Lời Chúa Lễ Chúa Ba Ngôi _ giáo huấn Phúc Âm

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI, NĂM A
Xh 34,4b-6.8-9; 2Cr 13,11-13; Ga 3,16-18
I. Giáo Huấn Phúc Âm
Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một Người: Chúa Cha rất yêu Chúa Con và cũng rất yêu nhân loại. Chúa Cha ban chính Con mình là tình yêu. Bởi Tình yêu, con người được tạo thành. Bằng tình yêu, con người được cứu độ.
Chúa Con nhập thể sinh làm người và ở giữa nhân loại là một minh chứng về tình yêu và chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta cũng là một luận phạt cho bất cứ ai chối từ tình yêu Thiên Chúa hay không tin Chúa.
II. Vấn nạn Phúc Âm
Tại sao gọi là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi?
Xin trưng dẫn mạc khải và giáo huấn về Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
Mầu nhiệm mạc khải hay mầu nhiệm đức tin là những chân lý do chính Chúa mạc khải nhưng “anh em không có sức chịu nỗi!” Vì vượt quá sự hiểu biết của con người. Vì là đối tượng của đức tin. Để chấp nhận được hay để tin những chân lý mạc khải cần được Chúa Thánh Thần đến hướng dẫn và soi sáng.
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin trong đời sống Kitô hữu. Đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa, cội nguồn phát sinh mọi mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Đây là giáo huấn căn bản nhất và trọng yếu nhất theo phẩm trật các chân lý đức tin (Directorium Catecheticum Generale – Hướng dẫn Giáo Lý tổng quát số 43)
Trọn lịch sử cứu độ chỉ là lịch sử về đường lối và các phương tiện mà Thiên Chúa chân thật và duy nhất là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dùng để tự mạc khải, để giao hòa và kết hợp với Người những ai từ bỏ tội lỗi (Directorium Catecheticum Generale – Hướng dẫn Giáo Lý tổng quát số 47)
Mạc khải và giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi:
Tân Ước:
Matthêô 28, 19: “Hãy đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân và làm phép rửa cho họ Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần”
Matthêô 25, 31: “Khi Con Người đến trong vinh quang ….để phán xét..” được hiểu là Ba Ngôi Thiên Chúa là thẩm phán xét xử nhân loại.
Matthêô 21, 33: Đức Kitô mô tả Ngài như người con trong gia đình có trách nhiệm quán xuyến công việc của Thiên chúa Ba Ngôi.
Matthêô 24, 31: Ngài là Chúa của các thiên thần trên trời và truyền bảo họ thừa hành lệnh truyền của Thiên Chúa.
Matthêô 16, 16-17: Tuyên tín của Phêrô về Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế được nhìn nhận là do sự soi dẫn của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Luca 22, 66-71: Trước thượng tế Caipha, Chúa Giêsu tự nhận mình là Đấng Cứu Thế và là Con thiên chúa. Ngài bị qui tội phạm thượng vì dám nhận mình là Con Thiên Chúa.
Gioan 20,31: Phúc Âm được viết để chứng minh về thiên tính nơi con người Giêsu.
Gioan 14, 7; Gioan 14,10; Gioan 16,15; Gioan 17,21… Đức Kitô bảo “Ai thấy Ta là thấy Cha; Ai tin Ta thì tin Đấng đã sai Ta…”
Thư Thứ II của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côrintô 13,13: “Nguyện xin ân sủng của Đức Kitô và tình yêu của Thiên Chúa Cha và sự thông hiệp với Chúa Thánh Thần ở cùng tát cả anh chị em”
Thư Thứ I của Thánh Phaolô gửi Côrintô 12,4-11: “Nhiều ân sủng khác nhau, nhưng cùng một Thánh Thần. Nhiều nhiệm vụ, nhưng cùng một Chúa. Nhiều hoạt động nhưng cùng một Thiên Chúa, Đấng hoạt động trong mọi người.”
Tông Đồ Công Vụ: 13,2; 16,7; 5,3; 15,28
Cựu Ước:
Sáng thế Ký 16,7: 16,18; 21,17 31,11: Thiên Chúa tỏ mình ra qua công việc sáng tạo cũng như qua những sứ giả của Chúa.
