Suy niệm hạnh thánh _ 11/6

Thánh Barnabas
 (tk I )
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Thánh Barnabas, một trong những nhà truyền giáo tiên khởi của Giáo Hội, đóng vai trò chủ yếu trong việc loan truyền và chuyển dịch Phúc Âm cho dân ngoại. Qua sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta được biết ngài là người Do Thái ở Cypriot tên thật là Giuse, và các tông đồ đã đặt tên cho ngài là Barnabas sau khi ngài bán của cải và giao cho các tông đồ cai quản.
Mặc dù Barnabas không phải là một người trong nhóm Mười Hai nguyên thủy, Thánh Luca coi ngài như vị tông đồ vì ngài được lãnh nhận nhiệm vụ đặc biệt từ Chúa Thánh Thần. Một trong những đóng góp quan trọng của Barnabas là ngài đã đảm bảo cho Saolô, một người mới tòng giáo mà ai ai cũng sợ hãi vì quá khứ bắt đạo của Saolô. Sau đó, Barnabas được sai đi rao giảng ở Antiôkia. Khi công việc ngày càng có kết quả, Barnabas đã xin Phaolô (tên cũ là Saolô) đến tiếp tay; cả hai đã xây dựng một giáo hội thật phát triển. Theo sách Công Vụ Tông Đồ, chính ở Antiôkia mà "lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô Hữu."
Chính trong cộng đoàn siêng năng cầu nguyện này mà "Thánh Thần phán bảo, 'Hãy dành riêng cho Ta Barnabas và Phaolô để lo cho công việc mà Ta đã kêu gọi hai người ấy." Sau đó họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay trên hai ông và tiễn đi." Do đó, Barnabas và Phaolô khởi hành chuyến đi truyền giáo đầu tiên thực sự ở nước ngoài, trước hết đến Cyprus (là nơi họ hoán cải một quan đầu tỉnh người Rôma) và sau đó đến lục địa Tiểu Á. Lúc đầu các ngài rao giảng cho người Do Thái, nhưng bị chống đối dữ dội nên họ quay sang rao giảng cho dân ngoại và đã thành công lớn. Trong một thành phố, người Hy Lạp quá mến mộ các ngài đến nỗi họ tôn thờ Barnabas và Phaolô như các thần Zeus và Hermes. Vất vả lắm các ngài mới ngăn cản được đám đông hiếu khách ấy đừng dâng của lễ mà tế các ngài.
Công cuộc truyền giáo cho dân ngoại nẩy sinh vấn đề là người tòng giáo có phải cắt bì theo luật Do Thái hay không. Phaolô và Barnabas đã chống đối tập tục này và lập trường của các ngài đã làm chủ tình hình trong Công Đồng Giêrusalem.
Barnabas và Phaolô dự định tiếp tục công cuộc truyền giáo, nhưng ngay tối trước khi khởi hành, một bất đồng xảy ra là có nên đem theo một môn đệ nữa hay không, là ông Gioan Máccô. Vì vấn đề này mà hai tông đồ tách làm đôi. Phaolô đem Silas đi Syria, còn Barnabas đem Máccô đến Cyprus. Sau này, ba người: Phaolô, Barnabas và Máccô đã làm hòa với nhau.
Mặc dù không có những dữ kiện rõ ràng, dường như Barnabas, với sự tháp tùng của Gioan Máccô, đã trở về Cyprus. Ở đây, theo truyền thuyết, ngài đã chịu tử đạo vào năm 61.
Suy niệm 1 : Tiên khởi
Thánh Barnabas, một trong những nhà truyền giáo tiên khởi của Giáo Hội.
Ngài được mệnh danh như thế vì ngài đóng một vai trò chủ yếu trong việc loan truyền và chuyển dịch Phúc Âm cho dân ngoại.
Đồng thời ngài và Phaolô đã cùng khởi hành chuyến đi truyền giáo đầu tiên thực sự ở nước ngoài, trước hết đến Cyprus (là nơi họ hoán cải một quan đầu tỉnh người Rôma) và sau đó đến lục địa Tiểu Á.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sẵn sàng kế tục công cuộc truyền giáo của các vị tiền bố cho dân ngoại qua việc quan tâm đến các anh em lương dân mà chúng con có cơ hội gặp gỡ hằng ngày.
Suy niệm 2 : Giuse
Qua sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta được biết ngài là người Do Thái ở Cypriot tên thật là Giuse.
Như có một sự an bài kỳ diệu của Thiên Chúa cho người mang tên Giuse với sự kiện luôn xuất ngoại. Thật vậy, Giuse Barnabas là người thực hiện chuyến đi truyền giáo đầu tiên thực sự ở nước ngoài.
