Đức Mẹ Maria _ tháng Mân Côi và tái truyền giáo chính mình


THÁNG MÂN CÔI
và việc tái truyền giáo chính mình
(Chúa nhật Truyền giáo - Năm C)
Truyền giáo chủ yếu là truyền một lối đi gặp được Chúa tình thương, cứu độ... một lối đi cụ thể là chân dung và cuộc sống của Con Chúa nhập thể, dễ thương, dễ gần gũi, dễ đồng cảm với những khổ đau của con người, thì đó là lối đi hấp dẫn, nên chọn.
ĐGM. GB Bùi Tuần
Tháng Mười quen được gọi là Tháng Đức Mẹ Mân Côi. Trong tháng này, Giáo Hội, đâu đâu cũng được nhắc nhở dâng lên Đức Mẹ chuỗi kinh Mân Côi. Chuỗi kinh Mân côi ví như bó hoa hồng thiêng liêng hái từ vườn Phúc Âm.
Riêng tại Giáo Hội Việt Nam, tháng Mân Côi bao giờ cũng là một luồng gió đạo đức, thổi sức sống thiêng liêng vào từng gia đình, từng tâm hồn lớn nhỏ.
Năm nay là năm Truyền giáo, tháng Mân Côi nên được vận dụng cho việc truyền giáo. Theo thiển ý của tôi, việc truyền giáo nên luôn luôn khởi sự từ chính mình.
Việc tái truyền giáo chính mình có thể sẽ được thực hiện rất tốt nhờ chuỗi kinh Mân Côi. Bởi vì chuỗi kinh Mân Côi kể lại vắn tắt dung mạo Chúa Cứu thế và conđường Người đã đi.
Con đường đó cũng là con đường Đức Mẹ đã đi, theo tinh thần “xin vâng”, để trở thành Đấng đồng công cứu chuộc loài người. Riêng tôi, khi suy gẫm các mầu nhiệm trong chuỗi kinh Mân côi, tôi nhận ra việc tái truyền giáo chính mình tập trung vào ba điểm sau đây:
1/ Nhìn rõ hơn những nét quan trọng của chân dung Chúa Cứu thế và con đường Người đi.
Chân dung Chúa Cứu thế có những nét nổi bật, như: Khiêm nhường từ trời bước xuống, khiêm nhường mặc lấy thân phận kẻ nghèo hèn, vâng lời Chúa Cha trong mọi sự, yêu thương đến hy sinh mạng sống mình, khó nghèo từ sinh ra đến lúc chết.
Con đường Người đi cũng thế. Thánh Phaolô đã tóm tắt như sau:
“Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người.” (Pl 2,6-9)
Con Thiên Chúa xuống thế làm người là như thế đó. Để gần gũi những người nghèo. Để chia sẻ thân phận những người khổ đau. Để làm chứng lòng Chúa thương xót chúng ta, và để chúng ta hiểu tội lỗi chúng ta được đền bằng một giá cao đến thế nào.
Tôi thấy một giáo lý đơn sơ thiết thực về Chúa Cứu thế như vậy thường dễ đánh động lòng chúng ta, giúp chúng ta gần lại Người hơn, và dễ đặt hy vọng vào Người hơn. Nhất là khi ta cảm thấy mình quá tội lỗi, yếu hèn, trên bờ vực thẳm.
Truyền giáo chủ yếu là truyền một lối đi gặp được Chúa tình thương, cứu độ. Nếu lối đi đó chẳng may là những lý thuyết cao vời, thì sẽ không hấp dẫn. Trái lại, một lối đi cụ thể là chân dung và cuộc sống của Con Chúa nhập thể như trên, dễ thương, dễ gần gũi, dễ đồng cảm với những khổ đau của con người, thì đó là lối đi hấp dẫn, nên chọn.
Trên thực tế, chính tôi đã thường xuyên tái truyền giáo chính mình bằng chọn con đường đó, qua chuỗi Mân Côi.
2/ Chỉnh đốn lại nếp sống chính mình sao cho càng ngày càng nên xứng là con Đức Mẹ.
Chúng ta truyền giáo bằng sách báo, bằng các lớp giáo lý, bằng các lễ nghi, bằng các cơ sở tôn giáo và hoạt động tôn giáo. Thực tế đó phải kể là cần. Nhưng cách truyền giáo hữu hiệu nhất là chính nếp sống đạo đức của ta nổi về yêu thương, khiêm nhường, phục vụ.
