Bài giảng của thánh Vianney _ lòng thống hối

Bài 18
LÒNG THỐNG HỐI
Ôi những giọt lệ quý giá, lòng thống hối chân thành đã biến đổi một tội nhân tày trời trở thành vị đại thánh!... Không có lòng thống hối thì quả là không thể, tuyệt đối không thể có ơn tha thứ.
 “Khốn cho tôi, vì tôi đã phạm tội quá nhiều!” 
(Sách “Tự thú” của thánh Augustine)
T
hánh Augustine đã nói như vậy khi ngài nghĩ về quá khứ tội lỗi của mình, quãng thời gian mà ngài đã sống buông thả trong sự dâm đãng và tội lỗi. Mỗi khi nhớ lại những việc xấu xa này, lòng ngài bị tan nát giày vò bởi hối hận. Ngài kêu lên: “Lạy Chúa, con đã sống mà không yêu mến Ngài, con đã phung phí bao nhiêu năm tháng quý giá! Lạy Chúa, xin thương xót con, xin Chúa đừng chấp tội con!” Ôi những giọt lệ quý giá, lòng thống hối chân thành đã biến đổi một tội nhân tày trời trở thành vị đại thánh! Một linh hồn thống hối chân thật kết thân lại với Chúa nhanh biết chừng nào! Mỗi khi chúng ta nhớ lại tội lỗi mình đã phạm, chúng ta hãy nói như thánh Augusitine: “Khốn cho tôi, vì tôi đã phạm tội quá nhiều! Lạy Chúa, xin thương xót con!” Rồi chúng ta sẽ nhanh chóng thay đổi đời sống của mình. Phải, chúng ta hãy bày tỏ cùng một lòng như thánh Augustine, rằng chúng ta là những tội nhân, xứng đáng chịu cơn thịnh nộ của Chúa. Và chúng ta hãy ca ngợi lòng thương xót vô cùng của Chúa, Đấng đã ban cho chúng ta dư đầy ơn sủng để an ủi chúng ta trong cơn đau khổ. Nếu như tội lỗi chúng ta quá nhiều, và cuộc đời chúng ta quá tự do phóng túng, chúng ta cứ tin vào sự tha thứ của Người, nếu chúng ta theo gương người con hoang đàng với lòng thống hối sấp mình dưới chân người Cha nhân lành. Cha muốn nói cho các con biết rằng: sự trở lại của chúng ta phải có được tâm tình thống hối này để có thể lãnh nhận ơn tha thứ. Do kết quả của lòng thống hối, tội nhân phải hết lòng chê ghét tội lỗi mình.
Để các con ý thức đầy đủ về sự thống hối và đau khổ mà tội lỗi gây ra cho linh hồn; một mặt cha sẽ cho các con thấy Thiên Chúa ghê tởm tội lỗi vô cùng và những cực hình Người phải chịu để xin Chúa Cha tha thứ cho chúng ta; mặt khác cha sẽ cho các con biết những ơn phúc chúng ta đánh mất khi phạm tội, và những sự dữ chúng ta mang theo mình đi vào đời sau. Nhưng thật ra không ai có thể hiểu hết điều này một các đầy đủ được. Cha phải đưa các con đi đâu để nhìn thấy sự thống hối này? Có lẽ chúng ta sẽ vào nơi vắng vẻ của sa mạc, nơi mà các thánh đã bỏ 20, 30, 40, 50, hay thậm chí 80 năm để than khóc về những tội lỗi của mình, những người dưới con mắt thế gian các ngài chẳng có tội lỗi gì. Có lẽ trái tim chúng ta sẽ không bị rung động về những điều này. Hay cha dẫn các con vào Hỏa ngục, để các con có thể nghe được những tiếng la hét, than khóc, và nghiến răng, vì sự hối tiếc về tội lỗi của họ; nhưng mặc dù họ chịu sự dày vò và đau đớn như vậy, tất cả đều trở nên vô ích. Nơi đây các con sẽ không học được lòng thống hối thật sự cần thiết cho tội lỗi mình. Hay cha dẫn các con đến dưới chân thánh giá, nơi mà máu châu báu của Chúa vẫn đổ ra để tẩy rửa tội lỗi chúng ta! Hay cha dẫn các con vào trong vườn Cây Dầu, nơi Chúa Giêsu đã khóc lóc cho tội lỗi chúng ta, không phải chỉ khóc bằng nước mắt bình thường, nhưng hòa lẫn với máu chảy xuống thân thể run rẩy của Người. Hay cha chỉ cho các con thấy Chúa vác thánh giá nặng nề, lảo đảo bước đi trên những con đường ở Giêrusalem, từng bước chân đi loạng choạng, Người còn bị thúc đẩy bởi những cú đấm đá của quân lính. Hay cha dẫn các con đến núi Canvê, nơi Chúa Giêsu chịu chết vì phần rỗi chúng ta.
