Suy niệm hạnh thánh _ 01/2

THÁNH AN-GA
(801-865)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Thánh An-ga sinh trưởng trong một gia đình quý phái gần Amiens, sau đó trở thành một tu sĩ dòng Biển Đức ở Corbie. Ba năm sau, ngài tháp tùng Vua Harold của Đan Mạch trở về nước sau thời gian lưu đầy và ngài đã phát động công cuộc truyền giáo ở đây. Tuy nhiên không đạt được những thành quả đáng kể. Vua Bjorn của Thụy Điển xin các nhà truyền giáo đến hoạt động, và Thánh An-ga đã đến đây, phải chịu đau khổ vì nạn hải tặc và những gian truân trên đường. Ngài thành lập Giáo Hội Kitô Giáo đầu tiên ở Thụy Điển. Chưa đầy hai năm sau, ngài được gọi về để làm tu viện trưởng ở New Corbie và là Đức Giám Mục đầu tiên của Hamburg. Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IV đặt ngài làm Đại Diện Tòa Thánh ở các quốc gia Scandinavia. Sau khi hoàng đế Louis từ trần, ngân quỹ giúp đỡ cho công cuộc tông đồ miền bắc chấm dứt. Và sau 13 năm gầy dựng Hamburg, Thánh An-ga phải chứng kiến cảnh tàn lụi của giáo phận khi giặc Northmen xâm lăng vào năm 845; nước Thụy Điển và Đan Mạch lại trở về ngoại giáo.        
Khoảng năm 848, ngài được bổ nhiệm là Đức Tổng Giám Mục của Bremen, và Đức Giáo Hoàng Nicôla I đã sát nhập Hamburg vào làm một với Bremen. Bởi đó, Thánh An-ga lại trở lại Thụy Điển và Đan mạch để phát động công cuộc truyền giáo khác và đã thành công trong việc hoán cải Erik, Vua của Jutland. Nhật ký của Thánh An-ga để lại cho thấy ngài là một người thuyết giảng phi thường, là một linh mục khiêm tốnkhổ hạnh. Ngài tận tuỵ với người nghèo và người đau yếu, noi gương Đức Kitô trong việc rửa chân và phục vụ tha nhân.
Ngài từ trần cách êm ái ở Bremen, nước Đức, mà không đạt được ước nguyện là được tử đạo. Sau khi ngài từ trần, cả vùng Scandinavia lại rơi vào tay ngoại giáo mãi cho đến hai thế kỷ sau. Tên của ngài có khi còn được viết là An-ka.
Suy niệm 1: Truyền giáo
Ba năm sau, Thánh An-ga tháp tùng Vua Harold của Đan Mạch trở về nước sau thời gian lưu đầy và đã phát động công cuộc truyền giáo ở đây.
Vì sao Cha An-ga phải phát động công cuộc truyền giáo ở đây? Vì mối quan tâm chung của các vị chủ chăn vẫn thường dừng lại ở việc dưỡng giáo hơn là việc truyền giáo, do số lượng tín hữu gia tăng cần phải được chăm sóc, cũng như  do một số vấn nạn nội bộ cần phải được giải quyết.
Tuy nhiên một thực tế thoạt xem như mâu thuẫn lại cho hay: một trong những phương cách dưỡng giáo hữu hiệu lại là việc truyền giáo. Thật thế để cho thì phải có và phải có rất dồi dào, để cuốn hút cách thuyết phục thì phải làm gương sáng, để không bị đồng hóa thì đã phải thánh hóa chính bản thân.     
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chuyển hướng dưỡng giáo bằng việc truyền giáo, để tránh nguy cơ vô tình lo dưỡng giáo mà lại trở thành phản giáo.
Suy niệm 2: Ngân quỹ
Sau khi hoàng đế Louis từ trần, ngân quỹ giúp đỡ cho công cuộc tông đồ miền bắc chấm dứt.
Ngân quỹ vật chất thật cần thiết để hổ trợ cho công cuộc truyền giáo, nhưng không phải là tất cả. Chính vì thế Vị Tông Đồ Trưởng đã ra một số chỉ thị cụ thể: "Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng” (Lc 9,3;Mt 10,9).
