Những lời này được viết
ra một là để đừng ai tự phụ nếu được nhận lời, khi xin một điều đáng lẽ không
xin thì có ích hơn; hai là để đừng ai nản chí và thất vọng về lòng thương xót của
Chúa đối với mình, khi không được nhận lời…
Có lẽ bà còn muốn tìm hiểu tại sao thánh
Phao-lô tông đồ nói: Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, vì không
thể nào tin được rằng chính người cũng như những kẻ được người dạy bảo như thế
lại không biết đến kinh Lạy Cha.
Thánh Phao-lô tông đồ cũng tỏ ra không biết cầu
nguyện thế nào cho phải; chẳng vậy, có lẽ người đã biết cầu nguyện thế nào khi
Thiên Chúa để cho thân xác người bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan
vả mặt, để người khỏi tự cao tự đại vì những mạc khải phi thường người đã nhận
được. Đã ba lần người xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ ấy: điều này chứng tỏ người
đã không biết cầu nguyện thế nào cho phải. Cuối cùng, người đã nghe Chúa trả lời
tại sao điều một Tông đồ tầm cỡ như người xin, lại không được thể hiện và không
nên được thể hiện, khi Chúa nói: Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy
được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.
Vậy trong các cơn thử thách có thể vừa sinh ích
vừa gây hại, chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải. Nhưng vì các cơn
thử thách ấy gay go, nặng nề và đi ngược với cảm quan yếu đuối của chúng ta,
nên theo khuynh hướng chung của con người, chúng ta thường xin cất những thứ đó
khỏi chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta phải gắn bó với Chúa là Thiên Chúa chúng ta,
để nếu Người không cất đi những thứ đó thì chúng ta cũng không nên nghĩ mình bị
Người bỏ rơi, nhưng thực ra với lòng kiên trì chịu đựng khó khăn, chúng ta hy vọng
sẽ được những sự lành lớn lao hơn. Vì như vậy, sức mạnh được biểu lộ trọn vẹn
trong sự yếu đuối. Những lời này được viết ra một là để đừng ai tự phụ nếu được
nhận lời, khi xin một điều đáng lẽ không xin thì có ích hơn; hai là để đừng ai
nản chí và thất vọng về lòng thương xót của Chúa đối với mình, khi không được
nhận lời, vì có lẽ người ấy xin một điều mà nếu được sẽ làm cho mình đau khổ dữ
dằn hơn; hoặc vì được thành đạt mà ra hư hỏng đến nỗi sụp đổ hoàn toàn. Vậy
trong những trường hợp như thế, chúng ta không biết phải cầu nguyện thế nào cho
phải.
Bởi vậy, nếu có gì xảy ra trái với điều chúng
ta cầu nguyện, thì nhờ kiên nhẫn chịu đựng và biết tạ ơn trong mọi sự, chúng ta
không được mảy may nghi ngờ rằng điều đó phải xảy ra như thế theo ý Chúa hơn là
theo ý chúng ta. Về điều này, Đấng là Vị Trung Gian đã được nêu gương cho chúng
ta. Sau khi nói: Lạy Cha, nếu được, xin cho con khỏi uống chén này, Người liền
thêm: Nhưng xin đừng theo ý con mà xin theo ý cha, Cha ơi! Như thế khi chấp nhận
uống chén với tư cách một con người, Đấng ấy đã làm cho ý muốn nhân loại nơi
mình biến đổi. Bởi đó, đúng là qua sự vâng phục của một người mà nhiều người được
nên công chính.