Suy niệm hạnh thánh _ 19/10

Các Thánh Tử Đạo Bắc Mỹ Châu
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Thánh Isaac Jogues và các bạn là những người tử đạo đầu tiên của Bắc Mỹ Châu. Thời ấy, người Huron thường hay giao chiến với người Iroquois, và chỉ sau vài năm Cha Jogues và các linh mục khác đã bị người Iroquois bắt và cầm tù trong 13 tháng. Các lá thư và nhật ký của ngài là những tài liệu quý giá cho thấy cuộc bách hại tại đó mà các ngài phải trải qua.
Đức Giáo Hoàng Urbanô VIII đã cho phép ngài cử hành Thánh Lễ với bàn tay tàn tật. Sau khi được chào đón như một vị anh hùng, người ta nghĩ Cha Jogues có thể nghỉ ngơi và và sống an nhàn cho đến tuổi già. Nhưng nhiệt huyết rao giảng Tin Mừng lại thúc giục ngài trở về với ước mơ ban đầu. Trong một vài tháng sau, ngài lại dong buồm sang truyền giáo cho người Huron.Vào năm 1646, Cha Jogues và Cha Jean de Lalande đến phần đất của người Iroquois với sự tin tưởng rằng người da đỏ sẽ tôn trọng hiệp ước hòa bình mới được ký kết. Nhưng ngay lập tức, các ngài đã bị phe gây chiến Mohawk bắt giữ, và vào ngày 18-10 Cha Jogues đã bị tra tấn bằng rìu và bị chặt đầu. Cha Jean de Lalande bị chết vào ngày hôm sau ở Ossernenon, một làng gần Albany, Nữu Ước.
Một trong các vị thừa sai dòng Tên tử đạo đầu tiên là Cha Rene Goupil, là người cùng với Cha Lalande đã hy sinh mạng sống như của tế lễ. Ngài bị tra tấn cùng với Cha Isaac Jogues, và bị chém bằng rìu vì đã làm dấu Thánh Giá trên trán các trẻ em.
Thánh Jean de Brebeuf (1593-1649): Ngài đã soạn bộ giáo lý và tự điển tiếng Huron, và được nhìn thấy 7,000 người trở lại đạo trước khi ngài từ trần. Ngài bị người Iroquois bắt và sau bốn giờ tra tấn dã man, ngài đã trút hơi thở cuối cùng ở Sainte Marie, gần Georgian Bay, Gia Nã Đại.
Cha Anthony Daniel, cũng phục vụ cho người Huron và bị người Iroquois giết chết vào ngày 4 tháng Bảy, 1648. Thi thể của ngài bị ném vào nhà nguyện và sau đó bị đốt cháy.
Thầy Gabrien Lalemant, sau khi chịu chức bốn cũng đã hy sinh mạng sống cho người da đỏ. Cùng với Cha Brebeuf, ngài bị tra tấn cho đến chết.
Cha Charles Garnier bị bắn chết khi ngài rửa tội cho các trẻ em và người dự tòng trong một cuộc tấn công của người Iroquois.
Cha Noel Chabanel bị giết trước khi được gọi về Pháp. Ngài đã giữ lời hứa ở lại đây cho đến chết trong sứ vụ truyền giáo.
Tám vị linh mục dòng Tên tử đạo đầu tiên ở Bắc Mỹ Châu này đã được phong thánh vào năm 1930.
Suy niệm 1: Tử đạo
Thánh Isaac Jogues và các bạn là những người tử đạo đầu tiên của Bắc Mỹ Châu.
Đức tin và đặc tính anh hùng đã in sâu niềm tin nơi thập giá Đức Kitô trên quê hương Mỹ Châu. Giáo Hội Bắc Mỹ được phát sinh từ dòng máu tử đạo.
Nhưng liệu chúng ta có còn hăng hái để giữ thập giá ấy vươn cao giữa chúng ta hay không? Chúng ta có còn can đảm để làm chứng cho đức tin đã ăn sâu nơi chúng ta, làm chứng cho Tin Mừng của thập giá cứu độ nơi gia đình, sở làm, và ngoài xã hội hay không?
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con xác tín thời gian và địa bàn có thể đổi thay, nhưng Thập Giá không bao giờ thay đổi.
