Lời Chúa cntn 22a _ vác thập giá theo Thầy

VÁC THẬP GIÁ THEO THẦY
“Chúa chúng ta đã chịu bao cực hình để cứu chuộc nhân loại, tôi cũng sẵn lòng chịu những khốn khổ này để nên giống Chúa Kitô phần nào.” (Tôma Đinh Viết Dụ)
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Chúng ta vừa nghe lời Chúa trong bài tin mừng: “Ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, vác thập giá mình mà theo Thầy.” Rõ ràng: điều kiện để theo Chúa, để trở nên giống Chúa là phải vui lòng vác thập giá, vui lòng chịu đau khổ vì Chúa.
Đang lúc thánh Tôma Dụ (tử đạo ngày 26.11.1839, 56 tuổi) bị giam, bà mẹ của Ông Giuse Hiền giả làm hành khất vào tận ngục thăm cha. Khi thấy cha tiều tụy vì những cuộc tra tấn, bà nức nở khóc. Cha nói với bà: “Sức khỏe của tôi tuy giảm sút, nhưng tôi còn có thể chịu đựng hơn nữa. Chúa chúng ta đã chịu bao cực hình để cứu chuộc nhân loại, tôi cũng sẵn lòng chịu những khốn khổ này để nên giống Chúa Kitô phần nào.”
Ngày 20.5.1839, Cha Tôma Dụ vừa dâng Thánh lễ xong ở nhà bà Inê Thu, được tin quan quân đã vây kín làng, biết không kịp đến nơi trú ẩn cách đó hơi xa, cha bèn cải trang người làm vườn, sang nhà bên cạnh lúi húi ngồi nhổ cỏ. Lính đi ngang qua không biết, nhưng người chỉ điểm nhận ra được, hắn nói: “Đạo trưởng đấy.” Thế là cha bị bắt và đẫn đến quan tổng đốc đang ngồi ở đình làng. Quan hỏi “Ông là ai? Làm gì trong làng này?” Cha Tôma Dụ đáp: “Tôi là linh mục đạo công giáo, có nhiệm vụ coi sóc giáo dân ở đây” Khi quan hỏi cha Vọng ở đâu, thì cha không nói, nên quan truyền đánh 20 roi. Quan cho lục soát khắp người xem có tiền bạc giấy tờ gì không. Nhưng chỉ thấy có một chuỗi tràng hạt Mân Côi.
Đinh Viết Dụ sinh năm 1783, tại làng Phú Nhai, tỉnh Nam Định. Sau khi thụ phong linh mục, cha Dụ xin gia nhập dòng Đaminh và khấn dòng ngày 21.12.1814. Cha là một tông đồ nhiệt thành dấn thân vì lợi ích cho các linh hồn. Đồng thời cha cũng là một tu sĩ gương mẫu về đời sống chiêm niệm, các bạn trong dòng quen gọi người là “Thánh Brunô”
Qua một đêm ở đình làng Liễu Đề, cha Tôma Dụ bị đóng gông, mang xiềng xích, như một tội phạm, và được dẫn lên thị xã Nam Định.
Các quan ở đây tiếp tục tra tấn nhiều lần, khuyên dụ cha đạp lên Thánh giá. Nhưng mặc cho những lời dụ dỗ hay dọa nạt, cha Dụ vẫn cương quyết không xúc phạm đến Thập giá, và không cung khai điều gì hại đến các tín hữu. Cha bị đánh đập tàn nhẫn nhiều lần, lần thứ nhất 90 roi, lần thứ hai 30 roi, lần khác 20 roi và phải nghe những lời mắng nhiếc chế diễu của dân chúng tò mò đến xem.
