Suy niệm hạnh thánh _ 05/3

Thánh GIOAN GIUSE của THÁNH GIÁ
 (1654-1734)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Sự khắc kỷ tự nó không phải là cùng đích nhưng chỉ là một trợ giúp để sống bác ái hơn -- như cuộc đời Thánh Gioan Giuse đã minh chứng.
Gioan Giuse sống rất khắc khổ ngay từ khi còn trẻ. Năm 16 tuổi, ngài gia nhập dòng Phanxicô ở Naples; ngài là người Ý đầu tiên theo phong trào cải cách của Thánh Phêrô Alcantara. Sự thánh thiện nổi tiếng của Gioan Giuse là động lực khiến cha bề trên giao cho ngài trách nhiệm thành lập một tu viện mới, ngay cả trước khi được thụ phong linh mục.
Với đức vâng lời, ngài chấp nhận mọi bổ nhiệm, từ giám đốc đệ tử, quản gia và, sau cùng là bề trên giám tỉnh. Những năm dài hãm mình phạt xác đã giúp ngài thi hành các nhiệm vụ trên với lòng bác ái cao cả. Khi là quản gia ngài không ngần ngại làm việc trong nhà bếp, hoặc gánh củi, gánh nước cho các tu sĩ. Khi thời gian làm giám tỉnh đã mãn, Cha Gioan Giuse tận tụy trong công việc giải tội và hãm mình phạt xác, là hai điều trái ngược với tinh thần ban đầu của Thời Khai Minh. Ngài cũng được ban cho nhiều ơn siêu nhiên, tỉ như ơn tiên tri và làm phép lạ. Ngài từ trần vào năm 80 tuổi ở tu viện Naples.
Cha Gioan Giuse được phong thánh năm 1839.
Suy niệm 1: Khắc kỷ
Sự khắc kỷ tự nó không phải là cùng đích nhưng chỉ là một trợ giúp để sống bác ái hơn.
Sự khắc kỷ phải đưa chúng ta đến đức ái -- chứ không phải sự cay đắng; nó phải giúp chúng ta nhận ra đâu là những ưu tiên trong cuộc sống, và giúp chúng ta sống yêu thương hơn.
Thánh Gioan Giuse là bằng chứng sống động của điều mà Chesterton nhận xét: "Để thời đại lôi cuốn thì quá dễ; sự khó khăn là giữ được lập trường của mình" (G.K. Chesterton, Orthodoxy, trang 101).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tích cực sống đức bác ái như một biểu hiện là con cái Chúa (Ga 13,35).
Suy niệm 2: Khắc khổ
Gioan Giuse sống khắc khổ ngay từ khi còn trẻ.
Phải sống khắc khổ do hoàn cảnh nghèo khó của gia đình mà không oán than cũng là tinh thần đáng khâm phục, nhưng chọn lối sống ấy với lòng tự nguyện và ngay khi còn trẻ thì không phải ai cũng sống được.
Nếu thế thì không có ngôn từ loài người nào có thể ngợi ca tinh thần của Đức Giêsu, khi Ngài vốn là Thiên Chúa vinh quang và giàu sang vô cùng, nay lại xuống thế và chọn lối sống nghèo đến mức sinh nơi hang bò lừa, sống không chỗ gối đầu và chết chôn nhờ vào mộ người khác.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con yêu mến đức khó nghèo để xứng phần phúc Chúa hứa (Mt 5,3).
Suy niệm 3: Thánh thiện
Sự thánh thiện nổi tiếng của Gioan Giuse là động lực khiến cha bề trên giao cho ngài trách nhiệm thành lập một tu viện mới, ngay cả trước khi được thụ phong linh mục.
Sự thánh thiện thì không tùy thuộc vào thứ bậc trong phẩm trật Hội Thánh. Dĩ nhiên có rất nhiều thánh linh mục, giám mục, hồng y cũng như giáo hoàng, nhưng vẫn không thiếu những giáo dân cũng như tu sĩ thánh thiện đã được phong thánh.
Chính yếu tố thánh thiện là yếu tố then chốt trong việc tuyển chọn người để được trao phó trách nhiệm, hơn là tài nặng và các yếu tố khác dầu cũng rất cần thiết, như một cha thánh Gioan Maria Vianê vốn không có học thức bằng những người khác.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn đặt yếu tố đức hơn tài trong việc tuyển chọn người làm việc, vì có tài mà thiếu đức thì chỉ gây thiệt hại nhiều hơn là lợi ích.
Suy niệm 4: Vâng lời
Với đức vâng lời, ngài chấp nhận mọi bổ nhiệm, từ giám đốc đệ tử, quản gia và, sau cùng là bề trên giám tỉnh.
Việc vâng lời trước mắt làm như hạ giá người vâng lời, nhưng thực chất lại nâng cao phẩm giá họ lên đến mức không thể ngờ trước được.
Nhờ tuyệt đối vâng lời, Đức Maria đã được Thiên Chúa khấng ban cho những đặc ân vô song mà không một người phàm nào có được từ trước và mãi mãi về sau.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con xác tín về lợi ích của việc vâng lời, để luôn thực hành trong đời.
Suy niệm 5: Khổ chế
Những năm dài hãm mình phạt xác đã giúp Thánh Gioan Giuse thi hành các nhiệm vụ với lòng bác ái cao cả. Khi là quản gia ngài không ngần ngại làm việc trong nhà bếp, hoặc gánh củi, gánh nước cho các tu sĩ. Sự hãm mình phạt xác của ngài đã giúp ngài trở nên một bề trên đầy khoan dung mà Thánh Phanxicô đã nhắm đến.
Khổ chế không hẳn nằm ở bình diện thể xác với các việc hảm mình phạt xác, bằng việc ăn uống kham khổ, mà nhất là ở mặt tinh thần, bằng việc chấp nhận những trách vụ khiêm hèn với những công việc thấp hèn, như làm bếp hoặc gánh củi, gánh nước.
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu cũng có nhiều điều để dạy chúng ta về quan niệm, về thể diện, về cái "tôi" như là khổ chế tinh thần. Ngài chấp nhận làm việc vất vả trong phòng giặt quần áo cũng như phòng bệnh và phòng ăn của tu viện.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đánh giá khổ chế tinh thần còn quan trọng hơn cả khổ chế phần xác nữa.
Suy niệm 6: Thời Khai Minh
Cha Gioan Giuse tận tụy trong công việc giải tội và hãm mình phạt xác, là hai điều trái ngược với tinh thần ban đầu của Thời Khai Minh.
Thời Khai Minh (Age of Enlightenment), là trào lưu tư tưởng trong thế kỷ 17 và 18, chủ trương dùng lý trí con người để chế ngự toàn thể văn hóa hay tư duy nhân loại.
Với chủ trương này, họ như bài trừ vai trò của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa. Quả là một sai lầm lớn lao, vì nếu không có bàn tay quan phòng và bảo trì của Thiên Chúa thì tất cả sẽ trở về cát bụi (Tv 104,27-29).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ý thức về thân phận thụ tạo của mình, để luôn sống lệ thuộc vào Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa.