Suy niệm hạnh thánh _ 05/9

Tôi tớ Thiên Chúa
ANACLETO GONZALES
 (1890-1927)  
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Khi là sinh viên luật trong thời kỳ Công Giáo bị bách hại ở Mễ Tây Cơ, Anacleto Gonzales cảm thấy cần phải đương đầu với các giáo sư vô tôn giáo, và vì thế anh đã quy tụ các sinh viên Công Giáo trong một tổ chức với mục đích bảo vệ Giáo Hội. Chính anh gia nhập dòng Ba Phanxicô. Tin tưởng ở sức mạnh của báo chí, anh sáng lập tờ tuần báo lấy tên Word (Lời), và thường xuyên viết bài cho các tờ báo Công Giáo khác. Anh cũng sáng lập tờ tuần báo thứ hai lấy tên Sword (Kiếm). Nhiều lần nhà cầm quyền đã bịt miệng anh bằng cách tống giam. Nhưng anh lại dùng năng lực của mình trong việc rao giảng Tin Mừng cho các bạn đồng tù.
Sau cùng nhà cầm quyền quyết định dùng Anacleto như một tấm gương để cảnh cáo. Vì anh từ chối không chịu tiết lộ nơi trú ẩn của đức tổng giám mục, anh bị treo lên cao, bị đánh bằng roi và bị rạch bằng dao. Anacleto vẫn giữ im lặng, và anh nói với một tên lý hình, "Tôi hoạt động một cách vô vị lợi để bảo vệ chính nghĩa là Đức Kitô và Giáo Hội. Anh giết tôi, nhưng chính nghĩa ấy sẽ không chết với tôi. Tôi sẽ ra đi, nhưng tôi tin chắc rằng từ thiên đàng tôi sẽ nhìn ngắm sự chiến thắng của đạo trên quê hương tôi."
Anacleto bị một lưỡi lê đâm xuyên qua người và sau cùng anh từ trần vì hàng loạt viên đạn bắn vào thân thể. Đó là ngày 1 tháng Tư, 1927. Anh để lại một vợ và hai con nhỏ.
Đám tang của anh tạo nên một sức sống đức tin mãnh liệt nơi các tín hữu với những tiếng hô to "Viva Christo Rey!" (Vạn tuế Vua Kitô!), tất cả là nhờ sự hy sinh của một giáo dân đã sống và chết vì nước trời.
Suy niệm 1: Báo chí
Tin tưởng ở sức mạnh của báo chí, Anacleto sáng lập tờ tuần báo lấy tên Word (Lời), và thường xuyên viết bài cho các tờ báo Công Giáo khác. Anh cũng sáng lập tờ tuần báo thứ hai lấy tên Sword (Kiếm).
Sống trong thời kỳ bị bách hại, ngài đã dùng báo chí như một lợi khí để đương đầu; và ngài đã khéo chọn tên tuần báo là Lời như một nhắc nhở mọi người phải biết sợ gì: “Quan quyền bách hại con vô cớ, nhưng lòng này sợ Lời Chúa mà thôi” (Tv 119,161).
Tên Kiếm cho tờ tuần báo thứ hai cho thấy giá trị của Lời Chúa như một lý do đáng phải sợ: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4,12).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết sợ Chúa hơn sợ người, vốn giết được thân xác mà không giết được linh hồn (Mt 10,28).
Suy niệm 2: Tống giam
Nhiều lần nhà cầm quyền đã bịt miệng Anacleto bằng cách tống giam.
Cổ nhân có câu: Người tính không bằng trời tính. Quả vậy nhà cầm quyền nhiều lần tống giam ngài với mục đích muốn bịt miệng ngài để không còn gây được ảnh hưởng đến quần chúng.
Thế nhưng ý đồ xấu xa ấy vô tình lại nằm trong kế hoạch quan phòng của Chúa. Nhờ sự hiện diện của ngài trong trại giam, nhiều tù nhân đã được gương sáng cũng như tinh thần của ngài mà học biết được Tin Mừng.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhớ rằng người đời có thể xiềng xích người, chứ không bao giờ xiềng xích được Lời Chúa (2Tm 2,9).
Suy niệm 3: Chính nghĩa
Tôi hoạt động một cách vô vị lợi để bảo vệ chính nghĩa là Đức Kitô và Giáo Hội.
Lời tuyên xưng của Anacleto thật can đảm và cũng thật chính xác về chính nghĩa là Đức Kitô và Giáo Hội, vốn được chính Chúa đích thân sáng lập khi tuyển chọn nhóm Mười Hai Tông đồ (Lc 6,13) với Đấng kế vị tiên khởi của Người là thánh Phêrô (Mt 16,18-19;Ga 21,15-17).
Mặc dầu có một số các giáo hội tách lìa khỏi Giáo Hội chân chính ấy và để có thế giá thì vẫn tự xưng là chính nghĩa với các danh xưng như là Chính Thống hoặc Tin Lành, nhưng thực chất không thể là chính nghĩa được vì không do chính Chúa mà chỉ do người phàm lập ra là Thượng phụ giáo chủ Photius vào năm 866 và Luther vào năm 1517.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn kiên vững niềm tin và sống chết vì về chính nghĩa là Đức Kitô và Giáo Hội.
Suy niệm 4: Đám tang
Đám tang của Anacleto tạo nên một sức sống đức tin mãnh liệt nơi các tín hữu với những tiếng hô to "Viva Christo Rey!" (Vạn tuế Vua Kitô!).
Ngọn lửa đức tin của quần chúng được nuôi dưỡng bấy lâu qua các tờ tuần báo của ngài nay có cơ hội bùng cháy lên và rực sáng với những tiếng hô to không ai cản ngăn được.
Ngài chết đi như hạt lúa phải chịu mục nát để bao bông hạt đức tin triển nở rầm rộ và công khai vào dịp đám tang của ngài, đúng như lòi tiên đoán của ngài: “Tôi sẽ ra đi, nhưng tôi tin chắc rằng từ thiên đàng tôi sẽ nhìn ngắm sự chiến thắng của đạo trên quê hương tôi."
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chấp nhận chết đi để cho muôn người được nhờ (Ga 11,50-52).
Suy niệm 5: Hy sinh
Tất cả là nhờ sự hy sinh của một giáo dân đã sống và chết vì nước trời.
Hy sinh là gì? Xin được gợi lên một ít ý nghĩ. Hy sinh là giúp cho ai một điều gì đó mà phần thiệt quay về mình không ít thì nhiều, với biểu hiện là không cần đền đáp, trao đổi hay thỏa thuận. Hy sinh là làm một việc gì đó cho ai mà không đòi hỏi họ làm gì cho mình. Hy sinh là chịu mất cái gì mình có để đánh đổi một cái khác, thường mang nghĩa tích cực.
Hy sinh là cho người khác những gì tốt đẹp nhất của bản thân mà không hề hối tiếc, với kết quả là nhận được sự đau khổ thậm chí là cái chết, chết nhưng một cái chết có cống hiến. Hy sinh là chết vì mục đích và lý tưởng cao cả. Hy sinh chỉ đơn giản là sự dâng sinh mạng của mình cho lý tưởng vì mục đích cao cả.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng ngại phải hy sinh, để được vui hưởng hạnh phúc và các phúc lành từ sự hy sinh ấy.
Suy niệm 6: Chết
Tất cả là nhờ sự hy sinh của một giáo dân đã sống và chết vì nước trời.
Vì Anacleto từ chối không chịu tiết lộ nơi trú ẩn của đức tổng giám mục, anh bị treo lên cao, bị đánh bằng roi và bị rạch bằng dao. Anacleto vẫn giữ im lặng.
Anacleto bị một lưỡi lê đâm xuyên qua người và sau cùng anh từ trần vì hàng loạt viên đạn bắn vào thân thể. Đó là ngày 1 tháng Tư, 1927. Anh để lại một vợ và hai con nhỏ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thà chết chứ không bội phản để tố cáo hoặc làm hại ai.