ÍT ĐIỀU CẦN CHÚ Ý
TRONG
MỤC VỤ HÔN PHỐI
“Trước khi cử hành bí tích hôn phối, phải chắc
chắn không có gì cản trở việc cử hành hữu hiệu và hợp pháp” (Can. 1066).
A. VIỆC ĐIỀU TRA
TRƯỚC HÔN PHỐI.
B. RIÊNG VỀ MẤY
NGĂN TRỞ HÔN PHỐI.
C. HÌNH THỨC KẾT
HÔN VÀ VIỆC CHỨNG HÔN.
D. VỀ ĐẶC ÂN THÁNH
PHAOLÔ.
E. VIỆC GHI SỔ SÁCH
A.
VIỆC ĐIỀU TRA HÔN PHỐI
(DE INVESTIGATIONE PRAMATRIMONIALI)
(DE INVESTIGATIONE PRAMATRIMONIALI)
I. LUẬT ĐIỀU TRA
“Trước khi cử hành bí tích hôn
phối, phải chắc chắn không có gì cản trở việc cử hành hữu hiệu và hợp pháp”
(Can. 1066). Để được biết chắc như thế, một trong các phương thế giáo luật dạy,
là điều tra kỹ lưỡng trước khi kết hôn.
Chiếu theo Can.
1067 và Huấn thị Sacrosanctum ngày 29. 06. 1941 của thánh Bộ bí tích, chúng ta
nên lưu ý mấy điểm sau:
1. Ai điều tra?
-
Cha xứ (cha sở) có quyền chứng hôn. Tức là cứ thường lệ cha xứ bên nữ, dù
ngài có đồng ý cho đôi hôn phối thành hôn ở giáo xứ bên đàng trai hay ở một
giáo xứ khác.
-
Việc điều tra này buộc nhặt (sub gravi), dù cha xứ chắc (moraliter certus)
không có gì ngăn trở cũng phải thi hành.
-
Và phải đích thân làm lấy, trừ khi có lý do chính đáng mới được nhờ người
khác (H. T. Sacrosanctum, số 4).
-
Còn cha xứ đàng trai và cha khác có liên hệ, nếu được chính đương sự hoặc
cha xứ của đương sự xin, phải sẵng sàng giúp việc điều tra đó (Ibid).
2. Điều tra lúc nào?
Phải điều tra
vào thời gian thích hợp (tempore opportuno) trước khi kết hôn, nghĩa là trước
hoặc trong thời gian rao hôn phối.
3. Điều tra về những gì?
Phải dò xét tất
cả những gì có thể ngăn trở cho vụ hôn phối bất cứ cách nào.
a. Trước hết là về bí tích rửa tội và bí
tích thêm sức, xem đương sự đã lãnh nhận chưa, nơi lãnh nhận… (Sacrosantum, số
4).
-
Nếu đương sự đã không được rửa tội tại xứ (hay sở) của cha, thì ngài phải đòi
chứng chỉ rửa tội của cả hai bên, hoặc của bên Công giáo (đối với hôn phối được
chuẩn ngăn trở dị giáo). Nếu là hôn phối xin chuẩn ngăn trở tạp giáo, thì đòi
chứng chỉ rửa tội cả bên Kitô hữu không Công giáo.
-
Theo huấn thị Sacrosanctum, chứng chỉ rửa tội phải mới được cấp chưa quá
sáu tháng tính đến ngày định thành hôn. Huấn thị dạy như vậy, nhưng thiết tưởng
khi không có lý gì mà nghi đương sự đã có đôi bạn, thì chứng chỉ cấp đã lâu
cũng được. Chứng chỉ đó phải được trích lục từ sổ rửa tội của giáo xứ (giáo sở),
trong đó phải ghi đầy đủ những điều cần phải ghi chú theo Can 1122§1 (xem E 2:
Về việc ghi sổ sách - tr. 20).
