Tông huấn
EVANGELII GAUDIUM
NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG (1)
Lời người dịch - Tông Huấn này gồm có 5 chương và 288 câu. Trong
Tông Huấn này, Đức Thánh Cha giải thích và khai triển rất nhiều điều cho thấy rõ
chủ trương và lập trường của ngài. Ngài muốn tất cả mọi tín hữu, từ Giám Mục,
Linh Mục cho đến giáo dân đọc và sử dụng những chỉ dẫn trong Tông Huấn này để
chuyển hướng sống đạo và truyền giáo. Vì Tông Huấn khá dài và súc tích, xin mạn
phép chia thành ba phần cho dễ đọc và nghiên cứu.
TÔNG HUẤN EVANGELII
GAUDIUM
NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG
NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG
ĐỨC GIÁO HOÀNG
PHANXICÔ
DÀNH CHO CÁC GIÁM MỤC
CÁC LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ
NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC THÁNH HIẾN
VÀ TẤT CẢ CÁC TÍN HỮU GIÁO DÂN
VỀ VIỆC CÔNG BỐ TIN MỪNG
TRONG THẾ GIỚI HÔM NAY
DÀNH CHO CÁC GIÁM MỤC
CÁC LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ
NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC THÁNH HIẾN
VÀ TẤT CẢ CÁC TÍN HỮU GIÁO DÂN
VỀ VIỆC CÔNG BỐ TIN MỪNG
TRONG THẾ GIỚI HÔM NAY
MỞ ĐẦU
1. Niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm
hồn và toàn thể đời sống của những người gặp gỡ Chúa Giêsu. Những người để cho
mình được Người cứu độ được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn rầu, trống rỗng nội
tâm và cô lập. Với Chúa Giêsu Kitô niềm vui được sinh ra và luôn luôn tái sinh.
Trong Tông Huấn này, tôi muốn khuyến khích các tín hữu Kitô giáo, để mời họ vào
một giai đoạn mới của truyền giáo được đánh dấu bằng niềm vui trong khi chỉ ra
những con đường mới cho cuộc hành trình của Hội Thánh trong những năm tới.
I. Một niềm vui luôn đổi mới và thông truyền
2. Nguy cơ lớn nhất trong thế giới ngày
nay, với những cung cấp tràn ngập và đa dạng của chủ nghĩa tiêu thụ, là một nỗi
buồn cá nhân đến từ tâm hồn tự mãn và tham lam, từ cơn sốt tìm kiếm những thú
vui phù phiếm, và một lương tâm bị cô lập. Khi đời sống nội tâm bị đóng kín với
những tư lợi, thì không còn chỗ cho người khác nữa, những người nghèo không thể
vào được nữa, người ta không còn nghe được tiếng của Thiên Chúa, không còn được
hưởng niềm vui ngọt ngào của tình yêu Ngài, tim họ không còn đập những nhịp nhiệt
thành để làm việc thiện nữa. Ngay cả các tín hữu cũng gặp nguy cơ này, chắc
chắn và thường trực. Nhiều người không chống đỡ nổi và biến thành những người
bất mãn, bất bình và không còn sức sống. Đó không phải là sự chọn lựa của một
cuộc sống xứng đáng và đầy đủ, đó không phải là ước muốn của Thiên Chúa dành
cho chúng ta, không phải là đời sống trong Chúa Thánh Thần, tuôn chảy từ Thánh
Tâm của Đức Kitô Phục Sinh.
3. Tôi mời mọi Kitô hữu, ở bất cứ nơi
nào và hoàn cảnh nào, ngay lúc này đổi mới cuộc gặp gỡ cá nhân của mình với
Chúa Giêsu Kitô, hay ít ra, quyết định để cho Người gặp gỡ mình và không ngừng
tìm kiếm Người mỗi ngày. Không có một lý do nào mà một người có thể nghĩ rằng
lời mời gọi này không dành cho mình, bởi vì “không ai bị chối từ niềm vui mà
Chúa mang đến”. Chúa không làm cho những ai dám thực hiện cuộc mạo hiểm này phải
thất vọng, và khi một người nào bước một bước nhỏ về phía Chúa Giêsu, người ấy
nhận ra rằng mình được Người chờ đợi với vòng tay rộng mở. Đây là thời điểm để
thưa cùng Đức Chúa Giêsu Kitô: “Lạy Chúa, con đã để cho mình bị lừa dối; bằng
ngàn cách con đã chạy trốn tình yêu Chúa, nhưng con đang ở đây một lần nữa để
lập lại giao ước của con với Chúa. Con cần Chúa. Xin Chúa chuộc con lại một lần
nữa. Lạy Chúa, xin một lần nữa đón nhận con trong vòng tay cứu độ của Chúa”. Điều
này làm cho chúng ta cảm thấy sung sướng biết bao khi được trở lại với Người mỗi
khi chúng ta đi lạc đường! Tôi nhấn mạnh một lần nữa: Thiên Chúa không bao giờ
biết mệt khi tha thứ, chính chúng ta là kẻ cảm thấy mệt mỏi khi cầu xin lòng
thương xót của Người. Người là Đấng mời chúng ta tha thứ “bảy mươi lần bảy” (Mt
18:22) và ban cho chúng ta một mẫu gương: Người tha thứ bảy mươi lần bảy. Hết
lần này đến lần khác Người lại đến để vác chúng ta trên vai của Người. Không ai
có thể lấy đi khỏi chúng ta phẩm giá mà tình yêu vô hạn và bền vững này đã ban
cho chúng ta. Người cho phép chúng ta ngẩng cao đầu và bắt đầu lại một lần nữa,
với một sự dịu dàng không bao giờ làm cho chúng ta thất vọng nhưng luôn luôn
đem lại cho chúng ta niềm vui. Chúng ta đừng chạy trốn sự Sống Lại của Chúa
Giêsu, chúng ta đừng bao giờ bỏ cuộc, điều gì xảy đến sẽ đến. Không gì có thể
hơn sự sống của Người là điều đẩy chúng ta về phía trước!
4. Các sách Cựu Ước đã công bố niềm vui
của ơn cứu rỗi, là điều sẽ tràn đầy trong thời Thiên Sai. Ngôn sứ Isaia nói về
Đấng Mêsia mà người ta mong chờ bằng cách chào Người với niềm vui: “Chúa đã làm
cho dân tộc thêm đông, Chúa đã gia tăng niềm vui của nó” (9:2). Và ông khuyến
khích dân chúng Sion chào đón Người giữa những bài ca “hãy reo hò mừng rỡ” (12:6).
Ngôn sứ bảo những kẻ đã nhìn thấy Người ở chân trời hãy đem sứ điệp đến cho
những người khác “hãy trèo lên núi cao, hỡi sứ giả của Xion; hãy cất tiếng lên
cho mạnh, hỡi sứ giả của Giêrusalem” (40:9). Tất cả tạo vật chung phần vào niềm
vui của ơn cứu rỗi: “Trời hãy reo mừng, đất hãy hân hoan, các núi non hãy bật
tiếng reo cười, vì CHÚA đã an ủi dân Người, Người đã chạnh lòng thương những kẻ
nghèo khổ của Người” (49:13).
Nhìn vào ngày của Chúa, Ngôn sứ Dêcaria
mời dân chúng tung hô đức vua đang đến, “khiêm tốn, ngồi trên một con lừa”:
“Hãy vui mừng hoan hỉ, này thiếu nữ Xion! Hãy reo hò, hỡi thiếu nữ Giêrusalem! Nầy,
đức vua của ngươi đến với ngươi: Người là Đấng công chính và chiến thắng” (Dr 9:9).
Tuy nhiên, lời mời gọi lan truyền nhiều nhất có thể là của ngôn sứ Xôphônia,
cho chúng ta thấy chính Thiên Chúa như trung tâm của lễ hội và niềm vui có thể
thông truyền cho dân Người đang kêu cầu cứu độ. Đọc lại bàn văn này đổ đầy sự
sống trên tôi: “Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là vị anh hùng
cứu tinh! Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng, sẽ đổi mới ngươi trong tình thương của
Người; Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng” (3:17).
Đây là niềm vui mà chúng ta cảm nghiệm
hằng ngày giữa những điều nho nhỏ của cuộc sống, như một đáp trả đối với lời
mời gọi yêu thương của Thiên Chúa là Cha chúng ta: “Con ơi, hãy đối xử tốt với
mình, theo khả năng của con [...] Đừng đánh mất hạnh phúc của một ngày” (Hc
14:11,14). Những lời cuối cùng này vang vọng một tình phụ tử dịu dàng biết bao!
5. Tin Mừng, tỏa sáng vinh quang của
Thập Giá Đức Kitô, luôn luôn mời gọi chúng ta đến sự vui mừng. Đan cử một vài
thí dụ là đủ: “Mừng vui lên” là lời chào của thiên sứ với Đức Maria (Lc 1:28). Chuyến
thăm viếng bà Elizabeth
của Mẹ Maria chắc chắn làm cho thánh Gioan nhảy mừng trong lòng mẹ (x. Lc
1:41). Trong thánh thi của mình, Mẹ Maria công bố: “Thần trí tôi vui mừng trong
Thiên Chúa Đấng Cứu Độ tôi” (Lc 1:47). Khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ của Người,
thánh Gioan kêu lên: “Đây là niềm vui của tôi, và nó được nên trọn vẹn” (Ga
3:29). Chính Chúa Giêsu đã “vui mừng trong tác động của Chúa Thánh Thần” (Lc
10:21). Sứ điệp của Người là một nguồn vui: “Thầy nói với các con những điều
này để niềm vui của Thầy ở trong các con và niềm vui của các con được nên trọn”
(Ga 15:11). Niềm vui Kitô của chúng ta phát ra từ nguồn mạch trái tim tràn
đầy của Người. Người hứa với các môn đệ: “Các con sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn
của các con sẽ biến thành niềm vui” (Ga 16:20). Và Người khẳng định: “Thầy sẽ
gặp lại các con, và lòng các con sẽ vui mừng, và không ai sẽ lấy mất niềm vui
khỏi các con được” (Ga 16:22). Sau đó, các môn đệ khi thấy Người sống lại và
“đã vui mừng” (Ga 20:20). Sách Tông Đồ Công Vụ kể cho chúng ta rằng trong cộng
đồng tiên khởi họ đã “ăn uống thức ăn của họ với sự vui mừng” (Cv 2:46). Những
môn đệ này đi đến đâu “thì có niềm vui lớn lao ở đó” (8:8); và ngay cả giữa sự
bách hại, họ được “tràn đầy niềm vui” (13:52). Một thái giám, vừa được rửa tội,
đã “vui mừng lên đường” (8:39), và viên cai ngục “đã vui mừng với tất cả mọi người
trong nhà vì đã tin vào Thiên Chúa” (16:34). Tại sao chúng ta cũng không nhập
vào dòng sông vui mừng này?
