(972-1024)
Rất bận rộn, nhưng Hoàng Ðế Henry vẫn dành thời giờ cho Thiên Chúa trong sự suy niệm
và sinh hoạt đạo đức.
Thánh
Henry thuộc dòng dõi nhà vua mà cha là Công Tước xứ Bavaria, mẹ là công chúa xứ
Burgundy. Ngay từ nhỏ, ngài được sự dạy bảo kỹ lưỡng của Thánh Wolfgang, là
Giám Mục của Ratisbon. Năm 995, ngài kế vị cha làm Công Tước xứ Bavaria và năm
1002, sau khi người bác là Vua Otto III từ trần, ngài lên ngôi hoàng đế nước Ðức.
Vua Henry
rất để ý đến hạnh phúc của người dân. Ðể bảo vệ công chính, nhiều lần ngài phải
dẫn quân đi chiến đấu với các kẻ thù ở trong cũng như ngoài nước. Các chiến thắng
không làm ngài tự đắc trở nên vô tâm mà ngài rất độ lượng và khoan hồng với kẻ
thù.
Khoảng
năm 998, ngài lập gia đình với một phụ nữ thánh thiện là Cunegundes. Sau này bà
cũng được tuyên xưng là thánh. Vào năm 1014, cả hai người được ban thưởng cho
danh hiệu hoàng đế và hoàng hậu của Thánh Ðế Quốc Rôma. Ðây là một vinh dự lớn
lao vì chính Ðức Giáo Hoàng Bênêđích VIII đã đội vương miện cho hai người.
Tuy thừa
hưởng tất cả những giầu sang và quyền thế ở trong tay, Hoàng Ðế Henry luôn nhớ
đến các chân lý vĩnh cửu và suy niệm trong lòng. Thay vì đi tìm các vinh dự
chóng qua của trần thế, ngài để ý đến những công việc làm vinh danh Thiên Chúa,
trong đó sự thịnh vượng của Giáo Hội cũng như duy trì kỷ luật trong hàng giáo
sĩ là điều ngài lưu tâm. Có lần ngài ao ước được từ chức để sống như một đan
sĩ, nhưng theo lời khuyên bảo của đan viện trưởng ở Verdun, ngài đã ở lại ngôi
vị.
Trong
thời gian trị vì, ngài thành lập rất nhiều đoàn thể đạo đức, xây dựng nhiều cơ
sở sinh hoạt tâm linh cũng như các đan viện và nhà thờ mới.
Ngài từ
trần năm 1024, khi mới năm mươi hai tuổi và được phong thánh năm 1146.
Lời Bàn
Gương mẫu
đời sống của Thánh Henry khiến chúng ta phải nhìn lại sự bận rộn của đời sống
chúng ta. Có ai bận rộn bằng một ông vua, nhưng Hoàng Ðế Henry vẫn dành thời giờ
cho Thiên Chúa trong sự suy niệm và sinh hoạt đạo đức. Noi gương Thánh Henry,
chúng ta nên sắp xếp thời giờ để hàng ngày trở về với nguồn sinh lực của chúng
ta, là Thiên Chúa toàn năng.
(Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)