Tìm hiểu Lời Chúa _ cntn 28c

CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN
NĂM C
2 V 5, 14-17; 2Tm 2, 8-13; Lc 17, 11-19
BÀI ĐỌC I: 2 V. 5, 14-17
            Thời ấy, ông Na-a-man, tướng chỉ huy quân đội của vua nước A-ram, mắc bệnh phong hủi. 14 Vậy ông xuống dìm mình bảy lần trong sông Gio-đan, theo lời người của Thiên Chúa. Da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ. Ông đã được sạch.
            15 Cùng với đoàn tuỳ tùng, ông trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ông vào, đứng trước mặt ông ấy và nói: "Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Ít-ra-en. Bây giờ, xin ngài vui lòng nhận món quà của tôi tớ ngài đây. "16 Ông Ê-li-sa nói: "Có Đức Chúa hằng sống là Đấng tôi phụng sự, tôi thề sẽ không nhận gì cả. " Ông Na-a-man nài ép ông nhận, nhưng ông vẫn từ chối. 17 Ông Na-a-man nói: "Nếu ngài từ chối, thì xin cho phép tôi tớ ngài đây mang về một số đất vừa sức hai con lừa chở được, vì tôi tớ ngài sẽ không còn dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào khác ngoài Đức Chúa.
ĐÁP CA: Tv 97
Đ. Chúa đã mạc khải ơn Người cứu độ trước mặt chư dân. (c. 2)
1 Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã thực hiện bao kỳ công. Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh, nhờ cánh tay chí thánh của Người.
2 Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ, mạc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân;3ab Người đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà Ít-ra-en.
3cd Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. 4 Tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu, mừng vui lên, reo hò đàn hát.
BÀI ĐỌC II: 2Tm. 2, 8-13
            8 Anh thân mến, anh hãy nhớ đến Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã sống lại từ cõi chết, Đấng xuất thân từ dòng dõi Đa-vít, 9 Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích!10 Bởi vậy, tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Ki-tô Giê-su, và được hưởng vinh quang muôn đời.
         11 Đây là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. 12 Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta. 13 Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình.
TUNG HÔ TIN MỪNG: x. 1Tx. 5, 18
 Hall-Hall: Anh em hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Đó chính là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su. Hall.
TIN MỪNG: Lc. 17, 11-19
            11 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. 12 Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa13 và kêu lớn tiếng: "Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi! "14 Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: "Hãy đi trình diện với các tư tế. " Đang khi đi thì họ được sạch. 15 Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. 16 Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. 17 Đức Giê-su mới nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu?18 Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này? ". 19 Rồi Người nói với anh ta: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh. "
                       
BIẾT TẠ ƠN THIÊN CHÚA!
            Người thi ơn không đòi phải được biết ơn, không đòi phải có đáp đền, nhưng người nhận ơn không tỏ lòng biết ơn thì thua con chó người ta nuôi trong nhà!
            Người nhận ơn phải tỏ cử chỉ biết ơn nhiều hay ít vì tùy:
*     Giá trị kinh tế: vật càng đắt, thì ơn càng nặng.
*     Nhận quà tặng là cắt xén một phần sự sống nơi người thi ơn. Ví dụ: tôi nhận của một bà cụ một chục trứng, là bà phải nhịn ăn, giảm khỏe, bớt sống!
*   Người nhận ơn phải biết rằng mình là người được chọn trong muôn người. Vì tại sao người khác còn khổ hơn tôi mà họ không có người giúp, còn tôi?
            Chính thánh Phaolô khi được Chúa cứu độ, ông nói trong tâm tình tạ ơn: “Đức Kitô đến trần gian để cứu những người tội lỗi, trong số đó tôi là người thứ nhất ” (1Tm. 1, 15), “Chúa đã yêu tôi, liều chết vì tôi” (Gl. 2, 20), chứ không phải chỉ vì Chúa thương mọi người mà Ngài phải phục vụ đến hiến cả mạng sống!
            Tuy nhiên, Thiên Chúa không đòi người ta phải tỏ lòng biết ơn Ngài như người đời, vì lời tạ ơn của ta không thêm gì cho Chúa. Nhưng phải tạ ơn theo ý Chúa dạy để đem lại ơn cứu độ cho ta. (x. Kinh nguyện Thánh Thể: Tạ ơn). : Nhất là mọi người phải bắt chước ông Gióp, sau khi Chúa cho phép Satan cướp hết tài sản, con cái, và sức khỏe của ông, thì ông vẫn tạ ơn: “Chúa đã ban cho, Chúa lại lấy đi, xin chúc tụng danh Chúa” (G 1, 21b); rồi ông nói với vợ: “Chúng ta biết đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ lại không biết đón nhận hay sao?” (G 2, 10). Vì thế mà câu Tung Hô Tin Mừng hôm nay nhắc lại lời thánh Phaolô: “Anh em hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. Đó là điều Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1Tx. 5, 8).
