Tìm hiểu Lời Chúa _ thứ bảy tuần 4 thường niên

THỨ BẢY SAU CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN
NĂM LẺ
Dt 13, 15-17. 20-21; Mc 6, 30-34
BÀI ĐỌC:Dt 13, 15-17. 20-21
15 Thưa anh em, nhờ Đức Giê-su, chúng ta hãy luôn luôn dùng lời ngợi khen làm lễ tế dâng lên Thiên Chúa, tức là dùng miệng lưỡi mà ca tụng Danh Thánh. 16 Anh em chớ quên làm việc từ thiện, giúp đỡ lẫn nhau, vì Thiên Chúa ưa thích những hy lễ như thế.
17 Anh em hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em và hãy phục tùng họ, vì họ chăm sóc linh hồn anh em như những người sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa. Như thế, họ sẽ vui vẻ thi hành phận sự của mình mà không than thở, bởi vì điều đó chẳng ích gì cho anh em.
20 Thiên Chúa là nguồn mạch bình an đã đưa Đức Giê-su, Chúa chúng ta ra khỏi cái chết. Đức Giê-su là vị Mục Tử cao cả của đoàn chiên, là Đấng đã đổ máu mình ra để thiết lập giao ước vĩnh cửu. 21 Xin Thiên Chúa ban cho anh em mọi ơn lành để có sức thi hành thánh ý Người. Xin Người thực hiện nơi anh em điều đẹp lòng Người, nhờ Đức Giê-su Ki-tô. Kính dâng Đức Ki-tô vinh quang đến muôn thuở muôn đời. A-men.
ĐÁP CA: Tv 22
Đ. Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. (c 1)
1 CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. 2 Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành 3a và bổ sức cho tôi
3b Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. 4 Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
5 Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa.
6 Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Ga 10, 27
Hall-Hall: Chúa nói: Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Hall.
TIN MỪNG: Mc 6, 30-34
30 Khi ấy, các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. 31 Người bảo các ông: "Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. 32 Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. 33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. 34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

LỜI CHÚA BAN PHẦN CƠ NGHIỆP
Lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất thánh sử Marco dùng danh hiệu Tông Đồ để gọi các môn đệ Đức Giêsu (x Mc 6, 30: Tin Mừng). Sở dĩ tác giả gọi các môn đệ là Tông Đồ, vì “các ông làm rồi mới dạy” để giống Thầy Giêsu cũng “làm rồi dạy’’ (Cv 1, 1). Ta lại biết thánh sử Luca khi viết lịch sử Giáo Hội sơ khai (sách Tông Đồ Công Vụ), ông đã khéo léo đặt câu “Đức Giêsu làm rồi mới dạy” ngay ở đầu sách. Điều này Chúa muốn nhấn mạnh: tất cả những ai bắt chước Chúa Giêsu “làm rồi mới dạy”, người ấy mới tiếp tục viết lên những trang lịch sử sống động của Hội Thánh.
Đức Giêsu “làm rồi mới dạy” cụ thể như thế nào?
Chúng ta cứ nhìn vào đời sống phục vụ của Đức Giêsu, Ngài dư quyền năng để chữa lành mọi bệnh nhân, cũng như Ngài dư khả năng làm cho mọi người được no cơm ấm áo. Thế nhưng trong lãnh vực này, Đức Giêsu chỉ làm một số phép lạ để nêu dấu chỉ ơn cứu độ Ngài thực hiện qua mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh. Do đó, những ai đến cùng Đức Giêsu mà chỉ mong được Ngài đáp ứng nhu cầu thể xác, thì Ngài lại trốn họ mà đi cầu nguyện và giảng Lời ở nơi khác (x Mc 1, 32-39). Đan cử: có lần Đức Giêsu cho dân chúng ăn bánh no nê, họ muốn tôn Ngài làm Vua, Ngài trốn mất, họ chạy đi tìm Ngài để không còn sợ phải đói khổ, thì Ngài quay lại quở trách: “Các ngươi tìm Ta không phải vì các ngươi đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no. Hãy ra công đừng vì lương thực hư nát, nhưng vì lương thực sẽ lưu lại mãi đến sự sống đời đời. Cụ thể là đón nhận Thánh Thể Ngài sẽ ban cho họ…” (Ga 6, 26t).
