Ngày của Mẹ _ những tình mẹ

NHỮNG TÌNH MẸ
Vai trò của tình yêu là phải đào tạo. Yêu thương là cộng tác vào việc đào tạo. Được yêu là được tham gia vào việc đào tạo.  
ĐGM. GB Bùi Tuần
1. Đời tôi được ghi nhiều dấu ấn. Trong những dấu ấn sâu đậm nhất có dấu ấn của tình mẹ. Tình mẹ thường rất âm thầm pha trộn với nhiều hy sinh, chú ý đến từng chi tiết nhỏ.
2. Tình mẹ đầu tiên là do mẹ thân sinh ghi.
Mẹ thân sinh của tôi là một phụ nữ thuộc gia đình nghèo. Qua gương sáng của mẹ và của bố, tôi học được ba bài học sau đây:
3. Một là sự chăm chỉ chịu thương chịu khó để sống xứng đáng với lương tâm. Tôi theo gương mẹ, mà thức khuya dậy sớm, tận dùng từng giờ từng phút để tham gia công việc kiếm sống của gia đình. Tiếp đó là chăm chỉ học hành, cần cù tập ăn tập nói, sao cho lễ độ.
4. Hai là sự cầu nguyện. Trong gia đình, mẹ là người cầu nguyện nhiều nhất. Sáng vừa thức dậy, tối trước khi ngủ, mẹ cầu nguyện bằng lần chuỗi Mân côi. Mẹ hay dẫn tôi đi lễ tại nhà thờ cách  nhà khá xa. Mẹ hay khuyên tôi: “Con hãy nhớ: Chúa ở trước mặt con. Đừng làm gì tội lỗi, dù rất nhỏ. Nhưng hãy luôn làm việc lành, vì Chúa thấy hết mọi sự, Chúa thương con”.
5. Ba là việc bác ái thương người. Tuy nhà nghèo, nhưng hễ có người ăn xin tới, bao giờ mẹ cũng bảo tôi đem ra cho họ một ít gạo, một chút tiền, hay một ít cơm. Cách cho trọng hơn của cho.
Bác ái thương người, mà mẹ nhấn mạnh hơn hết là tình thương yêu đối với mọi người trong gia đình, với hàng xóm, với bà con họ hàng, nhất là với các ông già bà cả, với những người trong làng có tang chế hay gặp rủi ro, đặc biệt là sự hiếu thảo biết ơn đối với ông bà.
6. Khi cố gắng làm trọn ba bổn phận trên đây, tôi cảm thấy vui vì được đào tạo kỹ về tinh thần trách nhiệm và như cảm nhận được danh dự là con của mẹ của bố, của gia đình mình. Làm trọn bổn phận của người con như thế được tôi cho là căn bản, để tôi sống vui trong hoàn cảnh lúc đó.
7. Tình mẹ thứ hai là mẹ Tổ Quốc Việt Nam.
Từ rất nhỏ, tôi đã sớm cảm nhận được  Quê Hương Việt Nam của tôi là một người mẹ. Cảm  nhận đó được xuất hiện từ nhiều yếu tố, do những gì mình thấy được, nghe được, đụng tới được, tiếp cận được trên Quê Hương Việt Nam, làm nên những nụ cười và nước mắt, những niềm thương và nỗi nhớ, những gắn bó và ước mơ cao đẹp dạt dào. Ước mơ cao đẹp nhất là về tinh thần cộng đồng cần được đào tạo kỹ. Phấn đấu hết sức mình, để cho những ước mơ tốt đẹp đó được thực hiện, đó là bổn phận căn bản của tôi đối với mẹ Việt Nam. Phấn đấu đó cũng nằm trong những phấn đấu để tôi trở thành người con tốt của Mẹ Hội Thánh.
8. Tình mẹ thứ ba là Mẹ Hội Thánh.
Khi tôi được vào chủng viện, tôi gặp được tình của người mẹ thứ ba. Mẹ thứ ba của tôi là mẹ Hội Thánh.
Mẹ Hội Thánh gợi ý cho tôi là tôi được chuẩn bị để theo Chúa Giêsu một cách đặc biệt. Bổn phận người theo Chúa Giêsu một cách đặc biệt đòi hỏi phải học hành nhiều và phải tập luyện nhiều.
9. Các môn tôi học thì khá nhiều thuộc cả đời cả đạo. Nhưng các môn tôi hứng thú nhiều nhất là triết học, thần học và Kinh Thánh.
Triết học giúp tôi biết suy nghĩ cho có mạch lạc, biết phân tích cho có khoa học, biết nhận định cho đúng sự thực, nhất là biết yêu mến đi tìm chân lý. Thần học và Kinh Thánh giúp tôi nhận ra chân lý sau cùng là lời Chúa và là chính Chúa.
