GIỜ CỦA LÒNG NHÂN HẬU
Đi tìm người làm vào giờ thứ mười một,
Chúa không muốn bỏ một ai.
Khi còn nhỏ, thánh Martin de Porres đã sống tinh
thần bác ái vị tha, sẵn lòng
phục vụ người nghèo khổ bệnh tật trong mọi hoàn cảnh. Một hôm Martin theo chị mang thức ăn về cho gia
đình thì nghe tiếng rên rỉ của một lão già người da đỏ. Thấy ông lão bị lính
Tây Ban Nha hành hạ rồi vứt nằm giữa đường, mình đầy thương tích, cậu lại gần tìm cách giúp đỡ, nhưng ông lão cự tuyệt: “Thằng nô lệ… thằng quỉ đen. Bọn da đen tụi mày là kẻ thù của dân da đỏ.”
Nhưng Martin không bỏ đi mà còn dừng lại nói
chuyện với ông lão dịu dàng đến nỗi chỉ một lát
sau ông đã cho cậu biết là ba ngày rồi ông chưa có chút gì vào bụng, lại chẳng có
con cháu gì cả. Nghe thế, Martin đã khóc và đưa cho ông tất cả số thực phẩm vừa mua được.
Có thể nói được thánh Martin là một phép lạ Chúa
làm giữa trần gian để tôn vinh những giá trị “không
thể hiểu nổi” của Nước Trời, như Chúa đã nói: “Thật vậy,
tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi
không phải là đường lối của Ta.” (Is 55,8). Bị khinh rẻ vì da
đen, lại là con của một bà mẹ gốc nô lệ, con ngoại hôn… nhưng sự hèn hạ của thánh
nhân lại làm toả sáng công việc của tình yêu Chúa luôn tìm kiếm hạnh phúc
cho mọi người, luôn tạo nên những kiệt tác trên những gì người ta coi
là đồ bỏ, tái tạo một thế giới mới.
Đức Kitô đã ví Nước Trời giống như chủ nhà kia vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm
việc. Điểm khác lạ đầu tiên của câu chuyện là ông tìm người làm cả vào giờ thứ mười một, điểm khác lạ thứ hai là
việc phát lương cho thợ bắt đầu từ những người đến sau, khác hẳn thói
quen thường thấy thời đó. Cả hai đều làm nổi bật điểm khác lạ của Nước Trời mà Đức Kitô muốn nhấn mạnh, khi Ngài kể tiếp về giờ phát lương: “những người mới vào làm lúc giờ mười
một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những người
vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được
mỗi người một quan.”
Điểm then chốt của dụ ngôn được được bắt đầu từ lời cằn nhằn của mấy người làm đầu tiên
khi thấy công mình vất vả suốt ngày cũng bằng người chỉ làm có một giờ.
Tại sao
Chúa làm thế? Công lý của Chúa ở đâu?...
Lòng nhân lành là câu trả lời của Chúa: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn
đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao?... Còn tôi, tôi muốn cho người
vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi không có quyền tuỳ ý định
đoạt về những gì là của tôi sao?” (Mt 20,13.15).
Nghe thế, ai cũng muốn làm người vào sau chót để hưởng lòng tốt của ông chủ. Nhàn
quá, lợi quá! Nhưng xét lại mới thấy là để làm người sau
chót không dễ chút nào: Họ phải kiên nhẫn chờ đợi, hy vọng một điều chẳng ai dám hy vọng: “Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn
có những người khác đứng đó, ông nói với họ: "Sao các anh đứng đây suốt
ngày không làm gì hết? " Họ đáp: "Vì không ai mướn chúng tôi."
Ông bảo họ: "Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!” (Mt 20,6-7); thêm nữa, vì biết thân
phận mình, họ chẳng dám đòi hỏi gì mà hoàn toàn cậy dựa vào
lòng tốt của ông chủ: vẫn đi làm dù không biết lương bổng ra sao!
Chúa không nợ ai điều gì, nhưng lại nợ mọi người lòng
nhân lành vì Chúa là tình yêu. Ai cho rằng mình đáng được điều này,
điều nọ, sẽ cằn nhằn về lòng nhân lành của Chúa; trái lại, ai biết
mình bất xứng sẽ thấy mình được bơi lội giữa tình yêu, như thánh Phaolô
tâm sự: “tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của
tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần: nhưng ở lại đời
này thì cần thiết hơn, vì anh em” (Pl 1,23-24).
Cũng là giằng co, nhưng mấy người làm vườn đầu tiên bị giằng co giữa hai nỗi sợ: làm sớm thì sợ vất vả, làm muộn thì lại sợ lỡ việc, không có ai gọi làm? Trái lại, biết mình bất
xứng mà được Chúa thương, thánh Phaolô hạnh phúc
thấy mình bị giằng co giữa hai mối lợi: “đối với tôi, sống
là Đức Kitô, và chết là một mối lợi.” Đó cũng là tâm tình mang lại bình an cho ông
Gióp trong mọi tình huống: “Thân trần truồng
sinh ra từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Chúa đã ban cho, Chúa lại lấy đi, xin chúc tụng danh Chúa” (G 1,21).
ĐGH Gioan-Phaolô I khi mới đắc cử đã có ý định phong
chức linh mục cho một thầy bị bại liệt. Ý định đó chưa được thực hiện thì ngài đột ngột qua đời sau hơn một tháng
trên ngôi giáo hoàng. Sau đó, ĐGH Gioan-Phaolô II đã thực hiện ý định của vị tiền nhiệm mà truyền chức linh mục cho
ông thầy có thể gọi được là “người thợ làm
giờ thứ mười một” đó.
Đi tìm người làm vào giờ thứ mười một, Chúa không muốn bỏ một ai.
Càng biết mình bất xứng tôi sẽ càng hạnh phúc khi được Chúa gọi làm việc cho
Ngài vì lòng nhân hậu! Tôi không được phép chậm trễ: “Hãy tìm Chúa khi Người còn cho
gặp.” (Is
55,6)