SẮC
MÀU TRẮNG ĐEN
(NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM)
“Tình thương yêu phải là nét đặc trưng và là phương pháp
chính yếu của các Thầy Cô Giáo để dạy và giáo dục từng học sinh, sinh viên thân
yêu của mình, theo cách của Người Thầy tuyệt hảo nhất của nhân loại là Chúa
Giêsu, Thiên Chúa Tình Yêu” (ĐGM Đinh Đức Đạo)
Tháng 1 năm
1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ đã được thành lập ở Paris, thủ đô nước Pháp
lấy tên là FISE (Féderation International Syndicale des Enseignants - Liên hiệp
Quốc tế các Công đoàn Giáo dục). Vào năm 1949, tại Hội nghị Quốc tế Warsaw, thủ
đô Ba Lan, FISE đã xây dựng bản “Hiến chương các Nhà giáo” gồm 15 chương. Từ
ngày 26 đến ngày 30-8-1957, tại Thủ đô Warsaw, Hội nghị FISE, có 57 nước tham
dự, trong đó có cả Công đoàn Giáo dục Việt Nam, quyết định lấy ngày 20-11 làm
ngày Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo.
Tại Việt Nam,
năm 1982, ngày 20-11 được chọn làm Ngày Nhà Giáo Việt Nam, đến nay đã 31 năm.
Đây là ngày để học trò thể hiện tình cảm quý mến, kính trọng của mình đối với
Thầy Cô Giáo.
Đối với sự
tương phản của hai màu đen - trắng, hình ảnh cao đẹp của người thầy tựa như sắc
màu trắng qua nhiều tấm gương của bao thế hệ.
“Dẫu mai đi mọi phương trời
Những lời
thầy dạy đời đời khắc ghi”.
Đức Cha Giuse
Đinh Đức Đạo, tân Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công giáo, trực thuộc HĐGM Việt Nam đã gởi bức thư đến anh chị em Giáo chức Công
giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
20-11-2013. Ngài viết: “Trong truyền
thống văn hóa của đất nước ta, nghề dạy học luôn được coi trọng vì người thầy
không đơn thuần là người dạy bảo một kiến thức mà hơn thế nhiều, là người
truyền đạt một lý tưởng sống với cái tâm cao đẹp của mình” (WHĐ).
Tôn sư trọng
đạo là một truyền thống lâu đời của dân tộc. Nói đến nghề giáo, người Việt Nam
thường xem đây là nghề cao quý, nghề của những người tâm huyết đóng góp công
sức quý báu vào sự nghiệp trồng người bằng tất cả phẩm chất đạo đức của
mình.Người thầy sống với nghề, được xã hội trọng vọng, có quyền hành và có tự
do trong việc tổ chức giảng dạy và đánh giá học sinh của mình.
Còn người
thầy ngày nay trong xã hội Việt Nam
thì sao?
Theo tác giả
Nguyễn Khánh Trung, người thầy ngày nay nhất là đối với giáo viên phổ thông
thực sự là một người “thợ dạy” nghèo về vật chất, vất vả áp lực trong công
việc, thiếu tự do và quyền hạn trong chuyên môn, và do đó, cũng chẳng phong phú
gì về mặt tinh thần. Đó là màu đen từ thực tế của cuộc sống.
Trước
hết là chuyện cơm áo gạo tiền.
Theo kết quả
đề tài khoa học cấp Nhà nước do bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước,
làm chủ nhiệm cho thấy: “Thu nhập bình quân từ lương và các phụ cấp theo lương
trong khoảng từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng. Tính theo năm công tác thì lương
giáo viên sau 13 năm từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng, sau 25 năm từ 4,1 đến 4,7
triệu đồng/tháng. Giáo viên mới ra trường ở cả 3 cấp học nhận mức lương trên
dưới 2 triệu đồng/ tháng. Với số lượng Giáo viên như hiện nay, theo tính toán
của đề tài, chỉ khoảng 50% Giáo viên các cấp có thâm niên dạy học từ 13 năm trở
lên và được hưởng mức lương bình quân, 50% còn lại được hưởng dưới mức lương
bình
quân”(x.tuoitre.vn/Tuyensinh/Tuyen-sinh/492748/Nhieu-nganh-tiep-tuc-%e2%80%9ce%e2%80%9d.html).
