Ơn thiên triệu _ linh mục, hoa trái từ sáng kiến của Thiên Chúa

LINH MỤC,
hoa trái từ sáng kiến của Thiên Chúa
Những người hiểu các linh mục chính xác nhất qua những nét đặc thù của các ngài, là những người... đã “ngộ” ra thế nào là sức mạnh mãnh liệt của ân sủng Chúa ban cho các linh mục và qua các linh mục.
Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành
Khi nào bị mấy anh bạn đồng nghiệp tại các trung tâm ngoại ngữ hỏi tới tấp: “Linh mục là gì vậy?” “Giám mục là gì vậy?”, nhất là “Tại sao anh trở thành linh mục?”, tôi thường trả lời không biết. “Nếu vậy, anh đã không được tự do khi chọn làm linh mục à? Anh đã không được hành động theo lương tâm của mình à?” Tôi đáp lại: “Khi lập gia đình, nếu có bị hỏi tại sao kết hôn và tại sao kết hôn với cô này anh nọ, bạn cũng trả lời như vậy thôi: không biết. Vì trong tình yêu, có bao giờ người ta biết rõ những lý do sau cùng đâu; thế nhưng người ta vẫn tin rằng mình đã tự do khi làm thế”. Tại sao trở thành linh mục ư? Đó cũng là kết quả của một tình yêu, và nguyên nhân sâu xa của việc này nằm trong đáy lòng mình. Nói thế có nghĩa là làm linh mục không phải là một việc làm hoàn toàn phi lý, nhưng cũng không phải là một việc hợp tình hợp lẽ như người ta thường nghĩ.
Linh mục, một người mâu thuẫn
Nếu là một nhà tâm lý hay xã hội học muốn tìm hiểu con người và cuộc sống của người linh mục, chắc hẳn tôi sẽ cố gắng khám phá ra duyên do động lực đã đưa người ấy tới chỗ trở thành linh mục, tâm lý – khuynh hướng – tính tình và những vấn đề của đương sự trong lãnh vực ấy, môi trường sống của người linh mục từ tấm bé cho tới khi lớn lên và trưởng thành (môi trường gia đình, môi trường sinh sống, môi trường giáo dục, môi trường làm việc…). Tôi cũng sẽ thử định nghĩa linh mục dựa vào những việc ông ta làm – nhưng đó cũng có thể là những việc mà người khác làm, nhất là khi khan hiếm linh mục. Tuy nhiên, chuyện gì sẽ xảy ra nếu giản lược linh mục vào các vai trò hay nhiệm vụ phải làm, dù đó là những vai trò hay nhiệm vụ không thể thay thế được trong cộng đoàn? Cứ thử nghĩ xem: nếu chỉ dựa vào những đặc điểm sinh học riêng biệt để phân phối vai trò và nhiệm vụ cho người nam và người nữ thì không những làm giảm bớt đi sự phong phú của mỗi bên, mà có khi còn sai lầm nữa vì cả khi cùng làm một nhiệm vụ hay thi hành một vai trò, nhưng người đàn ông sẽ làm khác, người đàn bà lại làm khác.
Như vậy, các quan điểm trên chỉ có giá trị bổ túc; còn nếu muốn hiểu đúng bản chất sâu xa của linh mục thì phải dựa vào đức tin. Vượt lên trên những gì có thể quan sát hay nắm bắt được về người linh mục, bản chất sâu xa của linh mục vẫn vô hình và chỉ khi nào nhìn bằng cặp mắt của Đức Ki-tô mới trông thấy. Sở dĩ thế là vì ngọn nguồn của chức linh mục nơi người này hay nơi người kia là tiếng gọi và sự sai phái của Đức Ki-tô: linh mục được Đức Ki-tô mời gọi và sai đi làm một nhiệm vụ đặc biệt là làm sao cho trong Giáo Hội là Thân Thể của Người luôn có sự hiện diện của Đức Ki-tô trong tư thế là Đầu hay Thủ Lãnh để cứu độ và thánh hoá con người.
