Suy niệm lễ kính _ 06/8


LỄ HIỂN DUNG
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Cả ba Phúc Âm Nhất Lãm đều đề cập đến biến cố Hiển Dung (Mátthêu 17,1-8; Máccô 9,2-9; Luca 9,28-36). Với một sự tương đồng đáng chú ý, cả ba đều kể lại biến cố này.
Mặc dù cả ba văn bản đều rất giống nhau, theo các học giả Kinh Thánh, thật khó để diễn lại cảm nghiệm của các tông đồ. Và tất nhiên, Đức Giêsu đã cảnh cáo cho họ biết, sự vinh hiển và sự thống khổ của Người liên hệ với nhau một cách chặt chẽ -- đó là chủ đề mà Gioan lập đi lập lại trong Phúc Âm của ngài.
Truyền thống coi núi Tabor là nơi hiển dung. Đầu tiên, trong thế kỷ thứ tư một nhà thờ được dựng nên ở nơi đây để cung hiến cho biến cố này vào ngày 6 tháng Tám. Và cũng như một ngày lễ được thiết lập để tôn kính sự Hiển Dung.
Suy niệm 1: Hiển Dung
Cả ba Phúc Âm Nhất Lãm đều đề cập đến biến cố Hiển Dung.
Một trong những tường thuật về sự Hiển Dung được đọc vào Chúa Nhật II Mùa Chay hàng năm, để tuyên xưng thiên tính của Đức Kitô cho các người dự tòng. Phúc Âm của Chúa Nhật I Mùa Chay, ngược lại, là câu chuyện Đức Giêsu bị cám dỗ trong sa mạc -- xác nhận nhân tính của Đức Kitô. Hai bản tính khác biệt nhưng không thể tách rời của Chúa Giêsu là một chủ đề gây nhiều tranh luận trong lịch sử Giáo Hội thời tiên khởi; ngày nay chủ đề ấy vẫn còn khó cho nhiều người thấu hiểu.
Thánh Tôma Aquinas, trong Tổng Luận Thần Học của ngài đã có một ý tưởng về biến cố này: Trong biến cố Hiển Dung, Đức Kitô cho các môn đệ thấy sự huy hoàng mỹ miều của Người, mà qua đó Người sẽ uốn nắn và tô điểm những ai thuộc về Người: "Người sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người" (Pl 3,21).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn bình tâm và lạc quan sống, vì trong vui luôn hàm chứa khổ và trong khổ luôn ẩn tàng vui.
Suy niệm 2: Tương đồng
Với một sự tương đồng đáng chú ý, cả ba đều kể lại biến cố này.
Cả ba Tin Mừng Mátthêu, Máccô và Luca thường được gọi là Tin Mừng Nhất Lãm, có nghĩa là bằng một cái nhìn có thể thấy được cả ba, vì cách chung cả ba tường thuật đều rất giống nhau về tiến trình cũng như nội dung. Dầu vậy trong đó cũng có một số tiểu tiết khác biệt nhau nhằm để bổ túc lẫn nhau, có thế mới là ba chứ không là một.
Tuy nhiên điểm tương đồng nổi bật đáng chú ý trong tường thuật về biến cố này, là cả ba đều ghi đậm sự kiện này xảy ra sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế và sau lần đầu tiên Đức Giêsu nói về sự thống khổ và cái chết của Người. Sự hăng hái của Phêrô trong việc dựng lều nơi hiển dung đưa ra giả sử rằng, biến cố đó xảy ra trong dịp Lễ Lều kéo dài một tuần lễ trong mùa thu.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con cố phát hiện những sự khác biệt dầu là tiểu tiết để phong phú hóa sự hiểu biết của chúng con.
Suy niệm 3: Cảm nghiệm
Thật khó để diễn lại cảm nghiệm của các tông đồ.
Vì các Phúc Âm dựa rất nhiều vào Cựu Ước trong đoạn diễn tả cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa ở núi Sinai và những điều tiên tri về Con Người. Chắc chắn là Phêrô, Giacôbê và Gioan đã thoáng được nhìn thấy thiên tính của Đức Giêsu.
