Ơn thiên triệu _ 3 lên, 1 xuống

“3 LÊN - 1 XUỐNG”  
Người môn đệ của Chúa phải trị tận gốc căn bệnh “3 lên, 1 xuống”: danh lên, lợi lên, quyền lên, lòng thương xót xuống, bằng toa thuốc “3 xuống, 1 lên”: danh xuống, quyền xuống, lợi xuống, lòng thương xót lên!
Tín Thác (Góc Đời Sống Dâng Hiến)
Sau những ngày Đại Lễ Phục Sinh, Lễ Lòng Chúa Thương Xót, ai cũng thấy mệt nhoài, có người kiệt sức phải đi nghỉ, đi khám bệnh. Kết quả khám sức khỏe cho biết “3 lên, 1 xuống”: máu lên, mỡ lên, đường lên, nhưng lượng oxy trong máu xuống. Căn bệnh này càng nặng thêm khi bị tác động của môi trường chung quanh, về vật chất cũng “3 lên, 1 xuống”: gạo lên, điện lên, nước lên, nhưng lương xuống; về tinh thần cũng “3 lên, 1 xuống”: tội ác lên, sự dữ lên, án tù lên, nhưng đạo đức xuống, xuống thậm tệ, xuống chạm đáy!
Cái gì lên cao quá cũng không tốt, và cái gì xuống quá cũng không hay. Phải cân bằng lại thì mới tốt cho sức khỏe. Còn đời sống tâm linh thì thế nào? Trong năm Đời Sống Dâng Hiến phải chịu khó rà soát lại coi có căn bệnh thiêng liêng nào không. Chắc ăn nhất là chạy đến “bác sĩ giáo hoàng” Phanxicô ở Roma để nhờ bắt mạch hốt thuốc. Kết quả lần này cho thấy những người sống đời dâng hiến thường mắc vào căn bệnh số 7 và số 15 trong số 15 bệnh nan y được ĐTC liệt kê trong buổi tiếp kiến ngày 22/12/2014 dành cho những người lãnh đạo các cơ quan trung ương tại giáo triều Rôma, trong đó 60 Hồng y và 50 Giám mục. Căn bệnh đó mang tên: “cạnh tranh và háo danh”; “tìm kiếm lợi lộc trần tục và phô trương.” Cũng lại “3 lên, 1 xuống”: danh lên, lợi lên, quyền lên nhưng lòng thương xót xuống! Hám danh, hám lợi, hám quyền, nhưng chẳng có lòng xót thương !
Theo ĐTC, người mắc bệnh “háo danh” chỉ lo đi tìm cái vẻ bề ngoài. Những hình thức mầu mè rầm rộ, cờ quạt chiêng trống rước sách ầm ĩ, những buổi trình diễn đầy mầu sắc, các huy chương, bằng khen, tưởng lục, dấu hiệu vinh vang thế trần… trở thành đối tượng ưu tiên của cuộc sống. Họ làm việc tông đồ bác ái mà luôn muốn được nêu danh, được ghi công, được có bằng ân nhân. Khi làm như thế, họ quên đi lời thánh Phaolô: “Anh em đừng làm gì vì cạnh tranh hoặc háo danh, nhưng mỗi người với tất cả sự khiêm tốn, hãy coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm tư lợi, nhưng hãy tìm lợi ích của người khác nữa” (Pl 2,1-4).
Bệnh “háo danh” thường có di căn là bệnh “cạnh tranh.” Vì thích danh, muốn được nhiều người biết đến, thích chơi trội, xài hàng độc, cho nên không muốn ai hơn mình. Khao khát tìm mọi cách để hơn người, sẽ đi đến chỗ cạnh tranh không lành mạnh, bất chấp mọi thủ đoạn, miễn sao hơn được người khác. Cái gì của mình cũng phải nhất, cũng phải đạt kỷ lục: nhà thờ to nhất, tháp chuông cao nhất, ca đoàn hát hay nhất, giáo dân đông nhất, nhà dòng đẹp nhất, số lượng tu sĩ đông nhất, đài Đức Mẹ cũng phải cao nhất, bàn thờ cũng phải đắt nhất, đọc kinh to nhất, rồi mình cũng phải giảng hay nhất! Thậm chí khi chết rồi mà căn bệnh này cũng chưa chết! Phải làm đám tang lớn nhất, nhiều vòng hoa nhất, quan tài đẹp nhất, nhiều hội kèn nhất, các cha đồng tế đông nhất, ngôi mộ kỳ vĩ nhất, và chôn trong nghĩa trang cũng phải… đẹp nhất! Cái gì không nhất, không hơn người là không chịu được. Toàn là những cái hơn thua thế gian, hết sức trần tục! Danh thì có lên, tiếng thì có nổi, nhưng đời sống nội tâm lại đi xuống không phanh, vì quá chú trọng đến hình thức thì còn giờ đâu mà gọt dũa cái bên trong.