Chính vì thế, linh mục sẽ mãi mãi là con người mâu thuẫn vì vừa làm chi thể của Đức Ki-tô như tất cả mọi người đã chịu phép Rửa, vừa làm người thay mặt Đức Ki-tô trong tư thế là Đầu hay Thủ Lãnh. Vừa được chọn giữa loài người vừa được đặt lên làm người đứng đối diện với loài người ngay giữa loài người. Vừa gắn bó chặt chẽ với cộng đoàn vừa cô độc không kém khi một mình lên núi cầu nguyện, vừa liên đới với dân vừa đứng trước mặt dân. Ngày xưa, người ta thường phân biệt đó là kết quả của hai chức tư tế khác nhau: chức tư tế chung do phép Rửa mang lại và chức tư tế thừa tác; tuy nhiên cả hai đều là sự thông phần vào chức tư tế duy nhất xứng danh chức tư tế là chức tư tế của Đức Ki-tô. Khác nhau không phải chỉ trên cấp độ hay chất lượng, mà là khác nhau tận bản chất. Vì thế, không phải cứ thi hành chức tư tế chung tới mức “hết sức chuẩn”, không phải cứ làm giáo dân thật tốt, là đương nhiên trở thành linh mục thừa tác. Vừa tham dự vào chức tư tế chung của các tín hữu do và qua phép Rửa, các linh mục vừa lãnh một chức tư tế hết sức riêng, không thể đồng hoá hay lẫn lộn với ai, do bí tích truyền chức. Sự mâu thuẫn hay căng thẳng này, linh mục chỉ có thể đảm nhận được dựa vào mầu nhiệm nhập thể nghịch lý của Đức Ki-tô và phỏng theo cách Ngài đã trải qua mầu nhiệm ấy.
Sẽ chẳng có lợi cho bên nào, khi tìm cách nhập nhằng và đồng hoá hai chức tư tế này. Cũng sẽ chẳng có lợi cho bên nào, khi ra sức đối chọi hai chức tư tế ấy. Mà chỉ khi nào cùng phát triển cả hai chức tư tế ấy, nghĩa là linh mục càng ngày càng đúng là linh mục và giáo dân càng ngày càng đúng là giáo dân, cả hai bên đều sẽ được lợi. Vì chúng ta không thể làm giảm vai trò Thủ Lãnh trong cộng đoàn, mà cũng chẳng thể nào làm giảm vai trò của Thân Mình. Có như thế thì sự hiện diện của Đức Ki-tô trọn vẹn (gồm cả Đầu lẫn thân) mới được bảo đảm giữa loài người chúng ta.
Nhưng có phải như thế linh mục sẽ trở nên cao trọng hơn các người khác không? Không, ở đây chúng ta không đứng trên quan điểm lớn hay nhỏ, cao trọng hay thấp hèn, mà là trên quan điểm khác nhau chỗ nào, đặc thù ở điểm nào. Làm linh mục là được Đức Ki-tô hiện diện nơi mình một cách khác, không phải như khi làm giáo dân, như khi chịu phép Rửa. Nhưng có khác tới đâu, linh mục cũng không đương nhiên được bảo đảm khỏi yếu đuối, dốt nát, sai lầm và tội lỗi. Chỉ có một điều duy nhất được bảo đảm, bất kể linh mục thế nào, đó là hiệu quả của các bí tích linh mục cử hành: tội lỗi của linh mục có lớn tới đâu cũng không làm vô hiệu một hành vi bí tích. Còn mọi việc làm khác của linh mục đều mang dấu vết của sự bất toàn và tội lỗi. Chính vì thế, linh mục phải hoán cải bản thân mình hằng ngày và dùng việc suy niệm, học hỏi, kinh nghiệm sống để có thể có được ơn biết phân định đâu là cái sẽ góp phần xây dựng cộng đoàn, đâu là cái sẽ đẩy cộng đoàn tới chỗ phá sản.
Linh mục, một người chứng thực sự có mặt của ân sủng do Chúa tặng không
Còn một khía cạnh căn bản khác của chức linh mục thừa tác cũng cần nhấn mạnh không kém: sự hiện diện của linh mục giữa lòng Giáo Hội, đứng trước mặt cộng đoàn tín hữu, là một bằng chứng cho thấy Thiên Chúa là người luôn có sáng kiến, là người luôn đi bước trước bất kể con người thế nào; và nếu vậy, làm ki-tô hữu không phải là do công khó của con người mà là do Thiên Chúa tặng không, biếu không. Cả dòng lịch sử cứu độ đều cho thấy Lời Chúa luôn đi trước lời con người; mọi lời con người nói đều chỉ là đáp lại một lời nào đó của Thiên Chúa.
Đây cũng là trọng tâm của đức tin Ki-tô giáo. Vì thế, không phải tình cờ mà cuộc đấu tranh quan trọng trong lãnh vực tín lý vào những thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội la-tinh là cuộc đấu tranh giành vị trí nào cho tự nhiên và vị trí nào cho ân sủng trong đời sống đức tin của người ki-tô hữu. Cho tới nay, có lẽ chúng ta vẫn chưa đánh giá hết sự chiến thắng mà thánh Augustinô đã giành được đối với lạc giáo Pelagiô (lạc giáo chủ trương Mặc Khải chỉ là một sự soi sáng thêm cho con người, còn tự mình con người đã có thể cứu được mình). Ngày nay, có thể chủ trương cực đoan như thế không còn, nhưng vẫn còn một hình thức Pelagiô nửa vời (“semi-pélagianisme”) luôn tìm cách cho thấy ý chí của con người có thể vượt ra ngoài ảnh hưởng của ơn Chúa dưới chiêu bài “Hãy tự cứu mình thì trời mới cứu ta”. Suốt trong lịch sử Giáo Hội, nhất là lịch sử dòng tu và đan tu, cũng như ngay trong lịch sử đời mình, chúng ta luôn thấy khuynh hướng ấy và cám dỗ ấy xuất hiện: coi nhẹ sức mạnh của ân sủng, nhân danh quyền lực của ý chí con người.
Bản thân người linh mục là một bằng chứng cho thấy ân sủng vượt xa tự nhiên: Giáo Hội có thể đưa ra rất nhiều mô hình đào tạo linh mục, nhưng không thể nào làm ra một linh mục từ A tới Z, từ gốc tới ngọn, từ đầu tới đuôi. Trong lịch sử hình thành nên người linh mục có biết bao nhiêu điều là mầu nhiệm và không thể hiểu được, nếu không viện dẫn tới sự can thiệp của Thiên Chúa. Chúng ta cũng có thể minh hoạ sự vượt trội của ân sủng bằng cách liên tưởng tới việc giảng giải Lời Chúa mà các linh mục thường làm trong các thánh lễ. Linh mục có thể ra sức thích nghi ngôn ngữ cho hợp trình độ của cử toạ, có thể phân tích tình hình của cử tọa, có thể tìm ra những nét nổi bật của thời đại đang chi phối cử toạ, Lời Chúa mà ông diễn giải vẫn có sức tác động riêng của nó, đôi khi tới mức bất ngờ. Có ra sức hội nhập văn hoá và thích nghi với thời đại tới mức nào, linh mục vẫn không quên Lời Chúa vẫn là một cái gì đó vượt lên trên, không thể diễn tả được, mà chỉ có chính Lời Chúa mới tự tác động được lên người nghe. Tương tự như hạt giống Lời Chúa có bị hao hụt nhiều do rơi xuống vệ đường, do rơi vào bụi gai hay rơi trên đá sỏi, cũng sẽ được bù đắp, thậm chí được bội thu tới mức bất ngờ khi rơi vào đất tốt hay đúng hơn, do chính sức mạnh tiềm tàng của chính hạt giống Lời Chúa. Cũng chính vì ý thức sự độc đáo và mãnh liệt tự Trời ban cho các định chế, nghi thức và từ vựng tôn giáo ấy, người Do Thái có thuộc thời đại, địa phương hay giai cấp nào cũng không tìm cách thay chữ “shabbat” bằng ngày thứ Bảy trong tuần hay thay chữ “pesshah” bằng lễ Vượt Qua.