Isaia 7, 14; Isaia 9, 6: Tên Đấng Cứu Thế là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Thiên Chúa là Đấng toàn năng.
Sách Giáo Sĩ 24 nói về sự khôn ngoan đến từ tập thể Thiên Chúa.
Thế nào là lạc giáo (Heresy), Bội giáo (Apostasy) và Ly giáo (aschism)
Giáo luật khoản 751 định nghĩa:
Lạc giáo (heresy) là ngoan cố chối bỏ một chân lý phải tin với đức tin thần khởi và Công Giáo hoặc ngoan cố hồ nghi về chân lý ấy sau khi đã lãnh nhận bí tích rửa tội. Giáo luật nói post receptum baptism – Sau khi rửa tội. Nhưng chúng ta cũng hiểu là sau khi đã hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo, trong trường hợp những người đã rửa tội ngoài Công Giáo và gia nhập Giáo Hội qua nghi thức tiếp nhận để hoàn toàn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo.
Người lạc giáo là người ngoan cố chối bỏ de fide Divina et Catholica. Tức người đã hiểu đó là chân lý thần khải, được chỉ dạy phải tin và cố tình chối bỏ. Hình phạt dành cho người lạc giáo là vạ tuyệt thông được qui định trong giáo luật khoản 1364§1
Chân lý thần khải, tức mạc khải và những giáo huấn bất khả ngộ của Giáo Hội Công Giáo:
Tín điều: Những điều phải tin trong Kinh Tin Kính của các Tông Đồ: Thiên Chúa Ba Ngôi; Chúa Giêsu là Thiên Chúa Ngôi Con sinh làm người, đã chết và đã sống lại…..Maria, mẹ Thiên chúa vô nhiễm nguyên tội và trọn đời đồng trinh.
Luân lý: Luật tự nhiên – Mười điều răn – Luật cấm ly dị - phá thai hay ngừa thai nhân tạo – Tám mối phúc thật – Giới luật yêu thương – Điều răn Hội Thánh dạy như tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật – Xưng tội rước lễ Mùa Phục Sinh.. .
Đan cử một số tội lạc giáo:
Có một ít giáo sĩ cho phép người đã có nhiều con được quyết định hạn chế sinh sản, ngừa thai hay phá thai tùy theo tiếng lương tâm và hoàn cảnh. Vì theo họ, có nhiều con mà không giáo dục được con cái thì thà có ít con. Tuy nhiên trong Veritatis Splendor số #32, Đức Giáo Hoàng Goan Phaolô II dạy rằng: Trong sáng Thế Ký chúng ta đọc thấy rằng: Chúa bảo người đàn ông “Ngươi tự do ăn những trái cây trong vườn, trừ cây biết lành biết dữ thì đừng ăn. Nếu ăn, người sẽ phải chết…(Sáng thế Ký 2,16-17) Như vậy khả năng để đoán định việc tốt xấu không tùy thuộc con người nhưng nơi Chúa.
Ngày 28.2.1006, đa số những thành viên của Dân Chủ Công Giáo ở Connecticut đã biều quyết tán thành việc phá thai hợp pháp (pro-abortion). Giáo lý Công Giáo dạy rằng: Đời sống hôn nhân có nhiệm vụ truyền sinh nhân loại. Việc trực tiếp làm cho tuyệt sản hay ngừa thai là xấu và có tội (Giáo Lý Công giáo số 2366 và 2370)
Quyền tự sát và an tử: Điều răn thứ năm dạy “Chớ giết người!” Sự sống con người được Thiên Chúa ban tặng như một báu vật. Chúng ta phải quí trọng, bảo tồn sự sống. Chúng ta phải tri ân người ban sự sống. Quyền sống chết không nằm trong tay chúng ta, nhưng trong tay Chúa là sự sống. Nên chủ trương có quyền tự giết chết mình hay quyết định an tử là những tội lạc giáo.
Bội Giáo (Apostasy) là chối bỏ toàn bộ đức tin Kitô giáo. Sự chối bỏ nầy phải hiểu là chính thức và bộc lộ công khai. Như trường hợp người rửa tội Công giáo mà bỏ đạo sang làm tín đồ Phật Giáo, Hồi Giáo hay thành vô thần, gia nhập đảng Cộng Sản… đều hiểu là bội giáo.
