Suy niệm hạnh thánh _ 17/10

Thánh IGNATIUS ở ANTIOCH
 (c. 107?)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Sinh trưởng ở Syria, Ignatius trở lại Kitô Giáo và sau đó làm Giám Mục Antioch.
Trên đường từ Antioch đến Rôma để chịu tử đạo, Đức Giám Mục Ignatius đã bảy lá thư nổi tiếng. Năm lá thư cho các Giáo Hội ở Tiểu Á.Lá thư thứ sáu gửi cho Polycarp, Giám Mục ở Smyrna, là người sau này cũng tử đạo vì đức tin. Lá thư sau cùng ngài xin các Kitô Hữu ở Rôma đừng ngăn cản ngài chịu tử đạo.
Lời ước của ngài đã được thể hiện, và Đức Ignatius từ trần dưới nanh vuốt của sư tử ở Colosseum năm 107.
Suy niệm 1: Tử đạo
Trên đường từ Antioch đến Rôma để chịu tử đạo, Đức Giám Mục Ignatius đã viết bảy lá thư nổi tiếng.
Vào năm 107, hoàng đế Trajan ghé thăm Antioch và buộc các Kitô Hữu phải chối đạo hoặc chịu chết. Ignatius cương quyết không chối bỏ đức tin và do đó bị án tử hình ở Rôma. Đức Ignatius từ trần dưới nanh vuốt của sư tử ở Colosseum năm 107.
Ngài đã cảm nghiệm sâu sắc lời này: “Hạt giống có mục nát đi mới sinh nhiều hoa quả” (ga 12,24). Vì thế ngài luôn biến đau khổ thành niềm vui. Ngài yêu Chúa mà yêu Chúa thì thử thách, chông gai không còn là ngõ cụt nữa, nhưng “đối với những ai yêu mến Chúa thì Người biến đổi mọi sự nên lành” (Rm 8,28). Thánh nhân đã chấp nhận trong vui tươi sự đau khổ, đã chấp nhận cái chết với tất cả niềm yêu mến, đến nỡi đương đầu với sư tử sẽ xé xác mình. Thánh nhân đã thốt lên lời đầy an ủi và xác tín: “Tôi là miếng mồi ngon của Đức Kitô. Ước gì nhờ răng của thú dữ, tội trở thành bánh được tuyển chọn”. Thánh nhân là hạt giống được vùi dập dưới đất để cứ âm thầm mọc lên và mọc mãi để tô điểm vườn hoa Giáo Hội.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn đón nhận khổ đau trong niềm vui được tô điểm vườn hoa Giáo Hội.
Suy niệm 2: Nổi tiếng
Trên đường từ Antioch đến Rôma để chịu tử đạo, Đức Giám Mục Ignatius đã viết bảy lá thư nổi tiếng.
Ngài được nổi tiếng không chỉ nhờ thái độ đối diện với cuộc tử đạo cũng như bảy lá thư được viết trên đường đi, mà còn nhờ vào một lá thư khác gửi cho Giáo Đoàn Tralles:
"Cùng với các Giáo Hội của Thiên Chúa ở Smyrna, tôi chào mừng các bạn. Các giáo dân đã an ủi tôi trong mọi phương cách, cả về phần xác lẫn phần hồn. Xiềng xích tôi mang vì Đức Giêsu Kitô, như nài xin tôi hãy hân hoan trên con đường tiến đến Thiên Chúa, và tôi thúc giục các bạn: hãy kiên trì trong sự hòa thuận với nhau và trong sự cầu nguyện chung".
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tích cự sống tinh thần hòa thuận và cầu nguyện chung như lời mời gọi của thánh nhân.
Suy niệm 3: Năm lá thư
Năm lá thư cho các Giáo Hội ở Tiểu Á.
Ngài khuyến khích các Kitô Hữu trung thành với Thiên Chúa và vâng lời bề trên. Ngài cảnh giác họ hãy đề phòng những giáo thuyết lầm lạc, và dạy bảo họ những chân lý vững chắc của đức tin Kitô Giáo.