Ấn tượng ấy đủ mạnh để tạo nên sự sợ hãi in sâu trong tâm hồn họ. Một cảm nghiệm như vậy không thể nào diễn tả được, do đó các ngài dùng cách diễn đạt thông thường trong kinh sách để diễn tả.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con vượt ra khỏi cách diễn đạt thông thường để thấy được ý nghĩa thâm sâu ẩn chứa bên trong.
Suy niệm 4: Chủ đề
Đó là chủ đề mà Gioan lập đi lập lại trong Phúc Âm của ngài.
Chủ đề nổi bật trong biến cố Hiển Dung là gì vậy, khiến Tin Mừng Gioan lập đi lập lại nhiều lần? Đó là việc Đức Giêsu cảnh cáo cho ba tông đồ và qua các ngài cho mọi người biết rằng: sự vinh hiển và sự thống khổ của Người liên hệ với nhau một cách chặt chẽ.
Sự thống khổ của người mù từ lúc bình sinh đã được Đức Giêsu giải thích là để thiên hạ nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa qua công trình tuyệt diệu của Người khi làm cho anh được sáng mắt (Ga 9,3). Nếu hiểu cái chết là nỗi đau tột cùng thì hạt lúa phải chịu mục nát đi mới trổ sinh được hoa trái (Ga 12,24). Cũng thế cái chết của Ladarô cũng nhằm xây dựng niềm tin vào sự phục sinh vinh quang (Ga 11,15.25). Nhất là cái chết thê thảm của Đức Giêsu trên thập giá là một hành vi tôn vinh Chúa Cha và chính Ngài (Ga 12,23;17,4-5.10).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống lời vàng của Chúa là phải qua đau khổ mới vào được vinh quang (Lc 24,26).
Suy niệm 5: Núi Tabor
Truyền thống coi núi Tabor là nơi hiển dung.
Địa danh núi thật rất quen thuộc đối với sinh hoạt của Đức Giêsu. Chẳng những Người thường chọn lên địa điểm thanh vắng đó để cầu nguyện như thói quen (Lc 6,12;22,39), mà Người cũng thường tìm đến đó vào các dịp quan trong trong hoạt động tông đồ của Người: Việc công bố bàng Hiến Chương Nước Trời (Mt 5,1), chọn các tông đồ (Lc 6,13), lập bí tích Thánh Thể (Lc 22,19-20), đi vào cuộc Tử Nạn (Mt 26,39), cũng như chịu chết trên thập giá (Ga 19,17).
Dĩ nhiên núi Tabor phải là nơi Chúa chọn để tiến hành một biến cố rất quan trọng, đó là hiển dung. Nhất là trong biến cố này lại xảy ra cuộc đàm thoại giữa Người với Môsê và Êlia vốn là những nhân vật đã từng được Thiên Chúa mời gọi lên núi để diện kiến Chúa (Xh 19,3;1V 19,12). Theo chí hướng đó, nhiều thánh nhân lừng danh cũng tìm lên rừng núi để gặp gỡ Chúa, như các vị Phaolô hoặc Antôn hay một Bênêđích.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tạo dựng bầu khí thinh lặng của núi trong tâm hồn để bất cứ lúc nào cũng gặp được Chúa.
Suy niệm 6: Ngày lễ
Một ngày lễ được thiết lập để tôn kính sự Hiển Dung.
Ngày lễ này được Giáo Hội Đông Phương cử mừng bắt đầu từ khoảng thời gian đó. Sự mừng kính của một vài giáo hội Tây Phương bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ tám.
Vào ngày 22 tháng Bảy 1456, Thập Tự quân đánh bại quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Belgrade. Tin tức về cuộc chiến thắng được đưa về Rôma vào ngày 6 tháng Tám, và vào năm sau, Đức Giáo Hoàng Callistus III đã đưa ngày lễ này vào niên lịch phụng vụ của Rôma.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con không chỉ mừng lễ mà nhất sống được chủ đề của ngày lễ.