Thánh GIOAN OGILVIE
(1579-1615)
Lược sử
Thánh Gioan Ogilvie
sinh trong một gia đình Tô Cách Lan mà nửa Công Giáo, nửa Tin Lành
Presbyterian. Cha ngài theo phái Calvin và cũng
muốn Gioan trở thành người của giáo phái ấy nên đã gửi ngài vào đất liền để đi
học. Ở đây Gioan thích thú theo dõi những cuộc tranh luận giữa các học giả Công
Giáo và Calvin. Bị hoang mang về những tranh luận của các học giả Công Giáo,
ngài tìm đến Kinh Thánh. Hai câu
sau đây đã thức tỉnh ngài: "Thiên Chúa muốn mọi người được cứu chuộc, và
nhận biết chân lý," và "Hãy đến cùng Ta những ai mệt mỏi và ê chề, Ta
sẽ thêm sức cho ngươi."
Dần dà, Gioan hiểu
rằng Giáo Hội Công Giáo yêu quý
tất cả mọi người. Trong những người ấy, ngài nhận thấy có nhiều vị tử đạo. Ngài
quyết định trở thành người Công Giáo và được đón nhận vào Giáo Hội tại Louvain,
nước Bỉ, năm 1596 khi 17 tuổi.
Gioan tiếp tục việc
học, đầu tiên với các cha dòng Biển Đức, sau đó là một sinh viên của học viện
Dòng Tên ở Olmutz. Ngài gia nhập dòng Tên và trong 10 năm kế tiếp, ngài chăm
chỉ rèn luyện tâm linh
cũng như kiến thức. Được thụ phong linh mục ở Pháp năm 1610, ngài gặp hai linh
mục dòng Tên vừa mới từ Tô Cách Lan trở về, sau khi bị bắt và bị cầm tù. Các
ngài thấy ít có hy vọng thành công trong việc rao giảng Tin Mừng dưới sự khắt
khe của chính quyền nước ấy. Nhưng một ngọn lửa đã nhen nhúm trong lòng Cha
Gioan. Trong hơn hai năm kế đó, ngài đã khẩn khoản xin đi truyền giáo ở Tô Cách
Lan.
Được bề trên cho phép, ngài bí mật
vào Tô Cách Lan giả dạng người buôn ngựa hoặc một quân nhân trở về từ cuộc
chiến Âu Châu. Thấy không thể thi hành được việc gì đáng kể cho thiểu số Công
Giáo ở Tô Cách Lan, Cha Gioan trở về Balê để hội ý bề trên. Bị khiển trách vì
đã tự ý bỏ nhiệm vụ ở Tô Cách Lan, ngài được sai trở lại đó. Lần này, ngài hăng
say hơn và có một vài thành công trong việc hoán cải cũng như kín đáo phục vụ
người Công Giáo Tô Cách Lan. Nhưng không bao lâu, ngài bị phản bội, bị bắt và bị
đưa ra toà.
Bị kết án tử hình về
tội phản quốc, ngài đã trung tín cho đến cùng, ngay cả khi đứng trên đoạn đầu
đài và được hứa sẽ trao trả tự do nếu từ chối đức tin. Ngài bị treo cổ ở
Glasgow năm 1615 lúc ba mươi sáu tuổi.
Cha Gioan Ogilvie được
phong thánh năm 1976, là vị thánh Tô Cách Lan đầu tiên kể từ năm 1250.
Suy niệm 1: Calvin
Cha của Gioan theo phái Calvin và cũng muốn Gioan trở thành người của giáo
phái ấy nên đã gửi ngài vào đất liền để đi học.
Phái Calvin là một phương thức giải thích Phúc Âm theo John Calvin. Calvin
sống ở Pháp trong thập niên 1500 đồng thời với Martin Luther, người phát động
phong trào Cải Cách Tin Lành.
Phương thức Calvin bám vào các điểm cực đoan của phúc âm và tìm cách đưa ra
các công thức thần học chỉ dựa trên lời Chúa. Họ nhắm đến sự tối thượng của
Thiên Chúa, khẳng định rằng Thiên Chúa thì có thể và sẵn sàng thể hiện bất cứ
điều gì Ngài muốn đối với tạo vật, vì Ngài thông suốt mọi sự, ở khắp mọi nơi và
toàn năng. Họ cũng cho rằng trong Phúc Âm có các dạy dỗ sau: Thiên Chúa, qua ơn
sủng tối cao, Ngài tiền định cho con người được ơn cứu độ; Đức Giêsu chỉ chết
cho những ai đã được tiền định; Thiên Chúa tái sinh những ai mà Ngài thấy họ có
thể và muốn chọn theo Thiên Chúa; và những người đã được cứu độ không thể nào
mất ơn ấy.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn giữ vững lập trường trung thành
với Giáo Hội Chúa.
