Thánh GIOAN DUKLA
(1414-1484)
Lược sử
Sinh trưởng ở Dukla
(Ba Lan), Gioan là một nhà khổ tu trước khi
gia nhập dòng Conventual (chi
nhánh dòng Phanxicô) vào năm 1440. Sau khi thụ phong linh mục, sứ vụ rao giảng
đã đưa ngài đến các nơi mà hiện nay là Ukraine, Moldavia và Belarus. Đã vài lần
ngài làm bề trên tu hội địa phương và có một lần ngài làm giám thị trung ương
dòng Phanxicô ở Lviv (Ukraine).
Thánh Gioan Capistrano
đến Ba Lan năm 1453 và thành lập các tu viện sống nghiêm nhặt theo Quy Luật
Thánh Phanxicô. Mười năm sau, Gioan Dukla gia nhập tổ chức này, mà sau đó trở
thành Tỉnh Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm. Sự khó nghèo, tuân phục, khổ hạnh và sùng kính Đức Mẹ là đặc điểm của đời sống Cha Gioan Dukla. Ngài tìm cách hòa giải những người ly khai
với Giáo Hội Công Giáo. Mặc dù ngài bị mù năm 70
tuổi, ngài vẫn tích cực trong công việc rao giảng và giải tội.
Ngài được phong thánh
ở Krosno (Ba Lan) năm 1997 trước một giáo đoàn khoảng 1 triệu người, đến từ Ba
Lan, Bohemia, Slovakia, Ukraine và Hungary.
Suy niệm 1: Nhà khổ
tu
Gioan là một nhà khổ tu trước khi gia nhập dòng Conventual (chi nhánh dòng
Phanxicô) vào năm 1440.
Nhà khổ tu là người tự nguyện sống khắc khổ, tự chế cách nghiêm nhặt, sống
chiêm niệm và cầu nguyện, cách ly với xã hội, bao hàm việc khước từ những ý
muốn hoặc sở thích, nhằm thông dự vào cuộc tử nạn của Đức Kitô và tuân hành ý
Chúa.
Đồng thời nhà khổ tu cũng tu luyện bắt cơ thể phải từ bỏ một số nhu cầu cơ
bản và dục vọng, đặc biệt là nhục dục, để đạt tới niềm tin sống lý tưởng trong
tâm linh. Tắt một lời, họ tham gia vào cuộc chiến nội tâm (2Tm 4,7), rèn luyện
(Dt 12,11) và diệt dục (Rm 8,13).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con cũng biết bước lên bậc thang khổ chế để dễ tiến lên đỉnh trọn lành.
Suy niệm 2: Dòng
Conventual
Gioan là một nhà khổ tu trước khi gia nhập dòng Conventual (chi nhánh dòng
Phanxicô) vào năm 1440.
Trong bài giảng lễ phong thánh, Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II đã nhắc nhở
đến các người con của Thánh Phanxicô khi họ đặt chân đến Trung Âu Châu vào thế
kỷ 13: "Sự hoạt động của dòng Phanxicô đã tìm thấy vùng đất mầu mỡ nơi quê
hương chúng ta. Vùng đất ấy cũng phát sinh nhiều chân phước và các thánh, là
những người theo gương Thánh Assisi Nghèo Hèn, làm sinh động Kitô Giáo ở Ba Lan
với tinh thần khó nghèo và tình huynh đệ. Các ngài đã đưa kiến thức cũng như sự
khôn ngoan vào truyền thống tinh thần nghèo hèn và lối sống đơn sơ, để từ đó có
ảnh hưởng tốt đẹp trong công việc mục vụ."
Khó nghèo, đơn giản, và hăng say tìm kiếm chân lý là đặc điểm của phương
cách truyền giáo mà các tu sĩ Phanxicô theo đuổi trong gần tám thế kỷ qua. Họ
sẽ giúp chúng ta hăng say làm chứng nhân cho Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con tiếp nối đường lối truyền giáo của các ngài tại môi trường sống của
chúng con.
Suy niệm 3: Sùng
kính Đức Mẹ
Sự khó nghèo, tuân phục, khổ hạnh và sùng kính Đức Mẹ là đặc điểm của đời
sống Cha Gioan Dukla.
