Thánh RÔMUANĐÔ
(950?-1027)
Lược sử
Thánh Rômuanđô thuộc
dòng họ quyền quý ở Ravenna, nước Ý và quãng đời thanh thiếu niên của ngài
không có gì là đặc biệt. Một ngày kia, ngài chứng kiến cảnh người cha nóng tính
của ngài đã giết chết người bà con trong cuộc tranh chấp về đất đai. Quá hoảng sợ, ngài
trốn trong một đan viện gần Ravenna trong 40 ngày để ăn năn đền tội cho cha mình cũng như cho sự đồng lõa
của chính ngài.
Lẽ ra ngài đã trở về
cuộc sống bình thường như trước, nhưng thời gian 40 ngày ấy thực sự đã hoán cải
con người của ngài.
Ngài khao khát được tử đạo vì Đức
Kitô và đã được đức giáo hoàng cho phép để đi truyền giáo ở Hung Gia Lợi. Nhưng
khi đến nơi ngài phải trở về vì lâm trọng bệnh và vì cao tuổi. Trong 30 năm tiếp đó, ngài đi khắp nước
Ý để thành lập các đan viện và viện khổ tu ở miền bắc và trung nước Ý. Năm viện
khổ tu ngài thành lập ở
Camaldoli đã trở thành nhà mẹ của Dòng Camaldoli, có truyền thống tổng hợp giữa
đời sống khổ tu giữa Đông và Tây và dưới quy luật Biển Đức đã được ngài biến cải.
Ngài từ trần ở Piceno,
nước Ý năm 1027.
Suy niệm 1 Đất đai
Trong cuộc tranh chấp về đất đai.
Đất đai là tài nguyên Chúa ban cho mỗi gia đình sử dụng. Tùy cách sử dụng
mà con người có thể trở nên tốt hoặc xấu. Với hai vợ chồng Khanania và Saphira,
họ bán đất để lấy tiền phụ giúp các gia đình nghèo theo sự sắp xếp của các tông
đồ. Ý tốt này đã bị họ thực hiện không đúng mức bằng việc họ dối trá khi trao
nộp nên bị phạt chết (Cv 5,9). Còn Banaba cũng bán đất nhưng giao nộp thành
thật tất cả, nên được chọn làm tông đồ (Cv 4,37;13,2).
Cũng vì đất đai, người cha nóng tính của Rômuanđô đã giết chết người bà
con. Chứng kiến cảnh tượng đó, ngài hoảng sợ, nên trốn trong một đan viện gần
Ravenna trong 40 ngày để ăn năn đền tội cho cha mình cũng như cho sự đồng lõa
của chính ngài. Và thời gian 40 ngày ấy thực sự đã hoán cải con người của ngài.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng tranh giành đất đai đời này mà nỗ lực giành
lấy trời mới đất mới trên thiên đàng.
Suy niệm 2 40 ngày
Thời gian 40 ngày ấy thực sự đã hoán cải con người của Rômuanđô.
Do đó, thay vì trở về nhà, Rômuanđô đã xin gia nhập dòng Biển Đức. Sau ba
năm, ngài từ giã đan viện để đi tìm một đời sống khắc khổ hơn, và trở nên một
môn đệ của vị ẩn sĩ Marinus gần Venice.
40 ngày sánh với một đời người thật không dài, nhưng nếu biết tận dụng thì
cũng nhận được nhiều hiệu quả. Rômuanđô đã dùng nên thời gian ấy nên đã tiến
bước trên đường nên thánh. Các tông đồ xưa cũng tận dụng quãng thời gian 40
ngày của Thầy Giêsu còn ở tại thế trước khi về trời, nên cũng được củng cố niềm
tin để kế tục sứ nghiệp rao giảng của Thầy mình, và trở thành những thánh nhân
sáng chói.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng lãng phí thời giờ Chúa ban, để từng giây
phút trở nên công nghiệp mau lấy nước trời.
Suy niệm 3 Khao khát
Rômuanđô khao khát được tử đạo vì Đức Kitô và đã được đức giáo hoàng cho
phép để đi truyền giáo ở Hung Gia Lợi.
Tử đạo là một mối phúc được Chúa giới thiệu trong Bảng Hiến Chương Nước
Trời (Mt 5,10-12). Cũng như mọi tín hữu ngoan đạo, đặc biệt những người đang
sống trong thời bách hại, Rômuanđô cũng có chung niềm khao khát chính đáng ấy.
