SỬA LỖI CHO NHAU
Để sửa lỗi cho tha nhân, chúng ta có mẫu gương
tuyệt hảo là Đức Giêsu. Con Thiên Chúa đến trần gian để nâng loài người sa ngã
chỗi dậy như Người nói: "Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để
kêu gọi người tội lỗi." (Mt 9, 13)
Một đạo sĩ trẻ sống trên
triền núi được nhiều tín đồ mộ mến, nhưng gần đây đi đến đâu cũng nghe người ta
bàn tán về mối quan hệ bất chính giữa vị tu hành và cô thiếu nữ thường xuyên đến
đạo viện. Để chấm dứt lời đồn đoán, các bô lão đã tìm đến với đạo sư niên trưởng
trong vùng và đề nghị ông cùng đi với họ như một nhân chứng có uy tín. Chẳng đặng
đừng, vào buổi sáng sớm nọ, vị đạo trưởng phải lên núi với khá đông thiện nam
tín nữ. Nhiều tín đồ mừng thầm, vì chỉ ít phút nữa, họ sẽ vạch mạch chỉ tên kẻ
lợi dụng danh nghĩa nhà tu.
Nghe tiếng người xôn xao từ
đàng xa vọng lại, vị đạo sĩ trẻ biết có chuyện chẳng lành, nhưng vì quá cấp bách,
chàng phải đề nghị cô gái trốn vào chiếc thùng gỗ để cạnh góc nhà. Khi tới nơi,
đạo trưởng thấy vẻ bất an của vị tu sĩ và đưa mắt nhìn quanh ông đoán biết mọi
sự, nên đến ngồi trên chiếc hòm gỗ và mời chủ nhân ngôi đền cùng ngồi để đàm đạo,
đang khi mọi người lùng xục khắp nơi để tìm cô gái mà họ đoán chắc đang có mặt
tại đây. Sau nhiều cố gắng tìm kiếm nhưng không gặp, họ nản lòng và từng người
một lủi thủi xuống núi. Khi mọi người đã về hết, trước lúc từ biệt, vị đạo trưởng
nói:
- Hãy cẩn thận giữ linh hồn của anh.
Người tu sĩ đã phạm lỗi biết
rất rõ vị đạo sĩ cao niên vừa cứu anh khỏi bẽ mặt với đám đông đang phẫn nộ và
muốn vạch trần sự thật từng được che dấu. Nghe đâu sau này vị đạo sĩ trẻ ấy đã
toàn tâm toàn ý tu tâm sửa tính, và trở thành bậc thầy đạo hạnh nổi tiếng khắp
vùng.
Là con người ai cũng có
lúc lỡ lầm. Có những lầm lỗi gây ra hậu quả nặng nề cho tội nhân và những người
liên hệ, nhưng nhiều trường hợp chỉ là những sai lỗi vốn gắn với thân phận yếu
hèn của con người. Để vươn lên trong sự hoàn thiện thì dù lỗi nặng hay nhẹ, vô
tình hay hữu ý, người có lỗi cần nhận
ra và quyết tâm sửa đổi. Kinh Thánh gọi cố gắng
đó là “sám hối và canh tân.”
Khiêm tốn nhận ra lầm lỗi
của bản thân và quyết tâm sửa đổi để nên tốt hơn đã là điều khó, sửa lỗi cho anh
chị em lại càng khó khăn bội phần. Một đàng vì ai trong chúng ta cũng là tội
nhân, nên khi sửa lỗi cho tha nhân dễ bị mang tiếng là “lên mặt dạy đời”, hoặc
lúc đó nghe như có tiếng nói thầm bên tai: “chân
mình thì lấm bê bê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người.” Đàng khác, người được
góp ý thường cho rằng danh dự và đời tư của họ đang bị kẻ khác xúc phạm và soi
mói nên sinh lòng oán hận.
Dẫu có thế nào chăng nữa, chúng ta cũng phải giúp nhau sửa lỗi, vì đây là bổn phận không thể thoái thác. Chúa đã nói với ngôn sứ Êdêkien:
“Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: "Hỡi
tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết", mà ngươi không chịu nói để cảnh
cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của
nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ
gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó
sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình.”
(Ed 33, 8-9) Nhưng tại sao Chúa đòi buộc chúng ta phải sửa lỗi cho nhau?