Nhưng cho dù cha có thể làm hết tất cả những điều đó, điều cần thiết nhất vẫn là ơn Chúa đốt lên trong lòng các con ngọn lửa tình yêu như thánh Bênađô, người đã khóc lóc thảm thiết mỗi khi nhìn lên thánh giá. Ôi lòng thống hối đẹp đẽ và quý giá, Thiên Chúa vui sướng và hạnh phúc biết bao khi ôm ấp các con vào lòng! Nhưng cha đang nói điều này với ai đây? Ai là người cảm nghiệm được sự thống hối này trong lòng? Điều đó cha thật sự không biết. Có phải cho những tội nhân cứng lòng đã lìa bỏ Chúa và linh hồn mình 20 hay 30 năm không? Không phải, điều đó cũng giống như lấy nước đổ lên cục đá để nó mềm ra. Hay có phải cho những tín hữu không thực hiện những bổn phận của mình, không cầu nguyện và coi thường những lời giáo huấn của các đấng coi sóc linh hồn mình không? Không phải, điều đó cũng giống như lấy nước đá cho vào nước để cho nó nóng lên. Hay có lẽ cho những ai tự mãn vì đã làm tròn bổn phận trong mùa Phục sinh nhưng vẫn tiếp tục sống trong tình trạng tội lỗi không? Không phải, họ là những vật hiến tế được nuôi béo để làm mồi ngon cho ngọn lửa đời đời. Hay cho những tín hữu rước lễ hằng tuần nhưng lại phạm tội mỗi ngày chăng? Không, vì họ như những người mù quáng, họ không biết mình đang làm gì và phải làm gì. Vậy thì cha nói cho ai đây? Cha thật sự không biết. Ôi lạy Chúa, vậy con có thể tìm được lòng thống hối chân thật ở đâu? Vâng lạy Chúa, con biết được nguồn gốc của nó, và chúng con lãnh nhận nó từ đâu. Lòng thống hối chân thành đến từ trời cao,và chính Chúa đã ban nó cho chúng con. Ôi lạy Chúa, chúng con van xin Chúa ban cho chúng con, lòng thống hối dày vò và cắn rứt lương tâm chúng con; lòng thống hối đẹp đẽ này làm dịu sự công thẳng và thay đổi án phạt đời đời thành hạnh phúc vĩnh cửu. Ôi thống hối thật là một nhân đức tuyệt diệu, nhân đức cần thiết và họa hiếm biết bao! Không có nó sẽ không có sự tha thứ, không có Thiên đàng, và hơn thế nữa, nếu không có nó tất cả những điều khác như: đền tội, bác ái, bố thí, hay những việc lành phúc đức khác chúng ta làm đều trở nên vô ích.
Nhưng các con sẽ hỏi, “Thống hối nghĩa là gì, và làm thế nào để biết mình có lòng thống hối hay không?” Vậy các con hãy nghe cho kỹ, và cha sẽ nói cho các con biết làm thế nào để biết mình có lòng thống hối hay không; và nếu như các con chưa có thì phải làm gì để có. Thống hối là gì? Thưa, đó là tình trạng đau khổ của linh hồn, sự chê ghét tội lỗi, và lòng quyết tâm mạnh mẽ sẽ không bao giờ tái phạm. Thật vậy, đây là điều kiện trước nhất mà Thiên Chúa đòi hỏi trước khi ban ơn tha thứ cho chúng ta, điều này quan trọng đến nỗi không bao giờ được miễn trừ. Một bệnh nhân không thể nói được, có thể được miễn không phải xưng tội; một cái chết bất đắc kỳ tử cho phép chúng ta miễn trừ việc đền tội chung về cuộc đời mình, thế nhưng lòng thống hối thì hoàn toàn khác hẳn. Không có lòng thống hối thì quả là không thể, tuyệt đối không thể có ơn tha thứ. Thật vậy, Cha vô cùng đau buồn phải nói rằng thiếu lòng thống hối chân thật chính là nguyên nhân của nhiều lần phạm thánh vì đã xưng tội và rước lễ cách bất xứng, và thật đáng tiếc hơn nữa là nhiều người đã không nhận ra tình trạng khốn nạn mà mình đang có, và cứ ung dung sống và chết như vậy.
Khi chúng ta vô phúc giấu giếm tội trọng khi xưng tội, thì lập tức tội này giống như con quái vật đe dọa ăn tươi nuốt sống chúng ta, nó buộc chúng ta phải xưng tội lại ngay để thoát được sự đe dọa kinh khủng đó. Thế nhưng đối với lòng thống hối thì khác hẳn; chúng ta có xưng tội, nhưng lòng chúng ta không lên án buộc tội chính mình. Chúng ta đến với phép Bí tích bằng một tâm hồn khô khan, nguội lạnh không chút cảm giác, giống như đang làm một công việc vì bị ép buộc, không có chút kết quả nào. Cứ thế, chúng ta sống từ ngày này sang ngày khác, tháng này qua tháng kia, năm này sang năm nọ, cho đến khi giờ chết sắp đến, khi chúng ta xét lại mình đã làm gì đáng được công nghiệp, thì chỉ khám phá ra rằng chẳng có gì cả ngoại trừ việc phạm thánh mà chúng ta đã nhiều lần xưng tội và rước lễ không nên. Ôi lạy Chúa, có biết bao nhiêu tín hữu lúc giờ chết sẽ nhận ra mình không có gì ngoại trừ những lần xưng tội không nên! Nhưng cha sẽ không nói thêm nhiều về vấn đề này, vì e rằng cha sẽ làm cho các con sợ hãi. Tuy nhiên, các con chưa thật sự đứng trước bờ vực thẳm của tuyệt vọng, các con có thể dừng lại đây, để thay đổi tâm hồn mình, thay vì đợi cho đến giờ hấp hối mới nhận ra tình trạng tội lỗi của mình, thì khi đó e rằng đã quá muộn màng. Nhưng chúng ta hãy tiếp tục với đề tài này để các con học biết rằng lòng thống hối rất cần thiết mỗi lần các con đi xưng tội, vì không có nó các con sẽ không được Chúa tha thứ.
Cha đã nói thống hối là sự thống khổ của linh hồn. Nó tuyệt đối cần thiết cho tội nhân khóc lóc tội lỗi mình đã phạm ở đời này hoặc đời sau. Ở đời này, chúng ta có thể xóa sạch tội mình đã phạm bằng lòng thống hối, nhưng chúng ta không thể làm được điều này ở đời sau. Chúng ta phải hết lòng biết ơn Thiên Chúa vì lòng thống hối thôi cũng đủ khiến cho Chúa tha thứ cho chúng ta rồi, đồng thời nó còn đem lại niềm vui vĩnh cửu, thay vì khiến cho chúng ta đau khổ đời đời trong Hỏa ngục, cùng với những cực hình ghê gớm.
Bây giờ, Cha sẽ nói cho các con biết rằng để có được lòng thống hối thật sự, chúng ta phải có ba điều kiện. Điều kiện thứ nhất là lòng thống hối phải phát xuất từ đáy tâm hồn, nghĩa là phải thành thật. Nó không nhất thiết đến nỗi các con phải chảy nước mắt ra; khóc là điều tốt và hữu ích, nhưng không nhất thiết phải khóc. Bằng chứng là khi thánh Phaolô và tên trộm lành ăn năn thống hối, Kinh Thánh không thuật lại là họ đã khóc lóc, nhưng lòng thống hối của họ vẫn chân thành. Hơn nữa, chúng ta không nhất thiết phải dựa vào việc khóc lóc vì chúng thường giả tạo, bởi có nhiều người vào tòa cáo giải khóc lóc thảm thiết nhưng lại tái phạm ngay cơn cám dỗ đầu tiên. Lòng thống hối mà Chúa muốn nơi chúng ta, phải giống như lời tiên tri đã nói: “Hãy xé lòng chứ đừng xé áo. Của lễ dâng Ngài là tâm hồn thống hối, một tâm hồn thống hối dày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.” Tại sao Thiên Chúa lại đòi buộc lòng thống hối của chúng ta phải cảm thấy đau đớn từ đáy lòng? Thưa, bởi vì chính từ nơi đó mà chúng ta phạm tội, như lời Chúa Giêsu đã nói: “Chính từ lòng người mà tất cả tư tưởng xấu, tất cả những ước muốn tội lỗi phát sinh.” Do đó, nếu linh hồn tội lỗi, thì linh hồn phải đau đớn, bằng không Thiên Chúa sẽ không bao giờ tha thứ cho chúng ta.
