Tìm hiểu Lời Chúa _ thứ tư tuần 27 thường niên

THỨ TƯ SAU CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN
NĂM CHẴN
Gl 2, 1-2. 7-14; Lc 11, 1-4
BÀI ĐỌC: Gl 2, 1-2. 7-14
1 Thưa anh em, sau mười bốn năm, tôi lại lên Giê-ru-sa-lem một lần nữa cùng với ông Ba-na-ba; tôi cũng đem theo anh Ti-tô đi với tôi. 2 Tôi lên đó vì được Thiên Chúa mặc khải, và đã trình bày cho người ta Tin Mừng tôi rao giảng cho dân ngoại, -cách riêng cho các vị có thế giá-, vì sợ rằng tôi ngược xuôi, và đã ngược xuôi vô ích.
7 Trái lại, các ngài thấy rằng tôi đã được uỷ thác nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho những người không được cắt bì, cũng như ông Phê-rô được uỷ thác nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho những người được cắt bì. 8 Thật vậy, Đấng đã hoạt động nơi ông Phê-rô, biến ông thành Tông Đồ của những người được cắt bì, cũng đã hoạt động biến tôi thành Tông Đồ các dân ngoại. 9 Vậy khi nhận ra ân huệ Thiên Chúa đã ban cho tôi, các ông Gia-cô-bê, Kê-pha và Gio-an, những người được coi là cột trụ, đã bắt tay tôi và ông Ba-na-ba để tỏ dấu hiệp thông: chúng tôi thì lo cho các dân ngoại, còn các vị ấy thì lo cho những người được cắt bì. 10 Chỉ có điều này là chúng tôi phải nhớ đến những người túng thiếu, điều mà tôi vẫn gắng làm.
11 Nhưng khi ông Kê-pha đến An-ti-ô-khi-a, tôi đã cự lại ông ngay trước mặt, vì ông đã làm điều đáng trách. 12 Thật vậy, ông thường dùng bữa với những người gốc dân ngoại trước khi có những người của ông Gia-cô-bê đến; nhưng khi những người này đến, ông lại tránh né và tự tách ra, vì sợ những người được cắt bì. 13 Những người Do-thái khác cũng theo ông mà giả hình giả bộ, khiến cả ông Ba-na-ba cũng bị lôi cuốn mà giả hình như họ.
14 Nhưng khi tôi thấy các ông ấy không đi đúng theo chân lý của Tin Mừng, thì tôi đã nói với ông Kê-pha trước mặt mọi người: "Nếu ông là người Do-thái mà còn sống như người dân ngoại, chứ không như người Do-thái, thì làm sao ông lại ép người dân ngoại phải xử sự như người Do-thái? "
ĐÁP CA: Tv 116
Đ. Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng. (Mc 16, 15)
1 Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa, ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người!
2 Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt, lòng thành tín của Người bền vững muôn năm.
TUNG HÔ TIN MỪNG: x. Rm 8, 15bc
Hall-Hall: Anh em đã nhận được Thần Khí làm cho nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên rằng: “Abba! Cha ơi!”. Hall.
TIN MỪNG: Lc 11, 1-4
1 Một hôm, Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: "Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.”2 Người bảo các ông: "Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: "Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, 3 xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; 4 xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”

CẦU NGUYỆN LÀ CỘNG TÁC VỚI CHÚA GIÊSU

Nội dung Kinh Lạy Cha là Đức Giêsu đúc kết chương trình cứu độ loài người. Hội Thánh đã dùng chính thức trong Phụng Vụ đọc ngày ba lần: một lần trong Thánh Lễ, hai lần trong Kinh Sáng và Kinh Chiều, để ta biết cách cộng tác với Thiên Chúa làm hoàn tất chương trình cứu độ, nhờ Đức Giêsu đã khai mở từ mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh.