A. MỤC ĐÍCH CHÚA BAN ƠN.
            Mục đích Chúa ban ơn thể xác cho ta là để thăng tiến Đức Tin và nhất là để ta được ơn cứu độ:
            1/ Được ơn thể xác để thăng tiến Đức Tin:
            Ông Naaman nhờ làm theo lời ngôn sứ Êlysê, nên được khỏi cùi, từ đó Đức Tin của ông thăng triển.
a.      Chỉ nhận Giavê là Chúa: Ông Naaman là người ngọai giáo, sau khi được khỏi cùi, ông tuyên xưng Đức Tin trước mặt mọi người: “Khắp cả và thiên hạ, không đâu có Thiên Chúa, trừ phi là ở Israel, và cụ thể từ nay tôi không dâng thượng hiến và lễ tế cho thần linh nào khác ngoài Thiên Chúa!” ( 2 V. 5, 15. 17b: Bài đọc I).
b.      Nhận ra chỉ có đất Israel (Do Thái) là đất thánh: Vì ơn cứu độ phát xuất từ Do Thái (x. Ga. 4, 22), hay ơn cứu độ bung ra từ Giêrusalem đi khắp thế giới. Chân lý này tác giả Luca đã diễn tả trong Tin Mừng hôm nay: “Đức Giêsu lên Giêrusalem, Ngài đã ngang qua Samari và Galilê” (x. Lc. 17, 11: Tin Mừng). Như thế là đi ngược tuyến đường sao? Vì theo Nhất Lãm, đời công khai trong ba năm của Đức Giêsu chỉ có một lộ trình từ Galilê qua Samari tới Giêrusalem. Nhưng ông Luca có ý viết đi ngược địa danh như vậy, vì ơn cứu độ của Chúa Giêsu ban phát khởi đi từ Giêrusalem rồi bung đi khắp thế giới! Có nghĩa là ơn cứu độ Chúa Giêsu Phục Sinh ban nhờ Hy Tế Thập Giá của Ngài, ơn này Chúa đổ vào Hội Thánh là Giêrusalem mới, như một kho tàng, để từ kho tàng của Hội Thánh, ơn Chúa được ban phát cho mọi người trên thế giới.
Ông Naaman đã nhận ra từ đất Israel, đất Giêrusalem là nơi phát xuất ơn cứu độ, cho nên khi trở về Syria, quê ông sinh sống, ông cũng chỉ muốn thờ phượng Chúa trên đất Israel, do đó ông xin ngôn sứ Êlysê ít đất bằng hai con la chở về nhà để lập bàn thờ kính Đức Chúa (x. 2V 5, 17: Bài đọc I).
Đức Tin và niềm vui này, Naaman chứng tỏ ông không còn là người ngoại, mà là người Israel mới, vì người Israel xác tín rằng: “Bài ca kính Chúa Trời, làm sao ta hát nổi. Nơi đất khách quê người (ở Babylon hay ở Syria). Giêrusalem hỡi, lòng này nếu quên ngươi, thì tay gảy đàn thành tê bại!” ( Tv. 137/136, 4-5).
Nhìn vào thực tế ta thấy đau lòng vì có biết bao người được ơn Chúa, thế mà sau đó có mấy người chỉ tôn thờ Thiên Chúa duy nhất thể hiện bằng việc gia nhập Hội Thánh là đất Israel để dâng Lễ thờ phượng Chúa và ca tụng Ngài!? Trái lại, khi nhận ơn Chúa rồi lại làm điều trái ý Chúa nhiều hơn!
2. Được ơn thể xác phải là dấu chỉ được Chúa ban ơn linh hồn:
            Mục đích Chúa Cha tặng ban Con Một Ngài cho thế gian, để loài người nhờ Đấng ấy mà được sống đời đời sung mãn hạnh phúc, vì “sự sống đời đời là chứng nhận biết Cha, Thiên Chúa độc nhất và chân thật, và Đấng Cha đã sai, Đức Giêsu Kitô”(Ga. 17, 3).
Vì sự sống thể xác chỉ là sự sống biểu kiến; nhận ra Thiên Chúa độc nhất như ông Naaman mới là người sống bằng sự sống của Thiên Chúa (x. Ga 15, 1); thế mà cả mười người đều được Đức Giêsu chữa lành khỏi cùi, nhưng chỉ có một người nhận ra Đức Giêsu Kitô, Đấng Cha đã sai, nên đã trở lại sụp lạy dưới chân Ngài, để tôn thờ Ngài là Chúa duy nhất. Người cùi Samari này vừa được ơn thân xác vừa được ơn Đức Tin, để cả hồn lẫn xác được sự sống đời đời, như Lời Đức Giêsu nói với anh: “Đứng dậy về đi, lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (Lc 17, 19: Tin Mừng). Và như thế, chỉ có người ngoại giáo này mới đạt được mục đích Chúa ban ơn (người Do Thái xưa không sụp lạy ai trừ Thiên Chúa, mà người cùi Samari này đã làm).
B. LỜI TẠ ƠN CHÚA CHỈ ĐƯỢC HOÀN TẤT TRONG ĐỨC GIÊSU KITÔ.
            Tất cả chín người Do Thái đều được Đức Giêsu chữa khỏi cùi, nên họ kéo nhau lên Giêrusalem để trình diện với hàng tư tế và dâng Lễ tạ ơn theo Luật dạy (x. Lv. 14, 2-20), không được Đức Giêsu chấm là có giá trị, nên Ngài hỏi người Samari: “Không phải là cả mười người được khỏi cùi sao? Còn chín người kia đâu, sao không thấy họ trở lại mà chúc vinh Thiên Chúa, trừ phi có người dị chủng này?” (Lc. 17, 17-18: Tin Mừng).
            Đức Giêsu hỏi thế là vì Ngài muốn tuyên bố nghi thức Phụng Vụ của Do Thái giáo đã đến lúc phải chấm dứt, vì đó là hình bóng của Phụng Vụ Thiên Quốc, chỉ có Phụng vụ “chính nhờ Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Thiên Chúa là Cha, cùng với Chúa Thánh Thần” (Lời kết Kinh nguyện Thánh Thể). Đây mới là cách phụng thờ được Thiên Chúa chấp nhận, như Lời Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ Samari: “Này chị, hãy tin Ta, sẽ đến giờ không phải trên núi Garizim hay tại Giêrusalem, mà các ngươi thờ phượng Cha! Nhưng sẽ đến giờ – và là ngay bây giờ – những kẻ thờ phượng Thiên Chúa đích thực sẽ thờ phượng Cha trong Thần Khí và sự thật, vì Cha chỉ muốn gặp thấy những kẻ thờ phượng Người như thế” (Ga. 4, 21. 23).
            Thờ phượng Cha trong Thần Khí và sự thật”, theo nội dung thư Do Thái, thánh Phaolô nói: “Phụng Vụ Chúa Giêsu thiết lập cho Hội Thánh, nhằm hoàn tất Phụng Vụ Do Thái giáo”. Nói cách khác, khi Chúa Giêsu hoàn tất Phụng Vụ Ngài thiết lập, thì Phụng Vụ Do Thái giáo phải cáo chung.
            Vậy người ta không được nói trống: Chúa ở khắp mọi nơi, thờ Chúa ở đâu cũng được, đạo tại tâm, thờ Chúa trong lòng, Chúa biết là đủ rồi! Mà phải xác tín rằng: Ai thờ Chúa đích thực, họ phải:
v        Thuộc về Hội Thánh khởi đi từ Bí tích Thánh Tẩy.
v        Tôn thờ Thiên Chúa trong Phụng Vụ của Hội Thánh, nhất là dâng Lễ (Bí tích Thánh Thể).
Như thế, khi người ta coi thuờng Phụng Vụ của Hội Thánh: không lãnh nhận các Bí tích, không tham dự Kinh Phụng vụ, không muốn nghe Lời Chúa, không rước Lễ, mà lại sốt sắng làm các việc đạo đức khác, thì cùng lắm họ chỉ như chín người cùi lên đền thờ Giêrusalem trong Tin Mừng hôm nay. Mà ta biết cả người phàm như ngôn sứ Êlysê còn không muốn nhận vàng bạc, châu báu của ông Naaman (x. 2V. 5, 15-16: Bài đọc I), huống hồ Thiên Chúa làm chủ muôn vật, lại thèm khát báu vật người ta dâng ngoài Phụng Vụ của Hội Thánh sao?
Tuy nhiên lời tạ ơn Chúa cũng không chỉ dừng lại trong Nghi Thức Phụng Vụ, mà phải được thể hiện cả đời kẻ chịu ơn Chúa phải gắn bó với Đức Kitô, như mẫu gương sống đạo của thánh Phaolô nói với Timôthêu: “Vì Tin Mừng, tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích. Bởi vậy, tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Kitô Giêsu, và được hưởng vinh quang muôn đời, vì Ngài luôn trung tín không bao giờ chối bỏ ta” (2Tm. 2, 9-13: Bài đọc II).