Linh mục, một người làm trung gian cho thế giới siêu việt
Ý thức mình là người thông dịch một cách nào đó cho cái vô hình hay cái không thể diễn đạt được, linh mục không ngạc nhiên khi thấy mình thỉnh thoảng trở nên như người xa lạ, một loại “Hoàng Tử Nhỏ” (tựa đề cuốn tiểu thuyết thời danh của văn hào Pháp Saint-Exupéry) từ một hành tinh nào tới. Linh mục sẵn sàng chấp nhận trước có thể không được nhiều người hiểu và phải nói với người khác nhiều điều mà họ không thể hiểu hay ngay cả chính mình cũng không thể hiểu, nếu không được khai tâm và không được ân sủng nâng đỡ.
Chẳng hạn các bí tích mà các linh mục cử hành đưa chúng ta vào một thế giới khác, không phải thế giới vật lý hay sinh học, không phải thế giới tâm lý hay tâm linh – hiểu theo nghĩa là thế giới u uẩn và không thực, như đang được nhiều người hiện nay quan niệm. Các bí tích đưa chúng ta đến với các thực tại siêu nhiên, nhưng không tạo ra hiệu ứng về mặt thể lý hay tâm lý nơi chúng ta. Ngay cả khi chúng ta tìm cách cho bí tích gắn chặt với thực tế mà chúng ta đang sống, bí tích cũng là điều chúng ta phải tin chứ không phải để cảm nghiệm. Không thể lấy các hiệu ứng trên giác quan đo hiệu quả của bí tích. Nếu trong thuật trình Chúa chữa lành người bại liệt, người ta phải chọc một lỗ thủng trên mái nhà để đưa người bệnh đến với Chúa, thì trong phụng vụ và bí tích Chúa luôn luôn có cách để đến với tâm hồn con người, cách nào không biết, không cần con người phải ấn định chỗ này hay chỗ kia. Bởi vì dù có được quy định chặt chẽ tới đâu bởi Giáo Hội, phụng vụ và các bí tích vẫn là đền thờ do Chúa dựng nên và trao tặng con người; phụng vụ và các bí tích vẫn là nhà của Chúa và vì thế Chúa có thể ra vào cách nào và khi nào tùy ý. Hiện nay, Giáo Hội sử dụng những phút thinh lặng để cho thấy điều ấy: Thiên Chúa ở trong nhưng cũng ở trên phụng vụ và các bí tích; Thiên Chúa có thể được diễn tả bằng hình ảnh, lời nói và cử chỉ, nhưng Ngài vẫn luôn vượt lên trên tất cả, và con người chỉ còn cách là thinh lặng cung kính, chiêm ngắm và lắng nghe.
Thánh lễ luôn do linh mục cử hành (hoặc giám mục). Đó không phải chỉ là vì Chúa Ki-tô đã trao trách nhiệm ấy cho các tông đồ và những người kế vị các ngài. Mà còn là vì nếu thánh lễ chính là những giờ phút Thiên Chúa đột nhập vào dòng đời, phá vỡ sự thinh lặng dài lê thê của một Thiên Chúa siêu việt xa xôi, thì phải có linh mục loan báo tin ấy cho hết mọi người bằng cách công bố: “Đây là mầu nhiệm đức tin”.