Chính vì vậy khi Đức Giêsu sai các môn đệ đi phục vụ nhu cầu của dân, các ông không còn giờ nghỉ ngơi ăn uống, và trở về báo cáo với Thầy Giêsu, thì Ngài bảo các ông: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Lúc đó dân chúng ở đâu lại tấp nập kéo đến phá vỡ chương trình nghỉ ngơi ăn uống của Thầy trò. Chắc chắn là họ đến xin chữa bệnh và xin được ăn bánh no, nhưng Ngài lại lên tiếng giảng dạy họ nhiều điều, vì họ như những đoàn chiên không có người chăn dắt (x Mc 6, 30-34: Tin Mừng). Ngài muốn mọi người phải trở nên chiên của Ngài nhờ có tấm lòng nghe Lời Chúa, như Ngài nói: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10, 27: Tung Hô Tin Mừng).
Như thế, Đức Giêsu thể hiện quyền Mục Tử chăn dắt dân là Ngài lo chu toàn sứ mệnh ngôn sứ đúng với lời kinh mà ta vẫn đọc: “Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới nguồn nước trong lành và bổ sức cho tôi” (Tv 23/22, 1-3: ĐC năm lẻ). Vậy “lạy Chúa, thánh chỉ Ngài, xin dạy cho con” (Tv 119/118, 12b: ĐC năm chẵn).
Ngài dùng Lời Chúa để chăm sóc dân là nhắm cho họ được khôn ngoan và giàu có như vua Salômôn đã cầu xin cùng Chúa: “Xin cho tôi tớ Chúa đây một tấm lòng biết nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái; chẳng vậy nào ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế?” Chúa hài lòng vì vua Salomon đã xin điều đó, Thiên Chúa phán với vua: “Bởi vì ngươi đã không xin điều đó, ngươi đã không xin cho được sống lâu, hay được của cải, cũng không xin cho kẻ thù ngươi phải chết, nhưng đã xin cho được tài phân biệt để xét xử, thì này Ta làm theo như lời ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan và minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi không một ai bì kịp. Cả điều ngươi không xin Ta cũng ban cho ngươi: giàu có, vinh quang đến nỗi suốt đời ngươi, không có ai trong các vua được như ngươi”.
Ta thấy vua Salômôn xin những điều khác với các vua chúa trần gian: vua nào chẳng mong triều đại mình vĩnh cửu (thọ), do đó vua cần nhiều người tung hô “muôn năm”; Vua nào chẳng muốn mình được giàu có (lộc), bởi vì vua có giàu, dân mới mạnh; Vua nào chẳng mong bách chiến bách thắng trước mọi kẻ thù (phúc). Nói tắt, vua Salômôn không xin Phúc – Lộc – Thọ, chỉ xin Chúa ban cho ông tấm lòng biết nghe, bởi thế Chúa ban cho ông giàu có và khôn ngoan đến nỗi không ai sánh được với ông, cả những điều ông không xin Chúa cũng ban cho hơn lòng mơ ước! (x 1 V 3, 9-13: Bài đọc năm chẵn).
Nhất là những ai được giàu có về Lời Chúa và đem ra thực hành, thì họ làm việc gì cũng thành công (x Tv 1, 2-3).
Vì có tâm hồn nghe Lời Chúa mà làm gì cũng thành công, nên tác giả thư Do Thái khuyên nhủ các tín hữu: “Hãy để tâm vâng nghe giáo huấn của các vị lãnh đạo, vì họ chăm sóc linh hồn anh em như những người sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa. Giáo huấn đó bắt nguồn từ Đức Giêsu là Vị Mục Tử cao cả của đoàn chiên, Đấng đã đổ máu mình ra để thiết lập Giao Ước vĩnh cửu, nhờ đó chúng ta được bình an và thoát tay tử thần.
