Lời Chúa cntn 3b _ sám hối, cửa vào thiên đàng

SÁM HỐI, CỬA VÀO THIÊN ĐÀNG
Các vị tiên tri trong cựu ước luôn nhắc tới việc thống hối, Thánh Gioan Tiền Hô giảng việc thống hối để dân chúng chuẩn bị đón Chúa, suốt cuộc đời công khai Chúa, Chúa luôn luôn nhắc tới việc thống hối…
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Những bài giảng của Chúa Giêsu thật là quan trọng, vì là những bài giảng của một vị Thiên Chúa. Vậy ta thử đặt câu hỏi: “Trong bài giảng đầu tiên của Chúa, Chúa đề cập đến vấn đề gì?”
Theo tin mừng Thánh Marcô ta vừa nghe, thì trong bài giảng đầu tiên của Chúa, Chúa đã đề cập vấn đề thống hối (Marcô 1,15). Cũng do đó mà bài đọc 1 Chúa nhật này, Giáo hội đã trưng ra việc thống hối, dân thành, Ninive, và việc thống hối này đã đưa lại kết quả đặc biệt: Chúa thứ tha mọi tội lỗi của họ, thành Ninive không bị phá hủy. Thống hối quả là vấn đề cần thiết và quang trọng cho cuộc đời ta. Các vị tiên tri trong cựu ước luôn nhắc tới việc thống hối, Thánh Gioan Tiền Hô giảng việc thống hối để dân chúng chuẩn bị đón Chúa, suốt cuộc đời công khai Chúa, Chúa luôn luôn nhắc tới việc thống hối (dụ ngôn người thu thuế và người biệt phái lên đền thờ cầu nguyện, Chúa nhắc tới sự cần thiết thống hối nhân biến, cố quan Philatô giết một số người Gallilea đang lúc họ dâng của lễ, biến cố tháp Siloe đổ đè chết một số người v.v)
Thống hối là gì? Qua nghi thức thống hối trong mỗi đầu thánh lễ, ta thấy thống hối chính là hạ mình xuống, nhận mình tội lỗi, xin Chúa thứ tha và quyết tâm sửa đổi lại cuộc sống… Khi đọc kinh cáo mình, từ Đức Thánh Cha tới người giáo hữu quê mùa nhất, đều cúi đầu, đấm vào ngực ba lần, và nói: “lỗi tại tôi, lỗi lại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.” Khiêm nhượng, nhân lỗi mình, xin Chúa thứ tha không phải là tự ty mặc cảm, không phải là hành vi quá đáng, mà chính là thái độ dáng ca tụng. Con người yếu hèn của ta, thật dễ sa ngã, nhưng rồi cũng thật dễ dàng được Chúa thứ tha, nếu ta thành thực, khiêm nhượng, nhân lỗi, và quyết tâm sửa lại.
Hoàn Công nước Tề đi săn, đuổi con hươu chạy vào một cái hang, thấy có một ông lão, bèn hỏi rằnh: “Hang này tên gọi là hang gì?”
Ông lão thưa: “Tên là hang Ngu Công.”
Vua hỏi: “Tại sao mà lại đặt tên như thế?”
Ông lão thưa: “Tại kẻ hạ thấn đây mới có tên ấy.”
Nhà vua nói: “Coi dáng lão, không phải là người ngu, cớ gì lại đặt cái tên như thế?”
Ông lão trả lời: “Để hạ thần xin nói: Nguyên hạ thần có con bò đẻ được một con, khi bò con đã lớn, thì hạ thần đem đi bán, rồi lấy tiền mua một con ngựa con, đem về cùng nuôi với bò cái. Một hôm, có chàng thiếu niên dến, lấy lý: bò không đẻ ra được ngựa, bèn bắt con ngựa đem đi. Tôi chịu mất, không cãi được, vì thế xa gần cho tôi là ngu, mới gọi hang tôi ở đây là hang ngu công.”
Hoàn Công nói: “Lão thế thì ngu thật.”
Buổi chiều hôm sau, Hoàn Công đem câu truyện kể lại cho Quản Trọng nghe. Quản Trọng nói “Đó chính là cái ngu của hạ thần. Nếu được vua giỏi như vua Nghiêu, bề tôi như Cao Dao, thì khi nào lại có kẻ giám ngỗ ngược lấy con ngựa của người ta như vậy. Ngu Công mà đành để mất ngựa, là biết rõ hình pháp ngày nay không ra gì. Xin nhà vua kíp chỉnh đốn các chính sự lại.”
Đực Khổng Tử nghe truyện này nói: “Đệ tử ta đâu, ghi lấy việc ấy: Hoàn Công là Bá Quân, Quản Trọng là hiền thần. Tuy đã vào bậc khôn ngoan nhất đời, mà vẫn còn cho mình là ngu dại.”