6. Có những Kitô hữu sống như chỉ có Mùa
Chay mà không có Phục Sinh. Tuy nhiên, tôi ý thức rằng người ta không sống niềm
vui cùng một cách trong mọi giai đoạn và hoàn cảnh của cuộc đời, nhất là trong
những lúc khó khăn. Nó thích nghi và biến đổi, nhưng luôn tồn tại, ít ra như
một tia sáng phát ra từ sự chắc chắn của cá nhân rằng mình được yêu thương vô cùng,
vượt ra ngoài tất cả. Tôi hiểu những người buồn rầu vì những khó khăn ngặt
nghèo mà họ phải chịu, tuy nhiên dần dần, chúng ta phải cho phép niềm vui của
đức tin bắt đầu thức tỉnh, như một niềm tin thầm kín nhưng chắc chắn, ngay cả
giữa lúc đau buồn nhất: “Hồn tôi hết được bình an thư thái, tôi đã quên mùi
hạnh phúc rồi! [...] Đây là điều con suy đi gẫm lại, nhờ thế mà con vững dạ cậy
trông: Lượng từ bi ĐỨC CHÚA đâu đã cạn, lòng thương xót của Người mãi không vơi.
Sáng nào Người cũng ban ân huệ mới. Lòng trung tín của Người cao cả biết bao!
[...] Biết thinh lặng đợi chờ, đợi chờ ơn cứu độ của ĐỨC CHÚA, đó là một điều
hay” (Ai Ca 3:17,21-23,26).
7. Cám dỗ thường xuyên xuất hiện dưới
hình thức những lời biện bạch và than trách, như cần phải có vô số điều kiện để
có thể có niềm vui. Điều này xảy ra bởi vì “xã hội kỹ thuật có thể gia tăng
những dịp cho lạc thú, nhưng rất khó tạo ra niềm vui”.[2] Tôi có thể nói rằng
những niềm vui đẹp nhất và tự nhiên nhất mà tôi thấy trong đời tôi là những
niềm vui của những người rất nghèo, những người có rất ít để bám vứu vào. Tôi
cũng nhớ những niềm vui đích thực của những người khác, ngay cả giữa những
nhiệm vụ cấp bách của nghề nghiệp, đã giữ một tâm hồn đầy tin tưởng, đại lượng
và đơn giản. Bằng nhiều cách khác nhau, những niềm vui này rút ra từ nguồn mạch
tình yêu vô cùng của Thiên Chúa, được tỏ lộ nơi Đức Chúa Giêsu Kitô. Tôi không
bao giờ biết mệt khi lặp đi lặp lại những lời này của Đức Thánh Cha Bênêđictô
XVI, những lời dẫn chúng ta đến trọng tâm của Tin Mừng: “Ở nguồn gốc của việc
làm một Kitô hữu không phải là một lựa chọn luân lý hay một ý tưởng cao cả,
nhưng là một cuộc gặp gỡ với một biến cố, một người, là điều mang đến cho cuộc
sống một chân trời mới và một hướng đi quyết định”.[3]
8. Chỉ qua cuộc gặp gỡ này - hoặc cuộc
gặp gỡ đổi mới - với tình yêu của Thiên Chúa, là điều biến thành tình bằng hữu
hạnh phúc, mà chúng ta được giải thoát khỏi tâm trạng cô lập và chỉ nghĩ về
mình. Chúng ta trở thành con người trọn vẹn khi chúng ta trở thành nhiều hơn
con người, khi chúng ta để cho Chúa dẫn mình vượt ra ngoài bản thân để đạt đến
chân lý trọn vẹn nhất về con người mình. Ở đó chúng ta tìm được nguồn gốc của những
hoạt động truyền giáo. Bởi vì một khi một người đã nhận được tình yêu này, là
điều đem lại cho họ ý nghĩa cuộc đời, thì làm sao người ấy có thể ngồi yên được
mà không truyền thông nó cho những người khác?
II. Niềm vui ngọt ngào và an ủi của việc rao giảng Tin Mừng
9. Điều tốt lành luôn luôn có khuynh
hướng lan truyền. Mỗi kinh nghiệm đích thực về chân lý và sự thiện mỹ là tự nó
tìm cách lan rộng, và mọi người trải qua một cuộc giải phóng sâu xa trở nên
nhạy cảm hơn với những nhu cầu của người khác. Khi người ta truyền thông nó, sự
thiện bén rễ và phát triển. Cho nên, những ai muốn sống cách xứng đáng và trọn
vẹn phải nhận ra những người khác và tìm kiếm sự tốt lành cho họ. Vì thế một số
cách diễn tả của Thánh Phaolô không làm cho chúng ta ngạc nhiên: “Tình yêu Đức
Kitô thúc đẩy chúng ta” (2 Cr 5: 14), “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin
Mừng!” (1 Cor 9: 16).
10. Chúng ta được khuyến khích sống ở
một mức độ cao hơn, nhưng không phải với một cường độ ít hơn. “Sự sống tăng
trưởng khi nó được cho đi và bị yếu đi trong cô lập và thoải mái. Thực ra, những
người vui hưởng cuộc đời nhất là những người gạt sự an toàn của mình sang một
bên và mải mê với sứ vụ thông truyền sự sống cho người khác”.[4] Khi Hội Thánh
mời gọi các Kitô hữu lãnh nhận sứ vụ truyền giáo, Hội Thánh không làm gì khác
hơn là chỉ cho họ động năng đích thực của thành công cá nhân: “Ở đây chúng ta
khám phá ra một luật sâu sắc về thực tại: đó là đời sống đạt được và trưởng
thành đến độ tự hiến để ban sự sống cho tha nhân. Chung cuộc truyền giáo là
thế”.[5] Cho nên, một nhà truyền giáo không thể lúc nào cũng giống như một
người vừa đi đưa đám về. Chúng ta hãy phục hồi và gia tăng lòng nhiệt thành,
“niềm vui ngọt ngào và an ủi của việc rao giảng Tin Mừng, ngay cả khi chúng ta
phải gieo trong nước mắt [...] Chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, là thế
giới đang tìm kiếm, có khi trong lo âu, có khi trong hy vọng, nhận được Tin
Mừng không phải từ nhà truyền giáo buồn rầu và chán nản, thiếu kiên nhẫn hoặc
lo âu, nhưng từ thừa tác viên của Tin Mừng mà cuộc sống của người ấy tỏa sáng lòng
nhiệt thành, là người đã nhận được niềm vui của Đức Kitô trong mình trước”.[6]
Sự mới mẻ vĩnh cửu
11. Một lời rao giảng đổi mới được ban
cho các tín hữu, ngay cả những người thờ ơ hoặc không hành đạo, một niềm vui
mới trong đức tin và thành quả trong công việc rao giảng Tin Mừng. Thực ra,
trọng tâm và bản chất của nó luôn luôn như nhau: Thiên Chúa, Đấng đã mặc khải
tình yêu vô biên của Ngài trong Đức Kitô đã Chịu Chết và Sống Lại. Người làm
cho các tín hữu luôn luôn mới, dù họ có cũ đi nữa: “Họ được thêm sức mạnh, như
thể chim bằng, họ tung cánh, họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng
chùn chân”. (Is 40:31). Đức Kitô là “Tin Mừng vĩnh cửu” (Kh 14: 6), và Người là
một “ngày hôm qua, ngày hôm nay và mãi mãi” (Dt 13: 8), nhưng sự phong phú và vẻ
đẹp của Người thì vô tận. Người vẫn trẻ mãi và là suối nguồn liên tục của sự
mới lạ. Hội Thánh không ngừng ngạc nhiên trước “sự sâu thẳm của sự giàu có,
khôn ngoan và thông suốt Thiên Chúa!” (Rm 11:33). Thánh Gioan Thánh Giá nói:
“Chiều dày của sự khôn ngoan và hiểu biết của Thiên Chúa quá sâu và quá rộng,
đến nỗi linh hồn, dù có biết về nó thế nào đi nữa, vẫn luôn có thể chìm sâu hơn
nữa trong đó”.[7] Hoặc, như thánh Irênê khẳng định: “Trong việc Người đến, [Đức
Kitô] đem đến với Người tất cả sự mới lạ”.[8] Với tính mới lạ này, Người luôn
luôn có thể đổi mới cuộc đời chúng ta và cộng đồng chúng ta, và ngay cả khi sứ
điệp Kitô dù giáo trải qua những thời đại tăm tối và những yếu đuối của Hội
Thánh, nhưng vẫn không bao giờ cũ. Đức Chúa Giêsu Kitô có thể phá vỡ các mô
hình nhàm chán mà chúng ta có ý giam hãm Người vào đó và Người làm chúng ta
ngạc nhiên với óc sáng tạo thần linh không ngừng của Người. Mỗi khi chúng ta
tìm cách trở về nguồn để lấy lại sự tươi mát ban đầu của Tin Mừng, thì những
con đường mới, những phương pháp sáng tạo, các hình thức diễn tả khác, những
dấu chỉ hùng hồn nhất, những lời nói đầy ý nghĩa mới mẻ cho thế giới ngày nay
được nảy sinh. Thực ra, tất cả các hoạt động rao giảng Tin Mừng đích thực vẫn luôn
luôn “mới mẻ.”
