Suy niệm 4:  Phúc âm
Là phúc âm đầu tiên và ngắn nhất trong 4 Phúc Âm, Máccô nhấn mạnh đến việc Đức Giêsu bị loài người tẩy chay trong khi chính Người là Thiên Chúa.
Cuộc đời Thánh Máccô đã hoàn tất những gì mà mọi Kitô Hữu được mời gọi để thi hành: rao truyền Tin Mừng cứu độ cho mọi người. Đặc biệt, phương cách của Thánh Máccô là qua sự viết văn với kiệt tác được gọi là phúc âm thánh Máccô.
Những người khác có thể loan truyền Tin Mừng qua âm nhạc, nghệ thuật sân khấu, thi văn hay giáo dục con em ngay trong gia đình, tùy theo nén bạc mà Chúa ân ban cho mỗi người.
* Lạy Chúa Giêsu, xin thương giúp chúng con đừng lười biếng chôn vùi tài năng mà phải phát huy hết khả năng mình.
Suy niệm 5:  Cá biệt
Cũng như các thánh sử khác, Máccô không phải là một trong 12 tông đồ. Chúng ta không rõ ngài có biết Đức Kitô một cách cá biệt hay không.
Một số sử gia cho rằng vị thánh sử này đã nói đến chính ngài trong đoạn Đức Kitô bị bắt ở Giệtsimani: "Bấy giờ một người trẻ đi theo Người chỉ khoác vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh, nhưng anh tuột tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng" (Máccô 14,51-52).
Như thế Máccô cũng có biết Đức Giêsu cách cá biệt, nhưng thật ra vốn là đệ tử ruột của thánh Phêrô (1Pr 5,13), Máccô đã dựa theo những lời giảng dạy của thánh Phêrô, để ghi chép mạch lạc thành những chương mục về cuộc sống của Chúa Giêsu, và hoàn thành cuốn phúc âm vô giá.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con mạnh dạn chia sẻ những hiểu biết về Chúa cho tha nhân.
Suy niệm 6:  Dấu hiệu
Dấu hiệu của Thánh Máccô là sư tử có cánh, do bởi đoạn Máccô diễn tả Gioan Tẩy Giả như một "tiếng kêu trong hoang địa" (Máccô 1,3), mà các nghệ nhân so sánh tiếng kêu ấy như tiếng sư tử gầm.
Đôi cánh của sư tử là vì người ta dùng thị kiến của Êgiêkien về bốn con vật có cánh mà áp dụng cho các thánh sử. Dấu hiệu của thánh Mátthêu là người vì khởi đầu nói về gia phả Đức Giêsu (Mt 1,1). Dấu hiệu của thánh Luca là bò rừng vì đề cập đến việc tế tự (Lc 1,6) và của thánh Gioan là phượng hoàng vì hướng tới Ngôi Lời cao vời (Ga 1,1).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con không dừng lại ở dấu hiệu nhưng khám phá thấy ý nghĩa ẩn sâu trong dấu hiệu.