-
Trường hợp nguy tử, nếu không thể có bằng chứng gì hơn, thì đương sự thề mà
quả quyết mình đã chịu phép rửa tội là đủ (Can. 1068). Ngoài trường hợp nguy tử,
nếu không có chứng chỉ chính thức trích sao từ sổ rửa tội của giáo xứ, thì một
nhân chứng thật chắc chắn cũng đủ, hay nếu đương sự chịu phép rửa tội khi đã
khôn lớn thì chính người ấy thề quả quyết mình đã chịu phép rửa tội cũng được.
b. Tiếp đến là điều tra xem đôi hôn phối có
liên hệ với những giáo xứ hay giáo sở nào để nếu cần, thì sẽ rao ở đó, hay sẽ
phải thông báo một khi đã thành hôn: xem họ đã đến tuổi thành niên hay còn là vị
thành niên; xem cả hai hay ít ra một bên là góa, thì lại phải điều tra về cái
chết của người bạn cũ của họ để biết chắc không có ngăn trở dây hôn phối, và
còn xét coi giữa hai người toan kết hôn có ngăn trở họ hàng, ngăn trở công hạnh
hay ngăn trở tội ác… hay không.
c. Cha xứ, cha sở phải hỏi vị hôn phu và vị
hôn thê, hỏi riêng lẽ và một cách khôn ngoan, khéo léo, tế nhị, dè dặt… xem họ
có mắc ngăn trở gì không, có tự do ưng thuận hay bị ép buộc (Can. 1057).
Theo huấn thị
Sacrosanctum thì đây là lúc lấy KHẨU CUNG, nhưng vì có những câu hỏi sau khi học
giáo lý hôn phối xong mới có thể trả lời, nên ta thường lấy khẩu cung sau khi
đã dạy đủ giáo lý, miễn là trước khi cho kết hôn.
II. VỀ RAO HÔN PHỐI:
Rao hôn phối là một phương thức
điều tra, giáo luật buộc phải thi hành (Can. 1067), và thỉnh thoảng nên nhắc
cho tín hữu nếu biết ngăn trở gì thì buộc phải báo cáo cho cha xứ hay Đấng Bản
quyền (Can. 1069).
* Bình thường buộc
phải rao đủ ba lần.
* Theo năng quyền
thập niên số 30, cha xứ (sở) được chuẩn rao một lần, miễn là có lý do chính
đáng và chắc chắn không có ngăn trở nào.
* Cha quản hạt được
chuẩn rao hai lần (N. Q. T. N. số 33).
* Chỉ Đấng Bản
quyền mới được chuẩn rao ba lần.
* Trái lại những
vụ hôn phối được chuẩn ngăn trở khác tôn giáo thì không rao.
* Nếu đàn trai
thuộc một giáo xứ hay một giáo sở khác, thì phải rao cả hai nơi. Nếu có một bên
nào- sau 14 tuổi- đã ở nơi nào khác quá sáu tháng, thì phải xin ý kiến Đấng Bản
quyền coi có cần rao nơi đó không. Nếu có lý để nghi ngờ có ngăn trở, thì cũng
xin ý kiến như vậy.
III. CHUYỂN HỒ SƠ:
Các cha xứ (sở) đã được xin điều
tra, xin rao hôn phối, phải cố gắng làm tốt và sớm. Sau khi làm xong, gởi cho
cha xứ (sở) đàng gái đã xin rao gồm: văn thư điều tra, chứng chỉ rao, chứng chỉ
rửa tội, thêm sức, hay có tài liệu gì khác trong văn hàm xứ sở của mình liên
quan đến vụ hôn phối… Chúng ta thường liên lạc trực tiếp với nhau, dù là hai
cha khác giáo phận. Nhưng theo huấn thị ngày 4. 7. 1921 của bộ bí tích và huấn
thị Sacrosanctum đã dẫn (số 4a), thường thường phải hoặc nên qua trung gian tòa
giám mục của hai giáo phận trực tiếp với nhau, và trước khi cha xứ (sở) chứng
hôn, phải được phép (nihil obstat) của tòa giám mục giáo phận mình.
IV. KHẢO VÀ DẠY GIÁO LÝ:
Cha xứ phải khảo hạch đôi hôn phối,
xem họ có biết đủ giáo lý công giáo không (cách riêng về bí tích hôn phối).
* Theo Ủy ban giải
thích giáo luật của Tòa Thánh ngày 2 và 3. 6. 1918 và Cộng đồng Đông dương, số
262, nếu thấy đôi hôn phối dốt giáo lý, thì hãy chịu khó dạy kỹ cho họ ít là những
điều căn bản của Giáo lý Công Giáo (Can. 1063). Do vậy, chúng ta nên uyển chuyển
trong vấn đề này, nhất là đối với hoàn cảnh khó khăn ngày nay. Không nên bắt họ
thuộc lòng quá nhiều. Chúng ta nên chịu khó dạy cho hiểu là đủ.