Sống trong xã hội, mọi người
đều liên đới với nhau. Cái tốt cũng như điều xấu của người này sẽ ảnh hưởng đến
người kia. Giúp nhau nên tốt là đang làm lợi cho bản thân, gia đình, khu xóm và
cộng đoàn. Còn gì vui và hạnh phúc bằng khi được sống trong một môi trường mà mọi
người cư xử công bình, biết yêu thương, nhường nhịn và giúp đỡ lẫn nhau.
Hơn nữa, các tín hữu ý thức
mình là chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, nên khi giúp nhau nên hoàn thiện, chúng ta đang góp phần xây
dựng Hội Thánh và làm vinh danh Thiên Chúa: “Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng
vì một người tội lỗi ăn năn sám hối." (Lc 15, 10) Chẳng những thế,
chúng ta còn được trọng thưởng trong Vương Quốc tràn đầy hạnh phúc và yêu
thương.
Để sửa lỗi cho tha nhân,
chúng ta có mẫu gương tuyệt hảo là Đức Giêsu. Con Thiên Chúa đến trần gian để
nâng loài người sa ngã chỗi dậy như Người nói: "Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội
lỗi." (Mt 9, 13) Nhờ Đức Giêsu, nhiều tội nhân được ơn tha thứ và nâng
đỡ để có thể ngẩng cao đầu và bước đi
trên đường nên thánh. Tân Ước nhắc đến tên một số người được ơn hoán cải nhờ gặp
gỡ Đức Giêsu. Chúng ta kể ra đây vài trường hợp.
Maria Madalêna, một cô gái
tội lỗi cả thành đều biết, đã hối cải và trở thành người đầu tiên loan báo Tin
Mừng Phục Sinh cho các tông đồ. Ông quan thuế Giakêu đã thay đổi hoàn toàn, sẵn
sàng bán nửa gia tài để phân phát cho người nghèo và hứa bồi thường gấp bốn cho
những ai bị ông làm thiệt hại. Người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại
tình, đã được Đức Giêsu cứu khỏi bị ném đá, chính Người cũng không kết
án nhưng mời gọi chị hoán cải: "Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ
nay đừng phạm tội nữa!" (Ga 8, 11)
Qua bài tin Mừng vừa nghe,
Đức Giêsu còn dạy chúng ta lấy sự kiên nhẫn, lòng bao dung và tình yêu thương để
sửa lỗi cho nhau. Nếu người anh em trót phạm tội, chúng ta không chỉ nhắc nhở họ
một lần, nhưng nhiều lần và với những cách thức khác nhau: gặp riêng để góp ý,
đi với một vài nhân chứng hoặc nhờ tập thể cùng lên tiếng. Dù phải trục xuất kẻ
cố chấp ra khỏi cộng đoàn,thì cũng với mục đích tốt là giúp người ấy thức tỉnh
và sám hối. (Mt 18, 15-17)
Mỗi khi lầm lỗi, chúng ta
đều mong được Thiên Chúa tha thứ và mọi người bao dung, nhưng với anh em, nhiều
Kitô hữu vẫn có thái độ “bới lông
tìm vết, vạch lá tìm sâu" hơn là chân thành góp ý để
giúp anh chị em sửa sai. Khi con cái có lỗi, cha mẹ thường la mắng và sửa phạt nặng tay
mà không chỉ cho chúng biết đã lỗi phạm điều gì và cần sửa chữa ra sao.
Cùng sống với nhau trong một
gia đình hay cộng đoàn, chúng ta là những người “đồng hội, đồng thuyền”, nên sự ngay chính hay tội lỗi của người
này sẽ ảnh hưởng đến kẻ kia. Vì thế chúng ta không thể thờ ơ trước những lầm lỗi
của tha nhân, nhưng phải lấy lòng khiêm tốn, sự nhẫn nại, tình yêu thương mà khuyên bảo và khích lệ lẫn nhau;
đồng thời, không ngừng cầu nguyện cho mọi người, nhất là các tội nhân.
Xin Chúa dạy chúng ta biết
lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ
mê muội, răn bảo kẻ có tội và cầu nguyện cho kẻ lầm lạc được ơn ăn năn hoán
cải, nhờ vậy đời sống chung sẽ thấm đậm tình huynh đệ và được cùng nhau hưởng hạnh
phúc muôn đời.