Một chút suy tư _ nếu không có ngày mai

NẾU KHÔNG CÓ NGÀY MAI
Không biết lần cuối cùng chúng ta vỗ vai một người bạn, lần cuối chúng ta ôm con là khi nào. Không biết ngày mai chúng ta có còn cơ hội làm việc đó hay không.  
    Đức Hoàng Nhà báo (VnExpress)
Hôm qua tôi ngẫu nhiên đọc được một câu chuyện giản dị trên facebook của một giáo viên trẻ ở Singapore, Matthew Zachary Liu. Liu nghe được tin về máy bay MH17 trên đường đến trường và quyết định rằng buổi dạy của anh ngày hôm qua sẽ không diễn ra theo cách bình thường.
Lớp học của Liu có 40 học sinh mới 9 tuổi. Anh đến và viết lên bảng chữ MH17. Không nhiều đứa biết chuyện gì đã xảy ra. Anh kể cho chúng rằng đó là một chiếc máy bay đã bị rơi ở miền Đông Ukraine và đã có gần 300 người chết. Anh hỏi chúng nghĩ thế nào. Một em đứng lên và nói rằng mình cảm thấy buồn vì có những người đã mất đi người thân của mình. Bọn trẻ cũng hiểu rằng chuyện tương tự hoàn toàn có thể đã diễn ra với một chiếc máy bay Singapore.
Anh hỏi có bao nhiêu bạn quan tâm nếu đó là một chiếc máy bay Singapore? Tất cả các cánh tay giơ lên. “Tôi bảo chúng hãy tưởng tượng rằng trên chiếc máy bay đó có một người bạn cùng lớp. Nếu như điều cuối cùng mà các bạn làm hoặc nói với bạn đó là lời trêu chọc hoặc bắt nạt thì sao? Các em sẽ cảm thấy gì?”. Thày Liu bảo các em quay sang vỗ vai bạn bên cạnh và nói rằng mình yêu bạn. Cả lớp làm theo và những tràng cười xuất hiện. “Một em còn chạy sang lớp khác để ôm bạn của mình” – Liu kể.
Thoạt trông thì việc nói với trẻ con về cái chết có vẻ lẩm cẩm, nhưng đó là một suy nghĩ không bao giờ thừa. Cho đến đêm qua, thì câu chuyện của thày Liu đã thu được 23 nghìn lượt thích và hơn 8 nghìn lượt chia sẻ.
Báo Telegraph, Anh hôm qua có bài viết: “Chuyến bay MH17 và sự hỗn loạn của thế giới mới”. Sẽ rất mất thời gian để giải thích khái niệm “sự hỗn loạn của thế giới mới” từ cái nhìn của những nhà kinh tế học và xã hội học, để hiểu được sự tranh chấp giữa các siêu cường và hệ lụy – mà thảm kịch MH17 là một trong số đó.
Trong sự hỗn loạn này, khi “lần đầu tiên sau bảy thập kỷ, thế giới không có vai trò của người dẫn dắt” (báo Foreign Policy, tháng 5/2012), khi các siêu cường vẫn đang mải mê phân chia hành tinh, mỗi con người trong chúng ta đều đối mặt với sự thiếu ổn định ở mức cao hơn trước. Hãy cứ tưởng tượng rằng một chính sách trả đũa kinh tế của Mỹ có thể khiến một doanh nghiệp Trung Quốc đóng cửa nhà máy ở Bình Dương. Bỗng nhiên có hàng nghìn thanh niên mất việc, đói khát, tuyệt vọng, không thể về quê mà tìm cách trụ lại trên đường phố TP HCM bằng nhiều cách, kể cả những cách như tôi đã đọc trên các trang báo pháp luật. Rất buồn lòng.
Một quả tên lửa bắn đi từ xung đột của các nhóm lợi ích không nhất thiết phải là một quả tên lửa theo nghĩa đen và nạn nhân không nhất thiết phải đang bay qua vùng chiến sự.
Thật ra, đó chỉ là những phân tích để cảm nhận rõ thêm sự thiếu ổn định của thế giới. Chứ không cần đến sự mất trật tự này, thì bản thân cuộc sống đã khó lường rồi. Nếu có điều gì chúng ta học được từ thảm kịch của MH17, khi hàng trăm người bỗng nhiên đi vào hư vô mà không phải bởi “nghiệp” của họ, thì đó không phải tranh chấp Nga - phương Tây, không phải là bản chất của Euromaidan hay vấn đề ngoại giao nào, mà đó là sự vô định của kiếp người.
Không phải ngẫu nhiên mà bài học quá đỗi đơn giản của thày giáo Matthew Zachary Liu lại được yêu thích như thế. Không biết lần cuối cùng chúng ta vỗ vai một người bạn, lần cuối chúng ta ôm con là khi nào. Không biết ngày mai chúng ta có còn cơ hội làm việc đó hay không. Không biết, hôm nay chúng ta đã yêu thương đủ nhiều để ngày mai ra đi cũng không phải hối tiếc hay chưa?
    Đức Hoàng Nhà báo (VnExpress)