12. Mặc dù sứ vụ này đòi hỏi chúng ta
phải tham gia rất rộng lượng, nhưng thật là sai lầm khi coi nó như một nhiệm vụ
anh hùng cá nhân, vì công việc chủ yếu của chính Người, vượt xa những gì chúng
ta có thể nhìn thấy và hiểu được. Chúa Giêsu là “Nhà rao giảng Tin Mừng đầu
tiên và vĩ đại nhất”.[9] Trong tất cả mọi hình thức Phúc Âm hóa, quyền tối
thượng luôn luôn thuộc về Thiên Chúa, là Đấng đã mời gọi chúng ta cộng tác với Ngài
và tác động chúng ta bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần. Sự mới lạ thực sự là
sự mới lạ mà chính Thiên Chúa muốn tạo ra một cách huyền nhiệm, và linh hứng,
tác động, hướng dẫn và đồng hành bằng hàng ngàn cách thế. Đời sống của Hội
Thánh, phải luôn luôn chứng tỏ rõ ràng rằng sáng kiến đến từ Thiên Chúa, rằng
“Ngài yêu chúng ta trước” (1 Ga 4:19) và rằng chỉ một mình Ngài “ban sự phát
triển” (1 Cor 3:7). Niềm xác tín này giúp chúng ta giữ được niềm vui trong một
sứ vụ quá đòi hỏi, là một thách đố chiếm đoạt toàn thể cuộc đời chúng ta. Ngài
đòi hỏi mọi sự nơi chúng ta, nhưng đồng thời cũng ban cho chúng ta mọi sự.
13. Chúng ta cũng không nên coi sự mới
mẻ của sứ vụ này như việc nhổ tận gốc, như việc quên đi lịch sử sống động, là
lịch sử đã chào đón chúng ta và đẩy chúng ta về phía trước. Ký ức là một chiều
kích của đức tin mà chúng ta có thể gọi là “Đệ Nhị Luật”, tương tự như ký ức
của dân Israel.
Chúa Giêsu ban cho chúng ta Bí tích Thánh Thể như một sự tưởng niệm hằng ngày
của Hội Thánh, đưa chúng ta sâu hơn hơn vào [mầu nhiêm] Vượt Qua của Người (x.
Lc 22:19). Niềm vui của việc Rao giảng Tin Mừng luôn luôn tỏa sáng tận đáy của
việc tưởng niệm tạ ơn: đó là một ân sủng mà chúng ta cần phải cầu xin. Các Tông
Đồ không bao giờ quên giây phút mà Chúa Giêsu chạm vào tâm hồn các ông: “Lúc đó
vào khoảng giờ thứ mười” (Ga 1:39). Cùng với Chúa Giêsu, việc tưởng niệm này
làm hiện diện một “đám mây nhân chứng” thật sự (Dt 12:1). Trong số đó, người ta
phân biệt một số vị quan trọng đặc biệt để làm cho niềm vui tín hữu của chúng
ta nảy mầm: “Hãy nhớ rằng các bậc lãnh đạo của anh em, những người đã làm cho
anh em nghe được lời của Thiên Chúa” (Dt 13:7). Đôi khi, những người đơn giản
và những người thân cận là những người đã giới thiệu chúng ta vào đời sống đức
tin: “Cha nhớ lại đức tin thành khẩn của con, đức tin đã có trước hết nơi bà
ngoại con là cụ Lôis, và mẹ con là bà Êunicê” (2 Tim 1:5). Người tín hữu cơ bản
là “một người nhớ”.
III. Tân Phúc Âm Hóa để truyền thụ đức
tin
14. Lắng nghe Chúa Thánh Thần, Đấng giúp
chúng ta nhận ra, một cách cộng đồng, những dấu chỉ của thời đại, Đại Hội Thường
Kỳ thứ XIII của Thượng Hội Đồng Giám Mục được tổ chức từ ngày mùng 7 đến ngày
28 tháng 10 năm 2012 để bàn về chủ đề: Tân
Phúc Âm hóa để truyền
thụ Đức Tin Kitô giáo. Thượng Hội Đồng Giám
Mục tái xác nhận rằng việc tân truyền giáo mời gọi mọi người và được thực hiện
trong ba lĩnh vực chính.[10] Trước hết, chúng ta nói đến lãnh vực mục vụ thông thường,
“được sinh động hóa bởi ngọn lửa của Chúa Thánh Thần, để đốt lòng các tín hữu
thường xuyên tham gia trong cộng đồng và tụ họp lại trong Ngày của Chúa để được
nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và Bánh hằng sống”.[11] Trong lãnh vực này cũng nên bao
gồm các tín hữu duy trì một đức tin Công giáo mãnh liệt và chân thành, được
diễn tả bằng những cách khác nhau, mặc dù họ không thường xuyên tham gia việc
thờ phượng. Việc mục vụ này nhằm phát triển đời sống tâm linh của các tín hữu,
để họ luôn luôn đáp lại Tình Yêu của Thiên Chúa một cách tốt hơn và bằng cả
cuộc sống của họ. Ở lãnh vực thứ hai chúng ra nhắc đến “những người đã được rửa tội nhưng chưa sống các
những đòi hỏi của Bí
Tích Rửa Tội”, [12]
là những người không có tâm hồn thuộc về Hội Thánh và không còn cảm nghiệm được
niềm an ủi của đức tin. Hội Thánh, luôn luôn là người mẹ lo lắng cho con, cố
gắng giúp họ cảm nghiệm một cuộc hoán cải là điều sẽ phục hồi niềm vui của đức
tin cho tâm hồn họ và giúp họ hứng khởi tham gia vào Tin Mừng.
Cuối cùng, chúng ta phải lưu ý rằng việc
truyền giáo liên hệ cách chủ yếu với việc loan báo Tin Mừng cho những người không biết Đức Chúa
Giêsu Kitô hoặc luôn luôn từ chối Người. Nhiều người trong họ tìm kiếm Thiên Chúa một cách bí
mật bị thúc đẩy bởi nhớ nhung khuôn mặt của Ngài, ngay cả ở những quốc gia theo
truyền thống Kitô giáo xưa kia. Mọi người đều có quyền được nhận Tin Mừng. Các
Kitô hữu có bổn phận phải công bố Tin Mừng mà không loại trừ bất cứ ai, không
có vẻ như người áp đặt một nhiệm vụ mới, nhưng như một người chia sẻ một niềm
vui, vạch ra một chân trời đẹp, cung cấp một bữa tiệc đáng mong muốn. Hội Thánh
không phát triển bởi việc cải đạo nhưng “bởi sự hấp dẫn”.[13]
15. [Đức Chân Phước Giáo Hoàng] Gioan
Phaolô II mời gọi chúng ta nhận ra rằng “cần phải duy trì động năng rao giảng
Tin Mừng” cho những người đang ở xa Đức Kitô, “bởi vì đây là nhiệm vụ đầu tiên của Hội Thánh”.[14] Hoạt
động truyền giáo “ngày nay vẫn là thách
đố lớn nhất đối với Hội Thánh”[15] và “nhiệm vụ truyền giáo
vẫn phải đứng hàng đầu”.[16] Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thực sự coi những
lời này là quan trọng? Chúng ta sẽ nhận ra cách đơn giản rằng hoạt động truyền
giáo là mô thức cho
tất cả mọi hoạt động của Hội
Thánh. Theo dòng tư tưởng này, các Giám Mục châu Mỹ La Tinh nói
rằng “Chúng ta không thể ngồi bình thản trong một chờ đợi thụ động nơi các nhà
thờ của mình”; [17] và cần phải vượt qua “một mục vụ chỉ đơn thuần là duy trì đến
một mục vụ truyền giáo thật sự.” [18] Nhiệm vụ này tiếp tục là nguồn mạch của
niềm vui lớn nhất cho Hội Thánh: “Trên trời cũng sẽ vui mừng như thế vì một
người tội lỗi ăn năn trở lại, hơn là vì chín mươi chín người công chính không
cần phải ăn năn hối cải”(Lc 15:7).
Các đề nghị và giới hạn của Tông Huấn này
16. Tôi vui mừng chấp nhận lời mời của
các nghị phụ để viết Tông Huấn này.[19] Khi làm như vậy, tôi thu thập sự phong
phú của Thượng Hội Đồng. Tôi cũng tham khảo ý kiến của một số người khác
nhau, và cũng có ý định bày tỏ những lo ngại riêng của tôi trong thời điểm đặc
biệt này của công việc rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh. Những chủ đề liên quan
đến việc rao giảng Tin Mừng trong thế giới hiện đại có thể được khai triển ở
đây thì vô tận. Nhưng tôi không bàn đến một cách chi tiết những vấn đề phải
được nghiên cứu và đào sâu hơn nữa. Tôi cũng không tin rằng người ta nên mong
đợi từ huấn quyền Giáo Hoàng một lời dứt khoát hoặc đầy đủ về những vấn đề liên
quan đến Hội Thánh và thế giới. Thật không thích hợp cho Đức Giáo Hoàng thay
thế các Giám Mục địa phương trong việc phân biệt tất cả những vấn đề phát sinh
trong lãnh thổ của các ngài. Theo nghĩa này, tôi cảm thấy cần phải tiến hành
một “sự phân quyền” bổ ích.
17. Ở đây, tôi đã chọn để đưa ra một vài
dòng tư tưởng có thể khuyến khích và hướng dẫn toàn thể Hội Thánh trong một
giai đoạn mới của việc rao giảng Tin Mừng, là giai đoạn đầy nhiệt tình và năng
động. Trong bối cảnh này, và theo giáo thuyết của Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, tôi đã quyết định, trong
số những chủ đề khác, ngừng lại lâu ở những vấn đề dưới đây:
a) Việc cải tổ Hội Thánh trong việc “đi
ra” truyền giáo.
b) Các cám dỗ của những người làm mục vụ.
c) Hội Thánh như là toàn thể Dân Chúa
truyền giáo.
d) Bài giảng và việc chuẩn bị nó.
e) Việc hòa nhập vào xã hội của người
nghèo.
f) Hòa bình và đối thoại trong xã hội.
g) Các động lực tinh thần cho việc
truyền giáo.
18. Tôi đã nói về những chủ đề này với
một khai triển có lẽ có vẻ quá mức. Nhưng tôi làm thế, không vì có ý định đưa
ra một luận án, nhưng chỉ để cho thấy những tác động thực tế quan trọng của
những chủ đề này trên sứ vụ thực sự của Hội Thánh. Thực ra tất cả giúp đỡ phác
họa một kiểu truyền giáo đặc biệt mà tôi mời anh chị em thừa nhận trong khi
thực thi mọi
hoạt động. Và như vậy, theo
cách này, chúng ta có thể thực hành được, trong những công việc hàng ngày của
mình, lời khuyên nhủ của Lời Chúa: “Hãy luôn luôn vui mừng trong Chúa. Tôi nhắc
lại, hãy vui lên!” (Ph 4: 4).