Suy niệm 2: Lá thư và nhật ký
Các lá thư và nhật ký của Thánh Isaac Jogues cho thấy các ngài đã bị đưa từ làng này sang làng khác, bị đánh đập, bị tra tấn và buộc phải nhìn thấy cảnh những người Huron trở lại đạo bị xẻo thịt và giết chết. Cha Jogues đã bị tra tấn bằng rìu và bị chặt đầu. Cha Rene Goupil bị tra tấn và bị chém bằng rìu. Cha Jean de Brebeuf và Thầy Gabrien Lalemant trút hơi thở cuối cùng sau bốn giờ tra tấn dã man. Cha Anthony Daniel bị người Iroquois giết chết và thi thể của ngài bị ném vào nhà nguyện và sau đó bị đốt cháy. Cha Charles Garnier bị bắn chết. Cha Noel Chabanel bị giết.
Dầu vậy tinh thần các ngài thật kiên vững qua một đoạn trong lá thư Thánh Isaac Jogues gửi cho một linh mục bạn ở Pháp, ngày 12-9-1646, một tháng trước khi ngài tử vì đạo: "Tôi tín thác vào Thiên Chúa là Đấng không cần đến sự giúp đỡ của chúng ta để hoàn thành công trình của Người. Mỗi một nỗ lực của chúng ta là để giúp lập công và trung tín với Người, vậy chúng ta đừng làm hư hại công trình của Người bằng những khiếm khuyết của chúng ta".
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng làm hư hại công trình của Chúa bằng những khiếm khuyết của chúng con.
Suy niệm 3: Thánh Lễ
Đức Giáo Hoàng Urbanô VIII đã cho phép ngài cử hành Thánh Lễ với bàn tay tàn tật
Một cơ hội bất ngờ đã giúp Cha Isaac Jogues vượt thoát đến Hòa Lan, và ngài trở về Pháp với những chứng tích của sự tra tấn. Những ngón tay bị cứa, bị bầm dập và bị cháy nám.
Và Đức Giáo Hoàng Urbanô VIII đã cho phép ngài cử hành Thánh Lễ với bàn tay tàn tật với lời minh xác: "Thật hổ thẹn nếu một vị tử đạo của Đức Kitô không được phép uống Máu Thánh Đức Kitô."
Tất cả vì các ơn ích của Thánh Lễ. Hiệu quả cứu rỗi các Thánh Lễ phát sinh trong linh hồn những người tham dự thật kỳ diệu. Thánh Lễ đem lại sự sám hối và tha thứ tội lỗi, giảm bớt các hình phạt tạm phải chịu vì tội, làm suy yếu ảnh hưởng của Sa-tan và các kích thích dấy loạn của xác thịt, làm vững chắc mối dây liên kết với Thân Thể Chúa Kitô, gìn giữ chúng ta khỏi nguy hiểm và tai nạn, rút ngắn hình phạt trong Luyện Ngục, ban cho ta cấp bậc vinh quang hơn trên Thiên Đàng. Thánh Lôrenxô Giúttinô nói: “Lưỡi loài người không thể kể hết những ơn phúc từ Thánh Lễ Mi-sa; nào tội nhân được giao hòa cùng Chúa, người công chính nên công chính hơn, tội lỗi được xóa sạch, nết xấu giảm thiểu, nhân đức và công nghiệp gia tăng, kế hoạch của quỷ ma thất bại”.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con yêu mến Thánh Lễ đến mức không bỏ qua một Thánh Lễ nào.
Suy niệm 4: Nhiệt huyết
Nhiệt huyết rao giảng Tin Mừng lại thúc giục Cha Isaac.
Khi còn là một linh mục dòng Tên trẻ tuổi, ngài là một người có học thức và văn hóa, dạy văn chương ở Pháp. Nhưng vì nhiệt huyết rao giảng Tin Mừng, ngài đã từ bỏ công việc này để phục vụ người da đỏ Huron ở Tân Thế Giới, vào năm 1636 ngài và các bạn, dưới sự lãnh đạo của Cha Jean de Brebeuf, đã đến Québec. Một cơ hội bất ngờ đã giúp ngài vượt thoát đến Hòa Lan, và ngài trở về Pháp với những chứng tích của sự tra tấn. Sau khi được chào đón như một vị anh hùng, người ta nghĩ ngài có thể nghỉ ngơi và và sống an nhàn cho đến tuổi già. Nhưng nhiệt huyết rao giảng Tin Mừng lại thúc giục ngài trở về với ước mơ ban đầu. Trong một vài tháng sau, ngài lại dong buồm sang truyền giáo cho người Huron.
