VÙNG ĐẤT HOANG, HÃY TRỔ BÔNG
Như bông hoa nở trong hoang địa, ơn cứu
độ là một kho báu mà Thiên-Chúa-Tình-Yêu sẵn lòng ban cho... bất cứ ai quí chuộng và khao khát nó: “Ai khát, hãy đến với tôi” (Ga
7,38).
Bà Eunice Weaver rất nhiệt thành trong việc tông đồ cho người cùi ở Brasil. Tính đến năm 1964, bà và
Hiệp hội Bảo vệ Người Cùi với khoảng 18.000 nữ nhân
viên đã giúp cho 216 bạn trẻ nam nữ con cái người cùi trở thành những người thành đạt. Bà rất vui khi thấy có sự thay đổi trong cái nhìn về người cùi, và đã giúp
cho hơn 30.000 bệnh nhân phong
có được một mái nhà, một học thức, một nghề nghiệp và một niềm vui …
Tất cả bắt đầu vào mùa xuân năm
1916, khi cô bé Eunice nhỏ tuổi đang sống trong một trang trại ở Rio Grande de
Sul, nước
Brasil, cô đã gặp 6 người cùi không còn mang hình người, một cảnh kinh hãi thường xảy ra ở miền đó. Quần áo họ tả tơi bẩn thỉu, da thịt sưng húp, dáng người quằn quại, kẻ cụt tay, người cụt chân… vừa đi vừa kêu thảm thiết: “Hỡi những tấm lòng nhân ái, xin bố thí cho chúng tôi vì lòng mến Chúa…”.
Ngay cả những người ăn xin lành mạnh cũng ném đá đuổi họ đi, còn dân
chúng trong miền thì đóng sập cửa lại. Đoàn người lầm lũi đi qua, Eunice giật mình
nhận ra người cuối cùng chính là
Rosa, con gái người láng giềng nhà cô. Rosa dừng lại, đăm đăm nhìn
Eunice rồi vừa khóc vừa kể: “khi biết mình đã bị lây bệnh, chị đã giả vờ tự tử ở một con sông để rồi sau đó chị trốn đi sống với những người đồng cảnh ngộ này…”
Còn gì đau khổ hơn một người đang “sống cái chết của mình”, cảm thấy cách tuyệt vọng cái chết trong từng hơi thở? Cuộc lưu đày cũng làm cho Dân Chúa cảm nghiệm được sự chết đến sau sự lìa bỏ Chúa. Trong lúc cùng cực họ mới thấy Chúa gắn chặt vào họ trong từng hơi thở, mới thấy Chúa là sự sống thấm trong xương thịt họ. Họ thấy khao khát
Chúa như người đói mong bát cơm, người khát
thèm giọt nước, vì Chúa “xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn. Chúa giải phóng những ai tù tội, Chúa mở mắt cho kẻ mù loà” (Tv 146,5-6).
Chẳng ai đi tìm
bông hoa trong hoang địa, họ sẽ tìm được ở đâu sự sống và niềm hy vọng sau khi phản bội Chúa đây?
Ôi! Ai nói cho hết được niềm vui của Dân Chúa khi thấy Tin Mừng đã đến từ chính nơi họ không dám hy vọng: Thiên-Chúa-tình-yêu đã ngoái nhìn họ; và ơn cứu độ đã đến với họ, một điều không ai dám
mong đợi, như vị tiên tri của ơn cứu độ đã loan báo: “Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông” (Is 35,1).
Niềm tin vào ơn cứu độ như một luồng sáng mới làm cho cuộc sống có được đầy sức mạnh: “Hãy
làm cho những bàn
tay rã rời nên mạnh mẽ, cho những đầu gối bủn rủn được vững vàng”, và tràn trề niềm vui:
“Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (Is 35,3.6). Nhìn gương người nông phu trong lao nhọc vẫn kiên nhẫn chờ đợi ngày mùa,
thánh Giacôbê dạy bảo các tín hữu: “Kìa
Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa. Thưa anh em, về sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn, anh em hãy noi gương các ngôn sứ là những vị đã nói nhân danh Chúa” (Gcb
5,9-10).
Đức Kitô chính là sự ứng nghiệm của lời tiên tri về ngày cứu độ. Gioan Tẩy giả muốn giới thiệu và củng cố niềm tin đó nơi mọi người khi sai môn đệ đến hỏi Đức Kitô về Đấng Cứu thế, vì Đức Kitô cũng chỉ trả lời họ bằng những dấu chỉ mà hẳn là Gioan đã nghe và đã thấy: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,4-5).
Sau khi trả lời cho câu hỏi về Đấng Cứu thế, chỉ trong vài lời về Gioan, Đức Kitô vừa trình bày một mẫu gương chờ đón ơn cứu độ không còn ai tốt hơn trong lịch sử Do thái, vừa đồng thời báo cho họ biết về thời điểm bắt đầu một giai đoạn mới, giai đoạn cuối trong chương
trình cứu độ, khi mà ân sủng vượt qua mọi sự xứng đáng: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” (Mt 11,11).
Một người Anh giàu có vừa mua được cây đàn
violon quí báu, làm cho bộ sưu tập của ông nên quí
giá bội phần. Cây đàn ấy, ông không chịu bán lại cho ai ngay cả với Fritz
Kreisler, một nhạc sĩ nổi tiếng.
Cuối cùng, biết là minh không thể nào mua được cây đàn
quý, F. Kreisler xin phép được đánh đàn một lần, và nhạc sĩ say mê đổ cả tâm hồn vào đó. Ông chủ ngây ngất đứng nghe cho đến khi nhạc sĩ chơi xong, không nói gì.
Khi F. Kreisler nhẹ nhàng đặt cây đàn vào
hộp như người mẹ đặt đứa con yêu vào nôi thì ông chủ cây đàn đột ngột nói: “Anh hãy cầm lấy cây đàn này đi. Nó thuộc về anh. Tôi không có quyền giữ nó. Nó phải thuộc về người biết sử dụng như anh”.
Như bông hoa nở trong hoang địa, ơn cứu độ là một kho báu mà
Thiên Chúa-Tình yêu sẵn lòng ban cho tôi dù tôi bất xứng, và cho bất cứ ai quí chuộng và khao khát
nó: “Ai khát, hãy đến với tôi” (Ga 7,38).
Lm. HK