* Riêng đối với
người tân tòng, nếu Hội Đồng Giám mục Việt Nam có qui định thời gian dự tòng ít
là một năm, thì thiết tưởng nên hiểu đó là trường hợp bình thường. Những người
xin theo đạo để cưới vợ, lấy chồng, mà lại trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay,
thì phải hiểu đó là trường hợp ngoại thường, nên xử trí một cách uyển chuyển,
theo khả năng của họ. Dĩ nhiên phải dạy cho họ biết giáo lý tối thiểu, để họ có
thể có một đức tin chân thực, sống đạo có căn bản, chứ không phải chỉ dạy qua
loa, sơ sài… Nhưng nếu đòi hỏi quá kéo dài thời gian, có thể thiệt hại cho họ,
làm họ chán nản, ác cảm, có khi liều chung sống với nhau sinh gương xấu…
B.
VỀ CÁC NGĂN TRỞ HÔN PHỐI
Giáo luật buộc cha xứ (sở) phải điều tra kỹ lưỡng
xem đôi hôn phối có mắc ngăn trở mà giáo luật qui định từ 1073- 1094. Trong đó
có một số ngăn trở có thể được chuẩn. Do đó, chúng ta cần hiểu rõ các ngăn trở,
phân biệt các ngăn trở nào là do luật tự nhiên, do luật Thiên Chúa, hay do luật
Giáo hội, ngăn trở nào là thượng đẳng, ngăn trở nào là hạ đẳng. Chúng ta nên
xem kỹ lại bản giải thích các năng quyền thập niên từ trang 68-78.
Sau đây xin lưu
ý thêm về mấy ngăn trở:
Ngăn trở khác đạo:
* Ngăn trở khác đạo
giữa một người đã rửa tội trong Giáo Hội Công giáo hoặc đã rửa tội trong một
giáo phái Kitô giáo không Công giáo mà sau đã gia nhập Công giáo với một người
Kitô hữu không Công giáo, được gọi là ngăn trở tạp giáo và là ngăn trở cấm hôn.
* Ngăn trở khác đạo
giữa một người Công giáo và một người lương không hay chưa rửa tội, được gọi là
ngăn trở dị giáo và là ngăn trở tiêu hôn (impedimentum dirimens), thượng đẳng.
Giáo Hội Công
giáo khắt khe đối với những vụ hôn phối khác tôn giáo (Can. 1124-1129). Nhưng
hoàn cảnh ngày nay, hôn nhân hỗn hợp quá nhiều, chúng ta nên tìm cách gỡ rối để
bên Công giáo được yên lương tâm, được hưởng các ân huệ của Hội Thánh, và con
cái họ được chính thức hóa. Lý do gỡ rối (ut cesset publicus concubinatus) này
là một lý do mạnh để ban ơn chuẩn.
Theo Tự sắc
Matrimonia mixta, để được chuẩn ngăn trở khác đạo, cần những điều kiện sau đây:
1. Bên Công giáo phải làm hai điều:
a. Một là tuyên bố mình sẵn sàng tránh những
nguy hiểm làm mất đức tin của mình.
b. Hai là thành thật hứa (buộc ngặt) sẽ lo
liệu hết sức để con cái đã hay sẽ sinh ra được rửa tội và giáo dục trong Giáo Hội
Công giáo
2. Phải cho người bạn không Công giáo hiểu rõ những điều người bạn Công
giáo phải cam kết, để người ấy ý thức người bạn Công giáo cam kết những gì, buộc
làm những gì.
3. Phải dạy cho cả hai bên biết các mục đích và hai đặc tính của hôn nhân
(giúp nhau hoàn thiện và sinh sản), mà không bên nào được loại bỏ một đặc tính
nào. Ngoài ra, cần dạy giáo lý cho bên Công giáo thật kỹ càng, giúp người ấy sống
đức tin vững vàng, ý thức nhiệm vụ của mình, làm gương tốt … để người ấy có thể
cảm hóa người bạn không Công giáo (và gia đình), gây cảm tình đối với đạo Công
giáo.
C.