Khi cầu nguyện, trước nhất ta phải ý thức tương quan giữa mình với Thiên Chúa tùy theo hai ông Mattheu và Luca nhấn mạnh:
- Theo ông Matthêu: Ta là Hiền Thê của Chúa Kitô: Dựa vào cách ghi của ông Matthêu, Đức Giêsu dạy ta: “Lạy Cha chúng con”. Danh hiệu “chúng con” ở đây, ta phải hiểu là Hội Thánh Chúa Kitô, mà Hội Thánh Chúa Kitô là Hiền Thê của Ngài (x. Kh 19, 7). Do đó, khi đọc Kinh Lạy Cha của Matthêu trong Phụng Vụ, ta phải hiểu đó là tiếng nói của Hiền Thê với Chúa Giêsu là Phu Quân mình (x. HCPV số 84).
- Theo ông Luca: Trong Chúa Giêsu, ta là đứa con thơ dại: Dựa vào cách ghi nhận của ông Luca, Đức Giêsu dạy ta cầu nguyện: “Lạy Cha” (Abba).”Abba” là tiếng nói đầu tiên của trẻ thơ mới chớm nở trí khôn, nó bập bẹ kêu lên trước sự hiện diện của người sinh dưỡng dục nó.
Khi đã lãnh Bí tích Thánh Tẩy, ta là nghĩa tử của Thiên Chúa, tức là người con được sinh ra bởi Lời Chúa (x. Gc 1, 18), cũng như bởi Chúa Giêsu Phục Sinh (x. Cv 2, 38). Thánh Thần mở miệng ta biết gọi Thiên Chúa là “CHA” (Abba). Thánh Phaolô nói: “Anh em đã nhận được Thần Khí làm cho nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên rằng “Abba! Cha ơi!” (Rm 8, 15bc: Tung Hô Tin Mừng). Và vì còn là một đứa trẻ thơ không biết kêu xin “CHA”, thì Thánh Thần (Thần Khí) sẽ lựa ý Thiên Chúa để chuyển cầu cho (x. Rm 8, 14-17), đặc biệt là lúc ta tham dự Phụng Vụ, nhất là Thánh Lễ.
Chính Đức Giêsu, khi cầu nguyện Ngài luôn thưa: “Lạy Cha”. Đan cử:
- Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này (Ga 12, 27).
- Xin Cha làm vinh hiển Con (Ga 12, 28).
- Xin Cha cất chén đắng khỏi Con (Lc 22, 42).
- Xin Cha tha cho chúng (Lc 23, 34).
- Xin Cha đón nhận hồn Con (Lc 23, 46)….
Như thế, khi ta cầu nguyện “Lạy Cha chúng con” (theo Matthêu), thì được Đức Giêsu lưu ý đến nhu cầu của ta như tân lang chăm sóc tân nương; còn khi ta cầu nguyện “Lạy Cha” (theo Luca), Thiên Chúa lưu ý đến nhu cầu của ta như cha mẹ chăm sóc cho đứa con thơ dại.
Vậy “lạy Cha chúng con” hay “lạy Cha”, thì cả hai tương quan này đều dựa trên mãnh lực tình yêu.
Trong tình yêu của ta đối với Thiên Chúa khi cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, ta còn phải ý thức tám điều sau đây:
1/ Ý thức khi dùng động từ “LẠY”: Từ này chỉ dùng riêng việc thờ lạy Thiên Chúa tối cao, đối với Đức Mẹ, chúng ta không thờ, nhưng là biệt kính; còn với các Thánh khác, chúng ta chỉ tôn kính mà thôi.
