Lời Chúa cnps 3b _ gặp gỡ Chúa phục sinh


GẶP GỠ CHÚA PHỤC SINH
Phải sống thế nào để cho người khác luôn nhận ra Chúa Phục Sinh đang hiện diện trong con người và cuộc sống của chúng ta.
Logos
Một trong những bộ phim được nhiều người Công Giáo biết đến và yêu thích là bộ phim của Ý mang tựa đề “Chú Bé Marcelino.”
Chú bé Marcelino mồ côi cha mẹ, được các thầy dòng Phanxicô nuôi dưỡng trong tu viện. Một ngày kia, khi được 5 tuổi, chú bé phát hiện ra một tượng Chúa chịu nạn thật lớn bị bỏ phế trong nhà kho. Khởi đầu, chú bé rất sợ khi nhìn thấy tượng Chúa. Nhưng về sau, chú bé thấy “Bác Giêsu” rất hiền và có vẻ đói, nên đã lén lấy trộm bánh và rượu của các thầy cho “Bác Giêsu.” Thấy mất nhiều đồ ăn, các thầy theo dõi và chứng kiến cảnh Chúa Giêsu hiện ra, trò chuyện và ăn uống trước mặt chú bé Marcelino.
Một lần kia, Chúa Giêsu hiện ra, Ngài hỏi chú bé muốn điều gì, chú bé trả lời muốn được gặp mẹ chú ở thiên đàng. Chúa đã nhận lời và bảo chú đi ngủ.
Đoạn cuối của bộ phim thật cảm động: các thầy dòng đã tìm thấy chú bé Marcelino ngồi nghiêng đầu trên chiếc ghế dựa, bên cạnh tượng Chúa chịu nạn trong nhà kho. Chú đã chết, cái chết êm ái dịu dàng như một giấc ngủ.
Câu chuyện về chú bé Marcelino thật xúc động! Với một lòng tin vừa ngây thơ, vừa đơn sơ, nhưng thật mạnh mẽ, chú bé đã được nhìn thấy Chúa Giêsu hiện ra và được gặp gỡ Chúa. Câu chuyện gợi lên cho chúng ta những lần Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ. Nhưng thật ra, các môn đệ vẫn chưa có lòng tin đủ mạnh để nhận ra Ngài.
Hôm nay, trong bài Tin Mừng theo thánh Luca, Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với các môn đệ, ban bình an và củng cố đức tin các ông để các ông không còn sợ hãi. Nhưng các môn đệ vì hoang mang và bối rối nên tưởng Chúa là một bóng ma.
Để làm cho các môn đệ được vững tin hơn, Chúa đã cho các ông xem tay chân và ăn uống trước mặt các ông. Qua câu chuyện Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận ra được tính cách độc đáo của Chúa Giêsu Phục Sinh: Ngài luôn đến với chúng ta thật bất ngờ trong những điều thật bình thường. Ngài đến để ban cho ta lời hằng sống và sứ mạng làm chứng nhân cho Ngài. Nhưng để gặp được Ngài, ta phải có lòng tin.
Chúa Giêsu Phục Sinh đến bất ngờ giữa đời thường.
Những lần Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra, Ngài luôn đem đến cho các môn đệ sự bất ngờ. Chúa Giêsu không báo trước cho các môn đệ trong những lần Ngài hiện ra. Vì thế, trong lúc các ông đang ở trong phòng đóng kín, Ngài đã xuất hiện bất ngờ, khiến các môn đệ sợ hãi và hoang mang (Ga 20, 19). Chúa Giêsu Phục Sinh cũng bất ngờ hiện ra ở Biển Hồ Tibêria vào lúc trời mờ sáng, giữa lúc các môn đệ đang đánh cá và họ đã không nhận ra Ngài (Ga 21, 1-14). Chúa Giêsu Phục Sinh cũng hiện ra với Maria Mđalêna một cách bất ngờ khiến bà không nhận ra Ngài, nhưng tưởng là người làm vườn (Ga 20, 15).
Chúa Giêsu Phục Sinh cũng bất ngờ xuất hiện bên cạnh hai môn đệ làng Emmaus, khiến hai ông không nhận ra Chúa (Lc 24, 12-35). Và đặc biệt trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đột ngột xuất hiện giữa các môn đệ, khiến các ông hoảng sợ tưởng là ma hiện hình (Lc 24, 37).