Điều kiện thứ hai của lòng thống hối là phải có tính siêu nhiên. Nghĩa là, do Chúa Thánh Thần thúc giục chứ không phải do một nguyên nhân tự nhiên nào khác. Việc đau buồn vì tội lỗi trục xuất chúng ta ra khỏi Thiên đàng và tống chúng ta vào Hỏa ngục là một nguyên nhân siêu nhiên mà Chúa Thánh Thần là Nguyên lí, và nó sẽ dẫn chúng ta đến lòng thống hối chân thật. Nhưng đau buồn vì tội lỗi đem lại cho chúng ta sự xấu hổ, mất mặt, hay là sợ một điều gì đó, thì chỉ là một nguyên nhân tự nhiên, sẽ không đem lại cho chúng ta lòng thống hối chân thật. Nói cách dễ hiểu là lòng thống hối của chúng ta phải bắt nguồn từ lòng yêu mến Chúa và sợ sự trừng phạt của Người. Ai giục lòng ăn năn thống hối vì lòng yêu mến Chúa thì đó là lòng thống hối tuyệt hảo nhất; ngay từ giây phút thống hối đó, nó đã thanh tẩy tội nhân trước khi họ lãnh nhận ơn tha thứ rồi. Đó là phương pháp mà ngày nay chúng ta gọi là ăn năn tội cách trọn. Còn ai giục lòng ăn năn tội mình chỉ vì sợ những hình phạt mình phải chịu thì không có lòng thống hối chân thật, ngày nay chúng ta gọi là ăn năn tội cách chẳng trọn.
Điều kiện thứ ba của lòng thống hối là phải đau đớn vô cùng. Nghĩa là nó phải lớn hơn tất cả những nỗi đau đớn khác, thí dụ như bị mất cha mẹ, sức khỏe, hay những gì mà chúng ta yêu quý nhất ở trần gian này. Lí do tại sao lòng thống hối của chúng ta phải lớn là vì nó phải tương xứng với sự mất mát và bất hạnh nó sẽ mang đến và gây ra cho chúng ta sau cái chết. Hãy hình dung lòng thống hối của chúng ta phải lớn thế nào để tương xứng với sự dữ tước khỏi chúng ta mọi vinh quang Thiên đàng; nó khiến chúng ta phải xa lìa Thiên Chúa và ném chúng ta vào Hỏa ngục. Đó chính là sự bất hạnh lớn nhất mà chúng ta phải chịu. Vậy các con sẽ hỏi làm thế nào để có được lòng thống hối chân thành? Thật không có gì dễ hơn cả. Nếu các con có lòng thống hối chân thật, các con sẽ không suy nghĩ và hành động như trước kia các con đã làm; các con sẽ thay đổi cuộc đời mình hoàn toàn; các con sẽ chê ghét những gì các con yêu thích, và cá con sẽ yêu thích những gì các con coi thường và trốn tránh trước kia. Thí dụ, nếu các con xưng thú mình có tội nóng nảy trong lời nói và hành động, thì sau đó các con phải đặc biệt chú ý đến cách hành xử dịu dàng và nhã nhặn trong mọi nơi mọi lúc. Các con đừng quá lo lắng rằng mình đã xưng tội nên hay không nên vì con người rất dễ dàng phạm tội, nhưng sau mỗi lần xưng tội, các con phải làm sao để người ta phải nói về các con rằng: “Anh, chị ấy thay đổi biết bao, không còn là người ngày xưa nữa. Anh, chị ấy có sự thay đổi thật tuyệt vời!” Ôi lạy Chúa, những lần hòa giải khiến cho người ta hòan toàn đổi đời thật họa hiếm biết bao!
Các con thân mến, các con hãy xét mình và hãy nghiệm xem, một tấm lòng thống hối chân thật như vậy thật họa hiếm biết bao! Hiếm như một lần xưng tội cho nên vậy! Thật vậy, một Kitô hữu phạm tội, nếu muốn được tha thứ mọi tội lỗi, phải ghi nhớ rằng chẳng thà chịu mọi cực hình đau đớn nhất còn hơn là phạm lại những tội mình mới xưng. Đây là một lời nguyện chân thành và tha thiết: “Lạy Chúa, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tâm thần cho con nên chung thủy. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.” (Tv 50, 12) Hãy mặc lấy tâm tình thống hối này, các con sẽ có quyết tâm mạnh mẽ không dám phạm tội nữa; và đây chính là lòng thống hối, khiêm nhường mà Thiên Chúa không khinh chê, nhưng đón nhận như một người con, hồi phục tất cả mọi phúc lành, và được quyền thừa kế Nước Trời. Đó là điều Cha hằng ao ước cho các con. Amen.