Tông huấn rất súc tích, không chỉ đơn thuần là bản đúc kết
những đề nghị của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XIII về Tân Phúc-Âm-hóa để
thông truyền đức tin Kitô giáo, nhưng còn là cơ hội để Đức Thánh Cha Phanxicô
trình bày tầm nhìn, suy tư và thao thức của riêng ngài về sứ vụ Phúc-Âm-hóa của
Hội Thánh.
(UCAN 04.12.2013/ Catholic News Agency)
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Đức cha Phêrô Nguyễn
Văn Khảm, Văn phòng Tổng thư ký HĐGMVN, về Tông huấn này. Xin trân trọng giới
thiệu.
WHĐ: Đức Thánh Cha Phanxicô vừa ban
hành Tông huấn mới, Đức cha đã đọc chưa?
ĐGM Phêrô: Vâng, tôi vừa mới đọc qua một lần,
nhưng chắc là phải đọc lại kỹ hơn, không chỉ một lần mà nhiều lần.
WHĐ: Tại sao?
ĐGM Phêrô: Vì Tông huấn này rất dài, 217
trang sách, chia ra làm 5 chương. Quan trọng hơn nữa là vì Tông huấn rất súc
tích, không chỉ đơn thuần là bản đúc kết những đề nghị của Thượng Hội đồng Giám
mục lần thứ XIII về Tân Phúc-Âm-hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo, nhưng
còn là cơ hội để Đức Thánh Cha Phanxicô trình bày tầm nhìn, suy tư và thao thức
của riêng ngài về sứ vụ Phúc-Âm-hóa của Hội Thánh.
WHĐ: Đức cha có thể chia sẻ những cảm
nghĩ đầu tiên của Đức cha khi đọc Tông huấn này không?
ĐGM Phêrô: Tuyệt vời! Đức Thánh Cha Phanxicô
đúng là nhà lãnh đạo lớn. Không những ngài trình bày cho chúng ta tầm nhìn rất
lớn về sứ vụ Phúc-Âm-hóa, mà còn chỉ dạy những nẻo đường cụ thể để chu toàn sứ
vụ trong hoàn cảnh hiện tại của thế giới và Hội Thánh.
WHĐ: Xin Đức cha trình bày chi tiết
hơn về nhận định này.
ĐGM Phêrô: Trong Tông huấn, nhiều lần Đức
Thánh Cha dùng động từ “mơ” (Tôi mơ ước…). Cũng vì thế, có tác giả so sánh Tông
huấn này của ngài với bài thơ nổi tiếng “I dream” của Martin Luther King. Động
từ “mơ ước” diễn tả tầm nhìn (vision) của Đức Thánh Cha về một Hội Thánh lên đường
loan báo Tin Mừng, dù phải mang thương tích, hơn là một Hội Thánh chỉ lo tự vệ
và co cụm lại với những vấn đề của nội bộ (x. số 49).
Từ tầm nhìn ấy, Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ cho thấy sứ mệnh
(mission) của Hội Thánh là phải canh tân, đổi mới chính mình trên mọi bình diện
và ở mọi mức độ: giáo xứ, các cộng đoàn Kitô hữu nhỏ, giáo phận, và cả Tòa
Thánh nữa (vd. chủ trương trung ương tập quyền cách quá đáng). Đó chính là điều
mà Thượng Hội đồng Giám mục khóa XIII gọi là “hoán cải mục vụ”, hoán cải từ
trong tâm thức, cách suy nghĩ đến phương pháp làm mục vụ.
Rồi từ tầm nhìn và sứ mệnh nói trên, Đức Thánh Cha đề nghị
những hành động cụ thể (action) và nói rất chi tiết, từ đời sống thiêng liêng của
sứ giả Tin Mừng đến bài giảng của linh mục trong Thánh Lễ, cho đến sự dấn thân
phục vụ người nghèo, và tinh thần đối thoại trong đời sống xã hội. Trong mỗi
lãnh vực, ngài không chỉ ngừng lại ở suy tư lý thuyết nhưng luôn luôn bàn đến
điều mà ngài gọi là hiệu quả mục vụ (pastoral consequences) hoặc những hàm ngậm
thực hành (practical implications).
WHĐ: Vậy theo Đức cha, Tông huấn này
có liên quan gì đến định hướng mục vụ của Giáo Hội Việt Nam trong những năm sắp
tới không?
ĐGM Phêrô: Có thể tôi chủ quan, nhưng thật sự
tôi cảm nhận đây đúng là sự quan phòng của Chúa. Trong Thư Chung 2013, Hội đồng
Giám mục Việt Nam đã đề ra kế hoạch mục vụ 3 năm về Phúc-Âm-hóa; khi đó, Tông
huấn chưa được ban hành. Tuy nhiên khi đọc Tông huấn, tôi thấy đây là tài liệu
hết sức quý giá, giúp chúng ta khai triển định hướng mục vụ của Hội Thánh tại
Việt Nam trong 3 năm sắp tới. Cho phép tôi hình dung cách cụ thể thế này.
Trong năm 2014, chúng ta kêu gọi Phúc-Âm-hóa đời sống gia
đình. Thông thường chúng ta chỉ nghĩ đến việc đem tinh thần Phúc Âm vào đời sống
gia đình, đương nhiên là cần thiết rồi, nhưng mình ít nhấn mạnh đến việc chính
gia đình Công giáo phải là tác nhân của Phúc-Âm-hóa. Thế thì chương 1 và chương
3 của Tông huấn bổ túc cho chúng ta rất nhiều.
Trong năm 2015, chúng ta nhấn mạnh đến Phúc-Âm-hóa đời sống
giáo xứ và cộng đoàn, cũng trùng hợp với chọn lựa của Tòa Thánh, chọn năm 2015
là Năm của Đời sống thánh hiến. Các linh mục coi xứ nói riêng và các giáo xứ
nói chung có thể học được biết bao điều bổ ích từ chương 3 và chương 5 của Tông
huấn.
Cuối cùng, năm 2016 được HĐGM VN đề nghị là năm
Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội. Chương 4 của Tông huấn về “Chiều kích xã hội của
Phúc-Âm-hóa” rõ ràng là tấm bảng chỉ đường cho suy nghĩ và hành động cụ thể của
chúng ta.
WHĐ: Đức cha đã viết bài Tìm hiểu
Thông điệp Lumen Fidei, vậy Đức cha có định viết bài tìm hiểu Tông huấn
Evangelii Gaudium không?
ĐGM Phêrô: Tôi cũng đang nghĩ đến việc này.
WHĐ: Chân thành cảm ơn Đức cha.
(WHĐ 01.12.2013)