Sau những vụ tra tấn, cha Dụ bị tống ngục, ban ngày mang gông xiềng, ban đêm bị cùm chân, thêm vào đó là chịu đói khát, nóng nực hôi tanh. Vị tông đồ của Chúa những tỏ ra nhẫn nhục, mà còn vui vẻ coi đó là những cơ hội tốt, để bước theo chân Đức Kitô tử nạn. Chứng nhân Giuse Hiền thuật lại chuyện mẹ của ông, giả làm hành khất vào tận ngục thăm cha. Khi thấy cha tiều tụy vì những cuộc tra tấn, bà nức nở khóc. Cha nói với bà: “Sức khỏe tôi tuy giảm sút, nhưng tôi còn có thể chịu đựng hơn nữa. Chúa chúng ta đã chịu bao cực hình để cứu chuộc nhân loại, tôi cũng sẵn lòng chịu những khốn khổ này để nên giống Chúa Kitô phần nào”
Lần thứ hai bà vào thăm, cha Dụ cho biết những khổ hình sau này cha cảm thấy không đau như trước. Dường như Chúa đã giảm bớt sự đau khổ cho cha. Khi bà chào từ biệt cha nói: “Tôi không biết ngày nào sẽ được hiến dâng mạng sống vì Chúa, có thể anh chị em không còn gặp tôi nữa. Bà hãy cầu nguyện nhiều, xin Chúa ban cho tôi ơn nhẫn nại chịu đựng tất cả những điều người ta gây cho tôi, để danh Chúa được cả sáng”
Ngày 18 tháng 8 năm 1839, lính dẫn cha Đaminh Xuyên tới trại giam chung với cha Tôma Dụ. (Coi Thánh Đaminh Xuyên)
Ngày 12.11.1839 hai bản án từ triều đình ra tới Nam Định. Và ngày 26 là ngày hai cha được dẫn đi xử, giữa hàng rào binh sĩ võ trang cùng voi ngựa. Hai đấng Tử Đạo mang gông, đi bộ, dáng điệu thanh thản vui tươi, khiến đám đông hiếu kỳ đi coi phải bỡ ngỡ. Hai cha vừa đi vừa cầu nguyện, không để ý tới những người vây chung quanh. Chỉ khi quan hỏi lần sau hết có muốn xuất giáo để được tha, thì hai cha trả lời rằng: “Không” Rồi cứ tiếp tục cầu nguyện cho đến nơi xử goi là Bảy Mẫu. Cha Dụ bị trói vào cọc và bị xử chém đầu. Xác thánh được chôn ngay nơi xử, và tháng 1.1841 được rước về Lục Thủy (Nam Định)
Cha Tạ Đức Thịnh (tử đạo ngày 8.11.1840, 80 tuổi), cha Nghi, cha Ngân, Ông Thọ và Ông Cỏn cùng bị bắt và bị giam chung. Suốt tháng đầu, Cha Thịnh cùng bốn chứng nhân ngày mang gông xiềng, tối bị cùm chân. Quan như bỏ quên không nói gì đến họ. Đầu tháng 7 quan gọi cả năm chứng nhân ra công đường, bắt bước qua Thập Tự, các cha và hai ông đều can đảm tuyên xưng Danh Chúa. Cha Thịnh lên tiếng: “Tôi đã bằng này tuổi đầu mà còn sợ chết nữa sao? Tôi không thể làm theo lời quan được.” Khi quan hỏi về tên và nơi ở của các thừa sai, cha chỉ nói không biết. Quan tức giận truyền trói năm vị bắt quỳ phơi nắng suốt ngày không cho nước uống.
Ba ngày sau, tức ngày 6 tháng 7, tổng đốc Thịnh Quang Khanh lại gọi cho năm tù nhân và nói: “Nếu các ông không đạp lên Thập Tự, các ông sẽ phải chết.”
Cha Nghi trả lời: “Bẩm quan nếu quan thương, chúng tôi nhờ, nếu không thương, chúng tôi cũng xanh xì nấm mộ, còn bước qua ảnh Thánh, chúng tôi không dám.”
Quan liền cho đánh mỗi người 50 roi. Thấy không được việc, ông dạy đánh cha già Thịnh thêm 10 roi nữa, ông thầm nghĩ tuổi già sức yếu, vị linh mục này sẽ phải khuất phục. Nhưng ông đã lầm, cha Thịnh mạnh mẽ can đảm chịu đòn như các đồng bạn. Quan tức giận lắm, bắt ba vị linh mục phơi nắng thêm một ngày nữa.
Tạ Đức Thịnh sinh năm 1760 tại làng Kẻ Sét, huyện Thanh Trì (Hà Đông), trong một gia đình nề nếp. Năm 18 tuổi, cha mẹ định cho anh kết duyên với một thiếu nữ thùy mị, và đạo hành. Nhưng anh xin hoãn lại để suy nghĩ, và cuối cùng anh quyết định đi tu. Thầy Thịnh thụ phong linh mục thời vua Cảnh Thịnh cấm đạo.
