Lời Chúa cntn 34c _ giáo lý Phúc Âm


Giáo Lý Phúc Âm
Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua năm C
2Sm 5,1-7.10; Cl 1,12-20; Lc 23,35-43
I.                      Giáo Huấn Phúc Âm
Từ khi sinh ra cho đến khi kết thúc cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu luôn là Đấng cứu thế. Ba đạo sĩ đã đi tìm Đấng Cứu Thế mới sinh ra ở thành Bêlem. Anh trộm lành đã được Chúa ban ơn cứu rỗi ở cuối đời: hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng.
Làm vua có nghĩa là làm Đấng Cứu Thế, Đấng mang ơn cứu rỗi cho nhân loại.
Chúa Giêsu là vua cứu độ là Đấng mang hạnh phúc thiên đàng cho thần dân.
II.                   Vấn nạn Phúc Âm
 Phía trên đầu người có bản án viết: “Đây là vua người Do Thái!”
Bấy giờ ông Philatô truyền đem Ðức Giêsu đi và đánh đòn. Bọn lính kết một vòng gai làm vương miện, đặt lên đầu Người, và khoác cho Người một áo choàng đỏ. Họ đến gần và nói: "Kính chào Vua dân Dothái!", rồi vả vào mặt Người… ..
Bấy giờ ông Philatô trao Ðức Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá.
Vậy họ điệu Ðức Giêsu đi. Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Hípri là Gôngôtha; tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Ðức Giêsu thì ở giữa. Ông Philatô cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá; bảng đó có ghi: "Giêsu Nadarét, Vua dân Dothái". trong dân Dothái, có nhiều người đọc được bảng đó, vì nơi Ðức Giêsu bị đóng đinh là một địa điểm ỏ gần thành. Tấm bảng này viết bằng các tiếng Hípri, Latinh và Hylạp. Các thượng tế của người Dothái nói với Philatô: "Xin ngài đừng viết: "Vua dân Dothái" nhưng viết: "Tên này đã nói: Ta là Vua dân Dothái". "Ông Philatô trả lời: "Ta viết sao, cứ để vậy!"
Chương 19 của Phúc Âm Thánh Gioan cho chúng ta thấy một lúng túng trong bản án của tử tội Giêsu. Người Do Thái trước tòa án Thượng tế Caipha, buộc tội Chúa dám tự nhận mình là con Thiên Chúa. Cùng một con người Giêsu nầy, nhưng thành tội phạm chính trị, dám tôn mình làm vua chống lại hoàng đế La Mã trước tòa án chính trị của Philatô. Người Do Thái lúng túng vì muốn giết người hợp pháp mà không tìm ra tội chống luật pháp. Sau cùng thì ra bản án “Vua dân Do Thái!”
Chính dân Do Thái giết vua của mình! Philatô muốn nói thế! Hay Philatô muốn nói rằng: các ông muốn giết người mà tìm không ra tội thì ta gán cho hắn tội nầy là tội làm vua. Thật sự Chúa Giêsu là vua cứu thế, chinh phục nhiều tâm hồn, ông ta lặn lội từ Nam chí Bắc để rao giảng tin mừng, để cứu chữa người bệnh hoạn tật nguyền... Ông ta là vua dân Do Thái.
Phúc Âm Thánh Gioan kết thúc “vụ án Giêsu” với những lời trối của Chúa Giêsu. Phúc Âm Thánh Luca, Phúc Âm của lòng thương xót đã kết thúc vụ án Giêsu với ơn cứu độ được ban cho người trộm lành: Hôm nay ngươi sẽ ở với Ta trên thiên quốc. Kết thúc bằng tuyên xưng: Chúa Giêsu là vua cứu thế. Nên bản án thành một tuyên xưng chân lý: Chúa Giêsu, vua cứu thế!
Nhục hình Thập giá (Nguồn: Huỳnh Christian Timothy trong tìmhieutinlành.net)
Thập tự giá là một hình cụ được dùng để xử tử phạm nhân từ thời xa xưa. Vào khoảng năm 519 TCN, Darius (522-488 trước Công nguyên) vua Ba Tư đã ra lệnh đóng đinh 3,000 người không cùng chung quan điểm về chính trị với ông vào thập tự giá tại Babylon.