Nhìn lại ba vai trò của linh mục
Sau khi đã xác định lại yếu tố căn bản và độc đáo, nhưng cũng rất bất ngờ và khó hiểu, của linh mục, chúng ta hãy nhìn lại ba vai trò linh mục thường phải thi hành. Ba vai trò ấy là giảng dạy, cử hành phụng vụ và chăn dắt.
Rao giảng, nhưng là rao giảng hơn là hùng biện
Hiện nay, nhất là ở phương tây, có nhiều giáo dân được đào tạo thần học rất tốt, lại có năng khiếu truyền đạt hơn cả các linh mục, và vì thế lắm khi nói năng có sức thuyết phục hơn các linh mục. Vì thế, các chủng viện hiện nay cũng quan tâm tới việc đào tạo khả năng giảng dạy của các ứng viên linh mục. Tuy nhiên, rao giảng không phải chỉ là nói hay. Đoàn sủng của người giảng lễ là một điều gì đó khác hẳn. Họ chính là người làm vọng lại giáo huấn của Giáo Hội càng trung thành càng tốt và vì thế, dù nói năng không khéo, thậm chí không tác động là bao trên tâm lý và tâm linh người nghe, lời giảng của họ vẫn là lời nói có thẩm quyền – được bảo đảm là trung thành với giáo lý của Đức Ki-tô và các tông đồ và vì thế có giá trị chuẩn mực hay quy tắc cho đời sống đức tin của các ki-tô hữu. Hãy nhớ Phao-lô đã so sánh việc giảng dạy của mình với của Apôlô: “Chính tôi khi đến với anh em, tôi không đến với uy thế của lời nói hay khôn ngoan để loan báo mầu nhiệm Thiên Chúa. Tôi quyết định không biết gì ngoài Đức Giê-su Ki-tô và là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh. Thế nên, tôi mới ra trước mặt anh em như một người yếu đuối, sợ sệt và run rẩy. Lời nói và việc rao giảng của tôi không giống chút nào với các bài diễn văn đầy sức thuyết phục về sự khôn ngoan, mà chỉ là một sự minh chứng dựa vào quyền năng Chúa Thánh Thần nhằm xây dựng đức tin của anh em không phải trên sự khôn ngoan của loài người, mà dựa trên quyền năng Thiên Chúa” (1Cr 2,1-5).
Cử hành, nhưng là cử hành hơn là làm linh hoạt viên
Linh mục chủ sự các bí tích, nhưng bằng cách cử hành chứ không phải bằng cách làm linh hoạt viên. Cho dù một người cử hành bí tích muốn cử hành cách chu đáo nhất cần phải có những đức tính và khả năng của người làm cho buổi cử hành được linh hoạt, như một nhà tổ chức hay đạo diễn, một người điều phối hay dẫn chương trình, nhưng bí tích vẫn luôn luôn là một sự kiện rất kín đáo và là một dấu chỉ rất giản dị đơn sơ. Thử xét coi: mang tiếng là loan báo sự Phục Sinh nhưng bí tích sám hối và hoà giải giản dị và đơn sơ không khác gì một bộ xương, không có chất thể như nước hay dầu xức, mà chỉ có một dấu thánh giá, một cử chỉ đặt tay và vài câu nói. Thế mà, theo như Đức Giê-su cho biết, chính lúc đó, các tầng trời đều rung chuyển, một niềm vui vang dội trên trời, chỉ vì một người được tha tội do cử chỉ đơn sơ giản dị ấy! Bí tích nào cũng thật nghèo nàn, nhưng chính qua sự nghèo nàn ấy chúng ta thấy được Thiên Chúa thật là cao cả. Bí tích nào cũng tựa như “đồng tiền danh dự” người ta thường phải đền cho các tội tày đình không thể đo lường được! Các bí tích có được sức mạnh là do mầu nhiệm Đức Ki-tô được diễn đạt qua đó. Linh mục đã vẽ ra một vòng tròn là các nghi lễ, và trong vòng tròn ấy Đức Ki-tô đã tỏ mình ra một cách hoàn toàn tự do vì Người la đấng luôn trung thành với những gì Người đã hứa.
