Sống đức tin _ từ vực sâu con kêu lên Chúa

TỪ VỰC SÂU CON KÊU LÊN CHÚA
Những gì Chúa Giêsu đã báo trước như vậy sẽ phải xảy ra. Nếu đang bắt đầu xảy ra lúc này, thì tôi phải làm gì? Thưa tôi phải từ những vực sâu mà kêu lên Chúa.  
ĐGM. GB Bùi Tuần
1. Từ nhỏ, tôi đã quen đọc kinh “Vực sâu”, để cầu cho những người đã qua đời. Khi đã khôn lớn, lúc cầu cho những người còn sống, tôi cũng hay nghĩ tới các thứ “vực sâu” của cuộc đời họ. Lúc này, khi gánh nặng tuổi tác, bệnh tật và các yếu đuối đè nặng trên tôi, tôi thường cảm thấy thấm thía “vực sâu” của chính mình, để từ đó kêu lên với Chúa. Do vậy, các thứ vực sâu của bản thân và của các cuộc đời đã trở thành nơi thúc đẩy tôi kêu...
     Hôm nay, tôi xin tâm sự đôi chút về sự tôi cầu nguyện từ những vực sâu.
2. Vực sâu là những đau đớn, những âu lo, những xa vắng, những mong manh, mà những người bệnh tật, già nua thường cảm thấy nặng nề, không sao chia sẻ được.
     Vực sâu là những nỗi vất vả, nhọc nhằn, lầm than, lam lũ, thiếu thốn, tạm bợ, mà những người túng nghèo thường phải nếm trong thân phận ngoài lề xã hội.
     Vực sâu là những hụt hẫng, những thất vọng, những bạc bẽo, mà nhiều người phải gánh chịu, do những tình yêu bị tan vỡ, những niềm tin bị sụp đổ, những liên đới bị phản bội, những việc nghĩa được trả đáp bằng vô ơn, những lòng người thay đổi, rắc rối phức tạp.
     Vực sâu là những chọn lựa luôn sai lầm, những tội lỗi không sao tránh được, mà những người cứng lòng và mù quáng thường mắc phải.
     Đó là một số vực sâu quen thuộc trong rất nhiều người. Vực sâu nào cũng đầy đau đớn. Có những vực sâu được che giấu. Có những vực sâu để kệ mặc. Có những vực sâu liều lĩnh và nổi loạn. Có những vực sâu phấn đấu để cố vượt qua.
3. Bên cạnh những vực sâu có tính cách cá nhân, lại có những vực sâu mang tính cách xã hội như:
     Vực sâu là nạn bè phái, là những thứ tệ nạn xã hội, như xì ke, ma tuý, nạn cờ bạc, nạn buôn bán người, những văn hoá đồi truỵ, những phong trào sa đoạ hưởng thụ, những xã hội đen.
     Vực sâu còn là những sai lầm trong cơ chế, những lối sống thiếu khôn ngoan nơi một số nhân sự có trách nhiệm lớn trong cơ chế đạo đời.
     Những vực sâu trên đây mang tính chất độc hại. Vì thế, luôn có những thiện chí cản lại. Nhưng cản lại bằng bao nước mắt.
4. Tôi chạm vào các vực sâu trên đây, coi tất cả như của chính mình. Lương tâm tôi không sao trốn khỏi những trăn trở. Tôi thấy thế này: Với những vực sâu đó, cuộc đời mỗi người sẽ là một chuyến đi đầy mạo hiểm khó khăn, và có những bất ngờ quan trọng. Sẽ có thể được rất nhiều, cũng có thể sẽ mất rất nhiếu. Có thể đi lên, và cũng có thể đi xuống. Tôi thực sự lo ngại.
     Thêm vào nỗi lo đó, có một nỗi lo khác lớn lao hơn, đó là nỗi lo về vực sâu nơi chính bản thân tôi.
5. Vực sâu nơi tôi là sự yếu đuối của tôi. “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,19). Thánh Phaolô xưng mình như vậy. Tôi càng phải xưng mình như thế. Bởi vì tôi thực sự rất yếu đuối đến mức hèn hạ, đáng khinh bỉ.
