Lời Chúa cntn 23a _ chinh phục được người anh em

CHINH PHỤC ĐƯỢC NGƯỜI ANH EM
Trên thập giá, Chúa đi tìm anh em của Chúa giữa nhân loại tội lỗi. Chúa mời gọi chúng ta cùng với Chúa đi tìm anh em của chúng ta nơi mọi người.
Lm. HK
Quý Cao làm quan sĩ sư nước Vệ, có làm án chặt chân một người. Sau nước Vệ loạn, Quý Cao chạy trốn, ra đến cửa thành gặp người giữ cửa thành, lại chính là người mình đã lên án chặt chân ngày trước. Thế nhưng người giữ thành ba lần chỉ chỗ cho Quý Cao trú ẩn, thoát nguy lúc loạn lạc.
Lúc sắp đi, Quý Cao bảo người giữ thành rằng: “Trước ta theo phép nước mà chặt chân ngươi. Nay ta gặp nạn, chính là cái dịp để ngươi báo thù, mà ngươi ba lần chỉ lối cho ta trốn. Thương ta như thế, là cớ làm sao?”
Người giữ thành nói: “Tội tôi đáng chặt chân, thì tránh sao cho khỏi. Lúc ông luận tội, xoay xở pháp luật, ý muốn nới tay, tôi cũng biết. Lúc án đã định, đưa ra hành hình, nét mặt của ông buồn sầu, tôi lại biết lắm. Ông làm như thế, há có vị riêng gì tôi đó. Đó là tâm địa bậc quân tử tự nhiên như thế. Nên tôi muốn cứu ông.”
Quý Cao có tâm địa tốt lành của bậc quân tử, ghét điều ác mà vẫn thương kẻ ác.
Vua Đa-vít có một người con là Absalôm làm phản, tìm đánh Đa-vít để chiếm ngai vàng. Thế nhưng khi nghe tin Absalôm chết, vua Đa-vít run rẩy, đi lên lầu trên cửa thành và khóc. Vua vừa đi vừa nói: "Áp-sa-lôm con ơi, con ơi, Áp-sa-lôm con ơi! Phải chi cha chết thay con! Áp-sa-lôm con ơi, con ơi!" (Sm 19,1)
Đa-vít có tấm lòng của người cha nhân hậu mà tình yêu dành cho con còn lớn hơn cả mạng sống mình.
Cả hai tấm lòng đó được hội tụ và tăng triển đến tột đỉnh trong tình yêu của Thiên Chúa được tỏ ra nơi Đức Kitô: Sau bữa tiệc ly, trong những lời tâm sự thân tình với các môn đệ, Chúa Giêsu đã nói: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).
Yêu thương là chuyện cũ như trái đất, điều răn mới mà Chúa muốn nói ở đây là gì? là yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta.
Thế nhưng Chúa đã yêu thương chúng ta như thế nào?
Hy sinh là thước đo của tình yêu, như chính Chúa đã nói về tình yêu cao cả nhất, tình yêu Chúa dành cho chúng ta: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình.”
Khi thí mạng vì bạn hữu, tôi được điều gì cho mình? Điều tôi được là mạng sống cho người bạn, và chẳng một chút gì cho tôi! Thế mới là thí mạng. Thế mới là tình yêu, và Thiên Chúa là như vậy! “Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán, đầy yêu thương trong mọi việc Người làm” (Tv 145,13).
Tình yêu hết sức cao cả mà Chúa đòi hỏi nơi từng môn đệ của Chúa không phải là một chuyện viễn tưởng xa xôi, mà là điều có thể bắt đầu thực hiện ngay trong đời thường, trong sự tha thứ. Tha thứ không phải là dung dưỡng cho cái xấu hay thỏa hiệp với điều ác, mà tha thứ là đi tìm cho được người anh em của tôi nơi tha nhân, như Quý Cao muốn tìm một con người tốt nơi một phạm nhân, như vua Đavít muốn tìm một người con nơi Absalôm.
Tiến sĩ Smith là một diễn giả có nhiều bài giảng tinh tế về tình yêu Chúa.
Một hôm khi Sally bước vào lớp học, cô thấy trên tường có một tấm bìa lớn, gần đó có để nhiều phi tiêu. Tiến sĩ Smith nói với tất cả học sinh hãy vẽ hình của người mình ghét nhất rồi dán lên tấm bìa lớn và ông cho phép họ ném phi tiêu vào hình vẽ đó.
Cô bạn của Sally vẽ hình cô gái đã "cướp" mất người yêu của cô. Một người khác thì vẽ hình đứa em trai của mình. Sally cũng vẽ bức hình của một người bạn cũ, cô dồn công sức để vẽ sao cho thật giống, ngay cả những cái mụn trên mặt cô bạn. Xong xuôi, Sally có vẻ rất hài lòng với tác phẩm của mình...
Cả lớp xếp hàng và bắt đầu ném phi tiêu, mọi người cười nói rôm rả và không khí có vẻ rất vui nhộn. Một số học sinh ném phi tiêu rất mạnh đến nỗi tấm hình của họ bị rách toạc cả ra. Sally chờ tới lượt mình... Và cô đã rất thất vọng khi tiến sĩ Smith đề nghị mọi người dừng lại và trở về chỗ ngồi vì thời gian có hạn.
Trong khi Sally ngồi nghĩ và hậm hực trong lòng vì không có cơ hội để ném phi tiêu vào hình kẻ mình ghét, thì tiến sĩ Smith bắt đầu gỡ tấm bia ra khỏi tường.
Và sau tấm bia đó là bức hình của Chúa Giêsu...
Một sự im lặng bao trùm cả lớp học khi các học sinh trong lớp nhìn thấy bức hình của Chúa Giêsu bị rách nham nhở trên tường; Những cái lỗ và những dấu lởm chởm trên mặt Chúa, và hai mắt Chúa bị đâm thủng.
Tiến sĩ Smith chỉ nhắc lại một câu Lời Chúa: "Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40)
Mỗi vết thương của Chúa Giêsu trên cây thập giá là một lần tôi lên án người khác. Chúa chịu đánh đòn để hàn gắn những vết thương chúng ta đánh nhau, Chúa chịu đội mão gai để hàn gắn sự nhục mạ chúng ta dành cho nhau.
Trên thập giá, Chúa đi tìm anh em của Chúa giữa nhân loại tội lỗi. Chúa mời gọi chúng ta cùng với Chúa đi tìm anh em của chúng ta nơi mọi người: "Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em” (Mt 18,15).