(1654 - 1734)
Khi
là quản gia ngài không ngần ngại làm việc trong nhà bếp, hoặc gánh củi, gánh nước
cho các tu sĩ.
Sự khắc kỷ tự
nó không phải là cùng đích nhưng chỉ là một trợ giúp để sống bác ái hơn -- như
cuộc đời Thánh Gioan Giuse đã minh chứng.
Gioan
Giuse sống rất khắc khổ ngay từ khi còn trẻ. Năm 16 tuổi, ngài gia nhập dòng
Phanxicô ở Naples; ngài là người Ý đầu tiên theo phong trào cải cách của Thánh
Phêrô Alcantara. Sự thánh thiện nổi tiếng của Gioan Giuse là động lực khiến cha
bề trên giao cho ngài trách nhiệm thành lập một tu viện mới, ngay cả trước khi
được thụ phong linh mục.
Với đức
vâng lời, ngài chấp nhận mọi bổ nhiệm, từ giám đốc đệ tử, quản gia và, sau cùng
là bề trên giám tỉnh. Những năm dài hãm mình phạt xác đã giúp ngài thi hành các
nhiệm vụ trên với lòng bác ái cao cả. Khi là quản gia ngài không ngần ngại làm
việc trong nhà bếp, hoặc gánh củi, gánh nước cho các tu sĩ. Khi thời gian làm
giám tỉnh đã mãn, Cha Gioan Giuse tận tụy trong công việc giải tội và hãm mình
phạt xác, là hai điều trái ngược với tinh thần ban đầu của Thời Khai Minh (*).
Ngài cũng được ban cho nhiều ơn siêu nhiên, tỉ như ơn tiên tri và làm phép lạ.
Ngài từ trần vào năm 80 tuổi ở tu viện Naples.
Cha
Gioan Giuse được phong thánh năm 1839.
Lời Bàn
Sự hãm
mình phạt xác của Thánh Gioan Giuse đã giúp ngài trở nên một bề trên đầy khoan
dung mà Thánh Phanxicô đã nhắm đến. Sự khắc kỷ phải đưa chúng ta đến đức ái --
chứ không phải sự cay đắng; nó phải giúp chúng ta nhận ra đâu là những ưu tiên
trong cuộc sống, và giúp chúng ta sống yêu thương hơn. Thánh Gioan Giuse là bằng
chứng sống động của điều mà Chesterton nhận xét: "Ðể thời đại lôi cuốn thì
quá dễ; sự khó khăn là giữ được lập trường của mình" (G.K. Chesterton,
Orthodoxy, trang 101).
(*) Thời Khai Minh (Age of Enlightenment),
là trào lưu tư tưởng trong thế kỷ 17 và 18, chủ trương dùng lý trí con người để
chế ngự toàn thể văn hóa hay tư duy nhân loại.