CHƯƠNG I
SỰ BIẾN ĐỔI CỦA VIỆC TRUYỀN GIÁO CỦA HỘI THÁNH
19. Việc Phúc Âm hóa tuân theo mệnh lệnh
truyền giáo của Chúa Giêsu: “Vậy, các con hãy đi! Làm cho muôn dân thành môn
đệ, rửa tội cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy họ
tuân giữ tất cả những gì Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28:19-20a). Những câu
này trình bày giây phút Chúa Phục Sinh sai những kẻ thuộc về Người đi rao giảng
Tin Mừng ở mọi thời đại và ở mọi nơi, ngõ hầu đức tin vào Người được lan tràn
khắp mặt đất.
I. Một Hội Thánh “đi ra”
20. Trong Lời Chúa xuất hiện liên tục
động năng này của việc “đi ra” mà Thiên Chúa muốn khích lệ các tín hữu. Ông
Abraham đã nhận được lời mời gọi ra đi đến một vùng đất mới (x. St 12:1-3). Ông
Môsê đã nghe Chúa gọi: “Hãy đi, Ta sai ngươi!” (Xh 3:10) và ông đã đưa dân Chúa
đi về Đất Hứa (x. Xh 3:17). Với ngôn sứ Giêrêmia, Ngài nói: “Ta sai ngươi đi
đâu, ngươi cứ đi” (Gr 1:7). Hôm nay, trong lời “hãy đi” này của Chúa Giêsu, trình
bày những cảnh trí và thách đố luôn luôn mới của sứ vụ truyền giáo của Hội
Thánh, và tất cả chúng ta được mời gọi tham gia vào cuộc “đi ra” truyền giáo
mới này. Mọi Kitô hữu và mọi cộng đồng sẽ phân biệt đâu là con đường mà Chúa
đòi hỏi, nhưng chúng ta đều được mời chấp nhận lời mời gọi này: đi ra ngoài khu
vực quen thuộc của mình và can đảm đi đến tất cả những vùng ngoại vi, là những
người cần ánh sáng của Tin Mừng.
21. Niềm vui của Tin Mừng là niểm vui
lấp đầy đời sống cộng đồng của các môn đệ, là một niềm vui truyền giáo. Bảy
mươi môn đệ đã cảm thấy đầy vui mừng khi trở về từ sứ vụ truyền giáo (x. Lc
10:17). Chúa Giêsu đã cảm thấy điều ấy, Người đã vui mừng trong Chúa Thánh Thần
và chúc tụng Thiên Chúa vì đã mặc khải cho những người nghèo hèn và những người
bé nhỏ (x. Lc 10:21). Đó là điều cảm thấy bởi những người trở lại đầu tiên là
những người đầy ngưỡng mộ khi nghe các Tông Đồ rao giảng cho “mỗi người bằng
ngôn ngữ riêng của mình” (Cv 2: 6) vào Lễ Ngũ Tuần. Niềm vui này là một dấu chỉ
cho thấy Tin Mừng được công bố và sinh hoa trái. Nhưng vẫn có động năng để đi
ra và cho đi, ra khỏi chính mình, để bước đi và luôn luôn gieo hạt giống một
lần nữa, luôn ở xa hơn. Chúa phán, “Chúng ta hãy đi đến các làng xã chung
quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc
1:38). Khi hạt giống đã được gieo ở một nơi, Người không nán lại ở đó để tiếp
tục giải thích hoặc làm các dấu lạ khác, trái lại Thần Khí đã dẫn Người ra đi
đến các làng mạc khác.
22. Lời Chúa có một tiềm năng mà chúng
ta không thể dự đoán được. Tin Mừng nói về hạt giống một khi được gieo xuống
đất, thì nó tự mọc lên, ngay cả khi người nông dân ngủ (x. Mc 4:26-29). Hội
Thánh phải chấp nhận sự tự do khó kiểm soát này của Lời Chúa, nó có hiệu quả
theo cách riêng của nó, và dưới nhiều hình thức khác nhau, thường vượt ra ngoài
tầm tay chúng ta và vượt quá sự mong đợi của chúng ta cùng làm tan vỡ những kế hoạch
của chúng ta.
23. Sự mật thiết của Hội Thánh với Chúa
Giêsu là một sự mật thiết di động và sự hiệp thông “được trình bày một cách cơ
bản như sự hiệp thông truyền giáo”.[20] Trung thành
với kiểu mẫu của Thầy, điều sống còn là Hội Thánh ngày nay đi ra công bố Tin
Mừng cho tất cả mọi người, ở khắp mọi nơi, trong mọi cơ hội, mà không do dự,
không chần chờ và không sợ hãi. Niềm vui của Tin Mừng dành cho tất cả mọi
người, không ai có thể bị loại trừ. Vì vậy, các thiên sứ đã thông báo cho các
mục đồng ở Bêlem: “Anh em đừng sợ. Này tôi mang lại cho anh em một tin mừng
trọng đại, cũng là tin mừng cho
tất cả mọi người” (Lc 2:10). Sách
Khải Huyền nói về “một Tin Mừng vĩnh cửu để loan báo cho mọi người sống trên
mặt đất, cho mọi quốc gia, mọi chi tộc,
mọi ngôn ngữ và mọi dân tộc” (Kh 14:6).
Đi bước đầu, tham gia, đồng hành, sinh
hoa trái và ăn mừng
24. Hội Thánh “đi ra” là cộng đồng các
môn đệ truyền giáo, những người đi bước đầu, tham gia, đồng hành, sinh hoa trái
và ăn mừng. “Primerear – đi
bước đầu”: tôi xin lỗi vì từ mới này. Cộng đồng rao giảng Tin Mừng cảm nghiệm
được rằng Chúa đã đi bước trước, Người đã đi trước vì yêu (x. 1 Ga 4, 10), và
vì thế, cộng đồng biết đi về phía trước, biết làm thế nào để đi bước trước mà
không sợ hãi, đi ra gặp gỡ, tìm kiếm những người xa cách mình, và đến ngã ba
đường để mởi những ngưởi bị ruồng bỏ. Cộng đồng sống một ước muốn vô tận để ban
tặng sự thương xót, là kết quả của kinh nghiệm lòng thương xót của Chúa Cha và
sức mạnh của sự lan tỏa của lòng thương xót này. Chúng ta hãy cố gắng chủ động nhiều
hơn một chút! Do đó, Hội Thánh biết “tham gia”. Chúa Giêsu đã rửa chân cho các
môn đệ. Chúa đã tham gia và tự ý tham gia, khi Người quỳ trước mặt những người
khác để rửa chân cho họ. Nhưng ngay sau đó, Người bảo các môn đệ: “Phúc cho các
con, nếu các con làm điều này” (Ga 13:17). Cộng đồng rao giảng Tin Mừng, qua
việc tham gia vào cuộc sống hằng ngày của những người khác bằng việc làm và cử
chỉ của mình, nó rút ngắn những khoảng cách, tự hạ mình xuống đến nỗi chịu sỉ
nhục nếu cần, và chấp nhận đời sống con người, chạm đến thân xác đau khổ của
Đức Kitô trong những người khác. Vì thế, các nhà truyền giáo có “mùi của con chiên”
và chiên nghe tiếng họ. Sau đó, cộng đồng truyền giáo phải “đồng hành”. Cộng
đồng đồng hành với nhân loại trong tất cả mọi tiến trình của nó, bất kể khó
khăn và kéo dài đến đâu đi nữa. Cộng đồng biết chờ đợi lâu dài và kiên trì tông
đồ. Truyền giáo cần rất nhiều kiên nhẫn, cùng coi thường những giới hạn thời
gian. Trung thành với hồng ân của Chúa, cộng đồng cũng biết “sinh hoa quả”. Cộng
đồng rao giảng Tin Mừng luôn luôn chú ý tới những hoa quả, bởi vì Chúa muốn có
hoa quả. Nó chăm sóc cho các hạt giống và không bị mất bình an vì cỏ lùng. Người
gieo giống khi thấy cỏ lùng mọc lên giữa những cây lúa thì không oán trách hay
có phản ứng mạnh. Người ấy tìm thấy một cách để đảm bảo rằng Lời Chúa được nhập
thể trong một hoàn cảnh cụ thể và sinh hoa quả của đời sống mới, cho dù nó
dường như chưa hoàn hảo và đầy đủ. Người môn đệ có thể hiến trọn cuộc đời mình,
thậm chí chấp nhận tử vì đạo, như một nhân chứng của Đức Chúa Giêsu Kitô, nhưng
ước mơ của họ không phải là có nhiều kẻ thù, mà đúng hơn là thấy Lời Chúa được đón
nhận và quyền năng giải phóng và canh tân của nó được tỏ lộ. Cuối cùng, cộng
đồng rao giảng Tin Mừng đầy niềm vui, luôn luôn biết “ăn mừng”. Cộng đồng ăn mừng
vì mỗi chiến thắng nhỏ, vì mỗi bước tiến trong việc truyền giáo. Việc truyền
giáo vui tươi thành vẻ đẹp trong phụng vụ, trong đòi hỏi hàng ngày của việc
tiến bộ tốt. Hội Thánh Phúc Âm hóa và chính Hội Thánh được Phúc Âm hóa bằng vẻ
đẹp của phụng vụ, và phụng vụ cũng là cử hành những hoạt động truyền giáo và
nguồn mạch canh tân việc tự hiến của mình.
