MÙA TIÊU CHÍN RỘ
Tình yêu của người nằm trên cây gỗ giá thúc giục
chị, tình yêu đó cũng đã kết nối chị với nhiều người.
Năm đó tôi mười
tám, mùa màng thất bát, tôi theo bạn bè lên tận miệt Lộc Ninh hái tiêu mướn. Lẫn
lộn trong nhóm công nhân làm mướn tôi quen chị. Chị không phải dân bản xứ, cũng
làm mướn như tôi, nghe đâu ở tận Miền Tây lên lập nghiệp.
Đáng lý ra tôi
cũng không quen chị, nhưng do duyên số đưa đẩy, buổi chiều hôm đó,vì cố quá sức,
tôi xỉu ngay khi đang hái tiêu. Chị tận tình chăm sóc tôi, ngưng việc hái tiêu
chị đưa tôi về nhà chị ở gần đó. Căn nhà nhỏ nhắn, lợp bằng mái tole cũ kỷ, gọn
gàng sạch sẽ. Tỉnh dậy tôi thấy mình đang nằm trên chiếc giường nhỏ, trước mắt
là ảnh tượng cây gỗ giá có người nằm treo trên.
Nhà chỉ có hai
chị em. Chị chuyên đi hái tiêu mướn. Tôi thỉnh thoảng có gặp chị, cười chào rồi
đi. Chị cần mẫn, không bô lô bô la như bọn làm mướn chúng tôi. Có vẻ như con
cái nhà lành, chăm chỉ làm việc, hay cười nhưng ít nói, cư xử rất tốt với mọi
người, ai cũng quý mến chị. Người em thì ít khi ra khỏi nhà, dường như là giữ
trẻ mướn cho mấy người trong làng.
Tôi quen chị kể
từ đó. Chúng tôi hay đi hái tiêu, hoặc làm cỏ, dọn vườn mướn cho các nhà thiếu
công vắng người. Lâu lâu rảnh rỗi ghé nhà, chị đãi chén chè, ly nước, tình thân
thắm thiết.
Có lần chị rủ
tôi:
-
Mẫn ơi, ngày mai rảnh đi với chị, có ít quần áo, lương thực bà con ở thành
phố gửi cho, chị muốn đi thăm bà con người dân tộc sống gần.
-
Mình có thể đi trễ chút, vì ngày mai em còn làm nốt phần cỏ hôm qua còn cù
lại.
Chị dẫn tôi len
lõi qua những vườn tiêu, đến với gia đình người dân tộc.
-
Có vẻ chị đến đây lâu, nên rành đường đi? Tôi tò mò hỏi.
-
Khoảng nửa năm, thi thoảng chị hay đi thăm bà con dân tộc.
Cái từ “ Bà
con” của chị tôi nghe như chị gần gũi với họ, nghe như có dây mơ rễ má gì thì
phải?
Nơi đầu tiên
chúng tôi ghé. Bé gái lớn 14 tuổi, hai đứa nhỏ độ tầm 10 và 8. Chị đến chúng
vui mừng ra mặt, dường như họ quen thân nhau. Tôi nghe chúng nó gọi chị bằng Cô.
Chị mang bọc quần áo đã gói sẵn đưa cho con bé lớn. Tôi định hỏi em Ba Mẹ đi
đâu vắng nhà, nhưng thấy chị không quan tâm đến việc đó nên thôi. Chị xách túi
gạo, giúp nó cho vào hủ, cái hủ gạo cạn đến sát đáy. Con bé lớn hớn hở:
-
Chiều nay con định nấu cháo. Mai mà Cô đến…
Nó bỏ lửng câu
nói, nhưng dường như chị hiểu nó và họ hiểu nhau sâu sắc thì phải.
Hai đứa nhỏ ướm
thử mấy cái áo mới, vừa vặn khoe chị. Chị xoa đầu chúng, chị kéo đứa bé gái nhỏ
vào lòng thủ thỉ gì đó tôi không nghe rõ lắm, hình như họ nói với nhau bằng
ngôn ngữ xa lạ nào đó, tôi chẳng nghe ra. Con Bé nhỏ có vẻ hiểu chị nói gì, mắt
nó tư lự rồi đầu gật xuống tỏ rõ sự đồng thuận với chị.
Trước khi rời
nơi đó, chị dặn dò bé lớn đôi điều, tôi cảm nhận như chị và chúng được sinh ra
để nương tựa nhau. Mà nói đúng hơn mấy đứa nhỏ tựa vào chị và chị hạnh phúc vì
điều đó. Tôi thấy trên nét mặt chị, trong mắt chị lộ rõ niềm hạnh phúc.