Một tín hữu Công Giáo đạo đức hằng tôn vinh Đức Maria trong giờ kinh tối
mỗi ngày trong Kinh Cầu Đức Bà: Đức Bà phù hộ các giáo hữu, Nữ Vương các Thánh
Tông Đồ, Nữ Vương các Thánh đồng trinh.
Gioan Dukla là một tín hữu và hơn thế là một linh mục đã tự nguyện sống
đồng trinh cũng như đang tiếp nối sứ vụ rao giảng Tin Mừng của các tông đồ ở
các nơi mà hiện nay là Ukraine, Moldavia và Belarus. Ngài đặc biệt không chỉ
tôn vinh mà còn khẩn cầu Đức Maria với lòng sùng kính Đức Mẹ của mình.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con hằng sùng kính Đức Mẹ để qua Mẹ đến được với Chúa Giêsu.
Suy niệm 4: Đặc điểm
Sự khó nghèo, tuân phục, khổ hạnh và sùng kính Đức Mẹ là đặc điểm của đời
sống Cha Gioan Dukla.
Ngài sùng kính Đức Mẹ không chỉ dừng lại ở việc chiêm ngắm Đức Maria mà còn
học tập các nhân đức của Mẹ vốn là mẫu gương trong đời sống khó nghèo và tuân
phục.
Xuât thân là một nhà khổ tu, ngài tiếp tục sống hướng này, và theo gương
Đức Mẹ để sống khó nghèo và tuân phục, cụ thể sau khi thụ phong linh mục, ngài
vâng lời nhận lãnh sứ vụ rao giảng Tin Mừng để đến các nơi mà hiện nay là Ukraine,
Moldavia và Belarus, cũng như đã vài lần ngài vâng lời nhận làm bề trên tu hội
địa phương và có một lần làm giám thị trung ương dòng Phanxicô ở Lviv
(Ukraine). Tất cả làm nên đặc điểm của đời sống ngài.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con thể hiện lòng sùng kính bằng việc sống theo nhân đức của các ngài.
Suy niệm 5: Hòa giải
Cha Gioan Dukla tìm cách hòa giải những người ly khai với Giáo Hội Công
Giáo.
Nghiệp vụ hòa giải tự nó đã là một công việc khó khăn, khi người hòa giải
phải đóng vai trò làm con thoi giữa hai bên, mà bên nào cũng có lập trường và
hơn thế còn cố thủ trong lập trường của mình, đặc biệt với thành phần ly khai
vốn sẵn có một số quan điểm bất đồng không thể vượt qua để đi tới việc tách lìa
nhau.
Việc hỏa giải vốn khó khăn lại chồng chất khó khăn cho Cha Gioan Dukla vốn
là người trung thành của Giáo Hội, vì yếu tố trung lập của người hòa giải không
còn được nhìn nhận nữa. Thành phần ly khai tiếp nhận ngài như một người đến để
thuyết phục và kêu mời họ quay trở về nẻo chính. Dầu thế, ngài vẫn vượt qua khó
khăn này để hành sự.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con biết chấp nhận gian khổ vì lòng yêu mến Chúa và Giáo Hội.
Suy niệm 6: Bị mù
Mặc dù Cha Gioan Dukla bị mù năm 70 tuổi, ngài vẫn tích cực trong công việc
rao giảng và giải tội.
Hoàn cảnh một người đang sáng mắt nay bỗng bị mù thường gây phản ứng bi
quan nơi bệnh nhân. Nhưng với ngài thì không như thế. Ngài vẫn lạc quan tích
cực thi hành sứ vụ rao giảng và giải tội, vốn không đòi hỏi chức năng của thị
giác.
Chính vì thế trong buổi lễ phong thánh cho ngài, Đức Giáo Hoàng Gioan
Phao-lô II nói: "Đức Giêsu Kitô là vị thầy duy nhất của thánh nhân. Ngài
không lùi bước trong việc noi gương Thầy và Chúa, nên trên hết mọi sự điều ngài
ao ước là phục vụ. Trong đó bao gồm cả Phúc Âm của sự khôn ngoan, của tình yêu
và bình an. Ngài đã thể hiện ý nghĩa này của Phúc Âm trong toàn thể cuộc đời
ngài" (L'Observatore Romano, tập 27, số 6, 1997).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con luôn tích cực và lạc quan làm việc dầu gặp phải bất cứ nghịch cảnh
nào.