Cách xử tử này được áp dụng trong các đế quốc Hy Lạp và Rôma. Đến cuối thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên, thì hình phạt bị đóng đinh trên thập tự giá trong Đế Quốc La-mã chỉ dành riêng cho những nô lệ và những tội nhân không có quốc tịch La-mã, trừ khi là tội phản quốc.
Vào thời điểm này thì thập tự giá bao gồm một thanh đứng và một thanh ngang. Thanh đứng được chôn sẵn tại pháp trường. Thanh ngang được lưu trữ tại pháp đình. Sau khi bản án được tuyên bố thì tội nhân bị đánh đòn, rồi thanh ngang của thập tự giá được đặt ngang trên hai vai của tội nhân, hai cánh tay của tội nhân bị trói vào đó, và tội nhân bị quân lính áp giải từ pháp đình ra pháp trường.
Tại pháp trường, thanh ngang của thập tự giá được đặt nằm trên mặt đất, tội nhân bị lột hết quần áo, hai tay bị căng ra và hai cổ tay bị cột vào thanh ngang. Sau đó, mỗi bàn tay bị đóng vào thanh ngang bằng một mũi đinh lớn. Thanh ngang của thập tự giá cùng với thân hình của tội nhân được kéo lên trên thanh đứng của thập tự giá bằng một hệ thống ròng rọc. Khi thanh ngang đã được kéo lên, khớp vào chỗ đã định trên thanh đứng, thì dây kéo được cột vào khoen móc có sẵn trên thanh đứng, và hai bàn chân của tội nhân bị đóng đinh vào thanh đứng. Một số các hình minh họa vẽ hình hai bàn chân của tội nhân bị chồng lên nhau và bị đóng vào thanh đứng của thập tự giá bằng một mũi đinh. Tuy nhiên, minh họa như vậy là không đúng; theo luật Rôma thì tử tội phải bị đóng đinh vào thập tự giá với bốn mũi đinh nơi hai bàn tay hoặc hai cổ tay và hai bàn chân. Sau cùng là một tấm bảng ghi tên và tội của tội nhân được đóng vào thanh đứng, phía trên đầu của tội nhân.
Người bị đóng đinh trên thập tự giá có thể sống thoi thóp đến vài ngày và bị chim trời rỉa thịt trong lúc còn sống. Theo luật Rôma thì xác chết phải bị lưu lại trên thập tự giá để răn đe người khác đừng phạm pháp như tử tội, cho đến khi có lệnh của nhà cầm quyền cho phép lấy xuống. Trong trường hợp đó, người ta đánh gãy ống xương chân của tử tội để cái chết mau đến.
Cái chết vì bị đóng đinh trên thập tự giá là một cái chết vô cùng đau đớn mà cũng vô cùng nhục nhã, vì tội nhân bị treo trần truồng trước công chúng, tiểu tiện tại chỗ. Đến nỗi, chính quyền Rôma cũng có luật không áp dụng hình phạt bị đóng đinh vào thập tự giá cho công dân của họ.
Ngày 14 tháng 9 hàng năm, Giáo Hội Công Giáo có lễ suy tôn Thánh giá để biệt kính việc hy sinh tột cùng của Chúa Giêsu trên Thánh giá vì phần rỗi nhân loại. Chúa đã dùng nhục hình thánh giá mà mang ơn phúc cho chúng ta.
Thánh giá thành dấu cứu độ và được tôn vinh khắp nơi trên toàn thế giới. Người chết trên thánh giá thành vua cứu thế.
Hàng năm, chúng ta có ngày thứ Sáu Tuần Thánh, ngày suy tôn Thánh giá Chúa bằng việc giương cao Thánh Giá để mọi người thờ lạy và hôn kính. Từ Good Friday trong tiếng Anh thật có ý nghĩa vì diễn tả được ngày Thứ Sáu, ngày Chúa chết là ngày tốt, ngày hồng phúc mang ơn cứu độ cho nhân loại. Chúa chết trên Thánh giá mang ơn cửu độ cho nhân loại! Good Friday!
III.               Thực hành Phúc Âm
Thánh giá vẫn còn đây.
