ĐI
RA – ĐI ĐẾN – ĐI VỀ
Chúa Giêsu ‘đi ra’ khỏi địa vị Thiên Chúa để trở nên
giống phàm nhân (Pl 2, 6-7) và sau đó Ngài ‘đi đến’ với con người, sống với con
người, loan báo Tin mừng cứu rỗi cho muôn dân, chịu nạn, chịu chết, phục sinh,
cuối cùng Ngài trở về với Chúa Cha. (Mc 16, 19)
Dẫn nhập
Hằng năm sau lễ Giáng Sinh, Giáo hội long trọng mừng
lễ Thánh gia cũng là mẫu gương cho từng người, từng gia đình chúng ta noi theo.
Tại sao chúng ta phải noi gương gia đình Thánh gia, cách riêng trong năm Tân
Phúc Âm Hóa Gia Đình? Bởi vì gia đình Thánh gia thực thi Lời Chúa dù gặp bao
thử thách để xây dựng một gia đình thánh thiện, hạnh phúc và yêu thương.
1. Đi Ra.
Trong tông huấn ‘Niềm Vui Tin Mừng’, Đức Giáo Hoàng
Phanxicô mời gọi mỗi người chúng ta hãy ‘đi ra’. Theo tôi, Thánh Giuse và Mẹ
Maria là mẫu gương đi ra tuyệt vời để chúng ta noi theo. Trước hết, đi ra khỏi
suy nghĩ hạn hẹp của con người để thực thi lời của Chúa, như Mẹ Maria đi ra
khỏi lòng mình để quyết định đáp lại lời của Chúa qua hai tiếng ‘xin vâng.’ (Lc 1, 38)
Thánh Giuse thoát khỏi suy nghĩ giới hạn của con người để mở lòng bao dung, qua
việc rước Mẹ Maria về nhà theo sự hướng dẫn của sứ thần Chúa trong giấc mộng.
(Mt 1, 18-25)
Ngoài ra các ngài cũng ‘đi ra’ khỏi sự bực tức khi bị
người đời đối xử ‘bất công’ như việc từ chối chỗ trọ và chấp nhận đi đến
một nơi thấp hèn để sinh hạ Chúa Giêsu. (Lc 2, 7) Qua đó, các ngài được cất nhắc lên như
Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng ‘Ai nâng
mình lên sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.’ (Mt 23, 12)
Thật vậy, Thánh Giuse và Mẹ Maria được cất nhắc lên làm mẹ và cha nuôi của Chúa
Giêsu. Dù vậy, các ngài hoàn toàn ‘đi ra’ khỏi những cám dỗ về danh
vọng, quyền uy của trần thế. (TH số 57-58) Ngược lại, các ngài luôn sống và
thực thi lời Chúa qua việc đem hài nhi Giêsu trốn sang Ai Cập và trở về Nadarét
để ứng nghiệm lời Ngôn sứ phán xưa. (Mt 2, 13-23) Trong Tông huấn, ĐTC đề cập
đến những cám dỗ về vật chất và ngài nói ‘ngày nay tiền được ví như nam châm,
nó có lực hút rất mạnh cho mọi tầng lớp.’ Tuy nhiên, dù tiền bạc rất ảnh hưởng
đến cuộc sống nhưng nếu chúng ta thực thi lời Chúa dạy, và noi gương Chúa Giêsu
chúng ta sẽ vượt qua thử thách. (Mt 4, 1-11 và TH số 55-56)
2. Đi Đến.
Sau khi ‘ra’ khỏi lòng mình các ngài đi đến
với Chúa qua các việc làm như: chu toàn bổn phận theo luật định là tiến dâng
Chúa Giêsu cho Chúa ‘mọi con trai đầu
lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa.’ (Lc 2, 32) Ngoài ra, khi
Chúa Giêsu lên mười hai tuổi cả gia đình cùng lên đền thờ Giêrusalem mừng lễ
Vượt Qua vì lòng đạo đức và kính mến Chúa trên hết mọi sự như Đức giáo Hoàng
danh dự Bênêđíctô XVI diễn tả trong quyển sách Chúa Giêsu Thành Nadarét. Chúng
ta để ý đến ba từ mà thánh sử Luca dùng là: ‘Cả gia đình’ cùng đi dự lễ Vượt
Qua. (Lc 2, 42) Chi tiết này rất hay và ý nghĩa, làm sao chúng ta giúp nhau và
tạo điều kiện để cho mọi người trong gia đình có thể đến với Chúa qua các Bí
tích, nhất là Bí tích Thánh thể.
Hơn nữa, chúng ta có thể noi gương Mẹ Maria và Chúa
Giêsu đi đến với tha nhân qua việc quan tâm giúp đỡ trong
những hoàn cảnh khác nhau. Trong lúc vui tươi, phấn khởi chúng ta cũng có thể
quan tâm nhu cầu của tha nhân, như Mẹ Maria quan tâm đến hạnh phúc gia đình tại
tiệc cưới Cana. (Ga 2, 1-12) Khi thi hành sứ vụ công khai Chúa Giêsu rất quan
tâm đến việc bác ái nhất là những người bệnh tật, nghèo khổ. Tuy nhiên, vấn nạn
đặt ra: Người nghèo là gánh nặng hay là cơ may trong việc rao giảng Tin Mừng?