     Vì thế, từ chính vực sâu nơi bản thân tôi, tôi đã kêu lên với Chúa. Vực sâu nơi tôi giúp tôi cũng cầu nguyện cho các thứ vực sâu nơi những người khác và nơi những cơ chế đạo đời.
6. Khi cầu nguyện từ các vực sâu, tôi phải rất khiêm tốn và bé nhỏ. Tôi tin Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và quyền năng. Người thực sự đã thương tôi.
     Người thương tôi bằng sự Người ban cho tôi Tin Mừng. Tin Mừng mà Người ban tặng, không phải là một giáo lý, nhưng là một Người, một Đấng, đó là Chúa Giêsu.
     Chúa Giêsu đã đến với tôi. Tôi đã gặp được Người. Người nuôi tôi bằng Lời Chúa, bằng phép Thánh Thể, bằng những tâm sự thân mật. Người cứu tôi một cách trực tiếp bằng những hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Người cứu tôi một cách gián tiếp bằng sự nâng đỡ của Hội Thánh và của bao người tốt. Họ được Chúa sai đến, để giúp tôi tránh tội và làm lành. Nhất là để thêm vào lòng tôi lửa mến Chúa yêu người.
7. Nói thế, không có nghĩa là tôi không phải phấn đấu cam go. Bởi vì cuộc sống là một chiến trường. Hơn nữa, quỷ luôn tỉnh thức để đào sâu những vực sâu sẵn có, và đào thêm những vực sâu mới.
     Chúa Giêsu đã nói trước từ lâu, về các vực sâu, mà quỷ hiện nay đang làm: “Tội ác gia tăng, nên lòng mến của nhiều người sẽ nguội đi. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 24,12-13).
    Như thế, các thứ vực sâu mới, mà Chúa chỉ cho tôi thấy, đó là tội ác gia tăng và lòng mến nguội đi. Thêm vào đó, Chúa Giêsu lại báo trước về một tình hình đức tin bị giảm sút trầm trọng: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất này không?” (Lc 18,8). Một tình hình đen tối như thế thực là quá bi đát. Đó đúng là một vực sâu mà quỷ Satan lộng hành.
8. Đọc Phúc Âm, tôi thấy những vực sâu đó hình như đang hình thành tại nơi nọ nơi kia.
     Nhưng chưa hết khủng khiếp, nếu những lời sau đây của Chúa Giêsu cũng đang xảy ra: “Sẽ có những cơn gian nan khốn khó đến mức từ thuở khai thiên lập địa đến bây giờ chưa khi nào xảy ra, và sẽ không bao giờ xảy ra như vậy” (Mt 24,21).
     Thời gian xảy ra những vực sâu khủng khiếp đó sẽ kéo dài. Nhưng “vì những người được tuyển chọn, các ngày ấy sẽ được rút ngắn” (Mt 24,22).
9. Những gì Chúa Giêsu đã báo trước như vậy sẽ phải xảy ra. Nếu đang bắt đầu xảy ra lúc này, thì tôi phải làm gì? Thưa tôi phải từ những vực sâu mà kêu lên Chúa. Đó là việc tôi đang làm với tất cả thiện chí của tôi, mặc dầu tôi vẫn yếu hèn, chỉ làm được một vài việc nhỏ bé.
10. Tôi xin cảm tạ Chúa, vì tôi đang được khích lệ bởi nhiều gương sáng xa gần. Họ đang cầu nguyện với Chúa từ những vực sâu đau đớn đầy nước mắt và mồ hôi.
     Chúng tôi đang được Chúa Thánh Thần dẫn vào vườn Cây Dầu, để cùng cầu nguyện với Chúa Cứu Thế trên bờ vực sâu của những đớn đau khủng khiếp do tội lỗi loài người (x. Mc 14,32-36). “Cha ơi, Cha có thể làm được mọi sự. Xin cho con khỏi uống chén đắng này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Lc 14,36).
     Từ vực sâu, chúng tôi kêu lên Chúa Cha những lời thảm thiết ấy. Chúng tôi được Người dạy là hãy bước theo Chúa Giêsu. Chúng tôi cảm thấy mình rất hạnh phúc, vì được là những của lễ hèn mọn cộng tác vào công cuộc cứu độ của tình yêu Thiên Chúa giàu lòng thương xót.
Long Xuyên, ngày 16.10.2014.