Ngoài yếu tố bất ngờ, Chúa Giêsu Phục Sinh còn hiện ra trong những hoàn cảnh sống và làm việc rất bình thường của các môn đệ: Chúa hiện ra với các môn đệ lúc các ông đang ở nhà, lúc các ông đi đường, lúc các ông đang đánh cá trên biển… Chúa Giêsu hiện ra không phải trong cảnh huy hoàng sáng láng, với dung mạo một Thiên Chúa đầy vinh quang. Nhưng Ngài xuất hiện trong vóc dáng của một con người tầm thường khiêm tốn: như một người khách bộ hành, như một bác làm vườn, như một ngư phủ…
Ngài hiện ra với những vết thương nơi thân xác, Ngài ăn uống bình thường trước mặt các môn đệ. Ngài tỏ ra những cử chỉ thân thương đối với các môn đệ: cho các ông chạm vào người, bẻ bánh trước mặt các ông, hoặc dọn bữa cho các ông trên bờ biển…
Chính vì Chúa Giêsu Phục Sinh thường xuất hiện bất ngờ với những điều bình thường như thế nên những đôi mắt đức tin mờ tối sẽ không nhận ra Ngài. Dù Chúa đã sống lại và Ngài đã đi vào vinh quang sáng ngời, Ngài vẫn đang tiếp tục đến và hiện diện với Giáo Hội và với mỗi người chúng ta. Ngài đến vào giữa những khoảnh khắc bất ngờ trong cuộc sống. Ngài đến trong những cái tầm thường và thấp hèn nhất của đời ta. Liệu ta có lòng mạnh tin để nhận ra và gặp gỡ được Ngài?
Gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh, con người được biến đổi
Gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh, các môn đệ đã tìm lại được niềm vui và hy vọng. Gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh, các môn đệ đã được hoàn toàn đổi mới. Chúa Giêsu Phục Sinh đã ban cho các môn đệ ba món quà quý giá trong những lần hội ngộ đầy thân thương ấy. Ba món quà đó là:
- Bình an: trong những lần hiện ra, Chúa Giêsu luôn trao sự bình an cho các môn đệ: “Bình an cho các con! Này Thầy đây, đừng sợ!” Chính sự bình an của Chúa là hoa quả của ơn Thánh Thần, khiến các môn đệ tìm lại được sự vững tâm và sức mạnh sau những khủng hoảng và tuyệt vọng. Hôm nay, Chúa vẫn tiếp tục ban bình an cho chúng ta, nếu chúng ta sẵn sàng đón nhận Ngài.
- Ánh sáng: trước khi Chúa Giêsu sống lại, các môn đệ đã hoàn toàn sống trong bóng tối. Bóng tối của sự sợ hãi. Bóng tối của u mê lầm lạc. Nhưng khi Chúa Phục sinh hiện đến, Ngài ban cho các môn đệ nguồn sáng từ lời Ngài. “Ngài đã mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.” Chính khi Chúa dùng Kinh Thánh để giải thích cho các môn đệ hiểu, lúc ấy lòng họ mới bừng cháy lên và nhận ra Ngài. Con người ngày nay cũng vậy, nếu không mở lòng ra để đón nhận ánh sáng lời Chúa, họ sẽ không thể gặp gỡ được Ngài.
- Sức mạnh: sau khi Chúa Giêsu chịu chết, các môn đệ sợ hãi, nhát đảm và đóng kín chính mình. Nhưng sau khi gặp gỡ Chúa Phục Sinh, các môn đệ đã trở nên mạnh mẽ, can đảm khác thường. Chính vì nhận lãnh sức mạnh từ Chúa, họ đã can đảm mở tung cánh của của sự hèn nhát và sợ hãi để lên đường đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Đó chính là điều Chúa đã tín nhiệm trao cho các môn đệ như một sứ mạng: “Còn các con, các con sẽ làm chứng về điều ấy.” Các môn đệ đã tin, đã sống và đã loan báo. Ngày nay, đến lượt chúng ta cũng hãy tiếp tục lần theo bước chân loan báo Tin Mừng của các tông đồ, can đảm hoàn thành sứ vụ cao cả của một chứng nhân Tin Mừng.
Bài đọc thứ I, trích sách Tông Đồ Công Vụ đã cho chúng ta một bằng chứng cụ thể: Thánh Phêrô tông đồ đã chứng tỏ sức mạnh và nhiệt tâm của một chứng nhân loan báo Tin Mừng. Ngài đã can đảm làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh, cho dù có phải trải qua biết bao gian truân và thử thách.
Trong cuộc điều tra để phong thánh cho cha Gioan Maria Vianney, tòa án phong thánh cho mời tất cả những ai đã từng tiếp xúc với cha Vianney đến để làm chứng cho ngài. Trong số các chứng nhân được mời đến, có một bác nhà quê chất phác nói một câu đơn sơ, vắn tắt nhưng đầy ý nghĩa: “Tôi đã thấy Thiên Chúa trong một con người.”
Thánh Gioan Maria Vianney đã chiếu tỏa dung mạo của Thiên Chúa qua đời sống thánh thiện và bác ái của mình. Vì thế, người ta đã nhìn thấy Thiên Chúa qua ngài. Vậy, làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh chính là chúng ta phải sống thế nào để cho người khác luôn nhận ra Chúa Phục Sinh đang hiện diện trong con người và cuộc sống của chúng ta.