Hai người đã đi tố cáo ngài, hối hận vì hành vi của mình đã làm cha phải giam giữ và bị chém. Cả hai đến xin cha tha lỗi. Cha nhân từ trả lời: "Cha tha các con."
Trong bài tin mừng
Chúa dậy ta phải luôn luôn tha thứ, chứ không phải tha thứ một vài
lần là đủ. Chúng ta là những con người yếu hèn, đầy tội lỗi,
thường xúc phạm tới Chúa và lúc nào Chúa cũng sẵn sàng tha thứ cho
ta, vậy chúng ta cũng phải bắt chước Chúa luôn sẵn sàng tha thứ cho
anh chị em chúng ta.
Đừng bao giờ để
lòng thù ghét, ác cảm, trả đũa người khác. Làm thế, chính người
bị ta trả thù, không được lợi gì đã đành, mà chính chúng ta cũng
bị thiệt. Hiện nay y khoa đã nhận ra rằng: Một số lớn những người
mắc bệnh thần kinh bị cao huyết áp, đau tim, đau bao tử, là do buồn
sầu, bị uất ức, muốn trả thù, ít vui vẻ, ít độ lượng. Ông William Falkaber
68 tuổi chủ một tiệm ăn, đã tự giết mình khi đang nổi giận, vì
người bếp không nghe lời Ông, mà cứ uống cà phê trong đĩa chứ không
uống bằng tách. Ông ấy nổi khùng vác súng lục đuổi người bếp, rồi
bỗng Ông ngã vật ra chết, tay hãy còn nắm chặt khẩu súng. Bác sĩ
đến khám nghiệm tử thi tuyên bố: Ông đứt mạch máu vì thịnh nộ.
Khi Chúa Giêsu dạy
chúng ta tha thứ cho người làm phiền lòng ta, thì không những đã vạch
cho ta con đường bác ái hoàn hảo, mà còn cho ta một bài học gìn giữ
sức khỏe mà khoa học ngày nay phải công nhận là đúng.
Khi Thánh Đăng Đình
Viên (tử đạo ngày 21.8.1838, 53 tuổi) trên đường ra pháp trường Ba Tòa
để bị xử chém: lúc đó có hai người đã đi tố cáo Ngài, hối hận vì
hành vi của mình đã làm cha phải giam giữ và bị chém. Cả hai đến
xin cha tha lỗi.
Cha nhân từ trả
lời: “Cha tha cho các con ...”
Thánh Đặng Đình
Viên sinh năm 1785 tại Tiên Chu, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên. Mồ côi cha mẹ
từ nhỏ, Viên đi theo giúp các thừa sai, rồi được nhận vào chủng
viện. Thầy Viên thụ phong linh mục năm 1821 và được cử làm cha phó
giáo xứ Lục Thủy (Bùi Chu). Hai năm sau, cha được sai lên tỉnh Bắc, giúp
các họ đạo Đông Bài, Thiết Nham, Như Thiết, An Mỹ. Suốt 17 năm thi
hành sứ vụ linh mục, cha Viên nổi tiếng là mục tử đạo đức, siêng
năng giảng lời Chúa, và được mọi người quý trọng. Sau vụ bắt được 6
bức thư cha gởi hai đức cha và 4 cha dòng tại Kẻ Rèm (An Lập), tuần
phủ Hưng Yên và Tổng Đốc Nam Định ráo riết tìm bắt cha, lúc đó cha
đã lên tỉnh Bắc.
Khi biết cha đang
trốn ẩn ở họ Cầu Chay xã Như Thiết, ngày 1.8.1838 quan quân đến vây
bắt, nhưng cha kịp chạy vào khu vườn mía rậm rạp. Lính tức giận vì
bắt hụt cha, chúng dùng mưu bằng cách tóm ngay một đứa bé con trai chủ
nhà cha trú ẩn, để tra khảo. Đứa bé đau quá kêu: “Giêsu, Maria, cứu con với!” Nghe tiếng kêu la đau đớn ngây thơ
đó, cha Viên quá xúc động đã bước ra nộp mình: “Tôi là đạo trưởng Viên Các anh đang tìm bắt.” Cha bị đóng
gông dẫn giải về thị xã Hưng Yên.