Lương của
Giáo viên như thế, trong khi vật giá đắt đỏ, các thầy cô cứ phải sống tằn tiện
qua ngày. Nếu hai vợ chồng cùng là giáo viên, nuôi hai đứa con ăn học, thì kể
là đói. Có thực mới vực được đạo, bụng mà còn đói thì khó có thể nói chuyện lý
tưởng “trồng người”, tiêu cực dạy thêm học thêm, mua bán, trao đổi điểm chác
cũng từ đây mà ra, làm nền giáo dục đi xuống, làm hình ảnh người thầy nhếch
nhác trong mắt học trò và xã hội.
Về
thời gian
Trước đây tuy
vẫn thiếu thốn, nhưng người giáo viên còn thong dong về mặt thời gian vì họ chỉ
dạy một buổi, nay đa số trường dạy hai buổi một ngày, nên họ phải có mặt ở
trường từ sáng sớm đến chiều, về tới nhà lại còn phải lo chuyện gia đình, con
cái, rồi bao nhiêu chuyện không tên như soạn giáo án, làm sổ sách, vv. Ngày này
qua ngày khác làm họ mệt mỏi, những người có lý tưởng khi mới vào nghề vì vậy
cũng phai nhạt dần.
Chuyện thiếu
thời gian, thu nhập ở trên đã là vấn đề, thì chuyện áp lực trong nghề nghiệp là
vấn đề trầm trọng, thường trực đối với người thầy hiện nay. Nhiều giáo viên bị
căng thẳng thường trực vì luôn chịu áp lực. Căng thẳng vì phải luôn lo đối phó
với các đoàn thanh tra, kiểm tra từ Bộ, từ sở, từ phòng và từ ban giám hiệu
trường. Có những đợt thanh tra, dự giờ có báo trước, nhưng cũng có nhiều lúc
không báo trước. Để đối phó với các đoàn thanh tra, giáo viên nhiều lúc phải bố
trí cho học sinh đóng kịch, tạo ra các giờ học “chất lượng” giả tạo, không phản
ánh đúng chất lượng thật, không tốt gì cho học sinh và cho cả xã hội.
Người
thầy còn chịu áp lực vì bệnh thành tích
Hệ quả của
cách quản lý giáo dục kiểu “thi đua khen thưởng”. Cả hệ thống giáo dục phổ
thông Việt Nam
hiện nay tựa như một trường đua mà đích đến là đủ thứ danh hiệu gắn liền với cá
nhân với tập thể. Người ta nhắc lên đặt xuống các cán bộ quản lý, các giáo viên
và cả học sinh đều dựa chủ yếu trên các thành tích thi đua khen thưởng này. Sự
hơn thua trong các cuộc đua được đánh giá thông qua các thành tích điểm số bên
ngoài. Vì phải đua, nhà trường khoán cho giáo viên làm sao đó để cuối kỳ, cuối
năm, phải đạt bao nhiêu học sinh khá, giỏi, xuất sắc nhằm có được những con số
đẹp trong các báo cáo. Ngoài chuyện này, hệ thống còn tổ chức vô số các cuộc
đua khác, một người bạn giáo viên tiểu học viết thư cho tôi kể: “bọn mình dạy
tiểu học đến trường ngày 2 buổi cho đến hết tuần. Tối về lại bao nhiêu việc
không tên khác như làm báo cáo, soạn bài, làm các chuyên đề để lên lớp và ôn
luyện cho các cuộc thi: Thi quản lí giỏi, giáo viên dạy giỏi các cấp, thi khảo
sát chất lượng quản lí và giáo viên, hội thi hát dân ca, thi đàn piano, thi
luật an toàn giao thông….Tháng 1 này (2013) chúng mình đếm có đến 6 cuộc thi
quan trọng. Nghe thầy Hiệu trưởng công bố chúng mình hồn vía lên mây xanh cả,
cảm thấy áp lực vô cùng”.
Người
thầy bị giao phó đủ thứ nhưng lại chẳng có quyền hành gì trong công việc.
Các đề thi
các kỳ kiểm tra trong năm đều do phòng và sở giáo dục ra. Nghĩa là giáo viên cứ
dạy theo những gì có sẵn, nhưng ai đó bên trên họ lại là người giữ quyền đánh
giá học sinh của họ. Không có quyền gì, nhưng họ lại là người phải chịu trách
nhiệm nếu như học sinh mình không đỗ đạt cao. Kiểu tổ chức thi cử đánh giá này
thể hiện sự không tin tưởng và tôn trọng người thầy, đặt cả thầy và trò vào thế
bị động, buộc họ phải đối phó một cách căng thẳng và tiêu cực. Với cách làm
này, chúng ta hoàn toàn dễ hiểu tại sao giáo viên sẵn sàng dạy “văn mẫu” cho
học sinh, vì chỉ làm như vậy mới có thể đối phó với các đề thi áp đặt từ trên
xuống. (nguồn:Tia Sáng).
