TU SĨ
Anh,
Chị là ai?
Mọi người được
mời gọi vào cuộc sống thánh thiện, "trở nên hoàn hảo như Cha trên trời là
Ðấng hoàn hảo.” Nhưng Thiên Chúa cũng kêu gọi một số người thể hiện quyết tâm
này ở một mức độ trọn vẹn hơn bằng cách từ bỏ mọi sự để theo Ðức Kitô...
Hiện nay, trên thế giới
có khoảng 1,300,000 tu sĩ công giáo nam và nữ. Họ là ai? Lịch sử của đời sống
tu trì bắt nguồn từ đâu? lúc nào? Sự khác biệt giữa các hội dòng là gì? Tháng
10-1994, một Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới về "Ðời Sống Tận Hiến"
đã được triệu tập tại Rôma cho thấy Giáo Hội có một quan tâm đặc biệt đến vai
trò của các tu sĩ.
Ở Việt Nam, giới tu sĩ
luôn có một vị trí tích cực và hữu hiệu trong đời sống chứng tá Tin Mừng giữa
xã hội. Họ như thể hiện một bộ mặt nhân ái của Giáo Hội đối với cuộc đời. Thế
thì Tu Sĩ, các anh, các chị là ai? Bài này xin giới thiệu với tất cả quý độc giả
một câu trả lời.
I. HIỆN DIỆN TỪ BUỔI ÐẦU CỦA KITÔ GIÁO
Sống thành các cộng
đoàn, tu sĩ là những người "đi theo Chúa", chấp nhận một đời sống chung trong khó nghèo, độc
thân, và vâng lời vì mến Chúa. Và trong quá trình Lịch
Sử, đời sống tu trì đó đã dần dần được củng cố và đa dạng hoá. Những "tu
sĩ của hoang địa" ở phương Ðông
Ngay từ thế kỷ thứ
III, một nông dân trẻ người Ai Cập tên là Antôn, sau khi hiểu được lời
của Chúa nói với người thanh niên trẻ tuổi trong Tin Mừng: "Nếu anh muốn trở nên hoàn hảo thì hãy đi bán tất cả tài sản của
anh rồi theo ta", đã quyết định lui vào sống ẩn dật trong hoang địa để
cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, ăn chay hãm mình và lao động chân tay. Thế là có
nhiều người khác noi gương anh và cũng làm như thế.
Cho đến năm 330, Pacôme, cũng một người Ai Cập, thấy rằng cuộc sống ẩn dật lẻ
loi như thế cũng có nguy hiểm, nên đã thành lập một tu viện đầu tiên và đề ra
những lề luật để sống thành cộng đoàn. Thế là các tu viện nhanh chóng được nhân
ra ở phương Ðông: Xyri, Palestin... Và cả ở phương Tây bởi các Ðức Giám Mục:
ÐGM Martin ỏ Ligugé và Marmoutier, ÐGM Honorat ở Lérins, ÐGM Césaire ở
Arles... tại Bắc Phi, ÐGM Augustin ở Hippone cùng với các linh mục của mình đã
thành lập một kiểu cộng đoàn sống nối kết tinh thần tu trì với sứ vụ tông đồ.
Thánh Benoit, ông tổ của các tu sĩ phương Tây
Vào đầu thế kỷ thứ VI,
cũng trong chiều hướng muốn sống dâng hiến trọn vẹn cho Chúa mà Benoit de
Nursie, 20 tuổi, đã lui về sống ẩn dật ở Subiaco, rồi sau đó ở núi Cassin, nơi
đây, ngài đã soạn ra những điều luật mà về sau trở thành "Hiến Chương cho
đời sống tu trì ở phương Tây.” Như thế tu viện trở nên như một gia đình trong
đó vị bề trên là gia trưởng, như một hình ảnh của nước Chúa ở trần gian. Nhưng
rồi những cám dỗ của quyền lực và của vật chất đã đưa đến việc các con cái của
Thánh Benoit phải nhiều lần cải tổ dòng của mình: Cluny vào thế kỷ thứ X;
Citeaux - Clairvaux vào các thế kỷ XI và XII.
