Sống đức tin _ đạo đức xuống dốc

ĐẠO ĐỨC XUỐNG DỐC
Xây dựng đạo đức không phải là bằng cách ra nhiều lề luật, mà là hãy đào tạo trái tim cho biết yêu thương như Chúa yêu thương.
ĐGM. GB Bùi Tuần
1. Tôi đang sống một tình trạng xuống dốc thê thảm. Sức khoẻ thể xác xuống dốc toàn diện. Chỗ nào cũng đau. Sức khoẻ tinh thần cũng giảm sút. Tôi cảm thấy mình yếu đuối mệt mỏi. Tôi xin chấp nhận. Nhưng điều tôi sợ nhất là xuống dốc về đạo đức. Tôi tha thiết muốn đạo đức nơi tôi không xuống dốc.
Tôi cầu xin Chúa giúp tôi nên dựa vào những dấu chỉ nào để biết được điều đó, ít là phần nào.
2. Chúa thương soi sáng cho tôi bằng cách đưa lòng trí tôi nhớ lại sự việc đã xảy ra ở hồ Genêxarét xưa.
“Giảng xong, Chúa Giêsu bảo ông Simon: ‘Hãy chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá’. Ông Simon đáp: ‘Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới’. Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.
     Thấy vậy, ông Simon Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: ‘Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi’.
     Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simon và tất cả những người có mặt ở đó đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dêbêđê, là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simon cũng kinh ngạc như vậy.
     Bấy giờ, Đức Giêsu bảo ông Simon đừng sợ, từ nay anh sẽ là người cứu sống người ta. Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Chúa Giêsu” (Lc 5,4-11).
3. Suy gẫm và cầu nguyện với đoạn Phúc Âm trên đây, tôi được Chúa cho thấy mấy điều sau đây nên được coi là dấu chỉ của lòng đạo đức nơi người môn đệ Chúa.
     Dấu chỉ thứ nhất là thánh Phêrô biết kinh ngạc nhận ra việc lạ lùng Chúa làm cho mình.
     Dấu chỉ thứ hai là thánh Phêrô biết nhận ra mình tội lỗi, bất xứng, khó nghèo.
     Dấu chỉ thứ ba là thánh Phêrô bỏ mọi sự đi theo Chúa, vì mến Chúa và vì thương muốn cứu con người.
4. Trong ba dấu chỉ trên đây, dấu chỉ khiêm tốn khó nghèo nên được nhấn mạnh. Như Đức Mẹ xưa đã nhận biết mình chỉ là “nữ tỳ hèn mọn” (Lc 1,48). Đó là dấu chỉ đáng tin về đạo đức. Không những thánh Phêrô nhận biết mình hèn mọn, bất xứng và nói ra sự nhận biết đó bằng miệng, mà còn diễn tả ra bằng thái độ, đó là Ngài sấp mặt xuống dưới chân Chúa Giêsu trước mặt các anh em.
     Chính lúc Ngài nói: “Xin Chúa tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” thì lại là lúc Chúa ngự một cách thiêng liêng vào tâm hồn Ngài. Nhờ vậy, Ngài đã dư sức bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu, vì mến Chúa và cứu con người một cách chân thành và tuyệt đối.
5. Với ba dấu chỉ trên đây, tôi nhìn vào các môn đệ Chúa xung quanh đây, đặc biệt là nhìn vào chính bản thân tôi, để biết tình hình đạo đức có thực sự là đáng khả quan không.
     Thú thực là giữa cuộc sống ồn ào, tôi không nhìn thấy rõ. Nhưng khi Chúa đưa tôi vào một thứ sa mạc nội tâm, chỉ còn Chúa và tôi, tôi được biết phần nào. Kết quả là tôi thấy phải sám hối rất nhiều. Tôi rất cần được cứu. Đấng cứu tôi là Chúa Giêsu.
6. Nhưng để Chúa Giêsu cứu tôi, thì tôi cần gặp Người. Mà muốn gặp được Người, thì tôi cần “tỉnh thức và cầu nguyện” (Mc 14,28). Bởi vì Người đến lúc nào, cách nào, dưới hình thức nào, thì tuỳ ý Người, chứ không theo chương trình và ý muốn của tôi.