Sống như thế là nhờ Đức Giêsu, chúng ta luôn luôn dùng miệng lưỡi mà ca tụng Danh Thánh, đó là lễ tế dâng lên Thiên Chúa” (Dt 13, 15-17. 20-21: Bài đọc năm lẻ), hơn xưa vua Salômôn dâng lễ vật toàn thiêu trước khi ông cầu xin Chúa (x 1V 3, 4t: Bài đọc năm chẵn).
Vậy xem ra Chúa không lo đáp ứng nhu cầu vật chất của dân đến xin Ngài, Ngài chỉ thiết tha và hết lòng ban Lời cho mọi người, là Ngài đã giải quyết tận căn những nhu cầu của những ai có tâm nghe Lời Ngài, để được giống như vua Salômôn: khôn ngoan, giàu có không ai sánh bằng.
Thánh Tông Đồ cũng phục vụ theo mẫu gương Thầy Giêsu: “giảng nhiều điều”, nên có lần ông đến Trôa phục vụ dân suốt một tuần lễ, ngày cuối cùng ông biết ngày mai phải rời giáo đoàn, nên hôm đó ông đã thao thao giảng thủng đêm, trong số người những đến nghe có anh Êutykhô ngồi mãi tận lầu ba, vì ông Phaolo kéo dài bài giảng đến khuya, nên anh ngủ gật, lộn đầu xuống đất chết! Cộng đoàn ai cũng sửng sốt, nhưng ông Phaolô ra lệnh cho mọi người ngồi yên, rồi ông bình tĩnh ôm xác anh và nói: "Đừng xôn xao nữa, vì nó sống mà!”, lại tiếp tục giảng cho tới sáng. Rất may, sau buổi giảng, mọi người ra về, thì Êutykhô cũng trỗi dậy theo đoàn người trong bình an! (x Cv 20, 7t)
Sở dĩ Phaolô giảng cách cường điệu như vậy, vì ông xác tín rằng: dân muốn không thiếu thốn gì, thì phải được ông ban cho họ Lời Chúa cách dồi dào, như ông nói: “Tôi phó thác anh em cho Chúa và cho Lời ân sủng, Lời có sức ban cho anh em phần cơ nghiệp giữa hàng những kẻ được tác thánh hết thảy” (Cv 20, 32).
Với lòng nhiệt huyết như Đức Giêsu, mà Tông Đồ Phaolô say sưa giảng bất cần để ý đến thời giờ, nên giáo huấn của Hội Thánh đã khuyên dạy các mục tử: “Phải có thời gian thích hợp để giảng giải theo như Nghi Lễ cho phép” (Hiến Chế Phụng Vụ số 35).
Chúng ta biết thủ tưởng Ấn Độ là ông Gandhi, dù ông không phải là người Công giáo, nhưng ông rất say mê đọc Thánh Kinh, đây là sách gối đầu giường của ông, ông thường nghiềm ngẫm vài chương trước khi đi ngủ, và khi vừa thức dậy! Nhờ đức tin này mà ông đã đuổi quân đội Anh quốc về, trả độc lập tự do cho dân tộc Ấn, không những thế, người Anh còn giúp Ấn Độ kiến thiết đất nước như một nước đồng minh! Hỏi có nhà Cách mạng nào trên trần gian này dành độc lập cho dân tộc lại không hao tốn tiền của, sức lực, xương máu? Chỉ có ông Gandhi, không mất một giọt mồ hôi, một đồng xu nào để giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị ngoại bang. Với trải nghiệm ấy, ông nói: “ĐỜI CHỈ THÀNH CÔNG, BAO LÂU NGƯỜI TA DÁM THÍ NGHIỆM SỐNG CHÂN LÝ!” Mà chỉ có Lời Chúa mới thực sự là Chân Lý! (x Ga 18, 38)
THUỘC LÒNG
Kinh Thánh đã được Chúa linh hứng và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, khuyên răn, giáo dục, để trở nên người công chính, nhờ vậy người của Thiên Chúa nên hoàn thiện, cáng đáng được mọi việc lành (2 Tm 3, 16-17).
LM. GIUSE ĐINH QUANG THỊNH