Nếp sống gồm nhiều thứ, như: Cách suy nghĩ, cách phán đoán, cách chọn lựa, cách đối xử, cách phản ứng, cách dùng thời giờ, cách dùng sức khoẻ và của cải, cách sử dụng địa vị, cách vận dụng vốn liếng trí thức, cách hiện diện, cách phục vụ, cách nói năng, cách ăn uống, cách giải trí, cách sống chung, cách giảng dạy vv...
Nếp sống của mỗi người, với các chi tiết như trên, rất cần phải được rèn luyện. Để rèn luyện nếp sống đó thành một bài Phúc Âm sống có sức giới thiệu Đức Kitô, chúngta rất có thể nhờ chuỗi Mân côi. Khi chúng ta sống bé nhỏ trong tình Mẹ. Tình Mẹ sẽ dẫn chúng ta bước đi từng bước nhỏ trên đường vâng phục thánh ý Chúa. Dần dần, ta sống trong Chúa, và Chúa sống trong ta.
Có thể nói: Nhờ vậy mà sắc đẹp của bông hồng thiêng sẽ nở trên môi miệng ta, trong ánh mắt của ta. Cũng nhờ vậy, mà hương thơm của hoa hồng thiêng sẽ to ả ratrong tư tưởng của ta, trong tình cảm của ta. Bởi vì nhựa sống của hoa hồng thiêng chứa đầy trong trái tim ta, giúp ta cảm thương và xót thương. Nếp sống của ta sẽ dần dần trở nên giống phần nào Hoa Hồng mầu nhiệm, một tước hiệu thân thương của Đức Mẹ ta vẫn đọc trong kinh cầu Đức Mẹ.
Tôi thiết nghĩ, khi nếp sống của ta phảng phất sắc đẹp và hương thơm hoa hồng mầu nhiệm, thì dù ở đâu, nếp sống ấy cũng đã là truyền giáo.
3/ Tăng cường cầu nguyện và hy sinh.
Điểm sau cùng để tái truyền giáo chính mình học được trong việc lần chuỗi Mân côi là: Phải tăng cường cầu nguyện và hy sinh.
Nếu cần dựa trên tính cách cầu nguyện trong việc lần chuỗi Mân côi, thì tôi xin chia việc cầu nguyện đó ra ba loại:
Một là cầu nguyện mang tính cách tạ ơn. Như lời kinh Đức Mẹ đã dâng lên Chúa tại nhà bà thánh Isave.
Hai là cầu nguyện mang tính cách phó thác. Như lời Đức Mẹ đã nói với thiên thần ngày xảy ra biến cố truyền tin Con Thiên Chúa xuống thai làm người.
Ba là cầu nguyện mang tính cách đền tạ. Như thái độ đớn đau của Đức Mẹ dưới chân thánh giá Chúa Giêsu. Trong việc cầu nguyện đền tạ bao giờ cũng có tâm tình sám hối sâu xa.
Ba loại cầu nguyện trên đây đều đi đôi với hy sinh. Cả ba rất cần cho việc tái truyền giáo chính mình chúng ta. Trong một thời buổi mà tính hiếu động, biếng lười và hưởng thụ dễ làm cạn đời sống nội tâm, thì việc cầu nguyện và hy sinh phải được coi là rất cần. Nhất là đối với những nhà truyền giáo.
Xin phép nhắc lại: Truyền giáo không chủ yếu là truyền một giáo thuyết, nhưng là tặng cho người ta lối đi và những cái máng có khả năng truyền vào hồn họ dòng ơn thánh thiêng. Nhờ đó người ta mở lòng ra đón nhận được Chúa Cứu độ.
Chiếc máng hiệu nghiệm nhất chính là cầu nguyện kèm theo hy sinh. Lần chuỗi Mân côi, ta sẽ thấy suốt chặng đường dài, từ ngày Mẹ được truyền tin đến ngày Mẹ lên trời, chỗ nào Mẹ cũng cầu nguyện hy sinh. Cầu nguyện hy sinh âm thầm. Cầu nguyện hy sinh liên lỉ. Truyền giáo cũng là con đường dài cầu nguyện hy sinh như thế.
Chúng ta đang bước vào một tình hình có nhiều bất lợi cho việc truyền giáo. Nhưng, nếu chúng ta biết tái truyền giáo chính mình nhờ kinh Mân côi, thì chúng ta có quyền lạc quan. Lạc quan, nhất là vì chúng ta được trở về với lửa Phúc Âm, rất khao khát Chúa và luôn thao thức được cùng với Chúa tìm chia sẻ tình thương và làm chứng cho tình thương cứu độ.
Ðức Cha J.B. Bùi Tuần
+ GB Bùi Tuần