Lễ Giáng Sinh _ sống ơn bình an Chúa ban


SỐNG ƠN BÌNH AN CHÚA BAN
Lòng quảng đại tha thứ lại làm cho tâm hồn chúng ta an bình, thư thái và là cơ hội cảm hóa kẻ thù thành bạn hữu.
Lm. Mt
Những ngày áp lễ Giáng Sinh năm 1914, đã xảy ra một trận giao tranh với quy mô lớn giữa quân đội Đức và Pháp. Chỉ thị của cấp trên hết sức rõ ràng: Không ngừng bắn đêm Noen, mọi người phải giữ vững tay súng và vị trí chiến đấu.
Tinh thần của các binh sĩ rất căng thẳng và mệt mỏi. Đêm về, giữa bầu khí tĩnh lặng và chết chóc ấy, bỗng từ một giao thông hào vọng lên tiếng hát “Đêm thánh vô cùng…” Tiếp theo là tiếng của các binh sĩ cả hai bên hòa theo, rồi thật bất ngờ, tất cả các chiến sĩ rời hầm trú ẩn chạy đến ôm nhau chúc mừng Giáng Sinh và năm mới. Nhiều binh sĩ còn chạy về hầm lấy phần ăn làm quà tặng và trao cho nhau trong tiếng cười nói vui vẻ. Trước cảnh tượng ấy, các vị chỉ huy đồng ý ngưng chiến đến hết ngày hôm sau.
19g00 ngày 25/12, tiếng còi hụ vang lên, ai nấy phải trở về vị trí của mình mà lòng còn tiếc nuối những giờ phút ngắn ngủi nhưng chan chứa niềm vui và tình người. 15 phút sau, một tiếng súng nổ, những tiếng đạn thi nhau xé nát không gian và lòng người. Bầu khí chiến tranh tiếp tục bao trùm trận địa, máu lại đổ và nhiều thây người ngã xuống…
Mọi người đều khao khát an bình. Ngôi Hai Thiên Chúa hạ sinh làm người để đem bình an cho thế giới như lời các thiên thần ca hát: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” (Luca 2, 14) Nhưng thế giới vẫn chưa có hòa bình, gia đình còn nhiều bất hòa và lòng người còn đầy lo âu sợ hãi. Nguyên nhân của sự bất an ấy là do tâm hồn mỗi người đang bị cái xấu và điều ác thống trị.
Con Thiên Chúa từ trời xuống thế, Người rao giảng Tin Mừng và đón nhận khổ hình thập giá để giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi, và ban ơn giúp sức để chúng ta được sống xứng đáng là công dân Nước Trời: “Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện.” (Tt 2, 14) Bởi thế, những ai muốn gia nhập đoàn Dân Chúa phải dám nói không với những điều xấu, cố gắng thực thi sự công bằng và tình bác ái.
Trong vườn địa đàng năm xưa, chiều chiều Thiên Chúa đến đi dạo và trò chuyện thân mật với nguyên tổ. Nhưng vào một buổi chiều nọ, khi nghe tiếng Chúa gọi, ông bà sợ hãi nên tìm nơi ẩn núp, vì cả hai đã phạm tội. Ai làm điều bất nhân hoặc nuôi dưỡng ước muốn xấu trong lòng cũng sẽ mang tâm trạng sợ hãi và bất an như thế. Muốn tìm lại sự bình an, chúng ta phải thanh tẩy tâm hồn khỏi ý mọi nghĩ và ước muốn bất chính, can đảm từ bỏ những hành vi ám muội và thành tâm sửa chữa những lỗi lầm đã gây nên.
Ai nuôi lòng thù hận, người ấy đang để sự tức giận và ước muốn trả thù nên như ngọn lửa hồng nung nấu tâm can, vì thế họ không thể sống vui và hạnh phúc được. Muốn tái lập sự bình an trong tâm hồn, phải bẻ gãy hung khí nhằm làm hại tha nhân, cần thiêu hủy những thứ gây nên sự chết chóc như lời ngôn sứ Isaia mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc một. Nếu thù hận làm gia tăng nỗi oán hờn, thì lòng quảng đại tha thứ lại làm cho tâm hồn chúng ta an bình, thư thái và là cơ hội cảm hóa kẻ thù thành bạn hữu.