Ngay sau Thánh lễ đại trào sáng ngày 15.8 tại Lavang, tôi vội vã rời linh địa để bắt kịp taxi đang chờ trở về Đà Nẵng. Đoạn đường chỉ dài chừng hai cây số trước đền thánh La Vang bị tắc nghẽn vì người và xe. Xe vào đón khách, người ra đón xe. Chen lấn, kêu réo, hò hét giành đường… hỗn loạn. Quang cảnh và cách hành xử xem chừng quá khác so với khung cảnh hành lễ mới kết thúc trước đây chừng 20 phút.
Tôi không còn lối thoát! Phải chịu để dòng người chen lấn đưa đẩy tới đâu thì tới! Bỗng dưng, một bàn tay đàn ông từ phía sau nắm giữ lấy ót tôi và một bàn tay khác thọc vào cổ giựt phăng chiếc dây chuyền bằng vàng mà tôi được tặng làm quà cách đây nhiều năm. Tôi ú ớ la “giựt dây chuyền! ăn cắp!” Không một ai hưởng ứng cứu bồ. Một chị trông khá giang hồ đứng gần che miệng cười khúc khích!
Nghe cái gì là lạ nơi thắt lưng, tôi nghĩ ngay đến con dao nhọn. Nhưng không! Cây thánh giá rơi lại từ cọng dây chuyền bị giựt rơi xuống thắt lưng. Tôi nói thành lời “Thánh giá vẫn còn đây!” Phải thánh giá vẫn còn đồng hành với tôi trong cuộc đời. Bây giờ, chiếc dây chuyển vàng được thay thế bằng sợi dây dù bền chắc để giữ cây thánh giá. Thánh giá cuộc đời.
 Nhiều tặng vật chúng ta có trong cuộc đời. Chúng đến rồi đi. Chúng có đó một thời gian rồi biến mất, vì cuộc sống có quá nhiều thay đổi. Tuy nhiên, có một tặng vật luôn kề cận và đồng hành với chúng ta như hình với bóng. Cây Thánh giá cuộc đời. Chúa trao tặng chúng ta ngày chúng ta được rửa tội. Ngày rửa tội, ngày được nhận làm Kitô hữu, người mang chính tên Chúa Giêsu, Đấng cứu thế, Đấng dùng Thánh giá cứu chúng ta. Chúng ta cũng chỉ được cứu độ nếu biết “vác thánh giá mà theo Ta”
Cám ơn Chúa! Thánh giá đời con vẫn còn đây. Ơn cứu độ là niềm hy vọng đời con! Amen.
Chuyện của hai người gần chết.
Chúa Giêsu trên thập giá đang gần chết.
Tên trộm chịu đóng đinh chung cũng gần chết.
Khi gần chết thì người ta thường ham sống!
Khi gần chết thì người ta vẫn muốn cứu sống!
Anh trộm lành gần chết nhưng còn ham sống: Một cuộc sống khác sau khi chết.
Chúa Giêsu gần chết nhưng vẫn còn muốn cứu sống!
Hai người gần chết treo trên thánh giá đã tâm sự lời cuối:
Một đàng nói: Xin cứu tôi. Một đàng đáp: Sure! OK! See you soon on paradise!
Người Việt Nam ngày nay hay dùng chữ “bó tay!” để nói lên cái bất lực trước một yêu cầu hay tình trạng bí lối trước một hoàn cảnh. Thí dụ: Đứa con gái bỏ học, dọn nhà đi theo bạn trai. Cha mẹ nhìn con mình hư mà “bó tay!”; Cha Xứ nhiều khi chịu chơi quá đáng, cũng nhâm nhi, cũng hay đi sớm về tối… Hết hội đồng tới hội đoàn khuyên… nhưng cha vẫn chứng nào tật nấy… thôi thì đành “bó tay!” Ổng là Cha mà còn xây dựng cái gì nổi!
Tay Chúa bị đóng đinh dính chặt vào thập giá. Tuy nhiên Chúa vẫn không bó tay chút nào. Lời cứu độ không đến bằng tay nhưng đến bằng tâm và bằng tình thương! Ta nói thật: Hôm nay anh sẽ ở trên thiên đàng với ta. Tình yêu thương và lời cầu nguyện chân thành vẫn còn hiệu lực và có kết quả tốt trong việc mà chúng ta thấy dường như bó tay bất lực.
Lm. Phêrô Trần thế Tuyên