2/ Ý thức lời cầu: “XIN LÀM CHO DANH THÁNH CHA VINH HIỂN”:
Danh Cha là Thánh: Có nghĩa là Ngài khác biệt và trổi vượt hơn mọi loài thụ tạo. Bởi vì:
a-     Ngài là ĐẤNG HẰNG CÓ (Giavê): Ngài không có khởi sự (không có ngày sinh) và không có tận cùng (bất tử), ngoài Thiên Chúa không có gì hiện hữu tốt đẹp và không có gì trường tồn.
b-     Ngài là Đấng TOÀN NĂNG: muốn thế nào có như vậy cách dễ dàng, đặc biệt biến dữ ra lành, chết ra sống, tội ra ơn.
c-     Ngài là CHÂN, THIỆN, MỸ: ngoài Chúa không có gì đúng, không có gì thánh thiện, không có gì tốt đẹp.
d-     Ngài là TÌNH YÊU: Thiên Chúa chỉ có thương xót, tha thứ và ban ơn.
e-     Ngài là SỰ SỐNG: ngoài Thiên Chúa không có sự sống: sự sống nơi muôn loài thụ tạo đều bởi Thiên Chúa ban.
Như vậy những gì Thiên Chúa có đều tuyệt hảo. Ai được kết hợp với Chúa Giêsu, Ngài cho họ được tham dự vào điều “CÓ” của Thiên Chúa, và như thế là danh Chúa được lộ ra sự vinh hiển nơi Hiền Thê của Đức Kitô (Mt), hay nơi các con cái Thiên Chúa (Lc).
3/ Ý thức lời cầu: “TRIỀU ĐẠI CHA MAU ĐẾN”: Mọi sinh hoạt của loài người đều do chính Chúa làm Chủ, hướng dẫn, chăm sóc, như thuở xưa dân Do Thái không có vua, chỉ có Lời Chúa hướng dẫn, bảo vệ, chăm sóc họ, nên họ vẫn cầu nguyện: Chúa là đồng minh, là thành lũy che chở, là Đấng giải thoát tôi khỏi tử thần. Phúc cho dân nào được may mắn có Chúa làm Vua” (Tv 144/143/, 2. 15). Như thế, một quốc gia thăng tiến hay tụt hậu đều lệ thuộc vào cách lãnh đạo của một triều đại, mà không có triều đại nào sánh được với Triều Đại Nước Thiên Chúa.
4/ Ý thức lời cầu: “XIN CHA CHO CHÚNG CON NGÀY NÀO CÓ LƯƠNG THỰC NGÀY ẤY”: Bởi vì mỗi người cần có 5 lương thực sau đây để được sống hạnh phúc:
f-       Sống bởi Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến (x. Rm 1, 17; 1Cr 13, 13).
g-     Sống bởi có trái tim biết nghe Lời Chúa (x. 1V 3, 9-13; Mt 4, 4).
h-     Sống bởi Chúa Giêsu Thánh Thể (x. Ga 6, 35).
i-       Sống bởi có khả năng thực hành Lời Chúa (x. Ga 4, 34).
j-        Sống bởi của cải vật chất không thừa không thiếu (x. Cn 30, 8-9).
Năm lương thực trên người ta chỉ tìm thấy nhờ tham dự Thánh Lễ cách ý thức và trọn vẹn. Thực vậy: Muốn có ĐỨC TIN, ĐỨC CẬY, ĐỨC MẾN, ta phải năng dự Lễ; muốn có LỜI CHÚA, phải khao khát nghe giảng;muốn Chúa cho sống lại, phải RƯỚC LỄ; muốn THỰC HÀNH LỜI CHÚA phải có Chúa ở cùng, và muốn có ĐỦ CỦA CẢI VẬT CHẤT, phải tìm kiếm Nước Thiên Chúa (dự Lễ) trước đã (x. Mt 6, 33). Và như thế linh hồn ta cần tới bốn nguồn sống, trong khi đó thân xác chỉ có một là của cải vật chất.
Năm bánh hằng sống trên đây đã được Chúa tiên báo khi Ngài dùng năm bánh để nuôi một đoàn dân đông không đếm được, họ đang đói mệt lả mà được ăn no, lại còn dư 12 thúng! (x. Ga 6).
