Một
bài giảng có giá trị
“bài giảng
có một giá trị đặc biệt vì phát sinh từ bối cảnh Thánh Thể, là điều làm cho bài
giảng vượt trên mọi hình thức dạy giáo lý bởi vì đây là một cuộc đối thoại tuyệt
vời nhất giữa Thiên Chúa và dân Ngài, trước khi hiệp thông Bí Tích”
Tông huấn đầu tiên của Đức giáo hoàng
Phanxicô, Evangelii gaudium (Niềm vui Phúc Âm), được Đức giáo hoàng Phanxicô ký
vào ngày 24-11, ngày lễ Chúa Kitô Vua, ngày bế mạc Năm Đức Tin, và được công bố
vào ngày 26-11-2013. Tông huấn gồm 5 chương và 288 số. Đức giáo hoàng đã trình
bày Tông huấn bằng một giọng văn đơn sơ, dễ hiểu, và đôi khi dí dỏm. Ngài cho
thấy rằng Tin Mừng của Đức Giêsu là một Tin Mừng về tình yêu, Tin Mừng này rất
dễ hiểu.
Ngài đã dành hẳn một chương (chương III,
từ số 111 đền số 173) để nói về việc “loan báo Tin Mừng”; và trong chương này,
ngài dành một phần dài để nói về “việc rao giảng trong phụng vụ”, nghĩa là “bài
giảng và việc chuẩn bị”, bởi vì “có rất nhiều người than phiền về tác vụ quan
trọng này” (135). Chúng ta có thể đọc từ số 135 đến số 159 (hoặc đến tận số
175) để đón nhận giáo huấn của Đức giáo hoàng về bài giảng.
Đối với Đức Phanxicô, “bài giảng có một
giá trị đặc biệt vì phát sinh từ bối cảnh Thánh Thể, là điều làm cho bài giảng
vượt trên mọi hình thức dạy giáo lý bởi vì đây là một cuộc đối thoại tuyệt vời
nhất giữa Thiên Chúa và dân Ngài, trước khi hiệp thông Bí Tích” (137).
Do tầm quan trọng của bài giảng, Đức
giáo hoàng phác ra cả một lộ trình cho việc dọn bài giảng (145-159). Ngài
khuyên các mục tử “dành nhiều thì giờ để học hỏi, cầu nguyện,
suy niệm và sáng tạo mục vụ”: “mỗi tuần dành riêng một phần thì giờ cá nhân và
cộng đồng đủ dài cho công tác này” (145). Ngài không chấp nhận bất cứ lý do
nào, kể cả bận quá nhiều công việc, để không dọn bài giảng cho kỹ; trái lại, phải
bớt một số công việc, cho dù quan trọng, để chuẩn bị bài giảng.
Ngài nhấn mạnh rằng một mục tử mà không dọn bài giảng cho kỹ thì không “thuộc
linh”, không làm việc dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, và “thiếu trách nhiệm
đối với những hồng ân mà mình đã nhận được” (145). Ngài dạy: “Ai muốn giảng dạy,
trước tiên phải sẵn sàng để cho Lời chạm đến mình và làm cho Lời nhập thể trong
cuộc sống cụ thể của mình” (150; x. 153).
Đức giáo hoàng khuyến cáo là các bài giảng
phải ngắn
gọn, vì đây không phải là “một bài diễn văn hoặc một bài thuyết
trình”, hay là một bài học chú giải về Kinh Thánh (138, 142), càng không phải
là một công việc “quảng cáo”: các bài giảng phải “đốt cháy lòng người”, và
không được giới hạn vào việc khuyên răn luân lý (142).
Ngài nói thêm: “Bài giảng không thể là một
hình thức trình diễn để giải trí, như được trình bày trên các phương tiện truyền
thông, nhưng phải đem lại sự nhiệt thành và ý nghĩa cho buổi lễ”,
rồi ngài xác định rằng lời của nhà giảng thuyết “không được chiếm một chỗ quá
đáng, để Chúa tỏa sáng hơn nhà giảng thuyết” (138). Đây là lãnh vực của Chúa
Thánh Thần, nên cần cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, lắng nghe Chúa Thánh Thần
là Thầy dạy sự thật, và để Người dẫn dắt (151).
Khi đó, “một bài giảng hay phải có một ý tưởng, một
tâm tình và một hình ảnh” (157), bài giảng luôn luôn có tính tích cực,
đem lại hy vọng, chứ không giam hãm các tín hữu trong “những
điều tiêu cực” (159). “Bài giảng có thể thực sự là một kinh nghiệm mãnh liệt và
hạnh phúc về Chúa Thánh Thần, một cuộc gặp gỡ đầy an ủi với Lời Chúa, một nguồn
mạch không ngừng đưa đến việc canh tân và tăng trưởng” (135; x. 151).
Bài giảng cũng phải diễn tả “tinh thần mẫu tử và
tinh thần Hội Thánh”: đây là điều khiến chúng ta ngỡ ngàng
đến độ xúc động khi nghe Đức giáo hoàng diễn tả người rao giảng như người mẹ
chuẩn bị bữa cơm cho gia đình. Người giảng phải sống tình mẫu tử, đặc biệt bằng
“thái độ gần gũi, giọng nói ấm áp, cách nói dịu dàng, các cử chỉ diễn tả niềm
vui” (140), bởi vì “bài giảng tiếp tục cuộc đối thoại đã được mở ra giữa Thiên
Chúa và dân Ngài” (137).
Nhưng muốn “đón nhận kho báu cao siêu của
Lời được mặc khải”, cần “phải mở cánh cửa học hỏi Kinh Thánh ra cho tất cả các
tín hữu”. Đức giáo hoàng đã dạy như vậy, rồi ngài kêu gọi “các giáo phận, các
giáo xứ và các nhóm Công giáo đề ra một chương trình học hỏi Kinh Thánh nghiêm
túc và kiên trì” (175).
UB Kinh Thánh trực thuộc HĐGMVN