Quả là một tâm hồn mục tử! Trên đường đến nơi tử đạo, ngài không nghĩ đến bản thân mà quan tâm đến đàn con còn ở lại, như tấm gương của Vị Mục Tử nhân lành (Ga 10,11). Trước khi ra đi chịu chết, Đức Kitô cũng chỉ cầu xin cùng Chúa Cha cho các tông đồ (Ga 17,9) và cho hậu thế (Ga 17,20), cũng như trên đường tiến lên Núi Sọ, Người cũng mở lời an ủi các phụ nữ Giêrusalem (Lc 23,28).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các vị chủ chăn không sống cho mình mà vì đàn chiên.
Suy niệm 4: Lá thư thứ sáu
Lá thư thứ sáu gửi cho Polycarp, Giám Mục ở Smyrna, là người sau này cũng tử đạo vì đức tin.
Theo như lời truyền tụng thì lúc thánh Ignatius bị bắt và bị giải về Rôma, khi đi ngang qua Smyrna, Polycarp đã đến hôn chiếc xiềng sắt của thánh nhân. Sau đó trong một lá thư gởi cho Polycarp, thánh nhân đã khuyên như sau: “Người kitô hữu không tự mình kiểm soát đời sống của chính mình mà hiến dâng tất cả cuộc sống trong tay Chúa”.
Polycarp ghi nhận và sống đến suốt đời. Thật vậy khi Polycarp bị bắt thì ngài đã 86 tuổi. Quan tổng trấn ra lệnh cho ngài phải từ bỏ Chúa Kitô mà tuyên xưng Caesar là Chúa, thì ngài khẳng khái nói: “Đã 86 năm tôi thờ lạy Chúa Kitô. Người chưa bao giờ làm một điều gì sai quấy với tôi, làm sao tôi có thể chối bỏ Người là Đấng cứu chuộc tôi”. Quan tổng trấn tức giận ra lệnh cho quân lính đem ngài đi thiêu sống. Ngài đã ngước mắt lên trời mà cầu nguyện: “Lạy Chúa là Đấng Tối Cao, con ngợi khen Chúa vì ngay trong giờ phút này, Chúa đã ban cho con được phúc đứng vào hàng ngũ các Đấng tử đạo của Chúa, được uống trong chén thánh của Chúa Kitô, được sống lại trong cuộc sống vĩnh cửu của Chúa Thánh Thần”.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết đón nhận các lời khuyên bảo không bằng đôi tai mà bằng đôi tay, bằng cuộc sống.
Suy niệm 5: Lá thư sau cùng
Lá thư sau cùng ngài xin các Kitô Hữu ở Rôma đừng ngăn cản ngài chịu tử đạo.
Ngài viết: "Điều duy nhất tôi xin các bạn là hãy để tôi được tự do dâng hiến máu tôi cho Thiên Chúa. Tôi là hạt lúa của Thiên Chúa, ước chi tôi được nghiền nát dưới nanh thú dữ để trở nên bánh tinh tuyền của Đức Kitô."
Tinh thần ấy của vị tử đạo đã ảnh hưởng sâu đậm mãi về sau, cụ thể trong cuộc tử đạo của thánh Polycarp. Trong một lá thư kể lại cuộc tử đạo của thánh Polycarp được phổ biến trong Giáo Hội Smyrna là tài liệu tử đạo xưa nhất. Trong đó có viết: “Tử đạo không chỉ là những người tử tiết vì đức tin của mình. Cuộc tử đạo của Polycarp đã xảy ra đúng như lời Tin Mừng: Cái chết của Đức Giám Mục thánh Polycarp thể hiện mầu nhiệm của sự khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô, đấng đã sống và đã chết để cứu chuộc nhân loại”.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con can đảm sống đời chứng nhân đức tin để xứng là hậu thế của các vị tiền bối tử đạo.
Suy niệm 6: Lời ước
Lời ước của ngài đã được thể hiện.
Điều quan tâm lớn lao của Thánh Ignatius là sự hiệp nhất và trật tự trong Giáo Hội. Lớn lao hơn nữa, là ngài ao ước được tử đạo hơn là chối bỏ Đức Giêsu Kitô.
Không phải vì sự đau khổ mà người ta chú ý đến Thánh Ignatius, nhưng là vì tình yêu Thiên Chúa đã giữ vững ngài. Ngài biết cái giá của sự trung tín và không chối bỏ Đức Kitô, dù có phải mất mạng sống.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con có được những lời ước thánh thiện và nhất là quyết tâm thực hiện.