Vậy mỗi ngày ta cần đi dự Lễ để có Lương Thực hằng ngày (x. Lc 11, 3: Tin Mừng), Lương Thực này còn cần hơn xưa mỗi ngày dân Do Thái phải đi lượm để ăn mới có sức tiến vào đất Chúa hứa (x. Xh 16, 4-5).
5/ Ý thức lời cầu: CHO CHÚNG CON: Ngài không dạy ta “xin cho con” mà là “xin cho chúng con”. Vì mỗi người chỉ thực sự được hạnh phúc khi họ sống giữa những người đầy tràn hạnh phúc. Như thế, quan tâm chăm sóc cho mọi người mới chính là chăm lo cho bản thân. Thánh Phanxicô nói: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân” (Kinh Hòa Bình). Cụ thể như ông Gióp, suốt thời gian bị ma quỷ quấy phá, làm ông quá khổ, những ngày đầu ông còn chịu đựng, vẫn dâng lời tạ ơn: “Chúa đã ban cho Ngài lại lấy đi, xin tạ ơn Chúa” (G 1, 21b). Nhưng vì sự chịu đựng con người có giới hạn, ông lại cất tiếng than: “Tại sao tôi không chết đi vừa lúc chào đời, không tắt thở ngay khi lọt lòng mẹ” (G 3, 11). Sau những ngày dài Chúa huấn luyện ông qua gian khổ, ông đã mở rộng tầm con mắt: biết cầu nguyện cho các bạn hữu của mình, thì Chúa ban gia tăng gấp đôi những gì ông đã mất về tài sản, và Chúa cho ông sinh thêm bảy trai ba gái xinh đẹp, khỏe mạnh thông minh hơn trước (x. G 42, 10t).
Vậy ta hãy xin cho mọi người được ơn nhận biết Thiên Chúa là Cha chung, Ngài là Cha vô cùng giàu có, đầy tình thương, chậm giận, hay tha thứ và ban phát ơn cho tất cả mọi người là anh em con một nhà, thì đã làm cho thế giới này trở thành Thiên Đàng.
6/ Ý thức lời cầu: “XIN THA TỘI CHO CHÚNG CON, VÌ CHÍNH CHÚNG CON CŨNG THA CHO MỌI NGƯỜI MẮC LỖI VỚI CHÚNG CON” (Lc 11, 4): Chúa tha tội cho ta như vua tha nợ cho bầy tôi một món nợ vượt sức hắn trả. Nhưng nếu ta không tha lỗi cho đồng loại, thì Chúa cũng không tha tội cho ta, như vua ra lệnh tống ngục tên đầy tớ vừa được vua tha bổng món nợ 10. 000 nén vàng, tương đương với 200. 000 năm công lao động, mà hắn lại không cho bạn khất 100$, số tiền tương đương hơn 3 tháng lương công nhật (x. theo Chú Giải của Nhóm Đại Kết trong Bible de Jérusalem; Mt 18, 23t).
Do đó nếu ta xin Chúa tha nợ cho ta, như ta tha cho kẻ có nợ với ta, thì té ra hai món nợ bằng nhau? Trong khi đó ta xúc phạm đến Thiên Chúa rất nặng nề, còn đồng loại xúc phạm đến ta chẳng đáng là gì!
7/ Ý thức lời cầu: “XIN ĐỪNG ĐỂ CHÚNG CON SA CHƯỚC CÁM DỖ” (Lc 11, 4b): Ai cũng thấy mình có nhiều cám dỗ: tiền của, ăn ngon mặc đẹp, vì đó là động lực làm cho mọi người tiến thân. Nhưng nếu sa chước cám dỗ: mê ăn uống, mê tiền của, thì giống như nguyên tổ Adam, Eva đã nghe Satan xúi giục gạt Lời Chúa ra khỏi cuộc sống, tự mình định đoạt tốt xấu để hành động, hậu quả là thần chết xuất hiện, truyền đến cả giống nòi (x. St 3).