Cậu trẻ Giuse con của tổ phụ Giacóp thời Cựu Ước cũng rời quê cha đất tổ để đến xứ Ai Cập, dầu do lòng ghen ghét của các anh em (St 37,28). Và Thánh Cả Giuse trong Tân Ước cũng có lần phải rời Bê Lem để trốn sang Ai Cập do sự truy sát hài nhi Giêsu của vua Hêrôđê(Mt 2,14). 
 * Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ý thức rằng trần gian chỉ là nơi đất khách tạm thời, chúng con phải quyết tìm về quê thật thiên đàng.
Suy niệm 3 : Tên Barnabas
Các tông đồ đã đặt tên cho ngài là Barnabas.
Giuse đã được các tông đồ cải tên là Barnabas,  cho xứng với nghĩa cử ngài đã bán của cải và giao cho các tông đồ cai quản, nhất là cho phù hợp với sứ vụ tông đồ truyền giáo cho dân ngoại mà ngài được nhận lãnh theo kế đồ của Thiên Chúa.
Đức Giêsu cũng mang danh xưng này theo nghĩa của tiếng Hípri là Thiên Chúa Cứu Độ. Danh xưng này vửa diễn tả căn tính, vừa diễn tả sứ mạng của Người (Lc 1,31). Bởi vì “chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội” (Mc 2,7), cho nên chính Thiên Chúa trong Đức Giêsu là Chúa Con Vĩnh Cửu làm người” sẽ cứu dân Mình khỏi tội” *Mt 1,21). Như thế, trong Đức Giêsu, Thiên Chúa quy tụ tất cả lịch sử cứu độ nhân loại (Sách Giáo Lý số 430).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống sao cho xứng với danh Kitô hữu chúng con nhận lãnh được qua bí tích Rửa Tội.
Suy niệm 4 : Tông đồ
Thánh Luca coi ngài như vị tông đồ.
Mặc dù Barnabas không phải là một người trong nhóm Mười Hai nguyên thủy, nhưng ngài được đánh giá như thế vì ngài được lãnh nhận nhiệm vụ đặc biệt từ Chúa Thánh Thần.
Thật vậy chính trong bầu khí cộng đoàn đang chăm chú cầu nguyện mà "Thánh Thần phán bảo: 'Hãy dành riêng cho Ta Barnabas và Phaolô để lo cho công việc mà Ta đã kêu gọi hai người ấy." Sau đó họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay trên hai ông và tiễn đi".
Thánh Barnabas được đề cập như một người tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Ngài là người "đầy tràn Thánh Thần và đức tin. Do đó đã lôi cuốn một số đông người về với Chúa." Ngay cả khi ngài và Thánh Phaolô bị trục xuất khỏi Antiôkia, họ "tràn đầy niềm vui và Thánh Thần."
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhiệt tình chu to àn sứ vụ tiên tri mà chúng con được ban trong bí tích Rửa Tội.
Suy niệm 5 : Bảo lãnh
Một trong những đóng góp quan trọng của Barnabas là ngài đã đảm bảo cho Saolô.
Vì sao Saolô cần được bảo lãnh? Vì quá khứ bắt đạo, nên khi Saolô muốn tòng giáo và gia nhập cộng đoàn các tín hữu, thì ai ai cũng sợ hãi, ngay cả Khanania cũng ngại ngùng (Cv 9,13).
Việc Barnabas đứng ra bảo lãnh cho thấy tinh thần cao cả cũng như thế giá và uy tín của ngài giữa cộng đoàn các tín hữu sơ khai, nhờ đó mà Sao lô được đón nhận. Đồng thời việc bảo lãnh đầy liều lĩnh này cũng cho thấy đã không đánh mất một nhân tài.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con theo gương Chúa rộng tay cứu vớt mọi người, chứ đừng chê bỏ hoặc loại trừ một ai.
Suy niệm 6: Bất đồng
Barnabas và Phaolô dự định tiếp tục công cuộc truyền giáo, nhưng ngay tối trước khi khởi hành, một bất đồng xảy ra.
Nguyên do xảy ra bất đồng giữa Barnabas và Phaolô là có nên đem theo một môn đệ nữa hay không, là ông Gioan Máccô. Vì vấn đề này mà hai tông đồ tách làm đôi. Phaolô đem Silas đi Syria, còn Barnabas đem Máccô đến Cyprus. Sau này, ba người: Phaolô, Barnabas và Máccô đã làm hòa với nhau.
Người đời thường nói cha mẹ sinh con trời sinh tính để xác nhận sự bất đồng vẫn tồn tại ngay trong phạm vi gia đình huyết thống ruột thịt do sự khác biệt giữa các tính khí của con cái. Do đó các lãnh vực khác làm sao tránh được sự bất đồng. Điều quan trọng là cố gắng vượt qua để duy trì hòa khí.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống được tinh thần Chúa dạy để xứng đáng hiệp dâng Thánh lễ mỗi ngày (Mt 5,24).