Người sống gian dối tự đặt mình làm nô lệ cho ma quỉ, đồng thời gây ra sự ngờ vực cho mọi thành viên trong gia đình, giáo xứ và bất cứ nơi đâu họ hiện diện. Khi quyết tâm loại trừ sự dối trá khỏi cõi lòng và xây dựng các mối tương quan trên nền tảng sự thật, chúng ta sẽ đem lại bầu khí tin tưởng, an vui trong gia đình và cộng đoàn.
Những người không sống giây phút hiện tại sẽ không có niềm vui trong cuộc sống, vì họ luôn tiếc nuối quá khứ, mơ tưởng viễn vông về tương lai và bất mãn với hiện tại. Họ cũng tạo nên bất an trong cộng đoàn vì những lời trách móc và thái độ ganh tị, nhất là khi thấy tha nhân được may lành và thành đạt. Nếu là Kitô hữu, những người ấy còn kêu trách cả Thiên Chúa, vì mọi sự không xảy ra theo ý muốn của họ.
Để có bình an trong tâm hồn, chúng ta phải sống trong niềm tín thác và vâng phục thánh ý Chúa. Trong cuốn Ðường Hy Vọng, Dưới Ánh Sáng Lời Chúa và Công Ðồng, khi nói về cách thức sống giây phút hiện tại, Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã viết: “Chúa muốn mưa, con cũng muốn, Chúa muốn nắng, con cũng muốn, Chúa muốn sướng, con cũng muốn, Chúa muốn cực, con cũng muốn, Chúa muốn vui, con cũng muốn, Chúa muốn khổ, con cũng muốn, Chúa và con chỉ có một ý. Bí quyết hạnh phúc của con.” (số 37) Cùng với cố gắng sống thuận theo ý Chúa, người sống giây phút hiện tại sẽ có thái độ cảm thông và tinh thần chia sẻ, “vui với người vui, khóc với kẻ khóc”, như thánh Phaolô căn dặn, và bấy giờ đời sống chung sẽ chan chứa niềm vui và an bình.
Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần là hài nhi bé nhỏ yếu đuối, nhưng Người chính là nguồn ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại và bình an của thế giới. Vì thế, đừng sợ những cố gắng của chúng ta sẽ như “muối bỏ biển” giữa thế giới đầy bất công và bạo lực này. Nếu chúng ta kiên trì và nhẫn nại; đồng thời, biết cộng tác với những người thành tâm thiện chí và cậy nhờ ơn Chúa, mọi cố gắng kiến tạo sự an bình của chúng ta sẽ đạt tới những kết quả không ngờ, tựa như hạt cải sẽ thành cây to và nhúm men làm cả khối bột dậy men mà Đức Giêsu đã nói đến.
Trong những ngày qua, nhiều người trao cho nhau những món quà, những tấm thiệp và những lời chúc mùa Giáng Sinh an lành, hạnh phúc. Nhiều Kitô hữu đã tìm đến với bí tích hòa giải để có tâm hồn trong sạch mừng lễ Giáng Sinh. Nhưng ánh sao trên bầu trời đêm nay sẽ sáng hơn, lòng mỗi người cảm nhận được bình an, gia đình và cộng đoàn giáo xứ sẽ vui hơn, nếu mỗi người quyết tâm làm một việc gì đó để đem lại niềm vui cho anh chị em mình; còn những ai đang có mối bất hòa, dám can đảm làm hòa với tha nhân.
Xin cho các Kitô hữu biết cố gắng sống ơn bình an Thiên Chúa đã ban tặng qua Con yêu dấu của Người, nhờ vậy gia đình trở thành mái ấm yêu thương và giáo xứ trở cộng đoàn loan báo Tin Mừng bình an.