Theo sự bổ nhiệm của đức Giám Mục, cha phục vụ tại nhiều giáo xứ: trước tiên là Cửa Bang (Ba Làng) rồi Đồng Chuối tỉnh Thanh Hóa, sau về xứ Nam Xang (Hà Nam) 20 năm liền. Cuối cùng làm cha sở xứ Kẻ Trình (Nam Định). Khi đó cha đã gần 80 tuổi, là một người cha già đạo đức hiền lành, được tất cả tín hữu kính trọng là yêu mến. Một hôm, cha bị nhọt ở má, rồi lở miệng, nửa hàm răng bị mưng mủ và đau nhức ngày đêm. Ông Cỏn lên thăm, thấy tình cảnh cha như vậy, liền rước về nhà cháu ở xứ Kẻ Bảng để chăm sóc chữa trị. Được chừng tám tháng cha bị bắt trong trường hợp sau đây:
Ngày 30.5.1840 theo tin báo, tổng đóc Nam Định đem 1000 quân đến vây làng Kẻ Báng. Quan cho phát loa kêu gọi dân tập ở đình làng để điểm danh. Tất cả đàn ông thanh niên trên 15 tuổi đều bị trói lại và tập trung ở một chỗ, quân lính canh gác cẩn thận. Tất cả ngồi phơi nắng phơi sương suốt hai ngày đêm, chịu em phụ nữ lo cơm nước tiếp tế cho lính và thân nhân. Đồng thời quan sai lính đi lục soát tất cả hang cùng ngỏ hẻm. Ngày đầu tiên không tìm thấy linh mục nào, ông nản lòng định rút quân, nhưng người tố giác cứ nhất quyết, lấy đầu ra thề, nên ông cho lục soát tiếp ngay ngày thứ hai.
Ngày thứ ba, quan ra lệnh phá các vách dầy trong làng, thì quả nhiên bắt được cha Giuse Nghi đang ẩn giữa hai lớp vách nhà bà Duyên. Quan cho gọi bà ra bước qua Thánh Giá; nhưng may mắn lính nghe lộn ra bà Doãn, bà này ngoại giáo nên đã bước qua, nhờ đó bà Duyên thoát nạn. Khoảng giữa trưa thì lính bắt được cha Phaolô Ngân đang ẩn trong nhà ông Thọ và cũng bị trói, điệu ra chỗ giam cha Nghi ở đình làng.
Trong khi cha Mactinô Thịnh, thì giả điếc nằm trên võng nhà ông Chiền là cháu ông Cỏn, lính ngang qua thấy cụ già nhà quê bệnh hoạn, nên không nghi ngờ gì, và nếu có hỏi, thì cô Thanh, một nữ tu họ Kẻ Trình đi theo giúp đỡ cha, sẽ khai là: “Bố tôi đấy, ông đau nặng nên không ra điểm danh được.” Nhưng khi nghe biết hai cha Nghi và Ngân đã bị bắt, cha Thịnh không muốn im lặng nữa. Nhân một cai đội đến hỏi: “Ông có phải là đạo trưởng không?” Cha Thịnh liền đáp: “Phải, tôi đây.” Thế là cha Thịnh bị bắt với hai đồng bạn. Lợi dụng cơ hội, quân lính kéo vào làng cướp tiền bạc, thóc lúa, trâu bò... Họ vừa đập phá, vừa reo hò chiến thắng vang dậy cả làng. Sau đó quan cho đóng gông và áp giải ba linh mục, ông Thọ, ông Cỏn và 20 tín hữu Kẻ Báng về Đề Lao Nam Định.
Ngày 8.11.1840, cả năm chứng nhân được đoàn lính 500 người điệu ra pháp trường Bảy Mẫu. Đến nơi tất cả quỳ xuống cầu nguyện, rồi ra hiệu đã sẵn sàng. Theo lệnh quan, lý hình chém rơi đầu năm anh hùng đức Tin. Thi thẻ hai cha Nghi, Ngân và hai ông Thọ, Cỏn được đưa về Kẻ Báng. Cha Thịnh được mai táng ở giáo xứ Vũ Điện (Hà Nam), sau đời về quê hương Kẻ Sát.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Đề tựa của Lm. HK