Vậy ngân quỹ tối cần là gì? Thưa đó chính là tinh thần và lòng mến Chúa cũng như yêu thương tha nhân. Có thế mới có thể xâm mình đi vào giữa sói (Lc 10,3), chấp nhận gian khổ (Rm 8,35-39), xem người trọng hơn bản thân đến mức sẵn sàng hiến mạng vì bạn (Ga 15,13;2Cr 12,14-15).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết tích lũy cho mình một kho tàng trên trời, một vốn liếng vững chắc cho tương lai tức các việc lành phúc đức để được sự sống đời đời (Mt 6,19-20;1Tm 6,17-19). 
Suy niệm 3: Thuyết giảng
Nhật ký của Thánh An-ga để lại cho thấy ngài là một người thuyết giảng phi thường, là một linh mục khiêm tốn và khổ hạnh.    
Đã là một thuyết giảng phi thường, chắc hẳn Thánh An-ga phải có được lợi khẩu vốn là một đặc ân Chúa thương ban, nhưng đồng thời cũng không thiếu phần cọng tác tích cực của thánh nhân, bằng việc suy nghĩ, nhất là soạn bài rất kỹ lưỡng.
Ngoài ra phải kể đến gương sống vốn là một bài giảng không lời, nhưng lại có hiệu năng thuyết phục thính giả gấp ngàn lần một bài giảng mang tính thuần lý thuyết không được biện minh bằng việc làm.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hằng ý thức về tầm quan trọng của việc: lời nói phải luôn đi đôi với việc làm.
Suy niệm 4: Khiêm tốn
Nhật ký của Thánh An-ga để lại cho thấy ngài là một người thuyết giảng phi thường, là một linh mục khiêm tốn và khổ hạnh. 
Truyền thống Hội Thánh luôn ghi nhận khiêm tốn là một trong mười hai hoa trái của Thánh Thần: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, hiền hòa, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ và thanh khiết (Sách Giáo lý Công Giáo số 1832).   
Người trí thức chân chính và đích thực phải là một người khiêm tốn, nhờ đó không bao giờ tự mãn về mớ kiến thức thủ đắc của mình, nhưng ngược lại càng hiểu biết thì càng nhận ra sự hiểu biết của mình chỉ là hạt cát trong bãi biển mênh mông vô tận, vì thế càng phải luôn trau dồi và học hỏi thêm mãi.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con học được tấm gương hiền lành và khiêm nhường của Chúa.
Suy niệm 5: Khổ hạnh
Nhật ký của Thánh An-ga để lại cho thấy ngài là một người thuyết giảng phi thường, là một linh mục khiêm tốn và khổ hạnh.
Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn (Mt 26,41), nhất là còn mang thương tích của tội nguyên tổ nữa, nên cần phải được chế ngự và được điều khiển bằng tinh thần khổ hạnh.
Thật vậy con đường tiến đến hoàn thiện phải ngang qua Thập Giá. Không thể nào đạt được sự thánh thiện, nếu không có từ bỏ và chiến đấu nội tâm. Sự tiến bộ thiêng liêng đòi phải có tu luyện và khổ chế (Sách Giáo Lý Công Giáo số 2015). 
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết tận dụng phương cách khổ hạnh để mỗi ngày mỗi được hoàn thiện hơn. 
Suy niệm 6: Phục vụ
Thánh An-ga tận tuỵ với người nghèo và người đau yếu, noi gương Đức Kitô trong việc rửa chân và phục vụ tha nhân.    
Một đặc điểm của tinh thần phục vụ tha nhân, đó là phải quên mình, vì có quên mình thì mới dám liều mình thực hiện công việc, và có liều mình thì mục tiêu mới đạt được hiệu quả cao. Một phụ nữ tay yếu chân mền như Giuđích, làm sao một thân một mình cả dám vào trại địch, để chém được đầu tướng quân Hôlôphẹc giải cứu toàn dân, nếu thiếu yếu tố ấy?
Phục vụ là quên mình, nhưng cao điểm phục vụ phải là phục vụ đến quên mình (Mc 10,45). Đức Giêsu chẳng những nêu bật tiêu chí này, mà còn thực hiện bằng cái chết cứu đời và cứu người trên thập giá. Theo gương ấy, thánh Maximiên Cônbê đã sẵn sàng chết thay cho một người bạn tù.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn tìm vui trong việc phục vụ hơn là được phục vụ.