Suy niệm 2: Kinh
Thánh
Bị hoang mang về những tranh luận của các học giả Công Giáo, Gioan tìm đến
Kinh Thánh.
Hai câu sau đây đã thức tỉnh ngài: "Thiên Chúa muốn mọi người được cứu
chuộc, và nhận biết chân lý," và "Hãy đến cùng Ta những ai mệt mỏi và
ê chề, Ta sẽ thêm sức cho ngươi" (1Tm 2,4;Mt 11,28).
Quả vậy Tin Mừng có sức cứu độ linh hồn (Gc 1,21), và là sức mạnh Thiên
Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin, vì trong Tin Mừng, sự công chính của
Thiên Chúa được mặc khải, nhờ đức tin để đưa đến đức tin, như có lời chép:
Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống (Rm 1,16-17).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn cậy dựa vào sức mạnh của Lời Chúa
hơn lời con người.
Suy niệm 3: Giáo Hội
Công Giáo
Dần dà, Gioan hiểu rằng Giáo Hội Công Giáo yêu quý tất cả mọi người.
Giáo Hội Công Giáo có một đặc điểm nổi bật, đó là yêu quý tất cả mọi người,
không phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ hay địa vị xã hội, kể cả người lành
cũng như kẻ dữ theo gương Thiên Chúa (Mt 5,45;13,30;Cl 3,11).
Chính vì thế Đạo Công Giáo cũng thường được gọi là đạo bác ái. Không lạ gì
việc thưởng phạt cho một người công giáo tùy thuộc vào việc có thực thi đức ái
trong đời sống hay không (Mt 25,31-46).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chú tâm sống đức ái để xứng là người
công giáo.
Suy niệm 4: Rèn
luyện
Gioan gia nhập dòng Tên và trong 10 năm kế tiếp, ngài chăm chỉ rèn luyện
tâm linh và kiến thức.
Với chí hướng truyền giáo, Gioan cần phải đầu tư cho mình một số kiến thức
cần thiết để có thể gia nhập vào môi trường mới với nhiều khác biệt.
Nhưng kiến thức chưa đủ mà còn phải có tâm đức để đương đầu được với bao
gian nguy vốn có trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Chính vì thế Gioan đã rèn
luyện song đôi cả về tâm linh và trí thức.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con theo gương thánh Gioan để tận dụng
thời giờ hiện có để chăm chỉ rèn luyện tâm linh cũng như kiến thức.
Suy niệm 5: Bề trên
Thấy không thể thi hành được việc gì đáng kể cho thiểu số Công Giáo ở Tô
Cách Lan, Cha Gioan trở về Balê để hội ý bề trên. Bị khiển trách vì đã tự ý bỏ
nhiệm vụ ở Tô Cách Lan, ngài được sai trở lại đó.
Dầu quay về Balê với ý ngay lành là hội ý bề trên, thế nhưng Gioan lại bị
bề trên kết tội tự ý rời bỏ nhiệm vụ, để rồi khiển trách và phạt trở lại nhiệm
sở ở Tô Cách Lan, thái độ cư xử này thật khó đón nhận.
Phản ứng ngoan ngoãn vâng lời và phục tùng của Gioan quả là một bài học cho
kẻ bề dưới. Hãy nhớ bề trên có ơn riêng Chúa ban cho bề trên, và dĩ nhiên bề
trên có trách nhiệm phải trả lẽ với Chúa tất cả.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn thờ lạy Thiên Ý qua việc điều
hành của bề trên.
Suy niệm 6: Tòa án
Không bao lâu, Gioan bị phản bội, bị bắt và bị đưa ra tòa.
Phiên xử ngài kéo dài đến 26 giờ đồng hồ mà ngài không được ăn uống gì.
Ngài bị cầm tù và không cho ngủ. Trong tám ngày và đêm, ngài bị lôi đi như một
con vật, bị đâm bằng cây vót nhọn, và tóc bị giật ra từng mảng. Tuy nhiên, ngài
vẫn không chịu tiết lộ tên các người Công Giáo hoặc chấp nhận luật lệ của vua
về vấn đề tôn giáo. Ngài trải qua phiên tòa lần thứ hai và thứ ba, nhưng vẫn
cương quyết giữ vững lập trường.
Trong phiên tòa cuối cùng, ngài quả quyết với các quan tòa: "Trong tất
cả những gì liên hệ đến vua, tôi sẽ vâng lời một cách mù quáng; nếu quyền lực
trần thế của vua bị tấn công, tôi sẽ đổ giọt máu cuối cùng vì vua. Nhưng trong
những luật lệ tôn giáo mà vua đã áp đặt cách bất công, tôi không thể và cũng
không phải vâng theo".
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con quyết vâng lời Chúa hơn vâng lời người
phàm, dầu phải chấp nhận hy sinh mạng sống mình.