Ly giáo (Schism) là từ chối vâng phục Đức Giáo Hoàng hoặc từ chối nhiệp thông với các chi thể thuộc quyền Ngài. Những người Công Giáo chối từ quyền tối cao của Đức Thánh Cha để gia nhập Chính Thống Giáo hoặc gia nhập những Giáo Hội ly khai từ Công Giáo như Luthêrô hay Anh Giáo hay như Tổng Giám Mục Marcel Lefebvre… được coi là ly giáo.
Đức Cha Marcel Lefebvre, là tổng giám mục hưu trí của Tulle. Ngày 30.6.1988 dù không có lệnh của tông tòa (pontifical mandate) Ngài đã tấn phong Giám Mục cho bốn Giám Mục khác là Bernard Fellay, Bernard Tissier de Mallerais, Richard Williamson và Alfonso de Galarrete. Bộ trưởng bộ Giám Mục lúc bấy giờ là Hồng Y Bernadinus Gantin, ngày 3.7.1988 đã tuyên bố vạ tuyệt thông tức khắc dành cho Tòa Thánh áp dụng cho Tổng Giám Mục Marcel Lefebvre và bốn tân Giám Mục vừa được tấn phong – Tất cả những tội nhân ly giáo nầy bị áp dụng hình phạt được qui định theo Giáo Luật điều 1364§1. Ngoài ra, Antonio de Castro Mayer, Giám Mục hưu trí của Campos, phụ phong cũng bị vạ tuyệt thông được qui định trong giáo luật điều 1382.
Thế nào là bất khả ngộ?
Giáo Luật khoản 749 qui định:
§1. Do chức vụ của mình, Đức Giáo Hoàng được ơn bất khả ngộ trong quyền giáo huấn khi Ngài tuyên bố một cách quả quyết là phải giữ một học thuyết về đức tin hay về luân lý, với tư cách là chủ chăn và là Tiến Sĩ tối cao của tất cả mọi Tín Hữu, để củng cố anh em mình trong đức tin.
§2. Giám Mục đoàn cũng được ơn bất khả ngộ trong quyền giáo huấn, khi các Giám Mục hội họp trong công đồng chung thi hành quyền giáo huấn với tư cách là Thầy dạy và là thẩm phán về đức tin và luân lý, khi các Ngài tuyên bố toàn thế Giáo Hội phải dứt khoát tuân giữ một học thuyết liên quan đến đức tin hay luân lý………….
Như vậy đặc ân bất khả ngộ, tức ơn không sai lầm dành cho Đức Giáo Hoàng, được gọi là vì chủ chăn và là thầy dạy tối cao của Giáo Hội, cũng như cho Công Đồng chung qui tụ các Giám Mục trên toàn thế giới trong sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng. Ơn bất khả ngộ nầy chỉ qui định trên vấn đề đức tin và luân lý mà thôi. Ơn bất khả ngộ được thực hiện trong tư cách gọi là Ex Cathedra, tức từ Ngai tòa Thánh Phêrô, với quyền chủ chăn và thầy dạy tối cao, Đức Giáo Hoàng tuyên bố những tín điều liên quan đến đức tin và luân lý. Trong lịch sử Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội ngày 8.12.1954. Đức Giáo Hoàng Piô XII tuyên bố tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời ngày 1.11.1950.
III. Thực hành Phúc Âm
1.    Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi rất gần với thực tế cuộc sống
Đời người thường có ba giai đoạn: Trẻ - trung niên và già lão. Ba giai đoạn, một cuộc đời.
Linh hồn con người có ba khả năng: trí nhớ - trí hiểu và lý trí. Ba khả năng, một linh hồn.
Con người sống cần nước và thân thề con người chứa thật nhiều nước. Nước có thể ở ba dạng thức khác nhau: chất lỏng như nước lã; chất khí như hơi nước, chất đặc như nước đá. Ba dạng thức khác nhau nhưng cùng là nước.
Thế vững chắc là thế chân vạc theo kiểu lư hương, có ba chân kiềng.
Một gia đình được hiểu là có ba thành phần: Cha – Mẹ và con cái. Ba thành phần khác nhau tạo thành một gia đình.
Giáo Hội Công Giáo là gia đình của Chúa, có Chúa là Cha – Có Đức Mẹ và có tín hữu.
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là đời sống căn bản, nội tại của Thiên Chúa. Chúa sinh dựng nên chúng ta giống hình ảnh Chúa, tức Chúa muốn chúng ta thực hiện sự đồng nhất và khác biệt trong cuộc sống mình. Chúng ta được rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi. Chúng ta là đền thờ của Chúa Ba Ngôi. Mỗi ngày chúng ta làm dấu thánh giá tuyên xưng mầu nhiệm Ba Ngôi.
Kiểu làm việc ngày nay chú trọng vào dạng thức gọi là team work, tức làm việc chung với nhau. Mỗi người đóng góp phần khả năng và tài năng của mình để hoàn thành công việc chung. Kết quả rất phong phú và thích thú. Dù sao, một vườn hoa với muôn sắc hoa vẫn đẹp hơn một vườn hoa độc một sắc hoa.
Mới gần đây, Đức Cha tôi bị tai biến mạch máu não và Ngài phải liệt giường trong một thời gian, tôi nghĩ ít là phải hai tháng. Ngài không chấp nhận hoàn cảnh. Ngài rất khó chịu dù nằm hay ngồi. Rất dễ hiểu: Ngài là một Giám Mục còn trẻ, đang sức và rất năng động, luôn có sáng kiến mục vụ và nhất là “ôm việc” và khá độc đoán. Bây giờ phải nắm một chỗ. Ngài không an tâm khi buộc phải giao việc cho tôi hay cho người khác. Tôi đã thật lòng nói với Ngài: Chúa nói với Đức Cha rất nhiều trong biến cố nằm liệt giường nầy. Chúa nói rằng: chúng ta mỏng dòn và rất giới hạn. Chúa nói rằng: chúng ta chỉ là công cụ trong một giai đoạn. Giáo Hội có trước chúng ta và tồn tại sau khi chúng ta chết. Don’t make yourself to be the owner of the Church!
Nên hãy sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi: phân chia nhiệm vụ và thực hiện công việc chung với những tham gia và ý kiến khác với chúng ta. Tất cả là công cụ trong tay Chúa.
2.    Không thấy Chúa. Không tin Chúa
Năm 1961, phi hành gia của Nga tên Yuri Gagarin đã là người đầu tiên bay trên không gian, đường như Ông bay đến gần 18 lần chung quanh trái đất. Mọi người hết sức ngưỡng mộ ông. Nhưng Ông cũng đã làm nhiều người thất vọng khi tuyên bố: Không thấy Đức Chúa Trời đâu cả.
Thiên Chúa không phải là đối tượng của nhãn quan hay của tri thức, nhưng là của đức tin. Yuri không có đức tin thì làm sao thấy Chúa được? Có ai đó không thấy Chúa, không có nghĩa là không có Chúa. Nhưng phải hiểu là có Chúa nhưng người ta không tin có Chúa. Nên vô thần là kiêu ngạo và là một bất hạnh, vì chối bỏ Đấng sinh thành nên mình. Có người con nào được gọi là con ngoan hay người tốt khi chối bỏ cha mẹ sinh ra mình?
Điều kiện đầu tiên để có đức tin là khiêm tốn nhìn nhận sự giới hạn của trí óc chúng ta. Có nhiều điều hiện hữu mà chúng ta không thấy. Thí dụ: ai thấy tình yêu thế nào? Màu sắc hay nặng nhẹ ra sao? Không, chúng ta không thấy, nhưng ai cũng sống vì tình yêu và nhờ tình yêu. Chúng ta cũng không hiểu hết công dụng của những thành phần trong thân thể chúng ta thí dụ như ruột thừa, để làm gì? Rún ở giữa bụng chúng ta dành cho việc gì? Những côn trùng trong vũ trụ để làm gì? Chúng ta không hiểu tại sao những thứ trên hiện diện? Trí óc chúng ta thật giới hạn.Do đó, hãy bắt đầu một giờ phụng vụ hay đạo đức bằng Kinh Tin, Kinh Cậy và Kinh Kính Mến để xin Chúa ban thêm những nhân đức đối thần nầy cho chúng ta.
Lm Phêrô Trần Thế Tuyên