Căn bệnh “háo danh-cạnh tranh” sẽ làm cho bệnh nhân trở thành những con người giả dối, giả hiệu, giả tạo, giả hình, giả nhân, giả nghĩa… Chính thánh Phaolô đã định nghĩa họ là “những kẻ thù của Thập Giá Chúa Kitô” vì họ “kiêu hãnh về những điều mà lẽ ra họ phải hổ thẹn và chỉ nghĩ đến những điều thuộc về trần thế này” (Pl 3,19)
Đáng sợ thật, khi lao mình vào những việc mục vụ tông đồ, tốn công, tốn sức, tốn tiền của, nhưng mục đích chỉ để làm vinh danh mình mà ta trở thành “kẻ thù của Thập Giá Chúa Kitô.” Thật là luống công vô ích. Những điều lẽ ra phải hổ thẹn vì sự huênh hoang phô trương rỗng tuếch, chỉ có số lượng không có chất lượng, thì ta lại hãnh diện vì những thứ đó, vì đầu óc tâm trí của ta chỉ biết nghĩ những gì thuộc về thế gian này mà thôi.
Cứ nhìn những đoàn dâng hoa kính Đức Mẹ trong tháng hoa sẽ thấy. Dâng hoa kính Đức Mẹ là việc đạo đức tốt lành của con thảo đối với Mẹ đã dần dần bị biến thái thành những buổi trình diễn và cạnh tranh. Đoàn hoa nào cũng phải tìm những kiểu mới lạ, không “đụng hàng” với đoàn khác. Người ta thi nhau khoác lên các em dâng hoa những bộ đồ đủ kiểu đủ mầu sặc sỡ tốn kém, cho đánh son đánh phấn màu mè còn hơn thi hoa hậu, rồi lượn qua lượn lại như một buổi trình diễn thời trang. Thêm vào đó hoa nến hương, kèn trống, đèn mầu chớp sáng làm cho cung thánh trở thành sân khấu biểu diễn. Đoàn hoa này, xứ đạo này tìm đủ cách tranh hơn tranh thua với đoàn hoa kia xứ đạo kia. “Dâng hoa kính Đức Mẹ”, hay “dâng hoa kính danh mình”?
Cứ nhìn vào những Đại Lễ, Đại Hội, cũng sẽ thấy “căn bệnh” này lây lan khắp nơi. Sau những lễ hội tưng bừng tốn kém nặng phần trình diễn, những người tham dự ra về có cảm nhận được gì không? Đời sống thiêng liêng có được thăng tiến không? Có chút thay đổi gì trong suy nghĩ và hành động không? Cuộc sống có biến đổi nên tốt hơn không? “Cây lòng thương xót” có được chăm sóc tưới bón bằng hy sinh nhẫn nhục mồ hôi nước mắt, hay lại biến thành cái “bánh lòng thương xót” để người ta chia năm xẻ bảy?
Còn một thứ bệnh nữa trong căn bệnh “3 lên, 1 xuống” cũng nguy hiểm không kém là “hám lợi, hám quyền.”
ĐTC cho biết, người ta phát hiện ra bệnh này khi thấy “người tông đồ biến việc phục vụ của mình thành quyền lực, và biến quyền lực của mình thành hàng hóa để kiếm được những lợi lộc phàm tục, và được nhiều quyền thế hơn. Đó là bệnh của những người tìm cách gia tăng vô độ quyền lực, và để đạt được mục tiêu đó, họ vu khống, mạ lỵ và làm mất thanh danh của người khác, thậm chí trên cả các nhật báo và tạp chí, dĩ nhiên là để biểu dương và chứng tỏ mình có khả năng hơn người khác.”
Căn bệnh này gây hại rất nhiều đến sức khỏe tinh thần, vì nó làm cho con người đi tới độ “mục đích biện minh cho phương tiện.” Họ sử dụng bất kỳ phương thế nào để đạt cho được mục tiêu ấy, thường là nhân danh công lý và sự minh bạch.
ĐTC nhớ đến có một linh mục đã gọi các ký giả đến để kể cho họ những điều bịa đặt chuyện riêng tư của những linh mục khác và của giáo dân. Linh mục ấy chỉ muốn được xuất hiện trên những trang nhất của báo chí, và như thế cảm thấy mình có quyền năng và chiến thắng, nhưng tạo ra bao nhiêu đau khổ cho những người khác và cho Giáo Hội!