VỀ HÌNH THỨC KẾT HÔN VÀ VIỆC CHỨNG HÔN
I. HÌNH THỨC KẾT HÔN CÓ THỂ PHÂN BIỆT:
-
Pháp lý.
-
Phụng vụ.
Chỉ hình thức
pháp lý mới là căn bản, cần thiết để hôn nhân được thành sự.
II. HÌNH THỨC PHÁP LÝ LẠI CÓ THỂ PHÂN BIỆT:
-
Thông thường
-
Ngoại thường
-
Đặc biệt
1. Thông
thường: kết hôn trước mặt linh mục quản xứ, hay Đấng Bản quyền, hay một linh mục
do các ngài ủy quyền hợp pháp và hai nhân chứng (Can. 1108-1109).
2. Ngoại
thường: nếu không có linh mục quản xứ hay Đấng Bản quyền hoặc linh mục được ủy
nhiệm như nói ở Canon 1108-1109, hoặc liên lạc với các ngài quá bất tiện thì:
a. trong
trường hợp nguy tử, kết hôn trước mặt hai nhân chứng mà thôi cũng thành.
b. Ngoài
trường hợp nguy tử, kết hôn như vậy cũng thành, miễn là suy đoán sau một tháng
nữa hoàn cảnh cũng vẫn không thay đổi.
Trong cả hai trường hợp, nếu sẵn có một linh mục
hay phó tế nào khác có thể hiện diện được, thì phải mời các vị ấy chứng hôn
cùng với hai nhân chứng. Nếu không có linh mục hay phó tế nào, chỉ kết hôn trước
mặt hai nhân chứng mà thôi, hôn phối vẫn thành (Can. 1116).
3. Đặc
biệt: ngày 05. 05. 1972, Tòa thánh đã ban năng quyền đặc biệt cho các Đấng Bản
quyền Việt Nam, để các ngài ban lại cho các linh mục trong hoàn cảnh đặc biệt
như: được quyền chứng hôn thành sự với một nhân chứng hoặc không nhân chứng
nào, không phân biệt ranh giới giáo phận, miễn là phải biết chắc chắn hai bên
chưa kết bạn và không bị ngăn trở nào (số 3).
Chúng ta nên
lưu ý:
* Theo Canon 1108, thì chỉ Bản quyền và
linh mục quản xứ là có thường quyền (potestas ordinaria) chứng hôn theo hình thức
thông thường, và các ngài chỉ có thể ủy quyền riêng từng vụ hôn phối, riêng cho
một linh mục nhất định. Không được ủy cách tổng quát, trừ đối với linh mục phó
xứ cộng quản (Can. 1111§2).
Nhưng nhờ năng quyền thập niên số 19, đức Giám
mục giáo phận “ ủy quyền tổng quát cho các linh mục quản sở, các phó xứ cộng quản
và các phó tế (nếu được bổ nhiệm như phó xứ cộng quản) được chứng hôn ( hình thức
thông thường) trong nơi mình thi hành quyền nhiệm. ”
* Ở Việt Nam hiện nay, có khá nhiều nơi
không có linh mục quản xứ, sở (như vùng kinh tế mới chẳng hạn), thiết tưởng
giáo dân đã đủ điều kiện để kết hôn theo hình thức ngoại thường. Chúng ta cần
hướng dẫn cho giáo dân trước để họ biết, kẻo khi muốn thành hôn mà không có
linh mục, lại sống với nhau cách bất hợp pháp, làm đau khổ lương tâm… Cũng
không nên bắt họ phải hy sinh đến nỗi kéo nhau đến một cha xứ quá xa xôi.
* Còn trường hợp nào là đặc biệt không
thể chứng hôn theo hai hình thức nói trên mà phải chứng hôn theo hình thức đặc
biệt, cần phải cân nhắc hoàn cảnh cụ thể từng nố cho thật kỹ lưỡng.
III. HÌNH THỨC PHỤNG VỤ:
có ba nghi lễ
hôn phối:
Trong thánh lễ (sách lễ mùa Vọng trang 340)
Ngoài thánh lễ (sách lễ mùa Vọng trang 350)
Giữa người Công giáo và người chưa rửa tội
(sách lễ mùa Vọng trang 354)
IV. THEO HÌNH THỨC NÀO?
1. Bình thường, hôn phối của hai người Công giáo (dù là
goá) phải được cử hành theo hình thức pháp lý thông thường, kèm theo hình thức
phụng vụ trong thánh lễ, hoặc ngoài thánh lễ khi có lý do chính đáng.