10. Ngoài việc học, Mẹ Hội Thánh giúp tôi tập luyện. Để nên người theo Chúa Giêsu một cách đặc biệt, tôi phải tập sống từ bỏ mình, như lời Chúa dạy: “Ai muốn theo Thầy hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Thầy” (Mt 16,24). Việc tập luyện gồm cả việc sống kỷ luật bên ngoài lẫn kỷ luật bên trong nội tâm. Con đường tu đức vì thế trở thành một nếp sống tiết độ, đắm mình trong bầu khí cầu nguyện, được đào tạo kỹ về đạo đức, có những lựa chọn hướng về sự làm chứng cho Chúa qua việc cứu con người khỏi tội lỗi, để họ được hạnh phúc thiên đàng.
Với những việc học hành và tập luyện, tôi cảm thấy vui vì đã cố gắng làm bổn phận của người con của Mẹ Hội Thánh.
11. Tình mẹ thứ bốn là Mẹ Maria.
Ngay từ tuổi thơ, tôi đã có lòng mến yêu Đức Mẹ Maria. Càng lớn lên, nhất là trong những năm ở chủng viện, tôi càng gắn bó với Đức Mẹ Maria.
12. Mẹ Maria dạy tôi đặc biệt mấy điều sau đây:
Một là hạnh phúc cao cả nhất và cần thiết nhất là có Chúa ở trong mình.
Hai là để biết làm đúng bổn phận người con của Mẹ, tôi phải biết vâng phục thánh ý Chúa. Thánh ý Chúa sẽ được Chúa soi cho những ai khiêm nhường cầu nguyện, triệt để phó thác ở lòng xót thương của Chúa. Chúa Thánh Thần sẽ dẫn đường chỉ lối một cách cụ thể với những ân sủng cần thiết có thể là khác thường. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng đào tạo tôi.
13. Tôi khiêm nhường và cảm tạ đón nhận những dạy dỗ của Mẹ Maria. Khi thực hiện những điều Mẹ dạy, tôi thấy rất hạnh phúc, cho dù con đường tôi đi là rất trắc trở. Biến cố 1945 và biến cố 1975 của lịch sử Việt Nam đã qua rồi. Nhìn lại hai biến cố ấy, tôi thấy nhờ có Chúa trong lòng tôi, và nhờ biết nhận ra thánh ý Chúa, để mà sống yêu thương với những lựa chọn được Chúa Thánh Thần soi dẫn, tôi xác tín là Mẹ Maria thương tôi, nên dẫn tôi theo Mẹ qua mầu nhiệm thánh giá để tới Phục sinh.
14. Một thoáng nhìn lại bốn tình mẹ trên đây đưa tôi đến nhận xét này:
Tất cả bốn tình mẹ mà tôi đã được đón nhận đang làm nên một ngọn lửa trong tôi. Ngọn lửa khao khát phần rỗi các linh hồn. Ngọn lửa muốn cứu mọi người khỏi con đường đi xuống hoả ngục.
Ngọn lửa muốn đưa mọi người về với Chúa. Ngọn lửa cháy bừng những thao thức.
Có thể nói ngọn lửa trong tôi chính là biểu tượng của những dấu ấn do bốn tình mẹ. Ngọn lửa đó là của Chúa, do Chúa, thuộc về Chúa và đi về với Chúa.
Ngọn lửa ấy là một dấu chỉ của sự tôi là gì, hơn là sự tôi làm gì.
Chính nhờ ngọn lửa ấy, mà trong nhiều trường hợp đau đớn, tôi đã có thể cùng với Chúa Giêsu cầu nguyện: “Lạy Cha,  nếu Cha muốn, xin cho con khỏi uống chén đắng này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22,42).
Chính nhờ ngọn lửa ấy mà, trong nhiều trường hợp bị khổ nhục, tôi đã có thể cầu xin với Chúa Cha, như Chúa Giêsu xưa: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 22,34).
Chính nhờ ngọn lửa ấy mà, trong nhiều trường hợp cô đơn khủng khiếp, tôi đã có thể cầu nguyện như Chúa Giêsu xưa: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).
Chính nhờ ngọn lửa ấy mà tôi xác tín về vai trò của tình yêu là phải đào tạo. Yêu thương là cộng tác vào việc đào tạo. Được yêu là được tham gia vào việc đào tạo. Tất nhiên đào tạo là để nên người tốt theo thánh ý Chúa. Đào tạo như thế là cả một công trình. Công trình đó rất khó khăn, không thể thực hiện được trọn vẹn, nếu thiếu ơn Chúa giúp.
Cũng chính nhờ ngọn lửa ấy mà, hằng ngày hằng đêm, tôi luôn tha thiết cầu xin với Chúa rằng: “Lạy Chúa, xin xót thương con, vì con yếu hèn tội lỗi”.
Vâng, tôi rất yếu hèn tội lỗi, rất cần được Chúa xót thương. Tôi tin Chúa xót thương tôi. Tôi xin kết luận như thế với tất cả tấm lòng tạ ơn và phó thác.
Long Xuyên, ngày 11 tháng 3 năm 2014
ĐGM GB Bùi Tuần
+ GB Bùi Tuần