Bị xiềng xích vì Tin Mừng”? Đó là kẻ đã tin Chúa, thì nhất cử nhất động, từ tư tưởng, lời nói, việc làm, phải do Tin Mừng cho phép, thúc đẩy.
Một người sống như thế thì khi dâng Lễ, đời họ chính là của lễ kết hợp với lễ tế Đức Kitô Giêsu dâng lên Chúa Cha.
Mỗi ngày khi ta tham dự Thánh Lễ, nếu chưa sống được như trên, thì ta hãy sám hối và xin Chúa trợ giúp thực hiện niềm tin, đi vào Mầu Nhiệm Ơn Cứu Độ. Vì “Chúa đã mạc khải ơn cứu độ trước mặt chư dân” (Tv 98/97, 2: Đáp ca).
Thời chiến quốc, quan đại thần nước Triệu là Triệu Giang Tử đi vào rừng núi săn bắn, ông đã giương tên bắn trúng con chó sói, nó cong đuôi chạy trốn! Lúc ấy có vị Đồng Quách tiên sinh cưỡi lừa đi vào núi, ông thấy con chó sói bị thương đang tìm nơi ẩn trốn, Đồng Quách vội lấy bao mở rộng miệng cho vào. Triệu Giang Tử và đoàn tùy tùng có nhọc công tìm kiếm cũng không thấy.
Sau khi tai nạn qua khỏi, sói để lộ chân tướng của nó, nó bảo Đồng Quách tiên sinh:
-         Thả tôi ra khỏi bao, và cho tôi ăn.
Vừa ra khỏi bao, con sói liền nói:
-         Tuy ông cứu mạng tôi, nhưng ba ngày nay tôi không có gì bỏ vào bụng, nếu chiều nay tôi chết đói, hóa ra ông cứu tôi uổng công hay sao?! Tại sao ông không để tôi ăn thịt ông? Chỉ cần ông hy sinh một chút như thế, tôi đâu có đòi hỏi gắt gao hơn? Vì ông đã thương thì thương cho trót.
Đồng Quách tiên sinh bình tĩnh suy nghĩ và nói:
-         Dù mày có xé xác tao tan xương nát thịt, tao vẫn không coi là mày có đạo lý, vả lại lương tâm mày cũng không yên ổn.
Sau khi thỏa thuận, hai bên tìm người để phân xử, tới cây táo già cỗi, cây táo liền nói với Đồng Quách tiên sinh:
-         Xưa kia tôi được người làm vườn trồng và chăm sóc, một năm sau tôi ra hoa trái, năm nay tôi đã được 22 tuổi, tôi đã sống một đời không ngừng hiến dâng trái cho bao nhiêu người, vậy mà nay khi tôi về già, người làm vườn lại muốn đốn tôi làm củi! Ông xem đấy loài người của ông như thế làm sao mà sói không ăn thịt ông được!
Thế là Đồng Quách lại đến hỏi ý kiến con trâu già, nó trả lời:
-         Lúc tôi còn trẻ, tôi đã cày bừa để nuôi sống người nông dân, ông ta nói thương tôi, yêu tôi, vì tôi đã dầm sương dãi nắng suốt cả đời, nay tôi về già, người nông dân lại muốn ăn thịt tôi. Tôi nghĩ sói có ăn thịt ông, thì cũng chẳng có gì quá đáng!
Cuối cùng, hai bên đến hỏi ý kiến cụ già. Cụ lên tiếng khiển trách sói:
-         Đồ vong ơn bội nghĩa, khi về già sẽ gặp phải con cái ngỗ nghịch, đó là quả báo đấy, mày biết không?
Sói cãi lại:
-         Nhưng vì ông này nhốt tôi vào bao đến nỗi tôi gần bị chết ngộp.
Nghe thế, ông lão liền nói:
-         Ta chẳng biết tin ai bây giờ, vậy mày hãy chui vào bao để tao xem.
Thế là sói đồng ý chui vào bao, cụ già nói với Đồng Quách tiên sinh:
-         Ông có dao không? Hãy đâm cho nó một nhát để chấm dứt cuộc tranh luận vô ích này! Bởi vì lý luận như sói, như cây táo, như con trâu, chỉ là cái lý của loài vật. Loài người nhờ có linh hồn không thể lý luận như thế được! Người làm ơn tuy không đòi người nhận ơn phải đền ơn, nhưng người nhận ơn phải tỏ ra biết ơn, để không thua con chó biết coi nhà cho chủ.
THUỘC LÒNG.
"Ngoài Đức Giêsu Kitô ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ." (Cv 4, 12)
Lm Giuse Đinh Quang Thịnh