2. Hôn phối giữa một người Công giáo và một người không Công giáo (được chuẩn ngăn
trở khác đạo) cũng phải cử hành theo hình thức pháp lý thông thường. Nhưng khi
có lý do quan trọng thì Đấng Bản quyền được chuẩn, miễn là giữ được tính công
khai cho toà ngoài ( Matrimonia mixta số 8-9).
Còn về hình thức phụng vụ:
* Nếu bên kia là người Kitô giáo không
Công giáo, thì cử hành theo nghi thức ngoài thánh lễ, nhưng khi Đấng Bản quyền
đồng ý, được cử hành trong thánh lễ, và người không Công giáo không rước lễ.
* Nếu người bên kia chưa rửa tội thì
theo nghi thức riêng nói ở số III, 3 bên trên.
3. Khi
cử hành hôn phối khác đạo ( đã được
chuẩn ngăn trở ), nếu có lý do chính đáng, có thể bỏ hình thức phụng vụ.
Khi cử hành hôn phối theo hình thức pháp lý
ngoại thường hay đặc biệt, nếu có thể, nên kèm theo nghi thức phụng vụ ( ít là
đọc Lời Chúa), nhưng khi có lý do hợp lý, thì bỏ hết nghi thức phụng vụ.
V. “PHÉP GIAO” LÀ GÌ?
Hình thức kết hôn mà người ta
quen gọi là “phép giao”, không có nghĩa là chỉ cử hành hôn phối theo hình thức
pháp lý, không kèm theo hình thức phụng vụ . Thực ra, phép giao là cử hành hôn
phối với hình thức phụng vụ ngoài thánh lễ, một cách khiêm tốn, âm thầm, không
long trọng, không rầm rộ … Đây thường là một biện pháp kỷ luật, theo thói quen
từ lâu trong các giáo xứ Việt Nam. Chúng ta áp dụng cho những đôi hôn phối ít xứng
đáng, đã làm gương xấu ( ví dụ: đã công khai sống chung với nhau, đã mang thai
… trước khi kết hôn theo tôn giáo). Nói là: “theo thói quen các giáo xứ Việt
Nam”, vì luật chung không có biện pháp kỷ luật đó.
VI. KẾT HÔN Ở ĐÂU?
Bình thường, hôn phối phải cử
hành trong nhà thờ và là nhà thờ xứ. Nhưng khi có lý do chính đáng, thì được cử
hành tại tư gia. (C. 1115).
D.
ĐẶC ÂN THÁNH PHAOLÔ
1. Hôn phối giữa hai người lương (nghĩa là không rửa tội):
Hôn phối giữa
hai người lương theo nghi lễ và nghi thức của họ, được coi là hợp pháp và hữu
hiệu (matrimonium legitimum). Theo luật tự nhiên, nó cũng phải có tính bền vững.
Tuy nhiên vì không phải là bí tích, nên sự bền vững đó không tuyệt đối. Theo
1Cr 7, 15 thì khi một trong hai người trở lại đạo Công giáo, nếu người kia
không trở lại hay không chịu sống chung hòa thuận khỏi làm sĩ nhục Đấng Tạo
Hóa, người trở lại đạo Công giáo có quyền kết hôn với một người Công giáo. Hôn
phối trước bị bãi bỏ. Đó là đặc ân đức tin (privilegium Fidei) hay đặc ân thánh
Phaolô (privilegium Paulium. Can. 1143- 1147).
2. Điều kiện:
a. Hôn phối giữa hai người lương thành,
nghĩa là có hôn phối thực sự.
b. Một bên trở lại đạo Công giáo, bên kia cứ
đi lương.
c. Bên đi lương không muốn sống chung với
bên Công giáo: BỎ THỂ LÝ hay BỎ TINH THẦN.
3. Giải thích ba điều kiện:
a. Hôn
phối thành giữa hai người lương: “Lương” đây là chưa rửa tội, dù là dự tòng. Nếu
một bên rửa tội ngoài Công giáo, một bên lương thì không có đặc ân thánh Phaolô
theo đúng nghĩa, nhưng trường hợp đặc biệt, có lợi cho đức tin (cho đạo) thì
Tòa Thánh có thể tháo gỡ hôn phối đó để người trở lại đạo Công giáo được kết
hôn (chữa tận căn- sanatio in radice) với một người Công giáo khác.