II. Hoạt động mục vụ trong chuyển hướng
25. Tôi không phải là không biết rằng
ngày nay các tài liệu không còn gây ra cùng một sự quan tâm như những thời đại
khác, và chúng sớm bị rơi vào quên lãng. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng
những gì tôi diễn tả ở đây có một tầm quan trọng về chương trình và những hậu
quả đáng kể. Tôi hy vọng rằng tất cả các cộng đồng sẽ làm thế bằng cách xử dụng
mọi phương tiện cần thiết để tiến về phía trước trên con đường chuyển hướng mục
vụ và truyền giáo, mà không thể để sự việc như hiện nay. Giờ đây chúng ta không
cần “một sự quản trị đơn giản” [21]. Chúng ta hãy hình thành trong tất cả các
vùng của thế giới một “tình trạng truyền giáo thường trực”.[22]
26. Đức Thánh Cha Phaolô VI mời gọi
chúng ta mở rộng lời mời gọi canh tân, để diễn tả một cách dứt khoát rằng chúng
ta không chỉ nói đến những cá nhân nhưng đến toàn thể Hội Thánh. Chúng ta hãy
nhớ văn bản đáng nhớ này là văn bản đã không mất đi sức mạnh không thể quên
được của nó: “Hội Thánh phải đào sâu ý thức về chính mình để suy niệm về mầu
nhiệm là mầu nhiệm của mình [...] rút ra từ ý thức được soi sáng và hoạt động
này một ao ước tự nhiên muốn so sánh hình ảnh lý tưởng về Hội Thánh, là hình ảnh
mà Đức Kitô đã thấy, đã mong ước và yêu thương, là hình ảnh hiền thê thánh
thiện và tinh tuyền của Người (x. Ep 5:27), với khuôn mặt thật mà Hội Thánh
đang có ngày nay.[...] Do đó phát sinh một ước muốn quảng đại và hầu như không
kiên nhẫn nổi đối với việc canh tân, để sửa chữa lại những khiếm khuyết mà ý
thức này, khi xét mình trong ánh sáng của mô thức mà Đức Kitô đã để lại cho
chúng ta, đã lên án và loại bỏ” [23].
Công đồng Vaticanô II đã trình bày sự
chuyển hướng của Hội Thánh như mở ra cho một cuộc canh tân chính mình một cách
liên tục qua việc trung thành với Đức Chúa Giêsu Kitô: “Mọi canh tân Hội Thánh
chủ yếu hệ tại việc gia tăng lòng trung thành với ơn gọi của mình [...] Hội
Thánh trong cuộc lữ hành của mình, được Đức Kitô gọi đến việc cải tiến liên tục
mà Hội Thánh luôn luôn cần thiết, bao lâu còn là một tổ chức nhân loại và ờ dưới
thế trần”.[24]
Có những cơ cấu Hội Thánh có thể ảnh
hưởng đến động năng truyền giáo, tuy nhiên ngay cả những cơ cấu tốt chỉ có ích
lợi khi có một sự sống sinh động hóa, nâng đỡ và hướng dẫn chúng. Nếu không có
một sự sống mới và một tinh thần Tin Mừng đích thực, không có “sự trung thành
với ơn gọi riêng của Hội Thánh”, thì bất kỳ cơ cấu mới nào cũng sẽ bị hư hỏng
trong một thời gian ngắn.
Một cuộc canh tân Hội Thánh không thể trì hoãn được.
27. Tôi mơ ước một lựa chọn truyền giáo
có sức biến đổi mọi sự, để những thói quen, những phong cách, thời gian, ngôn
ngữ, và tất cả các cơ cấu Hội Thánh trở thành một kênh thích hợp cho việc
truyền giáo cho thế giới ngày nay, hơn để tự bảo toàn. Việc cải tổ các cơ cấu,
đòi hỏi bởi việc chuyển hướng mục vụ, chỉ có thể được hiểu theo nghĩa này: là
thành phần của một cố gắng làm cho chúng trở thành có tính quy truyền giáo hơn,
làm cho việc mục vụ bình thường trong mọi trường hợp được mở rộng và cởi mở
hơn, tạo nên trong những người làm mục vụ một thái độ liên tục “đi ra”, và như
thế thúc đẩy một đáp ứng tích cực từ tất cả những người mà Chúa Giêsu ban cho
tình bằng hữu của Người. Như Đức Gioan Phaolô II đã nói với các Giám Mục Châu
Đại Dương, “tất cả mọi canh tân trong Hội Thánh phải có truyền giáo như mục
đích, để không rơi vào nguy cơ của một Hội Thánh quy về chính mình”.[25]
28. Giáo xứ không phải là một cơ quan
lỗi thời; chính vì nó có sự uyển chuyển lớn lao, nên nó có thể mặc lấy nhiều
hình thức rất đa dạng là điều đòi hỏi phải có sự dễ uốn nắn và sáng tạo truyền
giáo của cha sở và cộng đoàn. Trong khi chắc chắn rằng nó không phải là cơ quan
truyền giáo duy nhất, nếu nó có thể canh tân và thích nghi liên tục, nó sẽ tiếp
tục là “Hội Thánh sống động giữa những căn nhà của con cái trai gái
mình”.[26] Điều này có nghĩa
rằng nó thực sự là sự liên lạc với gia đình cùng cuộc sống của dân chúng, và
không trở thành một cơ quan vô dụng tách biệt khỏi dân chúng, hoặc một nhóm
người ưu tuyển chỉ biết đến mình. Giáo xứ là sự hiện diện của Hội Thánh trong
một lãnh thổ, một môi trường để lắng nghe Lời Chúa, để lớn lên trong đời sống
Kitô hữu, để đối thoại, để rao giảng, để làm việc bác ái, thờ phượng và cử
hành.[27] Qua tất cả các hoạt động của mình, giáo xứ khuyến khích và đào tạo
các thành viên của mình thành những nhà truyền giáo.[28] Nó là một cộng đồng
của các cộng đồng, là chỗ tạm trú nơi mà những người khát đến uống nước để tiếp
tục cuộc hành trình, và một trung tâm nhà truyền giáo liên tục đi ra. Nhưng
chúng ta phải thú nhận rằng lời kêu gọi xét lại và canh tân giáo xứ chưa đủ để
đem chúng đến gần hơn với dân chúng, làm cho chúng thành nơi hiệp thông sống
động và tham gia, cùng quy hướng chúng hoàn toàn vào việc truyền giáo.
29. Các cơ chế khác của Hội Thánh, các
cộng đoàn cơ bản và các cộng đoàn nhỏ, các phong trào và các hình thức hiệp hội
khác, là sự phong phú của Hội Thánh mà Chúa Thánh Thần đánh thức để rao giảng
Tin Mừng cho tất cả mọi môi trường và lĩnh vực. Thường thì chúng mang lại một
nhiệt tình truyền giáo mới và một khả năng mới để đối thoại với thế giới mà
trong đó Hội Thánh được canh tân. Nhưng ích lợi hơn cho chúng nếu chúng không mất
liên lạc với thực tại phong phú của giáo xứ địa phương, và sẵn sàng tham gia
vào các hoạt động mục vụ của Hội Thánh địa phương.[29] Sự dung hợp này sẽ tránh
cho chúng khỏi việc tập trung vào một phần của Tin Mừng hay của Hội Thánh, hoặc
trở thành dân du mục không có gốc rễ.
30. Mỗi Hội Thánh địa phương là một phần
của Hội Thánh Công Giáo dưới sự lãnh đạo của Giám Mục của mình, cũng được mời
gọi đến sự chuyển hướng truyền giáo. Đây là chủ thề chính của việc truyền giáo
[30] vì nó là biểu hiện cụ thể của Hội Thánh Duy Nhất ở một nơi nhất định trên
thế giới, và trong nó “Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền
của Đức Kitô thực sự hiện diện và hoạt động”.[31] Đó là Hội Thánh nhập thể
trong một không gian nhất định, được trang bị bằng tất cả các phương tiện cứu
rỗi do Đức Kitô ban cho, nhưng với một khuôn mặt địa phương. Niềm vui của nó
trong việc thông truyền Đức Chúa Giêsu Kitô được diễn tả cả bằng một quan tâm
rao giảng Người ở những nơi cần Người nhất, lẫn trong việc liên tục đi ra ngoại
vi của lãnh thổ mình, hướng về những môi trường văn hóa xã hội mới.[32] Bất cứ
nơi nào cần ánh sáng và sự sống của Đấng Phục Sinh nhất, thì nó luôn luôn muốn
ở đó.[33] Để cho sự thúc đẩy truyền giáo luôn mãnh liệt, đại lượng và hiệu quả
hơn, tôi cũng khuyến khích mỗi Hội Thánh địa phương bước vào một tiến trình phân
biệt, thanh luyện và cải tiến một cách cương quyết.
31. Giám Mục phải luôn luôn thúc đẩy sự
hiệp thông truyền giáo này trong Hội Thánh giáo phận của mình, theo lý tưởng
của cộng đồng Kitô hữu tiên khởi, trong đó các tín hữu cùng có một quả tim duy
nhất và một linh hồn duy nhất (x. Cv 4:32). Vì vậy, đôi khi ngài phải ra trước
dân của mình để chỉ cho họ đường đi và nâng đỡ niềm hy vọng của họ, khi khác
ngài chỉ cần ở giữa họ với một sự gần gũi đơn giản và đầy trắc ẩn, trong một số
trường hợp khác ngài sẽ phải đi sau lưng họ, để giúp đỡ những người bị bỏ lại
đằng sau và - trên hết - bởi vì chính đàn chiên có một khứu giác để tìm ra
những con đường mới. Trong sứ vụ thúc đẩy một sự hiệp thông năng động, cởi mở
và truyền giáo, ngài phải khuyến khích và khai triển sự trưởng thành của các tổ
chức tham gia được đề nghị bởi Giáo Luật,[34]
và các hình thức đối thoại mục vụ khác, với ước muốn lắng nghe mọi người, không
chỉ một số ít người luôn luôn mau mắn ca tụng. Nhưng mục đích chính của tiến
trình tham gia này không chủ yếu là tổ chức Hội Thánh, mà là giấc mơ truyền
giáo đi đến tất cả mọi người.