Ôi, căn bệnh “hám lợi, hám quyền” này cũng nguy hiểm chết người chứ chẳng phải chơi, nhất là nơi những người lãnh đạo.
ĐTC nhắc họ nhớ rằng việc chăn nuôi đàn chiên của Chúa Giêsu không phải bằng quyền năng của sức mạnh loài người hay bằng sức mạnh của riêng mình, mà bằng quyền năng của Thần Linh và tấm lòng yêu thương của Chúa Giêsu “Giám mục, linh mục, phó tế cần phải chăm nuôi đàn chiên của Chúa bằng tình yêu thương. Nếu họ không làm bằng tình yêu thương thì thật là vô dụng!”
Những ai được đặt “làm đầu” cộng đồng, phải sử dụng quyền bính của mình để phục vụ, như chính Chúa Giêsu đã làm và dạy: "Các con biết rằng các kẻ cai trị thuộc dân ngoại thì làm chủ trên họ, và thành phần làm lớn của họ thi hành quyền bính trên họ. Nhưng nơi các con lại không như thế; ai muốn làm lớn trong các con thì phải làm đầy tớ của các con, và ai muốn làm đầu trong các con thì phải làm tôi mọi cho các con; như chính Con Người đã đến không phải để được hầu hạ, mà là để hầu hạ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người" (Mt 20,25-28; Mc 10,42-45). ĐTC nhấn mạnh: “Một Giám Mục không phục vụ cộng đồng thì chẳng ích gì, một linh mục không phục vụ cộng đồng thì chẳng lợi chi, chỉ là lầm lạc!”
Chúa Nhật IV Phục Sinh 11-5-2014 là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, ĐTC đã đưa ra lời kêu gọi cầu nguyện cho các chủ chăn, cho các Giám Mục, gồm cả Giám Mục Roma, và cho tất cả các linh mục. Noi gương Chúa Giêsu mỗi chủ chăn “đôi lần phải đi trước để chỉ đường và nâng đỡ niềm hy vọng của dân chúng. Những lần khác phải ở giữa tất cả với sự gần gũi đơn sơ và lòng thương xót. Và trong vài hoàn cảnh phải bước đi đàng sau dân chúng, để trợ giúp những ai ở lại đàng sau” (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 31) Các chủ chăn, những người đứng đầu trong cộng đoàn có được như thế không? Hay là đi trước để được người ta đón rước long trọng chào mừng; đi giữa để được an toàn bảo bọc, là trung tâm của mọi chú ý; và đi sau để ra lệnh, hò hét, thúc người khác làm còn mình chỉ tay năm ngón.
Lúc 9g30 sáng Chúa Nhật 11-5-2014, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô đã truyền chức linh mục cho 13 phó tế, trong đó có thầy Phaolô Nguyễn Thiên Tạo thuộc giáo phận Vinh. Giảng trong thánh lễ ĐTC đã năn nỉ các tân linh mục: “Ở đây cha muốn dừng lại, và xin các con, vì tình yêu Chúa Giêsu Kitô: đừng bao giờ mệt mỏi thương xót! Các con hãy có khả năng tha thứ như Chúa, là Đấng không đến để lên án, nhưng để tha thứ! Các con hãy thương xót thật nhiều! Cha nói thật với các con, cha đau lòng lắm, khi thấy giáo dân không đến xưng tội vì họ đã từng bị quất bằng gậy, bị la mắng trong tòa giải tội. Thật là xấu. Họ đã cảm thấy cửa nhà thờ đóng sầm trước mặt họ. Cha xin các con, chớ làm như vậy! Thương xót! Thương xót! Mục Tử Nhân Lành vào qua cửa, và cửa của lòng xót thương là các vết thương của Chúa: nếu không bước vào chức thừa tác của các con qua các vết thương của Chúa, thì các con sẽ không phải là các mục tử tốt lành.”
Các mục tử ngày nay bước vào chức thừa tác qua cánh “cửa lòng thương xót” hay “cửa hám lợi hám quyền”?
“Ý thức chức thừa tác là một ơn Chúa ban chứ không phải vì mình thông minh, tài giỏi, tốt lành hơn người khác, giúp các Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế biết sống khiêm tốn, cảm thông, thương xót, biết lắng nghe và học hỏi từ người khác, chứ không độc đoán, làm như thể cộng đoàn là của riêng mình và mọi người phải quỳ phục dưới chân mình…”
ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 12-11-2014.