     Trong tỉnh thức và cầu nguyện, đều phải có sự khao khát gặp Chúa và vâng ý Chúa, với sự khó nghèo nội tâm.
     Khó nghèo nội tâm là khiêm nhường đừng phô trương thành tích đạo đức.
7. Dụ ngôn người Pharisêu kể với Chúa những con số thành tích và tự hào mình đạo đức hơn người thu thuế (x. Lc 18,11-12) dạy tôi phải rất khiêm tốn và khó nghèo trong các thứ lễ tạ ơn hiện nay, cũng như trong các thứ biểu dương bác ái và công bình của Hội Thánh chúng ta trong xã hội Việt Nam lúc này.
8. Những lời Chúa Giêsu nói về người môn đệ chân chính (Mt 7,21-27) cũng dạy tôi phải tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng. Nếu không, tôi cũng sẽ lầm tưởng tôi là môn đệ chân chính của Chúa, được Chúa khen thưởng, vì đã làm sáng danh Chúa bởi những việc lẫy lừng nhân danh Chúa. Nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm phép lạ, đó là những việc coi như chắc chắn làm chứng cho Chúa, ai ngờ Chúa lại gọi những kẻ làm thế là phường gian ác (x. Mt 7,23). Phương chi là những công trình vật chất. Chỉ vì họ không làm theo ý Chúa.
9. Làm theo ý Chúa là thế nào? Thưa, tiên vàn là phải sống kết hợp với Chúa. Khi tôi vâng ý Chúa, mà luôn sống kết hợp với Chúa một cách chặt chẽ như cành nho với cây nho (x. Ga 15,1-5) thì dần dần trái tim tôi được đổi mới. Tôi được Chúa cho cảm thấy Thiên Chúa là tình yêu. Chứ Thiên Chúa không là lề luật.
     Từ cảm nghiệm đó, tôi nghĩ tới việc xây dựng đạo đức cho tôi và cho cộng đoàn của tôi. Theo tôi, xây dựng đạo đức không phải là bằng cách ra nhiều lề luật, mà là hãy đào tạo trái tim cho biết yêu thương như Chúa yêu thương.
10. Tôi nhớ tới lời Chúa Giêsu trối lại trong bữa Tiệc Ly: “Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu thương các con” (Ga 13,34).
     Yêu thương cũng là một lề luật. Luật của nó là hãy mang lửa trong mình, đó là những thao thức biết lo cho người khác khỏi khổ, nhưng được sự lành, nhất là khỏi phải sa hoả ngục, nhưng được lên thiên đàng. Cũng hãy mang thánh giá trong mình, đó là chịu hy sinh để đền tội thay cho người khác và để góp phần vào sự thương khó Chúa Giêsu mà cứu họ, để họ được rỗi.
11. Tôi cảm tạ Chúa đã ban cho Hội Thánh điều răn mới đó. Nhờ vậy, đã có vô số tín hữu đã biết cho đi và biết lãnh nhận tình yêu phục vụ hy sinh, làm cho cộng đoàn trở thành cộng đoàn yêu thương, làm chứng cho Chúa là tình yêu.
     Chính tôi cũng đã và đang được hưởng phúc lành của lòng đạo đức đó. Chính tôi cũng đã và đang chia sẻ lòng đạo đức đó, mà tôi đã được lãnh nhận một cách dồi dào.
12. Tôi xin Chúa cho lòng đạo đức này mãi mãi tăng lên cả bề rộng lẫn bề sâu. Chỉ Chúa mới giúp tôi được điều đó. Tới đây, tôi thấy: Đạo đức của tôi lên hay xuống dốc, thì chỉ một mình Chúa biết rõ mà thôi. Phần tôi, tôi luôn nhận biết mình là kẻ tội lỗi yếu hèn, nhưng lại được Chúa rất yêu thương. Nên tôi cố gắng thực hiện yêu thương một cách tốt nhất với đồng bào của tôi, Quê Hương của tôi và Hội Thánh của tôi.
     Đến muôn đời con cảm tạ ơn Chúa.
Long Xuyên, ngày 10 tháng 5 năm 2014
+ GB Bùi Tuần