32. Bởi vì tôi được mời gọi để sống
những gì tôi yêu cầu những người khác nên tôi cũng phải nghĩ về một sự chuyển
hướng của giáo hoàng. Đó là nhiệm vụ của tôi, như Giám Mục Roma, phải cở mở để
đón nhận những đề nghị hướng đến việc thực thi sứ vụ của tôi một cách trung
thành hơn với ý nghĩa mà Đức Chúa Giêsu Kitô muốn ban cho nó và nhu cầu truyền
giáo hiện nay. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II yêu cầu được giúp đỡ để tìm ra một
“cách thi hành quyền tối thượng mở ra cho một tình hình mới, nhưng không bao
giờ từ bỏ những gì là thiết yếu cho sứ vụ của mình”.[35] Chúng ta đã đạt được
một tiến bộ nhỏ theo nghĩa này. Chức vị Giáo Hoàng, và những cơ cấu trung tâm
của Hội Thánh hoàn vũ cũng cần phải lắng nghe lời mời gọi chuyển hướng mục vụ. Công
đồng Vaticanô II nói rằng, tương tự như các Hội Thánh Thượng Phụ cổ đại, các
Hội Đồng Giám Mục có thể “đóng góp nhiều cách khác nhau và có hiệu quả vào việc
thực hiện cụ thể tinh thần Giám Mục Đoàn”.[36] Tuy nhiên, ước muốn này chưa được
thực hiện cách đầy đủ vì tình trạng pháp lý của các Hội Đồng Giám Mục là tình
trạng chưa được viết xuống như chủ thể có những năng quyền riêng biệt, kể cả
một số quyền bính về giáo lý chân chính.[37] Một sự tập trung quyền hành quá
mức, thay vì giúp đỡ thì lại làm cho đời sống và sự năng động truyền giáo của
Hội Thánh trở nên phức tạp.
33. Việc chăm sóc mục vụ trong truyền
giáo đòi hỏi phải từ bỏ tiêu chuẩn mục vụ tiện lợi: “Chúng tôi đã luôn luôn làm
như thế này.” Tôi mời gọi tất cả mọi người phải táo bạo và sáng tạo trong công
tác này bằng cách xét lại các mục tiêu, cấu trúc, phong cách và phương pháp
truyền giáo trong các cộng đồng của mình. Xác định những mục tiêu mà không điều
nghiên cách đầy đủ về những phương tiện để đạt được chúng trong cộng đồng thì
kết cuộc chỉ thuần túy là sản phẩm của óc tưởng tượng. Tôi kêu gọi tất cả mọi
người áp dụng rộng rãi và can đảm những hướng dẫn của tài liệu này mà không hạn
chế hoặc sợ hãi. Điều quan trọng không phải là bước đi một mình, nhưng luôn
luôn dựa vào anh em, và đặc biệt là sự hướng dẫn của các Giám Mục, trong một sự
phân biệt mục vụ khôn ngoan và thực tế.
III. Từ trung tâm của Tin Mừng
34. Nếu chúng ta có ý đặt mọi sự vào chủ
yếu truyền giáo, thì điều này cũng áp dụng cho cách chúng ta truyền đạt sứ
điệp. Trong thế giới ngày nay với tốc độ truyền thông và sự lựa chọn nội dung
theo sở thích của các phương tiện truyền
thông, sứ điệp của chúng ta hơn bao giờ hết có nguy cơ bị cắt xén
và thu gọn vào một vài khía cạnh thứ yếu. Bằng cách này một số vấn đề, là một
phần của giáo huấn luân lý của Hội Thánh, bị trích dẫn sai văn mạch, là điều làm
cho chúng có ý nghĩa. Vấn đề lớn nhất là sứ điệp mà chúng ta rao giảng dường
như sau đó bị đồng hóa với những khía cạnh thứ yếu, cho dù có quan trọng, nhưng
tự chúng không trình bày trung tâm sứ điệp của Đức Chúa Giêsu Kitô. Do đó,
chúng ta cần phải thực tế và không nên cho rằng độc giả của mình biết đầy đủ về
nội dung của những gì mình nói, hoặc họ có thể liên kết những điều chúng ta nói
với trọng tâm thiết yếu của Tin Mừng là điều làm cho chúng có ý nghĩa, có vẻ
xinh đẹp và hấp dẫn.
35. Việc chăm sóc mục vụ dưới dạng
truyền giáo không quá bận tâm với việc khư khư áp đặt cách thức truyền thông
nhiều học thuyết rời rạc. Khi Chúng ta thừa nhận một mục tiêu mục vụ và một
kiểu truyền giáo, là điều sẽ đến với tất cả mọi người không trừ ai, thì sứ điệp
phải tập trung vào những điều cơ bản, những gì đẹp nhất, lớn nhất, hấp dẫn nhất
và đồng thời cũng cần thiết nhất. Đề nghị được đơn giản hóa, nhưng không mất một
chiều sâu nào và chân lý của nó, và như thế trở nên thuyết phục và rõ ràng hơn.
36. Tất cả mọi chân lý được mạc khải
phát xuất từ cùng một nguồn mạch là Thiên Chúa và được tin bằng cùng một đức
tin, nhưng một số chân lý trong những chân lý ấy quan trọng hơn để diễn tả cách
trực tiếp hơn trung tâm của Tin Mừng. Trong cốt lõi cơ bản này, điều tỏa sáng
là vẻ đẹp của tình yêu cứu độ của Thiên
Chúa được tỏ lộ trong Đức Giêsu Kitô Chịu Chết và
Phục Sinh. Theo ý nghĩa này,
Công đồng Vaticanô II xác quyết rằng “có một thứ tự hay đúng hơn một ‘phẩm
trật’ chân lý của giáo lý Công giáo, vì chúng khác nhau trong sự liên hệ của
chúng với nền tảng của đức tin Kitô giáo”.[38] Điều này áp dụng cho cả các tín
điều của đức tin cũng như cho toàn thể các giáo huấn của Hội Thánh, trong đó có
những giáo huấn về luân lý.
37. Thánh Thoma Aquinô đã dạy rằng ngay
cả giáo huấn về luân lý của Hội Thánh cũng có một phẩm trật riêng của nó, giữa các nhân đức và giữa các hành
động phát xuất từ chúng.[39] Ở đây, điều quan trọng hơn cả là “đức tin hoạt
động qua đức ái”(Gl 5:6). Những việc làm của đức ái hướng đến tha nhân là sự
bày tỏ hoàn hảo nhất bề ngoài của ân sủng của Chúa Thánh Thần ở bên trong: “Yếu
tố chính của lề luật mới là ân sủng của Chúa Thánh Thần, được tự tỏ lộ trong
đức tin hoạt động qua đức ái” [40] về điều này ngài nói rằng, đối với hành động
bên ngoài, lòng thương xót cao trọng hơn tất cả các nhân đức. “Lòng thương xót
tự nó lớn nhất trong các nhân đức, vì tất cả các nhân đức khác xoay quanh nó,
và quan trọng hơn nữa, nó bù đắp cho sự thiếu xót của những nhân đức khác. Điều
này đặc biệt cho nhân đức cao trọng, và như thế thích hợp với việc Thiên Chúa
có lòng thương xót, mà qua đó sự toàn năng của Ngài được tỏ bày cách rõ ràng
nhất”.[41]
38. Điều quan trọng là rút ra những kết
quả mục vụ của giáo huấn Công Đồng, trong đó phản ảnh xác tín cổ xưa của Hội
Thánh. Trước hết, tôi phải nói rằng, trong việc rao giảng Tin Mừng, điều cần
thiết là phải có một sự quân bình thích hợp. Điều này được nhận ra qua sự thường
xuyên mà một số chủ đề được đề cập đến và nhấn mạnh trong việc giảng dạy. Thí dụ,
nếu trong năm phụng vụ một cha sở nói mười lần về đức tiết độ mà chỉ nói hai
hoặc ba lần về đức bác ái hoặc đức công bình, thì ngài tạo ra một sự chênh
lệch, trong đó các nhân đức ít được nói đến lại chính là những nhân đức đáng lẽ
phải được trình bày trong việc giảng dạy và trong bài giáo lý. Điều tương tự
cũng xảy ra khi chúng ta nói nhiều về lề luật hơn là về ân sủng, về Hội Thánh
hơn là về Đức Chúa Giêsu Kitô, về Đức Giáo Hoàng hơn là về Lời Chúa.
39. Cũng như sự chặt chẽ về cơ cấu giữa
các nhân đức ngăn chặn việc bất cứ nhân đức nào trong chúng bị loại trừ khỏi lý
tưởng Kitô giáo, để không chân lý nào bị chối từ. Chúng ta không được cắt xén
sự toàn vẹn của sứ điệp Tin Mừng. Ngoài ra, mỗi chân lý được hiểu rõ hơn khi
được đặt trong sự liên hệ với tổng thể hòa hợp của sứ điệp Kitô giáo, và trong bối
cảnh này tất cả mọi chân lý đều quan trọng và soi sáng lẫn nhau. Khi lời rao
giảng trung thành với Tin Mừng, tính trung tâm của một số chân lý trở nên hiển
nhiên và cho thấy rõ ràng rằng thuyết giáo về luân lý Kitô giáo không phải là
một hình thức khắc kỷ, nó còn hơn hơn khổ hạnh, nó không phải là một triết lý
thực hành đơn giản, và cũng không phải là một bảng liệt kê những tội lỗi và sai
lầm. Trên hết mọi sự, Tin Mừng mời gọi chúng ta đáp lại tình yêu của Thiên
Chúa, Đấng yêu thương chúng ta và cứu độ chúng ta, nhận ra Ngài trong những
người khác, và ra khỏi mình để tìm kiếm sự tốt lành cho tất cả mọi người. Không
được che khuất lời mời gọi này trong bất cứ hoàn cảnh nào! Tất cả các nhân đức là
để phục vụ sự đáp trả yêu thương này. Nếu lời mời này không tỏa sáng cách mạnh
mẽ và hấp dẫn, tòa nhà giáo huấn về luân lý của Hội Thánh có nguy cơ trở thành
một ngôi nhà làm bằng giấy, và đó là nguy hiểm lớn nhất của chúng ta. Điều đó
có nghĩa là không phải thực sự Tin Mừng được công bố, nhưng là một số điểm về
giáo lý hay luân lý dựa trên những chọn lựa theo một tư tưởng nhất định nào đó.
Sứ điệp sẽ có nguy cơ mất sự tươi mát của nó và sẽ không còn có “hương thơm của
Tin Mừng”.
