HY VỌNG
Chúa Kitô đã sống lại!
Chúa Kitô sẽ lại đến.
Đó là ý nghĩa của Mùa Vọng. Đó là đừng
mất hy vọng.
Một trận động đất khủng khiếp đã chôn vùi
30,000 người ở Armenia vào năm 1989. Không lâu sau khi thảm họa xảy ra, một người
cha chạy đến trường của đứa con và ông rụng rời nhìn thấy ngôi trường hoàn toàn
sụp đổ.
Nhớ đến vị trí lớp học của đứa con là ở một góc
trường, ông chạy đến đó và bắt đầu đào xới, với hai bàn tay ông lôi ra những mảng
gạch vụn.
Các phụ huynh khác, đang đứng than khóc gần đó,
tìm cách ngăn cản ông, họ nói, “Trễ quá rồi!
Tất cả chúng nó đều chết hết! Trễ quá rồi!” Ngay cả cảnh sát cũng tìm cách
can gián ông. Nhưng ông tiếp tục đào xới.
Ông đào trong 36 giờ đồng hồ không ngừng nghỉ.
Vào giờ thứ 38 ông nghe có tiếng nói. Ông la lên, “Armand!”. Tiếng đứa
con trai gọi lại, “Bố!”
Sau đó là một cuộc đối thoại
lạ thường. Đứa con trai la lên từ đống gạch vụn: “Bố ơi! Có 14 đứa chúng con ở đây. Con nói tụi nó là đừng có lo. Con
nói với tụi nó là bố sẽ đến.”
Khi người ta nghe tiếng của
Armand, họ cùng với người cha đào xới. Trong vòng nhiều phút sau đó, tất cả 14
đứa con trai được cứu sống. Chúng được bình an, chỉ sợ hãi, đói và khát một
chút.
Khi tòa nhà đổ xuống, căn
phòng chúng ở thì sập xuống thành hình tam giác, giữ cho chúng khỏi bị đè bẹp
(trích từ câu chuyện của Mark V. Hansen trong cuốn Chicken Soup for the Soul).
Có nhiều cách để nhìn vào
câu chuyện lạ thường này. Tỉ như, chúng ta có thể nhìn từ quan điểm của dân
chúng và cảnh sát.
Khi họ nhìn thấy tòa nhà sụp
đổ, họ mất tất cả hy vọng, họ không tin rằng bất cứ ai có thể sống sót.
Hoặc chúng ta có thể nhìn
từ quan điểm của người cha của Armand. Ông thấy tòa nhà vụn vỡ nhưng ông không
mất hy vọng, ông tin rằng con ông có thể còn sống.
Sau cùng, chúng ta có thể
nhìn từ quan điểm của 14 đứa trẻ bị kẹt trong đống gạch vụn của tòa nhà.
Chúng không bao giờ mất hy
vọng, phần lớn là vì niềm tin lì lợm của Armand, nó tin rằng cha của nó sẽ đến
giải cứu.
Từ quan điểm của các học
sinh, câu chuyện này là một minh họa tuyệt vời cho câu chuyện Mùa Vọng.
Trước khi Đức Giêsu giáng
lâm, dân chúng Israel ở trong một hoàn cảnh tương tự như 14 học sinh.
Họ bị giam hãm trong một
thế giới suy sụp về luân lý và tinh thần. Tất cả những gì họ có thể làm là chờ
đợi trong tăm tối, hy vọng sẽ có sự cứu thoát.
Nhờ các ngôn sứ như Isaia,
trong bài đọc một hôm nay, họ giữ vững đức tin. Ngôn sứ Isaia luôn nói với họ
là hãy tin tưởng vào Cha trên trời, cũng như Armand luôn nói với chúng bạn rằng
hãy tin tưởng vào cha của nó.
Nhiều người ngày nay cũng
giống như các cha mẹ than khóc đứng chung quanh ngôi trường sụp đổ sau trận động
đất.
Họ thấy thế giới chúng ta
trong một tình trạng suy sụp về luân lý và tinh thần. Họ không nhìn thấy gì
khác hơn là cả một núi tội ác, chiến tranh, ma túy, thối nát, và không tôn trọng
mọi hình thức sự sống. Họ bỏ cuộc và chỉ đứng nhìn, than khóc cho hoàn cảnh.