Hôn phối giữa hai người lương là thành:
* Khi có cưới hỏi, có giá thú đàng
hoàng.
* Khi chính hai vợ chồng tự coi mình là
vợ chồng thật, cả láng giềng, bà con cũng coi như thế, không thắc mắc.
* Dù hồ nghi thì cũng phải cho là thành
(In dubio standum est provalore matrimonii. Can. 1060).
b. Một
bên trở lại Công giáo: Việc một bên trở lại đạo Công giáo, nghĩa là chịu phép rửa
tội trong Giáo Hội Công giáo, tự nó không đoạn tiêu (tiêu hôn) hôn phối giữa
hai người, nhưng chỉ ban quyền cho người trở lại Công giáo được hỏi (interpellare)
người bạn cùng đi lương xem có còn muốn sống chung nữa không? Nếu người ấy trả
lời phủ quyết, thì bên trở lại Công giáo được quyền đi kết hôn với người Công
giáo, và chỉ khi kết hôn thật sự, hôn phối cũ mới chấm dứt.
Để dùng đặc ân
thánh Phaolô hữu hiệu (valide), một bên trở lại và rửa tội rồi, bên kia chưa rửa
tội là đủ. Nhưng để hợp pháp (licite), sự trở lại Công giáp đó phải chân thành,
vì chỉ có chân thành, mới lãnh bí tích rửa tội cách hợp pháp.
Do vậy, phải bảo người muốn trở lại Công giáo về
điều đó trước khi ban phép rửa tội cho họ. Nếu không có ý ngay lành, không thật
lòng muốn chung sống hoặc làm hòa lại với người bạn hợp pháp, hay là mưu mô để
lấy cớ bỏ người bạn hợp pháp… thì không có điều kiện để chịu phép rửa tội. Tuy
nhiên, nếu thấy bất tiện khi bảo như thế, thì phải theo ý đương sự.
c. Bên lương bỏ đi:
-
Bỏ thể ly: Thật sự đã không còn sống chung, hoặc hỏi mà từ chối hẳn việc sống
chung (dissessus có thể là formalis hay materialis)
-
Bỏ tinh thần: Muốn sống chung nhưng không sống hòa thuận, làm sĩ nhục Đấng
Tạo Hóa (pacifice sinecontumelia Creatoris): chế nhạo đạo thánh, nói hay làm những
điều nguy hiểm cho đức tin hay đạo đức của bên Công giáo, hoặc hay cải cọ, mắn
chưởi, đập đánh…
Sau khi rửa tội, hoặc cả sau khi đã hỏi người
bạn không Công giáo rồi về sống chung với nhau mà có những chuyện như thế,
không phải lỗi do bên Công giáo, thì người này vẫn có quyền dùng Đặc Ân để đi lấy
người Công giáo.
4. Interpelatio (hỏi):
Để chứng minh “sự bỏ đi” của người bạn bên
lương, thì phải HỎI (danh từ giáo luật là Interpellare) người ấy hai điều:
a. Có
muốn trở lại đạo Công giáo, chịu phép rửa tội như người bạn kia không?
b. Có
bằng lòng sống chung với người bạn đã theo đạo Công giáo cách hòa thuận, không
sỉ nhục Đấng Tạo Hóa không? (Can. 1144).
CÁC CHI TIẾT:
Thời gian hỏi:
Thường phải hỏi
sau khi bên trở lại Công giáo đã được rửa tội, trước khi kết hôn với người Công
giáo.
Trường hợp có
lý do quan trọng, thì Đấng Bản quyền có thể cho phép hỏi trước khi rửa tội.
Hỏi ai?
Phải hỏi chính
người bạn còn đi lương, và hỏi nhân danh người bạn đã trở lại đạo Công giáo.
Trường hợp nào phải hỏi?
Phải hỏi LUÔN,
trừ khi Tòa Thánh đã tuyên bố thể khác. Dù thấy hỏi vô ích, cũng vẫn phải hỏi. Nhưng
khi không thể hỏi được, có thể xin Đấng Bản quyền chuẩn cho khỏi hỏi. Thường Đấng
Bản quyền chỉ được chuẩn hỏi sau khi người bạn trở lại Công giáo đã được rửa tội.