IV. Việc truyền giáo nhập thể trong
những giới hạn của con người
40. Hội Thánh, chính là môn đệ truyền
giáo, cần phải phát triển trong việc giải thích Lời Chúa được mạc khải và trong
sự hiểu biết của mình về chân lý. Công tác của các nhà chú giải và các nhà thần
học là giúp cho “phán đoán của của Hội Thánh được trưởng thành”.[42] Các nghành
khoa học khác cũng giúp cho công tác này. Chẳng hạn khi đề cập đến ngành khoa
học xã hội, Đức Gioan Phaolô II nói rằng Hội Thánh lắng nghe những đóng góp của
họ “để rút ra những dấu chỉ cụ thể giúp cho Huấn Quyền hoàn thành sứ mệnh của
mình”.[43] Ngoài ra, trong Hội Thánh, còn có hàng loạt những vấn đề đang được
tự do nghiên cứu và suy nghĩ một cách rộng rãi. Những dòng tư tưởng khác nhau
về triết học, thần học và chăm sóc mục vụ, nếu được hoà hợp bởi Chúa Thánh Thần
trong tinh thần tôn trọng và tình yêu, thì chúng có thể giúp Hội Thánh phát
triển, vì chúng giúp giải thích rõ hơn về kho tàng phong phú của Lời Chúa. Đối
với những người ước mơ về một học thuyết toàn khối (nguyên khối) được tất cả
mọi người bảo vệ mà không có một sự đa dạng nào, điều này có vẻ là một độ phân
tán không hoàn hảo. Nhưng thực tế thì sự đa dạng này giúp chứng tỏ và phát
triển hơn nữa các khía cạnh khác nhau của sự phong phú vô tận của Tin Mừng.[44]
41. Đồng thời, những thay đổi rộng lớn
và nhanh chóng về văn hóa đòi buộc chúng ta phải thường xuyên để ý tìm cách
diễn tả chân lý bất di dịch bằng một ngôn ngữ làm nổi bật tính mới mẻ cố hữu
của nó. Vì trong kho tàng giáo lý Kitô giáo “có một điều là bản chất [...] và
một điều khác là việc công thức hóa cách diễn tả nó.”[45] Đôi khi, nghe một
ngôn từ hoàn toàn chính thống, nhưng các tín hữu lại nhận được một điều gì đó không
phù hợp với Tin Mừng đích thực của Đức Chúa Giêsu Kitô, vì ngôn từ ấy xa lạ với
ngôn ngữ mà họ sử dụng và hiểu. Với chủ ý thánh thiện là truyền đạt chân lý về
Thiên Chúa và về con người, trong một số trường hợp, chúng ta lại cung cấp cho
họ một Thiên Chúa giả hoặc một lý tưởng nhân bản chứ không phải một lý tưởng
Kitô giáo thực sự. Bằng cách này, chúng ta trung thành với công thức nhưng
chúng ta không truyền thụ bản chất. Đây là nguy cơ nghiêm trọng nhất. Chúng ta
nên nhớ rằng “cách diễn tả chân lý có thể có nhiều hình thức, và việc đổi mới
các hình thức diễn tả là điều cần thiết để truyền thụ sứ điệp Tin Mừng cho con
người ngày nay theo ý nghĩa không thay đổi của nó”.[46]
42. Điều này có một tầm quan trọng lớn
trong việc rao giảng Tin Mừng, nếu chúng ta thực sự có trái tim để nhận thức
một cách rõ ràng hơn về vẻ đẹp của Tin Mừng và làm cho nó phù hợp với tất cả
mọi người. Dù sao, chúng ta sẽ không bao giờ làm cho giáo huấn của Hội Thánh
thành một điều dễ hiểu và được tất cả mọi người sung sướng thưởng thức. Đức tin
luôn vẫn giữ lại một bình diện thập giá, nó giữ lại một số điều khó hiểu mà
không làm giảm sự vững chắc của việc tán thành nó. Có những điều hiểu được và
được đánh giá cao từ sự tán thành này, là chị em của tình yêu, ngoài sự rõ ràng
mà chúng ta có thể hiểu được từ lý trí và lý luận. Đó là lý do tại sao chúng ta
phải nhớ rằng mọi giáo huấn của giáo lý phải được phản ảnh bằng thái độ của
người rao giảng Tin Mừng, là điều đánh thức sự ưng thuận của con tim bằng sự
gần gũi, yêu thương và làm nhân chứng.
43. Trong việc phân biệt liên tục của
mình, Hội Thánh cũng có thể nhận ra một số thói quen của mình không liên quan
trực tiếp đến cốt lõi của Tin Mừng, một số thói quen này đã mọc rễ trong dòng
lịch sử, mà ngày nay không còn được giải thích cùng một cách và sứ điệp của
chúng thường không được nhận thức cách đầy đủ. Chúng có thể đẹp, nhưng không
còn phục vụ cách tương tự cho việc truyền thụ Tin Mừng. Đừng sợ xét lại chúng. Tương
tự như thế, có những luật lệ hay giới răn của Hội Thánh có thể đã rất hiệu quả
ở những thời đại khác, nhưng không còn sức mạnh tương tự như trong việc giáo
dục đời sống. Thánh Thôma Aquinô đã nhấn mạnh rằng những giới luật được ban bởi
Đức Kitô và các Tông Đồ cho Dân Thiên Chúa thì “rất ít”.[47] Trích dẫn Thánh
Augustinô, ngài lưu ý rằng những giới luật được thêm vào bởi Hội Thánh phải đòi
hỏi một cách vừa phải để “không là gánh nặng cho đời sống của các tín hữu” và
biến tôn giáo của chúng ta thành một hình thức nô lệ, trong khi “lòng thương
xót của Thiên Chúa muốn nó được tự do”.[48] Lời cảnh báo này, đã được đưa ra từ
nhiều thế kỷ, có một tính thời sự đáng sợ. Điều này phải là một trong những
tiêu chuẩn được xét đến khi nghĩ đến một cuộc cải cách của Hội Thánh và lời
giảng của nó, là điều thực sự cho phép Hội Thánh đến được với tất cả mọi người.
44. Mặt khác, các mục tử và tất cả các
tín hữu đồng hành với anh em của mình trong đức tin hoặc trong cuộc hành trình
mở lòng ra với Thiên Chúa, không được quên rằng giáo huấn của Sách Giáo Lý của
Hội Thánh Công Giáo nói rất rõ ràng “Việc quy tội và trách nhiệm của một hành
động nào đó có thể được giảm thiểu và thậm chí được loại bỏ vì lý do không
biết, không chú ý, do áp lực, do sợ hãi, do thói quen, do quá gắn bó, và các nguyên
nhân khác về tâm lý và xã hội”.[49]
Do đó, để không làm giảm bớt giá trị của
lý tưởng của Tin Mừng, chúng ta phải đồng hành với lòng thương xót và kiên
nhẫn, những giai đoạn có thể tăng trưởng của con người được xây dựng từ từ hết
ngày này qua ngày khác.[50] Tôi nhắc lại với các linh mục rằng tòa giải tội
không phải là phòng tra tấn nhưng là nơi dành cho lòng thương xót của Chúa là
điều khích lệ chúng ta làm điều lành càng nhiều càng tốt. Một bước nhỏ, giữa những
giới hạn của con người, đẹp lòng Thiên Chúa hơn đời sống bề ngoài có vẻ phải lẽ
của một người cả ngày không phải đương đầu với một thách đố nào đáng kể. Mọi
người đều phải đến với sự an ủi và khích lệ của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa,
là điều hoạt động cách mầu nhiệm trong bất cứ ai, vượt trên và vượt ra ngoài
những lỗi lầm và sa ngã của họ.
45. Như vậy chúng ta thấy rằng việc dấn
thân của một người rao giảng Tin Mừng nằm trong những giới hạn của ngôn ngữ và
hoàn cảnh. Người ấy luôn luôn tìm cách truyền thụ chân lý của Tin Mừng cách
hiệu quả hơn trong một bối cảnh cụ thể, mà không từ bỏ chân lý, sự tốt lành và
ánh sáng mà người ấy có thể mang lại, cho dù sự hoàn hảo là điều không thể
được. Một quả tim truyền giáo ý thức được những hạn giới này và biến mình thành
“người yếu đuối với những kẻ yếu đuối [...], mọi sự cho mọi người” (1 Cor 9:
22). Người ấy không bao giờ tự đóng lòng mình, không bao giờ rút lui về chỗ an
toàn của mình, không bao giờ chọn cách tự vệ cứng rắn. Người ấy ý thức rằng
mình phải lớn lên trong sự hiểu biết về Tin Mừng và trong sự phân biệt những
con đường của Chúa Thánh Thần, và như thế, người ấy luôn luôn làm những điều gì
tốt mình có thể làm, mặc dù có nguy cơ bị lấm bùn đường.
V. Một người mẹ với một quả tim rộng mở
46. Hội Thánh “đi ra” là một Hội Thánh
với những cánh cửa mở rộng. Đi ra để đến với những người khác, để đến tận ngoại
vi của nhân loại không có nghĩa là chạy vội về phía thế gian mà không có định
hướng hay bất kỳ hướng nào. Thường thì tốt hơn là chậm lại, đặt sự lo âu sang
một bên để nhìn thẳng vào đôi mắt và lắng nghe, hoặc bỏ qua những nhu cầu cấp
bách để cùng đi với những người bị bỏ lại bên lề đường. Đôi khi như người cha
của đứa con hoang đàng, vẫn ở đó với cánh cửa mở ra bời vì khi trở về nó có thể
vào một cách dễ dàng.
47. Hội Thánh được mời gọi để luôn luôn
là ngôi nhà mở cửa của Chúa Cha. Một dấu chỉ cụ thể của việc mở cửa này là phải
có tất cả các nhà thờ với cửa mở rộng. Để nếu bất cứ ai muốn theo tác động của
Chúa Thánh Thần mà đến đó tìm Thiên Chúa, thì người ấy không gặp sự lạnh lùng
của một cánh cửa đóng kín. Nhưng có những cánh cửa khác cũng không được đóng kín.