Các dòng khất sĩ
Vào thế kỷ XIII, sự
giàu sang của Giáo Hội đã làm nảy sinh những dòng khất sĩ như một phản ứng lại:
những người hành hương hoà bình, gần gũi với người nghèo như Dòng Anh Em Hèn Mọn
(Phanxicô) của Thánh Phanxicô thành Assise; hoặc là những người nghiên cứu và
rao giảng chân lý như Dòng Ðaminh của Thánh Ðôminicô.
Cũng vào thời gian
này, trên núi Carmel ở Palestin, các ẩn sĩ đã thành lập một dòng chiêm niệm lẽ
ra đã không còn nữa vào thế kỷ XVI, Thérèse d'Avila cùng với Jean de la Croix
không làm cho nhà dòng tìm lại được sự nhiệm nhặt ban đầu trong tinh thần mới.
Dòng Tên, Dòng Nữ Tử Bác Ái...
Vào thế kỷ XVI, thời kỳ
Phục Hưng và những thái quá của nó, thời kỳ ly khai của Luther, và sau việc
khám phá ra châu Mỹ, Ignace de Loyola thành lập một cách thành công Dòng Tên
trong đó các tu sĩ có nhiệm vụ phục vụ Giáo Hội - đặc biệt là Ðức Giáo Hoàng.
Giới nữ cũng muốn hiến
thân phục vụ nhân loại trong những lãnh vực giáo dục, giúp đỡ người nghèo, người
bệnh tật. Nhưng trong thế kỷ XVI, Giáo Hội còn giữ họ lại trong tu viện như các
dòng của Angèle de Mérici ở Ý, của Francois de Salles và của Jeanne de Chantal ở
Pháp. Tuy nhiên, đến thế kỷ XVII thì Giáo Hội cũng chấp nhận cho Dòng Nữ Tử Bác
Ái của Vincent de Paul và Louise de Marillac, một dòng "lấy bệnh viện làm nhà dòng, lấy đường phố làm nhà ở... "
Thời kỳ nở rộ các dòng tu
Các thế kỷ XVII và
XVIII được coi là thời kỳ của các dòng thừa sai đi truyền đạo ở nước ngoài hay
phục vụ các tầng lớp quần chúng trong nước, cũng như là phục vụ giáo dục: các
sư huynh trường công giáo...
Sau cuộc Cách mạng
1789, thế kỷ XIX chứng kiến sự hồi phục của các dòng tu. Và nhất là sự nở rộ
các dòng chuyên về thừa sai, giáo dục thanh niên (Dòng Don Bosco), dạy học, đại
kết, hành hương và báo chí (Dòng Thăng Thiên)...
Nhưng những luật lệ có
tính chất chống các dòng tu vào những năm 1880, 1901 và 1904 ở Pháp đã gây ra
vào đầu thế kỷ XX các vụ đóng cửa trường học công giáo, các vụ bắt bớ và trục
xuất tu sĩ... Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, xuất hiện các dòng tu nhằm
phục vụ giới thợ thuyền, phục vụ nông thôn, hay theo gương và theo tinh thần của
Cha de Foucauld.
Những cộng đoàn mới
Từ Công Ðồng Vaticanô
II, các dòng tu đã có những định hướng lại
chọn lựa của mình. Và nhiều cộng đoàn mới xuất hiện, thường thì mở ra và quy tụ nhiều thành phần
trong xã hội: những người độc thân, những người đã có gia đình, các linh mục...
Và với thời gian, các cộng đoàn này có những quy chế đặc biệt cho mình.