Tùy theo tâm thức của con người. Có người coi đó là cơ hội tốt cho việc truyền
giáo nhưng có người không có khả năng về tài chính thì người nghèo là gánh
nặng. Tuy nhiên, thời Giáo Hội sơ khai, Giáo Hội quan tâm đến người nghèo, đặc
biệt là thánh Laurence (10.8) nói: ‘Người
nghèo là tài sản của Giáo Hội.’ Làm thế nào để nhận ra ngừơi nghèo là đối
tượng ưu tiên của Giáo Hội? Chúng ta cần phải có ‘con tim’ và có ‘ánh mắt’ của
Chúa Giêsu để nhận ra tha nhân là hình ảnh của Thiên Chúa như thánh Fx Assisi
và mẹ Têrêsa Caculta. (St 1, 27)
Ngoài ra, Chúa Giêsu rất quan tâm đến những con chiên
lạc đàn và Ngài đã dành thời gian quý báu đi tìm con chiên lạc để đem nó
trở về. (Lc 15, 4-7) Không dừng lại việc tìm kiếm chiên lạc, Chúa Giêsu đi xa
hơn đến vùng đất dân ngoại để tìm kiếm ‘chiên thuộc ràn khác’ gia nhập vào đàn
chiên của Ngài. (Ga 10, 16 và TH số 46-49.) Đây là việc hệ trọng nên Chúa Giêsu
mời gọi các Tông đồ thực hiện lệnh truyền sau khi Ngài đã phục sinh:‘Vậy anh em
hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa
Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần… (Mt 28, 19-20) Điều quan trọng khi truyền giáo
chúng ta phải mang tin vui của Chúa phục sinh như Đức Giáo Hoàng Phaxicô nhấn
mạnh trong tông huấn. Thật vậy, sợi chỉ nối kết toàn thể Tông huấn chính là
‘Niềm Vui’: ‘Niềm vui của Tin Mừng’ và của ‘việc rao giảng Tin Mừng.’ Điều này
được cụ thể hóa qua hình ảnh của Đức Giáo Hòang Phanxicô, ngài luôn vui tươi
khi gặp gỡ dân chúng đặc biệt là người nghèo khổ bệnh tật tại quảng trường
Thánh Phêrô cũng như những nơi khác.
3. Đi Về.
Theo sách sáng thế, Thiên Chúa tạo dựng mọi sự đều tốt
đẹp, cách riêng con người được dựng nên giống hình ảnh Ngài. Tuy nhiên, con
người không giữ được hình ảnh cao đẹp đó mà chiều theo sự cám dỗ của Ma quỷ và
đã phạm tội. (St 1 – 2) Vì thế, Thiên Chúa đã nhiều lần nhiều cách và sau cùng
Ngài đã sai chính Con một của Ngài đến trần gian. Theo Thánh Phaolô, Chúa Giêsu
‘đi ra’ khỏi địa vị Thiên Chúa để trở nên giống phàm nhân (Pl 2, 6-7) và sau đó
Ngài ‘đi đến’ với con người, sống với con người, loan báo Tin mừng cứu rỗi cho
muôn dân, chịu nạn, chịu chết, phục sinh, cuối cùng Ngài trở về
với Chúa Cha. (Mc 16, 19) Mượn tư tưởng của Thánh Phaolô, chúng ta nhìn vào thực
trạng của con người trong xã hội ngày nay. Vì bận rộn với vô số sự việc, đôi
khi chúng để ý đến ‘đi ra’ và ‘đi đến’ theo suy nghĩ của con người hơn là ‘đi
về’ với Chúa. Thật vậy, hầu hết chúng ta dành thời gian cho việc riêng hoặc
việc mục vụ và việc bác ái nhưng ít có giờ ‘trở về’ với Chúa trong giây
phút tĩnh lặng, cầu nguyện chân tình và thưa với Chúa rằng:‘chúng ta là những
đầy tớ vô dụng, chúng ta chỉ làm việc bổn phận mà thôi’ (Lc 17, 10). Thật vậy,
trong Tin Mừng thánh Gioan chương 15, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta ở lại trong
Chúa để sinh hoa trái bởi vì nếu không ở lại trong Ngài‘chúng ta không làm được
gì.’ (Ga 15, 5c) Trở về với Chúa là việc rất quan trọng của người Kitô hữu vì
Chúa Giêsu ngày xưa, dù bận rộn rất nhiều việc nhưng Ngài luôn ‘dành thời gian’
cho Chúa Cha sau những việc ‘bổn phận’ … để sau cùng Ngài đã ‘trở về’ với Chúa
Cha – Đấng ngự trên trời, cũng là quê hương thật của chúng ta. (Ga 20, 17; Cv
1, 17)
Kết luận.
Gia đình Thánh gia là mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta
noi theo. Dù bất cứ hoàn cảnh nào, họ luôn tin tưởng và thực thi lời Chúa. Cách
riêng Mẹ Maria là người đầu tiên mang ‘Niềm vui Tin Mừng cứu độ’ của Chúa Giêsu
đến tha nhân – bà Êlisabét, ông Giacaria và Gioan tẩy giả (Lc 1, 39-45) Đức
Thánh Cha đã lặp lại cụm từ ‘Niềm vui của Tin Mừng’ 59 lần. Chính Niềm Vui được
khởi sinh từ tình yêu của Chúa Cha; được kết thành bởi công cuộc cứu chuộc và
phục sinh của Chúa Con; đồng thời được tác động không ngừng bởi những ơn của
Chúa Thánh Thần qua Hội thánh, sẽ dẫn chúng ta mạnh dạn bước vào những con
đường mới trong công cuộc Tân Phúc Âm Hóa với đầy dẫy những thách đố, nhưng vẫn
luôn trào dâng niềm vui và hy vọng, tin tưởng và phó thác trong sự quan phòng
của Chúa, Mẹ Maria và Thánh cả Giuse.
Lm. Biển Xanh.