Chăm sóc, nhưng là chăm sóc hơn là chỉ huy
Ở đây cũng vậy, có nhiều tín hữu có khiếu hơn các linh mục trong việc quy tụ và tháp tùng các cá nhân, điều khiển và vận động tập thể, giải quyết các xung đột và căng thẳng trong cộng đoàn. Vì thế, vai trò mục tử của các linh mục do Đức Ki-tô trao cho, nếu có trở nên uy thế, thì đó không nhất thiết là do tài đức của linh mục, mà trước hết là do Đức Ki-tô đã từng bảo đảm: “Ai nghe anh em là nghe Thầy. Ai cự tuyệt anh em là cự tuyệt Thầy”. Cũng theo lời chỉ dạy của Đức Ki-tô: “Người mục tử tốt lành sẵn sàng thí mạng vì con chiên”. Như vậy, các linh mục lãnh đạo bằng cách chăm sóc, đôi khi tới mức quên cả mạng sống mình, hơn là ra lệnh, càng không phải là chỉ huy bằng cách chỉ tay năm ngón.
Tuy nhiên, dù rao giảng hơn là hùng biện, cử hành hơn là linh hoạt viên, chăm sóc hơn là chỉ huy, người linh mục cũng không vì thế mà không ra sức trở thành con người phát ngôn đáng tin cậy, người tế lễ đàng hoàng và người lãnh đạo chính danh. Tắt một lời, nếu không nhìn bằng đức tin thì chúng ta không tài nào hiểu được nét độc đáo và riêng biệt của các linh mục. Họ sẽ chỉ còn là ân nhân của loài người, nhân viên của một tổ chức tương tự UNESCO có tính thiêng liêng và nhân ái, gọi là Giáo Hội. Thánh Phanxicô thành Assisi đã có cái nhìn đức tin mạnh mẽ nên mới viết trong chúc thư của mình khi mình vẫn chỉ là một tu sĩ giáo dân: “Chúa đã ban cho tôi biết tin tưởng các linh mục đã sống theo các quy định của Giáo Hội, vì các ngài đã được truyền chức linh mục. Cho dù bị các ngài truy tố đi nữa, tôi vẫn cứ chạy đến với các ngài. Giả như tôi có được ơn khôn ngoan như vua Salômôn và giả như tôi phải gặp các linh mục tội nghiệp và đáng thương đang sống trong tội lỗi, tôi vẫn không muốn giảng ngược với các ngài ở bất cứ nơi nào tôi sinh sống. các linh mục đáng thương và tội nghiệp ấy, các linh mục tội lỗi ấy và tất cả các linh mục khác, tôi đều muốn tôn kính và yêu mến”. Thái độ này, thật hiếm thấy nơi các bậc cao minh. Nhưng chẳng phải là chỉ có người phụ nữ quê mùa xứ Sarépta đã nhận ra người của Chúa nơi tiên tri Êlia hay sao? Những người hiểu các linh mục chính xác nhất qua những nét đặc thù của các ngài, là những người nghèo hèn, tội lỗi và trẻ con, vì họ tin vào các linh mục một cách mạnh mẽ, đơn sơ và sâu sắc, và vì họ là những người đã “ngộ” ra thế nào là sức mạnh mãnh liệt của ân sủng Chúa ban cho các linh mục và qua các linh mục.
Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành
Phỏng theo một bài viết của đức cố hồng y Godfried Danneels, nguyên tổng giám mục Bruxelles-Malines (Bỉ)
Nhan đề “Fruit de l’initiative de Dieu”, đăng trong tập san “Prêtres diocésains” số tháng 11-12/2004