Trong các “thư mục vụ” gửi Timôtê và Titô, Thánh Phaolô khuyên các môn đệ và những ai được thụ phong chức thừa tác mục tử, phải luôn ý thức rằng mình không phải là giám mục, linh mục hay phó tế bởi vì mình thông minh hơn, tài giỏi hơn, hay tốt hơn các người khác, nhưng chỉ vì đó là một ơn, một ơn của tình yêu Thiên Chúa đã rộng ban, trong quyền năng Thần Khí của Người, cho thiện ích của dân Người (X. 1 Tm 4,14; 2 Tm 1,6).
ĐTC nói: “Ý thức rằng tất cả là quà tặng, tất cả là ơn thánh, sẽ giúp một mục tử không rơi vào chước cám dỗ đặt mình làm trung tâm sự chú ý và chỉ tin tưởng nơi chính mình. Chúng là các khuynh hướng hoang tưởng, kiêu kỳ, tự mãn, ngạo mạn.
”Thật khốn cho một giám mục, một linh mục, hay một phó tế nghĩ rằng mình biết hết mọi sự, luôn luôn có câu trả lời đúng cho mọi chuyện, và không cần tới ai hết! Trái lại, ý thức mình là người đầu tiên là đối tượng lòng thương xót và cảm thương của Thiên Chúa phải dẫn đưa một vị thừa tác tới chỗ luôn luôn khiêm tốn và cảm thông khi đối xử với người khác.”
Bây giờ thì ta tìm được toa thuốc trị căn bệnh nan y “hám danh, hám lợi, hám quyền” là “lòng thương xót.” Vì không có lòng thương xót nên người ta ham mê quyền lực để thống trị, áp đặt, chà đạp hay loại trừ những người hơn họ. Vì không có lòng thương xót nên người ta phô trương quyền lực để thị oai, dùng quyền lực để thu lợi, gia tăng vô độ quyền lực để biểu dương và chứng tỏ mình hơn người khác.
Hơn bao giờ hết, ngày nay con người rất cần đến lòng thương xót, vì Chúa Giêsu đã quả quyết với chị thánh Faustina: “nhân loại chỉ tìm được bình an đích thật nếu họ quay về với Lòng Chúa Thương Xót vói trọn niềm tín thác” (NK,300). Và thế là có “Năm Thánh Lòng Thương Xót”
ĐTC đưa ra lý do tại sao lại có “Năm Thánh Lòng Thương Xót” trong bài giảng giờ kinh tối thứ bảy 11-4-2015, vọng lễ Lòng Chúa Thương Xót. Vì ở vào thời điểm đổi thay lịch sử, Giáo Hội được kêu gọi để cống hiến những dấu hiệu hiển nhiên hơn nữa về sự hiện diện và gần gũi của Thiên Chúa. Giáo Hội tái nhận thức ý nghĩa của sứ vụ được Chúa ký thác là trở thành dấu chỉ và dụng cụ cho tình thương của Chúa Cha (Ga 20,21-13). Một Năm Thánh được Chúa Giêsu chạm tới và được tình thương của Người biến đổi, nhờ đó chúng ta có thể trở thành những chứng nhân cho tình thương. Đây là thời điểm của tình thương. Đây là thời điểm thuận lợi để chữa lành các vết thương.
Chiều thứ bẩy 11-4-2015, Tông sắc “Misericordiae Vultus” (Khuôn Mặt Thương Xót) của ĐTC Phanxicô ấn định Năm Thánh Ngoại Thường về Lòng Thương Xót của Chúa từ 8-12-2015 đến 20-11-2016, đã được công bố tại Đền thờ Thánh Phêrô. Tại tiền đường Đền thờ gần cửa Năm Thánh, trước sự hiện diện của 40 Hồng Y, 30 giám mục, cùng các chức sắc khác, ĐTC đã đọc lời nguyện rồi trao Tông Sắc cho ĐHY Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô, và 3 Đền thờ khác, 3 Hồng Y Tổng trưởng Bộ Giám mục, Đông Phương và Truyền giáo, cũng như cho đại diện các Giáo Hội rải rác trên thế giới, và cho 7 Đức Ông Công Chứng Viên Tông Tòa.
Khẩu hiệu của Năm Thánh là: “Hãy có lòng thương xót như Chúa Cha”
ĐTC viết: lòng thương xót là con đường liên kết Thiên Chúa với con người, vì mở rộng tâm hồn cho niềm hy vọng được yêu thương mãi mãi, mặc dù có những giới hạn do tội lỗi chúng ta. Lòng thương xót là “luật căn bản ở trong tâm hồn mỗi người”; “xà nhà nâng đỡ cuộc sống của Giáo Hội”; “là lý tưởng sống và là tiêu chuẩn xác định xem niềm tin của chúng ta có đáng tín nhiệm hay không.”