Đến một vài nhà
khác, có khi là người quá nghèo, người già neo đơn, hoặc người bệnh, chị ân cần
với họ, chị quan tâm họ, tấm lòng của chị lớn quá làm cho mọi người rưng rưng
nước mắt, ngậm ngùi niếu lấy tay chị, dường như họ muốn chị ở lâu hơn, muốn chị
hiện diện bên họ, trên cả những vật chất chị mang đến họ như nhận được hơi ấm
áp lan tỏa từ trái tim chị.
Đường đi vất vả,
tôi không thấy chị nề hà, niềm vui luôn tràn trào trong khóe mắt, tình thương
luôn đông đầy trong tim, đôi tay luôn dang ra kết nối mọi người.
Sao đời có nhiều
điều lạ lùng?
Trên đường về
chị kể chuyện ba đứa nhỏ tội nghiệp, cha mất cách đây mấy năm trong một tai nạn
lao động. Mẹ mới chết hai tháng trước bệnh nan y. Đứa lớn đùm bọc hai đứa nhỏ,
nhiều tổ chức từ thiện đến đón về nuôi, nhưng chúng không theo vì nơi đó còn mộ
ba mẹ.
Bà Lão trong
cái tum rách rưới nằm sâu trong vườn tiêu thì có đứa con trai biệt tăm biệt
tích.
Vợ chồng A lú
thì làm quần quật, con năm đứa, lo cái ăn cái mặc không đã khổ, không đứa nào
được đi học cái chữ cái nghĩa, nói mãi mới cho hai đứa ra chị dạy cầm viết tính
số.
Còn nhiều nhiều…
chị kể vanh vách như chị từng đi vào đời họ, từng chung vai sát cánh với họ, từng
bước đi bên họ để trông chừng nâng dắt họ.
…
Tôi trở về quê
sau vụ hái tiêu mướn, mấy năm sau trời thương mùa màng tốt tươi, không phải lận
đận đi hái tiêu mướn. Nhưng trong tôi mùa tiêu chín vẫn nở rộ, tôi nhớ chị, nhớ
những ngày cùng chị rong rũi đi thăm bà con mà chị hay nói. Nhớ bát chè mát rượi
chị hay múc cho lúc trời nóng bức.
Tôi lấy chồng,
chồng tôi người công giáo, lần đầu tiên ghé thăm nhà anh, ảnh tượng gỗ giá có
người chết treo trên đó làm tôi nhớ chị. Tôi theo đạo, không cần anh phải tốn
công sức thuyết phục, bởi vì tôi nhận ra trong sâu thẳm tâm hồn mình có tiếng mời
gọi, mà không phải vì tôi nhận ra sự tốt lành qua chị, hình ảnh mà cứ ở mãi
trong tâm trí tôi.
Anh tốt với
tôi, thương yêu tôi, ba mẹ anh thương tôi như con gái họ. Tôi thấy mình hạnh
phúc, cái thứ hạnh phúc mà tôi ngấm ngầm nhìn thấy trong mắt chị khi mang yêu
thương đến cho người khác.
Mùa chay, anh
đưa tôi đi lễ nhà thờ lớn, anh nói đưa tôi đi gặp một người. Chị! Trong bộ tu
phục tinh khôi, nét hiền dịu ngày xưa được tôn tạo bởi bộ áo nhà tu làm cho chị
đẹp hẳn lên, nét đẹp của thiên thần Chúa. Tôi đứng ngỡ ngàng, chị khoát vai
tôi. Không nhận ra chị chứ đâu?
Có những cuộc gặp
gỡ nhiệm mầu phải không?
Tôi lờ mờ nhớ lại
mùa tiêu năm ấy. Chị kể chuyện, chị đến đó sống âm thầm, nhận sứ vụ giúp đỡ bà
con dân tộc, sống cùng, sống với, sống sẻ chia với họ. Từ “Bà con” trên môi chị
vẫn ấm áp, vẫn như có đầy tình thương và trách nhiệm. Tình yêu của người nằm
trên cây gỗ giá thúc giục chị, tình yêu đó cũng đã kết nối chị với nhiều người.
Tôi nhận ra tình yêu mà tôi nhận được từ anh, từ cha mẹ anh cũng được kết dính
từ chị.
Chị! Người “Bà
con” mà tôi mai mắn gặp được trong cuộc đời, để rồi tôi được sống trong ngôi
nhà ấm cúng nơi mà mọi người thương yêu nhau như tình máu mủ ruột thịt.
Tôi nhìn xa xăm
về hướng, nơi có một mùa tiêu chín rộ ở mãi trong lòng tôi.
Tiểu Hổ