Vả lại, tội ta phạm cũng còn do ý Chúa cho phép Satan để ta không tự cao tự đại về những ơn cao siêu Chúa ban (x. 2Cr 12, 7-9). Nhưng nếu nhận biết mình có tội, sinh lòng sám hối và chạy đến lòng thương xót Chúa, như anh trộm lành, thì lại được Chúa cho vào Thiên Đàng trước nhất (x. Lc 23, 43), và nếu còn sống, thì Chúa lại biến tội ra ơn, đúng như lời thánh Phaolô nói: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chan chứa” (Rm 5, 20).
8/ Ý thức cầu xin CHU TOÀN BỔN PHẬN LO CHO MỌI NGƯỜI NÊN THÁNH: Nhất là làm cho mọi người phải hiệp thông với chủ chăn của Hội Thánh trong một Đức Tin, và phải tin tưởng giảng Lời Chúa cho mọi người, để Lời Chúa diệt tội họ.
a- Phải hiệp thông với chủ chăn của Hội Thánh trong một Đức Tin:
Ta biết Hội Thánh là một gia đình: Thiên Chúa là Cha, mọi người là anh em với nhau. Dù ông Phaolô, là Tông Đồ xuất sắc trổi vượt hơn các Tông Đồ khác, nhưng ông vẫn tỏ ra tùng phục “những người anh trong Nhà Cha”mà ông gọi là “các Tông Đồ thượng đẳng”, như các ông Phêrô, Giacôbê. Ông Phaolô sau ba năm đã được học Giáo Lý riêng với Chúa ở Ả Rập, ông về đoàn tụ với gia đình Hội Thánh tại Giêrusalem, để nhận quyền “những người anh” sai đi rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại (x. Gl 1, 18). Rồi 14 năm sau, ông Phaolô cùng với ông Banaba và ông Titô lại lên Giêrusalem để được Thiên Chúa mạc khải, rồi trình bày cho các Tông Đồ có thế giá về Tin Mừng các ông đã rao giảng cho dân ngoại, nếu không hiệp thông với Tông Đồ Đoàn, thì việc phục vụ của ông trở nên vô ích. Tuy nhiên, ông vẫn phải có trách nhiệm với các anh em trong gia đình Nhà Cha. Đan cử: Khi ông biết vị thủ lãnh Hội Thánh là Phêrô đã có lối sống giả hình: dùng bữa với người chưa cắt bì, nhưng khi gặp “các người của ông Giacôbê đến, ông lại tránh né tự tách ra, vì sợ những người đã được cắt bì. Ông đã làm cho những người Do Thái khác cũng theo ông mà giả hình giả bộ, khiến cả ông Banaba cũng bị lôi cuốn mà giả hình như họ
Ông Phêrô sống như thế nghịch với quyết định của Công Đồng Giêrusalem, chính ông được Chúa nhờ mạc khải riêng cho nên, đã tuyên bố phải bỏ cắt bì cho dân ngoại, chỉ cần họ tin là ban Bí tích Thánh Tẩy. Bởi thế ông Phaolô “đã trách ông Phêrô trước mặt mọi người: “Nếu ông là người Do Thái mà còn sống như dân ngoại, chứ không như người Do Thái, thì làm sao ông lại ép người dân ngoại phải xử sự như người Do Thái” (x. Gl 2, 1-2. 7-17: Bài đọc năm chẵn). Vì Thầy Giêsu đã truyền: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng” (Mc 16, 15: ĐC năm chẵn). Đi khắp thế gian giảng Tin Mừng thì phải hiểu là giảng cho cả dân ngoại nữa, để ai tin mà lãnh Bí tích Thánh Tẩy, họ cũng là anh em với chúng ta, cùng có một Cha chung trên trời, thì phải bỏ lối sống giả hình như ông Phêrô, lúc ông chung bàn tiệc với dân ngoại mới trở lại Đạo.