ĐTC nhấn mạnh một điều quan trọng: lòng thương xót “không phải chỉ là hành động của Chúa Cha, nhưng còn trở thành tiêu chuẩn để hiểu ai là những người con đích thực của Chúa.” Trong thực hành, “tất cả chúng ta đều được kêu gọi sống lòng thương xót, vì lòng thương xót đã được áp dụng cho chúng ta trước tiên… Uy tín, sự đáng tín nhiệm của Giáo Hội cũng tiến qua con đường từ bi thương xót và cảm thương… Nơi nào Giáo Hội hiện diện, thì nơi đó lòng thương xót của Chúa Cha phải trở thành điều hiển nhiên tỏ tường, và nơi nào có các tín hữu Kitô, thì bất kỳ ai cũng có thể tìm được một ốc đảo từ bi thương xót.”
Trong bài giảng Lễ Lòng Chúa thương Xót Chúa Nhật 12-4-2015, ĐTC cho biết sự dữ của nhân loại xuất hiện trên thế giới vì trống rỗng yêu thương (empty of love), trống không thiện hảo (empty of goodness), trống trơn sự sống (empty of life), chỉ một mình Thiên Chúa, bằng thẳm sâu tình thương Người, mới có thể lấp đầy cái trống không do sự dữ mang đến cho tâm can của chúng ta và cho lịch sử của nhân loại mà thôi.
Để trở thành dấu chỉ, dụng cụ, chứng nhân cho lòng thương xót của Thiên Chúa trong một thế giới trống rỗng yêu thương và thiếu vắng thiện hảo, người môn đệ của Chúa phải trị tận gốc căn bệnh “3 lên, 1 xuống”: danh lên, lợi lên, quyền lên, lòng thương xót xuống, bằng toa thuốc “3 xuống, 1 lên”: danh xuống, quyền xuống, lợi xuống, lòng thương xót lên!
"Sở dĩ tôi được thương xót , là vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời." (1Tm 1, 16)
Con yêu,
LÒNG THƯƠNG XÓT của Cha là vô hạn. Cha không thể từ chối một linh hồn đang quy hướng về Cha, một linh hồn đang nhìn về phía Cha mà bước.
Hãy loan báo cho mọi người biết về Tình Yêu không bờ bến của Cha, về lòng Khiêm Hạ của Cha, về Ơn Cứu Độ của Cha cho mọi loài thụ tạo.
Hãy đem Cha đến với tha nhân, đến với mọi kẻ thù, mọi kẻ có lòng tị hiềm ganh ghét, mọi kẻ vô thần, để họ dần lánh xa tội lỗi, để họ được Ơn Cứu Độ.
Hãy yêu thương những kẻ không yêu con,
Hãy che chở những kẻ coi thường con,
Hãy bênh đỡ những kẻ hất hủi con,
Hãy chăm sóc những kẻ khinh rẻ con.
Để họ thấy Cha qua con,
Để họ biết Cha qua con,
Để họ hiểu Cha qua con,
Để họ yêu Cha qua con,
Và để họ tin Cha qua con.
Những kẻ “Hám Danh” hay ganh ghét, dè bĩu, cạnh khoé đâm thọc, lúc nào cũng muốn hơn người. Thật đáng tội nghiệp! Vì họ chẳng bao giờ được BÌNH AN
Những kẻ “Hám Quyền” hay biểu lộ quyền hành, dùng quyền đề hành hạ, áp bức, hiếp đáp người khác. Thật đáng tội nghiệp! Vì họ cũng đâu được BÌNH AN
Những kẻ “Hám Lợi” hay vơ vét, trục lợi, ích kỷ, ham muốn vô độ, chỉ muốn chiếm đoạt của người khác. Thật đáng tội nghiệp! Vì họ làm gì có BÌNH AN.
Con yêu,
Cha muốn tỏ bày cho con hiểu hơn về Cha, để con có đủ TỰ TIN mà bước theo Cha.
Cha muốn tỏ bày cho con thấm nhuần hơn về Lòng Thương Xót của Cha, để con có đủ sâu sắc trong TÌNH YÊU mà dấn thân cho Cha.
Cha muốn tỏ bày cho con nhiều hơn về Cha, để con TẬN HIẾN cuộc đời con cho Cha, mà không còn bất kỳ tính toán băn khoăn lo lắng nào khác.
Con hãy DŨNG CẢM ra đi LOAN BÁO và LÀM CHỨNG cho Lòng Thương Xót của Cha, nguồn hy vọng cho mọi người và toàn thế giới.
“Hãy có lòng thương xót như Cha”
Cha luôn yêu con.