Cũng có những người, giống
như các học sinh, bị giam trong một núi gạch vụn. Quả thật họ trong một hoàn cảnh
tuyệt vọng. Điều duy nhất đem cho họ hy vọng là đức tin lạ thường của những người,
giống như em Armand.
Sau cùng, có những người
như cha của Armand. Họ cũng nhìn thấy một đống suy sụp về luân lý và tinh thần,
nhưng họ không bỏ cuộc.
Hãy để ý đến một thí dụ thật
hay của một trong những người này.
Mẹ của Bs. Ben Carson lớn
lên trong hoàn cảnh nghèo nàn tồi tệ ở Detroit. Chồng bà từ bỏ bà khi Ben tám
tuổi.
Bà thấy hai mẹ con bị kẹt
trong một sự suy sụp về luân lý và tinh thần của thế giới chung quanh. Nhưng
thay vì tuyệt vọng, bà bám víu lấy tia sáng đức tin nơi Thiên Chúa, sâu thẳm
trong linh hồn của bà.
Tia sáng đức tin đó đã đem
cho bà sức mạnh để làm ba công việc ít lương cùng một lúc để sống còn.
Trong hoàn cảnh đó, bà tìm
chút thời giờ để khích lệ Ben, bà nói, “Con
có thể trở nên bất cứ gì con muốn, nếu con tin rằng Chúa sẽ giúp con, nếu con tự
giúp chính mình.”
Được khích lệ bởi lời của
mẹ, Ben đã thi hành đúng như vậy.
Ngày nay, Bác Sĩ Ben
Carson là một trong những bác sĩ não khoa hàng đầu quốc gia và cũng là tiếng
nói hy vọng hàng đầu của ngành y khoa này.
Nói với các học sinh trung
học ở trường cũ của ông, bác sĩ Ben nói:
“Hãy nghĩ đến điều vĩ đại! Hãy đặt tầm nhìn thật cao như ngọn Everest. Không
ai được sinh ra để thất bại.” (Câu chuyện Carson, trích từ Christopher News Notes, February 1993)
Câu chuyện của Armand và
người cha, câu chuyện của Isaia và dân Israel, câu chuyện của Ben và người mẹ
là những tia hy vọng cho thế giới ngày nay, là nơi nhiều người mất hy vọng.
Những câu chuyện này mời
chúng ta hãy trở nên tiếng nói hy vọng cho thế giới ngày nay. Và nền tảng cho
niềm hy vọng đó được tìm thấy nơi đức tin của chúng ta vào Chúa Giêsu – một niềm
tin mà chúng ta tuyên xưng trong mỗi Thánh Lễ khi chúng ta cầu nguyện rằng:
Chúa Kitô đã chết!
Chúa Kitô đã sống lại!
Chúa Kitô sẽ lại đến.
Đó là ý nghĩa của Mùa Vọng.
Đó là đừng mất hy vọng.
Đó là hãy tin tưởng, dù có
tăm tối và tuyệt vọng thế nào đi nữa.
Đó là về niềm tin nơi Chúa
Giêsu, là người đã đến thế giới của chúng ta cách đây 2,000 năm, đã sống, đã chết,
đã sống lại và đã hứa là sẽ trở lại vào cuối thời gian.
Và khi Đức Giêsu trở lại,
chúng ta sẽ nghe cùng một tiếng nói mà tác giả sách Khải Huyền được nghe gần
2,000 năm trước khi ông viết:
Tôi nghe từ phía ngai có
tiếng hô to: "Ðây là nhà tạm Thiên
Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn
chính Người sẽ là Thiên Chúa ở cùng họ.
Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn
tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ biến mất" (Kh 21:4).
Đây là thông điệp hy vọng
trong các bài đọc hôm nay.
Đây là thông điệp hy vọng
mà chúng ta cử hành trong mùa Vọng.
Đây là thông điệp hy vọng
mà chúng ta tuyên xưng cho toàn thế giới khi chúng ta nói:
Chúa Kitô đã chết!
Chúa Kitô đã sống lại!
Chúa Kitô sẽ lại đến.