Tại thị xã Hưng Yên,
các quan bắt cha Viên phiên dịch các bức thư của cha đã bị tịch thu trước khi
ra tiếng việt. Thấy các bức thư đó không có không có gì gọi là bí mật hay âm
mưu, các quan quay ra khuyên cha chối đạo để tha về. Cha Viên trả lời: “Dù có chết tôi cũng không chối đạo. Tôi là
đạo trưởng mà bỏ đạo thì ai theo đạo nữa.” Ngày 3 tháng 8, các quan gởi án
về kinh xin xử trảm. Ngày 21.8.1838, bản án được châu phê về đến tỉnh. Các quan
cố thuyết phục cha lần chót nhưng vô hiệu, nên tuyên đọc bản án và đem thi hành
ngay hôm đó. Thẻ bài của cha ghi như sau: “Đạo
trưởng Đặng Đình Viên, từng giảng tà đạo liên lạc đạo trưởng Tây man tụ tập đạo
đồ, đạo chúng, đạo thư, bất khoẳng khóa quá, vi phạm pháp quốc, luật hình trảm
quyết.”
Trên đường ra pháp
trường Ba Tòa (Trên bờ sông Hồng), cha Viên sung sướng cảm động tạ ơn Chúa. Khi
đó hai người đã tiết lộ chỗ cha ẩn đến xin cha tha lỗi. Cha nhân từ nói: “Cha tha cho các con …” Sau khi ăn chút
cơm, cha Viên quỳ trên chiếc chăn bông được trải sẵn, ngửa mặt lên trời cầu
nguyện và Ngài đã bị chém đầu. Các tín hữu xô nhau thấm máu vị chúng nhân.
Một người lính thấy
vậy liền lấy áo của cha cắt ra bán.
Thi hài cha đã được
khoảng 300 tín hữu rước về an táng tại nhà thờ Tiên Chu.
Trong lúc đi ra pháp
trường thánh Lê Văn Phụng (Tử đạo ngày 31 tháng 7 năm 1859, 63 tuổi) dặn dò bạn
hữu tha thứ cho những kẻ hại mình.
Tại pháp trường, trước
khi chết, thánh Phụng gặp các con mình. Ngài đeo vào cổ Cô con gái Anna Nhiêu
ảnh Thánh Giá và nói: “Con ơi hãy nhận
lấy kỷ vật của ba. Đây là ảnh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Ảnh này quý hơn
vàng bạc bội phần. Con hãy luôn mang nơi cổ và trung thành cầu nguyện sớm
chiều.”
Lê văn Phụng sinh năm
1796 tại họ Đầu Nước tỉnh An Giang. Nhìn bề ngoài, ông Phụng không mấy thiện
cảm, vì vóc dáng có vẻ dữ tợn, lại hay lớn tiếng với người khác. Nhưng nhờ có
tính cương trực, dứt khoát, cũng như lòng nhiệt thành với việc chung, Ông được
bà con tín nhiệm, và đề bạt làm trùm họ Đầu Nước. Đáp ứng lại sự tín nhiệm đó,
Ông Phụng đã góp sức tổ chức giáo họ lớn mạnh ngay trong thời đạo bị bách hại
dưới triều Tự Đức.
Nhờ tài Đức của Ông,
mà họ đạo đã tái thiết được ngôi thánh đường khang trang, cất nhà cho nữ tu.
Nhà Ông trở thành nơi cư ngụ khá an toàn cho các Giáo Sĩ. Viên quan huyện địa
phương, một mặt, nhận tài trợ của Ông, mặt khác thấy rõ sinh hoạt tôn giáo
không có gì nguy hiểm, nên thường cho người báo tin cho Ông biết khi phải kiểm
tra theo lệnh cấp trên, đủ thời giờ để các tín hữu cất giấu ảnh tượng, và các
vật dụng tôn giáo. Thế nhưng có điều Ông Phụng cũng không ngờ tới, là món tiền
thưởng của nhà vua vẫn hấp dẫn, đối với những người không ưa đạo. Những người
này chia nhau theo dõi nhà Ông. Đêm họ cử người, trèo lên cây xoài gần đó quan
sát.