II. ÐỜI SỐNG TU TRÌ LÀ GÌ?
Theo dòng thời gian,
cùng với việc sáng lập các hội dòng, các tu viện, các cộng đoàn, và cùng với
kinh nghiệm, những tính chất
căn bản của đời sống tu trì cũng được đề ra.
Một lời mời gọi của Chúa
Tất cả mọi Kitô hữu,
qua phép Rửa, quyết tâm xa lánh tội lỗi để sống với Ðức Kitô. Mọi người được mời
gọi vào cuộc sống thánh thiện, "trở nên hoàn hảo như Cha trên trời là Ðấng
hoàn hảo.” Nhưng Thiên Chúa cũng kêu gọi một số người thể hiện quyết tâm này ở
một mức độ trọn vẹn hơn bằng cách từ bỏ mọi sự để theo Ðức Kitô (như Chúa Giêsu
đã kêu gọi người thanh niên giàu có trong Tin Mừng). Ðể đáp lại ơn gọi này và để
"dâng hiến" trọn vẹn cho Thiên Chúa, những Kitô hữu nam, nữ này đã chấp
nhận một cách tự do một cuộc sống đặc biệt, được Giáo Hội công nhận.
Các lời khấn theo đòi hỏi của Tin Mừng
Ðể theo sát gương Ðức
Kitô trong Tin Mừng, Người đã sống nghèo khó, khiết tịnh và vâng lời Chúa Cha,
các tu sĩ chấp nhận hy sinh một cách triệt để ba lãnh vực quan trọng của đời sống
con người: của cải, tình cảm, tự do. Sau một thời gian là dự tu và tập sinh,
người tu sĩ dấn thân "tuyên xưng", bằng các lời khấn, những đòi hỏi của
Tin Mừng về sự nghèo khó, khiết tịnh và vâng lời. Trước hết trong một khoảng thời
gian, rồi sau đó là suốt đời.
Nghèo khó
Vì tình yêu, Ðức Kitô
đã tự hạ mình xuống để làm người. Ngài đã tách mình ra khỏi mọi sự của thế gian
nhưng không khinh chê nó.
Ðức Giêsu đã chia sẻ tất
cả với các môn đệ của Ngài: thời giờ, niềm vui, nỗi cực nhọc, công việc, Thần
khí. Ngài đã tỏ ra một sự ưu ái đối với người nghèo, các trẻ em, những người bị
khinh rẻ vào thời đó. Người tu sĩ chọn cuộc sống khiêm nhượng, nghèo khó, không
có gì làm của riêng, lao động chân tay hoặc trí óc, chia sẻ thân phận mình và
những gì mình có được với cộng đoàn của mình và với những người nghèo khổ là những
đối tượng mà người tu sĩ có một sự quan tâm đặc biệt.
Ðộc thân trong khiết tịnh
Ðức Kitô đã sống độc
thân, không hề biết đến hôn nhân cũng như tình phụ tử, nhưng Ngài không tỏ ra rụt
rè trước phụ nữ và cũng không phân biệt đối xử với các môn đệ vì tình trạng độc
thân hay đã có gia đình của họ. Vì sứ mạng của mình, Ngài chỉ muốn là Con Thiên
Chúa để mạc khải khuôn mặt thật của Chúa Cha và anh em của mọi người.
Qua sự tự nguyện sống
độc thân, người tu sĩ muốn sống một cách nào đó tình yêu duy nhất của Ðức Kitô
đối với Chúa Cha, và sống một cách sẵn sàng phục vụ mọi người vốn là anh em của
mình.
Vâng lời
Chúa Giêsu nói:
"Tôi luôn làm theo thánh ý Cha", và "Lương thực của ta là làm
theo ý muốn của Ðấng đã sai ta.” Và Ngài đã làm như thế cho đến chết... Ðược
Chúa gọi, người tu sĩ sau khi đã dấn thân vào một hội dòng phù hợp với ơn gọi của
mình, cam kết tuân giữ một cách tự nguyện Luật dòng do vị sáng lập đề ra hay do
hội dòng đề ra theo tinh thần của vị sáng lập. Và phải vâng lời bề trên là những
người có nhiệm vụ áp dụng luật dòng một cách huynh đệ. Như vậy, người tu sĩ biểu
lộ ước muốn noi gương Ðức Kitô đã thực thi ý muốn của Chúa Cha.