Jean de Brebeuf là một linh mục dòng Tên người Pháp, đến Gia Nã Đại lúc 32 tuổi và làm việc ở đây trong vòng 24 năm. Khi nước Anh xâm chiếm Québec năm 1629 và trục xuất các linh mục dòng Tên thì ngài trở về Pháp, nhưng vì nhiệt huyết rao giảng Tin Mừng, bốn năm sau ngài trở lại hoạt động. Lúc ấy, người Huron bị dịch đậu mùa và người thầy thuốc của họ đổ lỗi cho các cha dòng Tên, nhưng ngài vẫn ở lại đó.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chấp nhận thiệt thân vì lòng nhiệt tâm đối với Chúa và Giáo Hội (Ga 2,17).
Suy niệm 5: Bí Tích Rửa Tội
Bị chém bằng rìu vì đã làm dấu Thánh Giá trên trán các trẻ em.
Bí tích Rửa Tội là cửa ngõ vào các Bí Tích. Sự lãnh nhận Bí tích Rửa Tội cách thực sự hay ít ra bằng nguyện ước là điều cần thiết cho phần rỗi. Bí tích Rửa Tội giải thoát con gười khỏi tội lỗi, tái sinh họ làm con Chúa và kết nạp họ vào Giáo Hội, biến họ nên giống Chúa Kitô bằng ấn tích không thể xóa nhòa. Bí tích này chỉ được ban hữu hiệu bằng việc rửa bằng nước nguyên chất kèm theo việc đọc đúng mô thức (Giáo Luật số 849).
Tầm quan trong và giá trị của Bí tích Rửa Tội như thế đã khiến cho Cha Rene Goupil chấp nhận hy sinh mạng sống để làm dấu Thánh Giá trên trán các trẻ em, vốn là một nghi thức trong Bí tích Rửa Tội, cũng như khiến cho Cha Charles Garnier bị bắn chết khi ngài rửa tội cho các trẻ em và người dự tòng trong một cuộc tấn công của người Iroquois.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các vị hữu trách cũng như các tân tòng luôn thấy được tầm quan trong và giá trị của Bí tích Rửa Tội để có một sự chuẩn bị thích đáng.
Suy niệm 6: Lời hứa
Cha Noel Chabanel đã giữ lời hứa ở lại đây cho đến chết trong sứ vụ truyền giáo.
Ngài thấy thật khó khăn để thích ứng với đời sống truyền giáo. Ngài không thể học được tiếng thổ âm, và ghê tởm thức ăn và đời sống của người da đỏ, và ngài cảm thấy tinh thần thật khô khan trong thời gian ở Gia Nã Đại. Tuy nhiên ngài đã giữ lời hứa ở lại đây cho đến chết trong sứ vụ truyền giáo.
Một lời nói thì không cần phải khó khăn lắm để có thể phát ra từ cửa miệng, nhưng nó phải được cân nhắc, suy nghĩ, đắn đo thật nhiều sau sự vận động của khối óc, để sao cho nó đẹp, nó hay, nhất là làm cho người nghe phải chấp nhận nó, không để phiền lòng người nghe. Thế còn lời hứa? Lời nói được cân nhắc 1 lần thì lời hứa phải được cân nhắc đến 100 lần. Lý do? Bởi vì lời nói tiêu cực thì chỉ có thể làm tổn thương người nghe, nhưng còn lời hứa khi nói ra thì thổi vào người đối diện một niề tin, để mong người ta tin mình, cho dù niềm tin ấy chỉ là yếu ớt. Lúc đó lời hứa đã hình thành và đối tượng đã chờ đợi. Nhưng… có hàng ngàn vạn ý nghĩ thì cũng có hàng ngàn vạn lời nói, mà có hàng ngàn vạn người biết nói thì cũng có hàng ngàn vạn lời hứa. Thế đâu là lời nói đẹp và đâu chỉ là lời hứa, một lời “hứa suông”. Giá trị của một người nằm trong những “lời hứa”.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng vội hứa, nhưng đã hứa thì quyết tâm giữ đến cùng, dù phải thiệt thân.