Tất cả mọi người có thể tham gia vào đời sống Hội Thánh một cách nào đó, tất cả
mọi người có thể là một phần tử của cộng đồng, và ngay cả các cửa của các Bí
Tích cũng không được đóng lại vì bất cứ lý do nào. Điều này đặc biệt đúng đối
với Bí Tích là “cánh cửa”, Bí Tích Rửa Tội. Bí Tích Thánh Thể, mặc dù là sự
viên mãn của đời sống bí tích, nhưng không phải là một giải thưởng cho những
người hoàn hảo, mà là thần dược và lương thực cho những người yếu đuối.[51] Những
xác tín này cũng có ý nghĩa mục vụ mà chúng ta được mời gọi cân nhắc cách thận
trọng và mạnh dạn. Chúng ta thường hành xử như những người ban phát ân sủng chứ
không như những người giúp người khác dễ dàng lãnh nhận ân sủng. Nhưng Hội Thánh
không phải là một hải quan, mà là ngôi nhà của Chúa Cha, ở đó có chỗ cho tất cả
mọi người, với tất cả những khó khăn trong cuộc sống của họ.
48. Nếu toàn thể Hội Thánh thừa nhận
động năng truyền giáo này, thì chúng ta phải đi đến với tất cả mọi người mà
không trừ ai. Nhưng phải ưu tiên cho ai? Khi đọc Tin Mừng, chúng ta thấy một
định hướng rõ ràng: không phải những bạn bè và láng giềng giàu có, nhưng trên
hết là những người nghèo khổ và tật nguyền, những người thường bị khinh miệt và
lãng quên, “những người không có gì để trả lại cho anh em” (Lc 14:14). Không
còn gì để nghi ngờ hoặc giải thích, vì chúng chỉ làm yếu đi sứ điệp quá rõ ràng
này. Hôm nay và mãi mãi, “người nghèo là những người nhận được đặc quyền của
Tin Mừng”,[52] và việc loan báo Tin Mừng một cách nhưng không cho họ là dấu chỉ
của vương quốc mà Chúa Giêsu đã đến để thiết lập. Phải nói thẳng rằng có một sự
liên kết bất khả phân ly giữa đức tin và người nghèo. Chúng ta đừng bao giờ bỏ
rơi họ.
49. Chúng ta hãy đi ra, đi ra để cung
cấp cho tất cả mọi người sự sống của Đức Chúa Giêsu Kitô. Tôi lặp lại cho toàn
thể Hội Thánh điều mà tôi đã nói nhiều lần với các linh mục và giáo dân ở
Buenos Aires: Tôi muốn có một Hội Thánh bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì
đã ở ngoài đường, còn hơn một Hội Thánh bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám
vứu vào sự an toàn riêng của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ quan tâm
đến việc nằm ở trung tâm và cuối cùng bị vướng vào một mạng lưới của những cố
chấp và thủ tục. Nếu có một điều gì làm cho chúng ta lo âu một cách chính đáng
và làm cho lương tâm chúng ta áy náy, đó là một thực tại rằng nhiều người trong
anh chị em của chúng ta đang sống mà không có sức mạnh, ánh sáng và sự an ủi
phát sinh từ tình bằng hữu với Đức Chúa Giêsu Kitô, không có một cộng đồng đức
tin chào đón họ, không có chân trời ý nghĩa và sự sống. Hơn là sợ những sai
lầm, tôi hy vọng rằng chúng ta được thúc đẩy bởi việc sợ nhốt mình trong các cơ
cấu là những gì cho chúng ta một cảm giác an toàn giả tạo, trong các luật lệ là
những gì biến chúng ta thành những quan tòa không biết mủi lòng, với những thói
quen là những gì làm cho chúng ta cảm thấy an toàn, trong khi bên ngoài, có vô
số người đói khát, và Chúa Giêsu liên tục nhắc cho chúng ta rằng: “Các con hy
cho họ ăn” (Mc 6:37).
---------------------------------------------------
Notes:
[1] PAUL VI, Apostolic
Exhortation Gaudete in Domino
(9 May 1975), 22: AAS 67 (1975), 297.
[2] Ibid. 8: AAS 67 (1975),
292.
[3] Encyclical Letter Deus Caritas Est (25 December 2005), 1:
AAS 98 (2006), 217.
[4] FIFTH GENERAL CONFERENCE OF
THE LATIN AMERICAN AND CARIBBEAN BISHOPS, Aparecida Document, 29 June 2007, 360.
[5] Ibid.
[6] PAUL VI, Apostolic
Exhortation Evangelii Nuntiandi
(8 December 1975), 80: AAS 68 (1976), 75.
[7] Spiritual Canticle, 36, 10.
[8] Adversus Haereses, IV, c. 34, n. 1: PG 7, pars prior, 1083:
“Omnem novitatem attulit, semetipsum
afferens”.
[9] PAUL VI, Apostolic
Exhortation Evangelii Nuntiandi
(8 December 1975), 7: AAS 68 (1976), 9.
[10] Cf. Propositio 7.
[11] BENEDICT XVI, Homily at
Mass for the Conclusion of the Synod of Bishops (28 October 2012): AAS 104
(2102), 890.
[12] Ibid.
[13] BENEDICT XVI, Homily at
Mass for the Opening of the Fifth General Conference of the Latin American and
Caribbean Bishops (13 May 2007), Aparecida,
Brazil: AAS 99
(2007), 437.
[14] Encyclical Letter, Redemptoris Missio (7 December 1990),
34: AAS 83 (1991), 280.
[15] Ibid., 40: AAS 83 (1991),
287.
[16] Ibid., 86: AAS 83 (1991),
333.
[17] FIFTH GENERAL CONFERENCE
OF THE LATIN AMERICAN AND CARIBBEAN BISHOPS, Aparecida Document, 29 June 2007, 548.
[18] Ibid., 370.
[19] Cf. Propositio 1.
[20] JOHN PAUL II, Post-Synodal
Apostolic Exhortation Christifideles Laici
(30 December 1988), 32: AAS 81 (1989) 451.
[21] FIFTH GENERAL CONFERENCE
OF THE LATIN AMERICAN AND CARIBBEAN BISHOPS, Aparecida Document, 29 June 2007, 201.
[22] Ibid., 551.
[23] PAUL VI, Encyclical Letter
Ecclesiam Suam (6 August
1964), 9, 10, 11: AAS 56 (1964), 611-612.
[24]SECOND ECUMENICAL VATICAN COUNCIL, Decree on Ecumenism Unitatis Redintegratio, 6.
[25] JOHN PAUL II, Post-Synodal
Apostolic Exhortation Ecclesia in Oceania (22 November 2001), 19: AAS 94
(2002), 390.
[26] JOHN PAUL II, Post-Synodal
Apostolic Exhortation Christifideles Laici
(30 September 1988), 26: AAS 81 (1989), 438.
[27] Cf. Propositio 26.
[28] Cf. Propositio 44.
[29] Cf. Propositio 26.
[30] Cf. Propositio 41.
[31] SECOND VATICAN
ECUMENICAL COUNCIL, Decree on the Pastoral Office of Bishops Christus Dominus, 11.
[32] Cf. BENEDICT XVI, Address for
the Fortieth Anniversary of the Decree Ad
Gentes (11 March 2006): AAS 98 (2006), 337.
[33] Cf. Propositio 42.
[34] Cf. Canons 460-468;
492-502; 511-514; 536-537.
[35] Encyclical Letter Ut Unum Sint (25 May 1995), 95: AAS 87
(1995), 977-978.
[36] SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIl,
Dogmatic Constitution on the Church Lumen
Gentium, 23.
[37] JOHN PAUL II, Motu Proprio
Apostolos Suos (21 May 1998):
AAS 90 (1998), 641-658.
[38] SECOND VATICAN
ECUMENICAL COUNCIL, Decree on Ecumenism Unitatis
Redintegratio, 11.
[39] Cf. S. Th., I-II, q. 66, a. 4-6.
[40] S. Th., I-II, q. 108, a. 1.
[41] S. Th., II-II, q. 30, a. 4: “We do not
worship God with sacrifices and exterior gifts for him, but rather for us and
for our neighbour. He has no need of our sacrifices, but he does ask that these
be offered by us as devotion and for the benefit of our neighbour. For him,
mercy, which overcomes the defects of our devotion and sacrifice, is the sacrifice
which is most pleasing, because it is mercy which above all seeks the good of
one’s neighbour” (S. Th.,
II-II, q. 30, a. 4, ad 1).
[42] SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL,
Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei
Verbum, 12.
[43] Motu Proprio Socialium Scientiarum (1 January 1994):
AAS 86 (1994), 209.
[44] Saint Thomas Aquinas noted
that the multiplicity and variety “were the intention of the first agent”, who
wished that “what each individual thing lacked in order to reflect the divine
goodness would be made up for by other things”, since the Creator’s goodness
“could not be fittingly reflected by just one creature” (S. Th., I, q. 47, a. 1). Consequently,
we need to grasp the variety of things in their multiple relationships (cf. S. Th., I, q. 47, a. 2, ad 1; q. 47, a.
3). By analogy, we need to listen to and complement one another in our partial
reception of reality and the Gospel.
[45] JOHN XXIII, Address for
the Opening of the Second Vatican Council (11 October 1962): AAS 54 (1962),
792: “Est enim aliud ipsum depositum fidei,
seu veritates, quae veneranda doctrina nostra continentur, aliud modus, quo
eaedem enuntiantur”.
[46] JOHN PAUL II, Encyclical Letter Ut Unum Sint (25 May 1995), 19: AAS 87
(1995), 933.
[47] S. Th., I-II, q. 107, a. 4.
[48] Ibid.
[49] No. 1735
[50] Cf. JOHN PAUL II,
Post-Synodal Apostolic Exhortation Familiaris
Consortio (22 November 1981), 34: AAS 74 (1982), 123.
[51] Cf. SAINT AMBROSE, De Sacramentis, IV, 6, 28: PL 16, 464:
“I must receive it always, so that it may always forgive my sins. If I sin
continually, I must always have a remedy”; ID., op. cit., IV, 5, 24: PL 16,
463: “Those who ate manna died; those who eat this body will obtain the
forgiveness of their sins”; SAINT CYRIL OF ALEXANDRIA, In Joh. Evang., IV, 2: PG 73, 584-585:
“I examined myself and I found myself unworthy. To those who speak thus I say:
when will you be worthy? When at last you present yourself before Christ? And
if your sins prevent you from drawing nigh, and you never cease to fall – for,
as the Psalm says, ‘what man knows his faults?’ – will you remain without
partaking of the sanctification that gives life for eternity?”
[52] BENEDICT XVI, Address to
the Brazilian Bishops in the Cathedral of São
Paulo, Brazil
(11 May 2007), 3: AAS 99 (2007), 428.