Ðời sống cộng đoàn
Như những Kitô hữu đầu
tiên "bỏ tất cả vào làm của chung" và "có chung một trái tim và
một linh hồn", người tu sĩ sống một cách bình dị, đơn sơ trong một cộng
đoàn. Như trong một gia đình. Họ chia sẻ với nhau Phép Thánh Thể, kinh nguyện,
sự im lặng, công việc, sứ mạng, của cải, thức ăn, vui đùa... Với sự hiện diện của
chính Ðức Kitô: "Ở đâu có hai hay ba người tụ họp vì danh Ta, thì Ta ở giữa
họ.” Với cách sống như vậy: yêu thương nhau đến độ tha thứ cho nhau, người tu
sĩ là chứng nhân cho đức tin, đức cậy và đức ái.
Cầu nguyện
Tận hiến trọn vẹn cho
Thiên Chúa và sống kết hợp với Ngài, người tu sĩ dành một vị trí đặc biệt quan
trọng cho việc cầu nguyện để duy trì và đào sâu mối liên hệ với Chúa. Việc cầu
nguyện được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, bằng phụng vụ giờ kinh đọc chung với
nhau, bằng những giờ yên lặng suy gẫm, bằng những kỳ tĩnh tâm... trong đó Bí
Tích Thánh Thể là trung tâm.
Trong Giáo Hội và vì nhân loại
Bằng cả cuộc sống của
mình, người tu sĩ là một yếu tố quan trọng trong việc nhắc nhở mọi Kitô hữu rằng
họ được mời gọi hướng về sự thánh thiện; rằng Phúc Âm là một Tin Mừng cứu rỗi
cho mọi người. Và người tu sĩ giúp Giáo Hội trở nên dấu chỉ cho sự cứu rỗi này
trong khi tham gia vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Người Tu Sĩ cũng làm chứng về
một thế giới phải đến, trong đó mọi người sẽ được sống trong tinh thần các Mối
Phúc thật và trong tình yêu.
III. TRĂM HOA ÐUA NỞ
Hiện nay trên thế giới
có 1,243 hội dòng nữ và 250 hội dòng nam. Tất cả các hội dòng này đều tuyên
xưng cùng một lý tưởng Tin Mừng. Tuy vậy mỗi hội dòng được khai sinh ra với một
tinh thần và một cách sống riêng do đấng sáng lập đề ra để đáp ứng cách tốt nhất
những nhu cầu tâm linh của thời đại.
Con số thống kê mới nhật
cho biết trên toàn cầu hiện có khoảng 1,300,000 tu sĩ trong đó khoảng 1,000,000
nữ tu và 250,000 nam tu sĩ.
Các dòng nam và nữ
(đôi khi bao gồm nhiều nhánh) có số tu sĩ quan trọng là:
NAM
- Dòng Phanxicô: 35,500 tu sĩ
- Dòng Tên: 24,300 tu sĩ
- Dòng Salêdiêng: 17,000 tu sĩ
- Dòng Bênêđictin: 9000 tu sĩ
NỮ
- Dòng Phanxicô: 200,000 nữ tu
- Dòng Nữ Tử Bác Ái: 29,000 nữ tu
- Dòng Nữ Tu Thánh Giuse: 25,000 nữ tu
- Dòng Kín: 24,500 nữ tu
- Dòng Nữ Tu Thương Xót: 23,000 nữ tu
- Dòng Chúa Quan Phòng: 21,000 nữ tu
BAN ƠN GỌI (Sưu tầm)