Trong bối
cảnh của nền giáo dục hôm nay, thiếu định hướng, với căn bệnh trầm kha thi đua
“đạt chỉ tiêu”, được hỗ trợ bởi phương pháp dạy nhồi nhét, học vẹt, học tủ,
quay cóp, chương trình dạy học nặng nề, giáo dục được cân đong đo đếm bằng
tiền, bằng con số, bằng thành tích, bằng số lượng chứ không bằng chất lượng, uy
tín của người thầy đang bị giảm sút trầm trọng.
Tại sao có
những sắc đen trong bức tranh giáo dục? Bằng cách phân tích Nhu cầu và Mong
muốn theo Thang Nhu Cầu của MASLOW, thầy Giuse Mai Thanh Hoài đã đưa ra phân
tích:
-
Nhu cầu sinh lý học: Ngành giáo dục
ngày nay đã không chú trọng đến nhu cầu cơ bản của giáo viên khi nhu cầu cơ bản
nhất của con người là làm sao được no bụng. Chính cuộc mưu sinh mà xã hội đã biến
người thầy mất đi tâm huyết của nghề giáo vì không phải ai cũng cam chịu cảnh sống
thiếu thốn để giữ vững đạo làm thầy.
-
Nhu cầu an toàn: cả về tinh thần
và vật chất là làm sao để người ta sống mà không phải sợ, như lo sợ về thu nhập,
lo sợ về thất nghiệp. Đối với người thầy nhu cầu an toàn chính là hình ảnh người
thầy trước mắt học trò.
-
Nhu cầu xã hội: Người ta thường truyền
nhau rằng: “thầy giáo, tháo giày”, vì hai nhu cầu trước không được đáp ứng đầy
đủ, người thầy không được chỉnh tề trong cách đi đứng, ăn mặc nên địa vị người
thầy mất đi trong mắt học trò.
-
Nhu cầu lòng tự trọng:
món quà 20-11 mất đi ý nghĩa khi vấn nạn quà cáp tràn lan, đôi khi người thầy
không được tôn trọng trong suy nghĩ của học trò, của phụ huynh qua hành động tặng
quà.
-
Nhu cầu tự thể hiện mình:
nhân cách, giá trị, những tiềm năng và khát vọng của người thầy không được phát
huy trong chính môi trường giáo dục.
Màu trắng thanh
cao của nghề giáo bị lấn lướt bởi màu đen của thực tế xã hội.
Nhân ngày Nhà
giáo năm nay, Đức Cha Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công giáo mời gọi quý Thầy Cô
Giáo hãy nhìn lên mẫu gương Người Thầy tuyệt hảo là Chúa Giêsu, sống yêu thương
trong sứ vụ ‘trồng người”cao đẹp của mình: “Nơi
nhiều trường học, người ta thấy dòng chữ ‘Tiên học lễ, hậu học văn’. Điều tâm niệm này không chỉ là kim chỉ nam
cho các học sinh, sinh viên, nhưng cũng là điều để nhắc nhớ quý Thầy Cô Giáo:
bên cạnh việc giúp học sinh, sinh viên lãnh hội tri thức, quý Thầy Cô Giáo, với
trách nhiệm và bằng tình yêu thương của mình, sẽ luôn ưu tiên, coi trọng việc
hướng dẫn, giúp đỡ và khích lệ các em luyện tập những đức tính cần thiết, nhất
là tình yêu thương. Đây là điều mọi người ước mong và khát khao, nhưng lại là
điều thiếu thốn nhất. Để thành công, các em cần có nhiều kiến thức và khả năng,
nhưng để có một cuộc sống hạnh phúc, xứng đáng với nhân phẩm, các em phải được
yêu thương để học hỏi cách sống yêu thương. Tình yêu là sức mạnh nguyên thủy,
mạnh hơn mọi sức mạnh, vì phát xuất từ chính Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4,16)
và được thông truyền vào lòng mỗi người. Vì thế, tình thương yêu phải là nét
đặc trưng và là phương pháp chính yếu của các Thầy Cô Giáo để dạy và giáo dục
từng học sinh, sinh viên thân yêu của mình, theo cách của Người Thầy tuyệt hảo
nhất của nhân loại là Chúa Giêsu, Thiên Chúa Tình Yêu” (WHĐ).
Cầu chúc quý
Thầy Cô luôn là những sứ giả tình yêu của Thiên Chúa.
Lm Giuse
Nguyễn Hữu An