Quản Trọng đã nhận việc sơ xuất trên, cho là lỗi tại mình, lỗi tại phép nước, lỗi tại vua, và xin vua sửa đổi, chỉnh đốn chính sự.
Mỗi người chúng ta, chúng ta cố gắng nhận ra những sơ xuất, những lỗi lầm để kịp sửa đổi.
Một câu truyện xảy ra cách đây hơn 2000 năm: Vua Acoka cai trị Ấn Độ trước công nguyên khoảng 200 năm. Nhà vua lúc đầu là một bạo chúa, nhưng sau, đã biết thống hối tội lỗi, và rất sùng đạo phật. Nhà vua thường có thói quen cúi đầu, thống hối những lỗi lầm dĩ vãng, và mỗi lần gặp các thầy tỳ Khưu đi hành khất, thì vua xuống xe, cúi đầu bái lậy.
Có vị quan trong triều tên là Yasas. Yasas kiêu hãnh, tự phụ về của cải, chức quyền của mình. Yasas can vua không nên làm thế, vì đầu con người có giá trị, đặc biệt là đầu của một ông vua lại càng giá trị biết mấy.
Để dậy cho Yasas bài học khiêm tốn, nhà vua truyền sáng hôm sau, các quan phải tề tựu đông đủ tại triều. Sáng sớm, khi các vị quan triều đình đã các mặt đông đủ, vua truyền giao cho mỗi vị quan một chiếc đầu: đầu heo, đầu trâu, đầu gà, chó v.v. Riêng Yasas thì được giao một thủ cấp (đầu người), và vua truyền các quan đi rao bán các đầu đó. Tối về, các quan tâu trình vua là đã bán xong, riêng có quan Yasas còn mang chiếc đầu về, vì chẳng những không ai chịu mua, mà người ta còn khiếp sợ khi nhìn thấy chiếc đầu đó.
Nhà vua liền phán: “Đó, khanh xem đầu con người có giá, hay đầu các vật có giá? Rồi vua nói tiếp: “Thật ra đầu của con người chúng ta chỉ có giá khi chiếc đầu này biết cúi xuống, nhìn nhận và sám hối lỗi lầm của mình, cũng như biết cúi xuống kính trọng những bậc chân tu.”
Từ ngày 2 tới ngày 7 tháng 6 năm 1957: Đức Thánh Cha Gioan XXIII (lúc đó còn là Hồng Y Giáo Chủ Venise) cấm phòng chung với các Giám Mục Vénétie tại Torreglia. Ngài có ghi trong tập nhật ký của ngài:
Largire lumen vespere (xin chiếu giọi ánh sáng vào buổi chiều tà). Lậy Chúa chúng con đang sống trong chiều tà. Con đã 76 tuổi, đó cũng là ơn huệ lớn lao của Cha trên trời. Ba phần tư những người đồng bạn với con, đã sang thế giới bên kia; chính con đây, con cũng phải chuẩn bị cho giây phút trọng đại này.
 Tôi không cảm thấy lo lắng gì khi nghĩ tới cái chết: Một trong năm anh em tôi đã ra đi, đó là Giovanni thân yêu của tôi… Tôi còn rất khỏe mạnh, tuy nhiên tôi không được phép ỷ lại; tôi phải luôn luôn có thái độ sẵn sàng, đáp lời Chúa gọi bất cứ lúc nào: “Lậy Chúa, con đây.” Dù là trong giây phút bất ngờ …
 Tôi nghĩ rằng, nhằm mục đích đón nhận tôi vào cuộc sống đời đời, và để hoàn toàn thanh tẩy tôi, Chúa Giêsu mới dành cho tôi một vài đau buồn lớn lao, cả thân xác lẫn tâm hồn. Vậy tôi xin sẵn sàng chấp nhận, miễn là tất cả làm sáng danh ngài, làm ích cho linh hồn tôi, và các con cái thiêng liêng của tôi. Tôi cũng lo sợ không đủ kiên nhẫn, và tôi cầu xin Chúa giúp đỡ tôi, là vì tôi không dám trông vào chính con người tôi, mà hoàn toàn cậy trông vào Chúa Giêsu. Te martyrum candidates laudat exercitus ( Đạo binh các vị tử đạo trong trắng, ca tụng Chúa)…
Có hai cửa mở vào thiên đàng: Cửa vô tội và cửa thống hối. Con người yếu đuối đáng thương đâu dám nghĩ tới cửa vào thứ nhất, tuy nhiên cửa vào thứ hai cũng rất bảo đảm. Chính Chúa Giêsu cũng đã qua cửa này, với thập giá vác trên vai, để đền tội cho ta, và mời gọi ta hãy theo ngài. Theo ngài có nghĩa là, thống hối, biết chịu nhục nhã, hy sinh, và chính mình cũng phải tự tạo cho mình, những hy sinh… (Journal de l’Âme, p. 451-452)
Đề tựa của Lm. HK