Nhưng niềm ước mơ ấy cần được hiện thực trong chương trình quan phòng của
Thiên Chúa được biểu hiện qua ý bề trên. Do đó ngài đã trình với đức giáo hoàng
để được phép đi truyền giáo ở Hung Gia Lợi, vốn được xét là môi trường có nhiều
cơ hội để được tử đạo nhất.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết phó dâng niềm khao khát của chúng con trong
việc thực thi Thiên Ý.
Suy niệm 4:. Bệnh
Khi đến nơi Rômuanđô phải trở về vì lâm trọng bệnh và vì cao tuổi.
Bệnh tật vẫn luôn là một hiện tượng tiêu cực xảy đến trong đời người, và dĩ
nhiên không một ai mong muốn. Nhưng với một người lành thánh thì họ luôn nhận
ra ý hướng tích cực như một sự an bài của Thiên Chúa. Rômuanđô đọc được Thiên Ý
nên ngài trở về quê nhà và dành thời gian 30 năm tiếp đó, để đi khắp nước Ý và
thành lập các đan viện và viện khổ tu ở miền bắc và trung nước Ý.
Cũng thế thánh Antôn khao khát được tử đạo theo gương một số tu sĩ dòng
Phanxicô bị bách hại bởi người Moor và được tử đạo ở Morocco. Ngài đến Phi Châu
để rao giảng cho người Moor. Nhưng ngay sau đó, ngài lâm bệnh nặng phải trở về
Ý, để rồi từ bỏ niềm khao khát ấy mà chấp nhận sống trong một nơi hiu quạnh,
với công việc rửa chén trong nhà bếp và dành thời giờ để cầu nguyện, đọc Kinh
Thánh. Từ đó ngài trở nên một vị thánh lừng danh.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết đón nhận bệnh tật như một lời mời gọi của
Chúa phải vận dụng thời gian chũa bệnh, để thực thi chương trình Chúa muốn chứ
không phải bản thân muốn.
Suy niệm 5 Thành lập
Năm viện khổ tu Rômuanđô thành lập ở Camaldoli đã trở thành nhà mẹ của Dòng
Camaldoli, có truyền thống tổng hợp giữa đời sống khổ tu giữa Đông và Tây và
dưới quy luật Biển Đức đã được ngài biến cải.
Thành lập một tổ chức, nhất là sáng lập một tu viện, đây không phải là một
công việc dễ dàng. Và càng khó khăn hơn nữa khi phải duy trì sự sống còn cũng
như sự phồn vinh của nó. Điều này giúp thấy giá trị của thánh Rômuanđô với bao
công khó và hy sinh, khi không chỉ sáng lập một mà năm tu viện.
Ngoài công nghiệp của thánh Rômuanđô, còn thấy rõ đây là tác phẫm của Thiên
Chúa. Đúng như một nhận định sáng suốt của luật sư Gamalien vốn cũng là nhân
viên trong Hội Đồng Dothái, về nhóm Thêôđa và Giuđa cũng như Giáo Hội Chúa: Nếu
mưu đồ và công việc là do phàm nhân thì ắt sẽ tan rã, còn nếu do Thiên Chúa thì
không thể phá được (Cv 5,34-39).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tìm ra ý Chúa và thực thi công việc của Chúa để
nó có giá trị trường tồn.
Suy niệm 6 Biến cải
Năm viện khổ tu ngài thành lập ở Camaldoli đã trở thành nhà mẹ của Dòng
Camaldoli, có truyền thống tổng hợp giữa đời sống khổ tu giữa Đông và Tây và
dưới quy luật Biển Đức đã được ngài biến cải.
Đức Kitô là vị lãnh đạo nhân từ, nhưng Ngài mời gọi chúng ta trở nên hoàn
toàn thánh thiện. Thỉnh thoảng, trong lịch sử Giáo Hội, chúng ta vẫn được thách
đố nên thánh bởi những người tận tụy hy sinh, với tinh thần hăng say, và thực
sự thay đổi.
Dĩ nhiên, chúng ta không thể trở nên hoàn toàn giống họ, nhưng điều đó
không làm mất ý nghĩa lời kêu gọi của mỗi người chúng ta là hãy mở lòng cho
Thiên Chúa tùy theo hoàn cảnh của từng người.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hết mình nên thánh bằng việc sống trọn ơn gọi
của mình theo hoàn cảnh của chính mình.