Nhưng nếu có lý do quan trọng, ngài có thể chuẩn hỏi trước khi rửa tội. (Pastorale
munus số 33).
Trong cả hai trường hợp (chuẩn hỏi, chuẩn trước
rửa tội), trước khi ban ơn chuẩn, phải làm thủ tục điều tra về lý do, ít là
theo lối hành chánh (processu summario extrajudiciali). Nếu bỏ câu hỏi một của
Can. 1144, chỉ hỏi câu hai (của khoảng luật này) và người ấy trả lời “KHÔNG”
thì dùng Đặc Ân thành.
Hình thức hỏi: có ba hình thức
-
Hỏi tư (riêng) privatim
-
Theo lối tòa án (có trát gọt, có thẩm phán…)
-
Lối ngoài tòa án, tức là lối hành chánh.
Hai hình thức
sau là chính thức (authentica) làm do lệnh Đấng Bản quyền của người tân tòng.
Hỏi thế nào?
a. Phải
hỏi thẳng, đừng loanh quanh, úp mở, mà phải nói rõ là nếu… thì người tân tòng
có quyền đi lấy vợ hay chồng là người Công giáo.
b. Phải
hỏi do quyền của Đấng Bản quyền và nhân danh người tân tòng. Nếu đương sự yêu cầu,
thì Đấng Bản quyền phải cho họ một thời gian để suy nghĩ, và bảo họ nếu quá thời
gian đó mà không trả lời thì coi như trả lời phủ quyết (Can 1145).
c. Đại
diện Đấng Bản quyền có thể là cha xứ hay một giáo sĩ, hoặc giáo dân đứng đắn,
khôn ngoan. Nếu một người không chắc, nên có thêm một nhân chứng. Phải ủy quyền
bằng văn thư. Và thường nếu giao cho một giáo sĩ chức nhỏ hay một giáo dân thì
bắt họ thề làm việc cho đàng hoàng. Khi hỏi, phải làm biên bản hay báo cáo viết
thành văn (hai bản).
d. Hỏi
tư là khi người tân tòng tự ý hỏi nhân danh cá nhân mình, hoặc do Đấng Bản quyền
cho phép. Dù người tân tòng tự ý hỏi lấy, nếu Đấng Bản quyền xét thấy có giá trị,
ngài có thể cho là đủ, nhưng phải có bằng chứng để có giá trị ở tòa ngoài. Thí
dụ: có hai nhân chứng. Trường hợp không hỏi được chính thức thì phải cho hỏi
như vậy. Nhưng nếu có thể, chính linh mục hỏi lấy. Trong mỗi trường hợp, các
câu hỏi và trả lời phải được viết vào giấy. Cũng có thể hỏi bằng thư, và có một
thời hạn đủ rộng rãi để trả lời (Syn. Tunq. Tit III, C III, 1,5).
Chú ý: Để tránh
những rắc rối có thể xảy ra, cần bảo người bạn tân tòng, trước khi tái hôn với
người Công giáo hãy liệu giải quyết vụ hôn phối trước cho dứt khoát đi đã. Thí
dụ: ly dị ở tòa đời (nếu trước có giá thú), hoặc tuyên bố trước mặt gia đình
người bạn cũ, hoặc hai bên làm giấy dứt khoát bỏ nhau, bên người tân tòng giữ một
bản.
E.
VỀ VIỆC GHI SỔ SÁCH
1. Cử
hành phép hôn phối xong, linh mục quản xứ phải
ghi vào sổ hôn phối (những điều đã in sẵn trong sổ- Can. 1121)
2. Nếu
là hôn phối có phép chuẩn, phải ghi chú điều đó bên lề và giữ văn bản tha
ngăn trở, cùng với tờ khai khẩu cung (Can. 1121§3).
3. Phải ghi chú hôn phối vào sổ rửa tội của người lãnh bí tích hôn phối, nếu
họ đã được rửa tội trong giáo xứ (Can. 1122§1).
4. Phải thông báo (notificatio) cho giáo xứ,
nơi những người ấy đã chịu phép rửa tội để ghi vào sổ (Can. 1122§2).