Cuối năm 1858, họ phát
hiện một thừa sai ngoại quốc, Cha Định (Pernot), đang tạm trú tại nhà Ông. Vào
một đêm khuya, khi mọi người đã yên giấc, Cha Định ra sân đi dạo, cầu nguyện
dưới bầu trời. Trước khi khép cửa để vào nhà. Cha còn nói một mình: “Chào các bạn tinh tú nhé! Thực là tồi tệ
những ai bắt tôi phải sống thế này.”
Hai người rình rập hôm
đó mừng rỡ, họ vội vã đi báo quan Trấn Thủ An Giang. Họ tố cáo Ông phụng chứa
chấp Tây Dương đạo trưởng. Họ cũng không quên, xin phái quan lanh binh thân đi
bắt, chứ đừng báo cho quan huyện, vì quan huyện “thông đồng” với công giáo.
Sáng ngày 7 tháng 1
năm 1859, ông trùm Phụng vẫn chưa hay biết gì cả. Ngoài thừa sai Định còn có
cha Phêrô Quý (Cha sở mới của họ Đầu Nước) đang trọ tại nhà Ông. Hai linh mục
dâng thánh lễ như thường lệ. Sau đó có người báo tin là quan quân Châu Đốc:
toán đi thuyền, toán đi bộ đang tiến tới nhà Ông. Ông Phụng liền sai người đưa
hai Cha chạy trốn, nhưng Cha Quý nhất định ở lại, vì nghĩ mình có thể trà trộn
vào dân được, và tìm chỗ núp ngay trong nhà. Quan quân ập vào, bắt được Cha
Quý, và bắt cả Ông Trùm Phụng dẫn về Châu Đốc.
Trước tòa quan, vì đã
có người tố cáo, Ông trùm Phụng khẳng khái xác nhận mình đã từng tiếp đón, cho
thừa sai nước ngoài ẩn trú tại nhà. Nhưng sau đó, dù tra tấn hay dụ dỗ nhiều
lần, Ông nhất quyết không khai thêm chi tiết nào khác về các thừa sai cũng như
cương quyết không bỏ đạo.
Quan ra lệnh tống giam
Cha Quý và Ông trùm Phụng. Sau đó dùng nhiều phương kế dụ dỗ, dọa nạt, tra tấn,
để cả hai thay đổi ý định, nhưng cả hai vẫn trung kiên với Chúa Kitô. Sau cùng
quan thảo bản án, trảm quyết, gửi về kinh.
Ngày 30 tháng 7 năm
1859, bản án trảm quyết cha Phêrô Quý được gởi từ Kinh Đô vào đến Châu Đốc cùng
với bản án xử giảo (xiết cổ) ông trùm Emmnuel Phụng. Sáng hôm sau 31 tháng 7,
linh mục Phêrô Đoàn Công Quý và ông trùm Lê Văn Phụng được dẫn ra pháp trường
Chà Và. Hai vị bước đi bình thản: Cha Quý vừa đi vừa đọc kinh Mân Côi, còn ông
trùm Phụng thì dặn dò bạn hữu tha thứ cho những kẻ hại mình.
Ông dặn dò con trai
đừng tổ chức đám tang rầm rộ và nhớ chôn Ông bên cạch Cha sở của mình.
Hai vị thánh tử đạo
quỳ xuống cầu nguyện. Cha Quý giải tội cho ông trùm. Sau 3 tiếng chiêng ngân
vang, vị linh mục bị chém đầu, còn ông trùm bị xiết cổ bằng dây thừng.
Thi hài hai vị tử đạo
được an táng tại nhà thờ Năng Gù. Năm 1959 được cải táng về chủng viện Cù Lao
Giêng, nhân dịp bách chu niên cuộc tử đạo.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Đề
tựa của Lm. HK