Như vậy, không phải ông Phaolô thiếu kính trọng thủ lãnh Phêrô, mà vì ông yêu Hội Thánh, yêu người anh em Phêrô, muốn người anh em phải sống gương mẫu, đừng giả hình! Chúa dạy: “Ngươi không được thiên vị người yếu thế, cũng không được nể mặt người quyền cao chức cả, nhưng phải biết xét xử công minh” (Lv 19, 15). Bởi vì “yêu hoa không có nghĩa là yêu cả con sâu nằm trong bông hoa, nhưng phải tìm cách diệt con sâu đó, dù có phải làm rụng phấn hoa!” (phaolomoi. net). Cũng không phải chỉ diệt con sâu nằm trong đóa hoa mình ưa chuộng, mà còn phải diệt cả con sâu nằm trong hoa mình không thích.
b- Phải tin tưởng Lời Chúa giảng cho dân ngoại, thì tội họ được diệt.
Thực vậy, ông Giona không muốn Chúa tha tội cho dân Ninivê, chúng là dân ngoại, ông không ưa thích, ông chỉ muốn Chúa diệt chúng, vì những “con sâu lớn” (tội lỗi) nằm trong dân ngoại, thế nên “Giona bực mình lắm và ông nổi giận. Ông cầu nguyện với Chúa: “Ôi lạy Chúa, đó chẳng phải là điều con đã nói khi còn ở quê nhà hay sao? Chính vì thế mà con đã vội vàng trốn đi Tác-xít. Con biết rằng Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, và hối tiếc vì đã giáng họa. Giờ đây, lạy Chúa, xin Ngài lấy mạng sống con đi, vì thà con chết còn hơn là sống!” Chúa hỏi ông: “Ngươi nổi giận như thế có lý không?” Ông Giona ra ngoài thành làm một cái lều rồi ngồi bên dưới trong bóng mát, để xem cái gì sẽ xảy ra trong thành Ninivê. Chúa khiến cây thầu dầu mọc lên ở phía trên ông Giona để có bóng mát che đầu, hầu làm ông hết buồn bực. Ông Giona vui mừng lắm vì cây thầu dầu, nhưng hôm sau khi hừng đông ló rạng, Thiên Chúa khiến một con sâu cắn cây thầu dầu và cây bị héo, và mặt trời dội nắng xuống đầu ông Giona; ông ngất xỉu và xin cho mình được chết, ông nói: “Thà tôi chết còn hơn sống” (x. Gn 4, 1-8: Bài đọc năm lẻ).
Như vậy, giết con sâu nằm trong bông hoa, thì không quan trọng bằng dùng Lời Chúa mà thanh tẩy tội đồng loại. Thế mà con sâu cắn chết cây thầu dầu đã làm ông Giona buồn bực. Nếu Chúa giết con sâu ấy, để cây cho ông hưởng bóng mát, chắc chắn ông vui! Thế thì tại sao ông Giona lại không vui mừng hơn khi ông lên tiếng giảng cho dân Ninivê, nhờ vậy mà Chúa đã diệt con sâu tội lỗi nơi dân này, và không giáng họa trên họ, nhất là ông đã nhận ra Chúa là Đấng “chậm giận lại giầu tình thương và lòng thành tín” (x. Gn 4, 2 = Tv 86/85, 15b: ĐC năm lẻ).
THUỘC LÒNG.
Năm lương thực cần dùng mỗi ngày ta phải xin Chúa là:
-         Thiếu TIN, CẬY, MẾN, là chết (x. Rm 1, 17; 1Cr 13, 13).
-         Chết nhờ THÁNH THỂ, vẫn sống (x. Ga 6, 35).
-         Sống nhờ THỰC HÀNH LỜI CHÚA (x. Ga 4, 34).
-         Chúa cho TRÁI TIM NGHE LỜI (x. 1V 3, 9-13; Am 8, 11).
-         Lời Chúa ban CỦA ĐỦ DÙNG (x. Cn 30, 8-9).
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH