Lời Chúa cntn 25a _ Ta sẽ trả công xứng đáng

TA SẼ TRẢ CÔNG XỨNG ĐÁNG
Thấy đám đông hiếu kỳ đi theo, thầy Mậu ngửa mặt nhìn lên trời, nói với họ rằng: “Anh em chúng tôi đang tiến về Thiên Đàng đây.”  
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Dụ ngôn chúa nói trên đây có thể áp dụng trong nhiều trường hợp và một trong những trường hợp đó là: Có những người chưa được phúc tử đạo (một phúc lớn lao các Thánh Chúa hằng mơ ước), mặc dầu họ chỉ là những tín hữu vừa mới gia nhập Hội Thánh Chúa. Thánh Nguyễn Văn Vinh (tử đạo ngày 19.12.1839, 26 tuổi) khi bị bắt vì đạo, mới là tín hữu tân tòng, và lãnh nhận bí tích thánh tẩy trong nhà giam. Trong bốn vị thánh cùng được phúc tử đạo với Ngài, thì Ngài là người chỉ vừa mới gia nhập đạo Chúa.
Nguyễn Văn Vinh sinh năm 1813. Vì kế sinh nhai, anh đã theo di dân lên tỉnh Bắc, đến lập nghiệp tại làng Đức Trai, giáo xứ Kẻ Mốt. Anh sống độc thân và rất nghèo, phải ở trong một gia đình ngoại đạo làm tá điền, tính tình đơn sơ, chất phác, thật thà và khỏe mạnh. Anh Vinh cùng bị bắt vì đạo Chúa với hai thầy giảng Bùi Văn Uy (tử đạo ngày 19.12.1839, 27 tuổi) và Hà Trọng Mậu (tử đạo ngày 19.12.1839, 49 tuổi) và các anh Nguyễn Văn Đệ (tử đạo ngày 19.12.1893, 28 tuổi), Nguyễn Văn Mới (tử đạo ngày 19.12.1839, 33 tuổi). Khi bị bắt, anh Vinh chỉ là một dự tòng. Thế nhưng anh đã tuyên xưng đức Tin, khi quan bắt anh đạp lên Thánh Giá, Anh nói: “Tôi thà chết chứ không làm điều đó, vì tôi biết đạo Chúa Giêsu là đạo thật.” Anh được cha Tự rửa tội trong tù.
Hà Trọng Mậu sinh năm 1970 tại Kẻ Diền (Thái Bình), là thầy giảng (nhập dòng ba Đaminh) đã đi giúp nhiều xứ trước khi bị bắt. Thầy có một nền giáo lý khá vững chắc.
Bùi Văn Úy sinh năm 1812 tại họ Tiền Môn, giáo xứ Kẻ Rèm (Thái Bình). Từ bé Uy sống với cha Phêrô Tự, được học làm thầy giảng (gia nhập dòng ba). Thầy là cánh tay rất đắc lực của cha Tự trong công cuộc truyền giáo. Thầy dạo giáo lý cho tân tòng, thăm viếng bệnh nhân, giúp đỡ những người nghèo túng, đào hầm trú ẩn cho cha xứ. Hầm trú ẩn thầy làm hai ngăn, ngăn trong dành cho cha xứ, thầy ở ngăn ngoài: “Nếu các quan tìm bắt, tôi sẽ ra trước nộp mình để cha khỏi bị bắt, để ngài tiếp tục phục vụ anh chị em.” Nhưng quan quân đã bắt được thầy và cả cha Tự trong cùng một ngày.
Nguyễn Văn Đệ sinh năm 1811, quê làng Bồi Trang, giáo xứ Bồ Ngọc, huyện Quỳnh Côi (Phụ) tỉnh Thái Bình. Vì kế sinh nhai, anh đã theo di dân lên tỉnh Bắc, đến lập nghiệp tại làng Đức Trai, giáo xứ Kẻ Mốt. Anh làm thợ may, nhập dòng ba Đaminh, rất nhiệt tình với giáo xứ: Cờ quạt, đồ trang trí trong nhà thờ đều do bàn tay khéo léo của anh. Anh lập gia đình và sinh hạ được ba người con. Khi anh bị bắt, vợ đến thăm, khóc. Anh nói: “Đừng khóc mình ơi! Mình hãy về dạy dỗ các con nên người, dạy chúng thời phụng Chúa. Tôi đã dâng mình và các con cho Chúa. Nhớ cầu xin Chúa cho tôi thêm sức mạnh để kiên trì tới cùng.”
Nguyễn Văn Mới sinh năm 1806 trong một gia đình nông dân ngoại giáo. Vì kế sinh nhai, anh đã theo di dân lên tỉnh Bắc, đến lập nghiệp tại làng Đức Trai, giáo xứ Kẻ Mốt. Đến tuổi trưởng thành anh đến lập nghiệp ở Kẻ Mốt. Được tiếp xúc với những người Kitô hữu ở đây, anh cảm thấy mến đạo và xin theo học giáo lý. Năm 31 tuổi, anh được cha Phêrô Tự cho chịu phép thánh tẩy và đặt tên thánh bổn mạng Âutinh. Anh nhập dòng ba Đaminh. Vợ chồng gia đình anh rất nghèo, quanh năm phải làm thuê làm mướn để kiếm miếng cơm manh áo.
Như người ta thuật lại thì vào đêm thứ ba kể từ khi Cha Phêrô được phúc Tử đạo, trong lúc 5 người đang cầu nguyện, thì thấy cha Phêrô Tự hiện ra an ủi: “Các con đừng buồn, vì chắc chắc các con sẽ được chết vì đạo, song các con còn phải qua một thời gian thử thách nữa, để xứng đáng được phúc trọng này.” Năm người từ đó được thêm cam đảm và sẵn sàng chịu mọi gian khổ trong những ngày chờ đợi. Dưới sự điều hành của thầy Mậu, năm người chia nhau tiếp gặp gỡ các bạn tù, nói cho họ biết Thiên Chúa. Cắt nghĩa giáo lý, rồi dẫn họ đến thầy Mậu lãnh nhận Bí Tích rửa tội. Trong hồ sơ phong thánh, cha Huân đã dựa vào các thư của thầy làm chứng rằng: “Thầy Mậu vẫn dậy giáo lý cho các tù nhân, và rửa tội cho 44 người. Trong đó có một tử tội tên Hưng mới học đạo một tháng, thì đến ngày xử, anh xin quan hoãn lại ít giờ để rửa tội, sau đó Hưng vui vẻ tiến ra pháp trường….” Ngục tù giờ đây trở thành nguyện đường, hằng ngày vang lên những lời chúc tụng Thiên Chúa, lời cầu nguyện cho Giáo Hội và cho mọi người mọi giới được đầy tràn ơn lành của Chúa.
Ngày 19.8.1839, năm chứng nhân được kêu ra tòa, vẫn có ảnh thánh đặt dưới đất một bên, và bên là những dụng cụ tra tấn. Quan hỏi: “Các anh đã phải giam cầm lâu ngày, chịu khổ nhiều rồi, bây giờ bỏ đạo đi, thì sẽ được trở về với vợ con. Các anh tính sao?” Thầy Phanxicô Mậu thay cho anh em trả lời: “Chúng tôi đã quyết một điều là trung thành với Chúa chúng tôi thờ. Nếu quan biểu chặt đầu chúng tôi, hay chúng tôi phải chết cách nào khác, chúng tôi đã sẵn sàng.” Quan nghe vậy, giận lắm, quát lính lôi qua Thập Giá. Song tất cả đều quỳ xuống đất phục trên ảnh Thánh nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin cứu con.” Quan thất vọng, lệnh cho lính dẫn các ngài về ngục: “Bọn này không thể tha được, mà thật chúng cũng chẳng thèm được tha.”
Ngày 24.11.1839, năm người lại phải ra tòa một lần nữa, quang cảnh như lần trước, nhưng các ngài vẫn một mực cương quyết không bỏ đạo. Lần này quan tuyên bố nhà vua đã kết án xử tử tất cả, song tòa còn có thể thay đổi được, nếu các ngài bằng lòng xuất giáo. Thầy Phanxicô xavie thay cho tất cả trả lời: “Chúng tôi chỉ tôn thờ một Thiên Chúa là Chúa Tể vũ trụ và là cùng đích muôn loài, là Chúa trên hết các Chúa, là vua trên hết các vua, là đấng mà chúng tôi mong được đổ máu ra để tỏ lòng thành vá yêu mến.” Lời nói của vị anh hùng tử đạo làm quan tức tối quát tháo: “Chúng bay là thứ người gì mà ăn nói kì cục vậy ? Bố mẹ nào đã sinh ra chúng bay?” Thầy Mậu bình tĩnh đáp: “Chúng tôi và cha mẹ chúng tôi đều bởi Thiên Chúa mà làm người.”
Ngày 18 tháng 12, các quan nhận được bản án từ kinh gởi ra bắt thắt cổ năm người. Lần cuối cùng quan hỏi các chứng nhân có muốn khóa quá để được tha không, thì thầy Phanxicô Mậu trả lời thay cho anh em rằng: “Đã từ lâu anh em chúng tôi, như những con nai khát nước, chỉ ước ao được chết vì đạo. Nay đã đến giờ chúng tôi đạt được sự mong ước ấy, xin quan cứ thi hành bản án.” Biết không thể làm nao núng ý chí sắt đá của những anh hùng đức Tin, quan nói một lời như từ biệt rằng: “Chúng bay có tội đáng phải chết.” Rồi ông viết lên tấm bảng nhỏ, cho lính cầm khi dẫn các đấng đi xử, những lời sau đây: “Bọn ngu dại theo Da Tô tả đạo, mặc dầu đã khuyên răn sửa phạt, chúng vẫn ngoan cố không chịu bước qua Thập Tự, nay chúng phải chịu hình giảo”
Ngày hôm sau, tức ngày 19.12.1839, năm người được dẫn tới pháp trường. Thầy Phanxicô xavie Mậu đi đầu, tất cả tỏ ra hoan hỉ và cam đảm lắm. Thấy đám đông hiếu kỳ đi theo, thầy Mậu ngửa mặt nhìn lên trời, nói với họ rằng: “Anh em chúng tôi đang tiến về Thiên Đàng đây.” Khi tới nơi xử mỗi vị bị trói vào một cọc, rồi cùng một lúc, bị thắt cổ cho đến khi tắt thở.
Giáo dân lập mưu lấy được thi hài của các anh hùng Tử đạo, đem chon táng trong một nghĩa trang. Ba năm sau, hài cốt thầy Phanxicô Mậu được đưa về an táng tại họ Kẻ La, thầy Đaminh Uy ở Đồng Tiến, anh Autinh Mới ở Phượng Vĩ, Anh Tôma Đệ ở Phong Cốc, và anh Têphan Vinh ở Hương La, tất cả thuộc tỉnh Bắc Ninh.
Đề tựa của Lm. HK