ĐÓN, GẶP VÀ
BIẾT ƠN
Đến với
Chúa với lòng ước ao, khao khát Chúa, chính là hành vi tri ân hoàn hảo: “Lễ
toàn thiêu và lễ xóa tội, Chúa không đòi. Con liền thưa: Này con xin đến”
Chuyện đời thường, muốn thăng quan tiến
chức, chúng ta nghĩ đến việc “biết điều” nơi phong bì cửa sau. Tệ nạn này không
khó bắt gặp trong xã hội. Khi mọi sự đã “mã đáo thành công” thì “cò” cũng được
đền ơn cân xứng. Phủi tay, xem như ân oán sòng phẳng, mọi chuyện chẳng có gì xảy
ra. Trớ trêu thay, nhiều Kitô hữu lại áp dụng lối suy nghĩ này với ơn lành của
Thiên Chúa. Khi gặp cảnh gian nan bĩ cực, họ qui định cho Thiên Chúa thời gian
và hành vi cụ thể, đòi buộc Thiên Chúa phải làm thế này, thế kia trong lúc này,
lúc nọ. Ngược lại, họ luôn hứa sẽ “trả công” Thiên Chúa cách cân xứng bằng cặp
đèn cầy, mấy chiếc ghế đá, vài bao xi-măng… Ở đây, tôi không vội lên án hay dè
bỉu thái độ này. Chúng ta cùng suy niệm Tin Mừng Luca chương 17 được đọc trong
Chúa nhật 28 Thường Niên C để cùng rút ra những bài học quí giá trong cung cách
xin ơn và biết ơn Chúa.
Đức Giêsu đang lên Giêrusalem. Theo Tin
Mừng Luca, “lên Giêrusalem” nghĩa là đi vào con đường cứu độ, con đường của khổ
giá. Theo thói thường, khi lâm nạn, chúng ta không mảy may để ý đến người khác,
thân mình lo chưa xong thì làm sao mà lo chuyện bao đồng? Gặp một người trong
tình trạng “lá lành đùm lá rách”, chúng ta dễ dàng bĩu môi: “Khôn nhà, dại chợ. Ăn cơm nhà, vác tù và
hàng tổng. Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”. Phải chăng, Tin Mừng
hôm nay giới thiệu một gương mặt của Chúa Giêsu “lắm chuyện”? Khác với thói đời,
mặc dù đang bước trên hành trình thương khó, Đức Giêsu không ích kỷ. Ngài nán lại
chữa lành mười người phong hủi. Không phải Ngài nhiều chuyện, Tin Mừng chỉ rõ:
họ đón chờ Ngài và van xin (x.Lc 17,12-13). Đúng người, đúng việc, Đức Giêsu
không để nỗi lo lắng, bi thương mình đang mang chi phối lòng xót thương. Ngài vẫn
giữ được sự tỉnh táo, sáng suốt, giàu tình thương và đã chữa lành. Không phải
vô tình mà Thánh sử Luca nhiều lần nhắc đến động thái “lên Giêrusalem”. Lên
Giêrusalem nghĩa là qui chiếu về mối dây cứu độ, mối dây hiệp thông. Khi phạm tội
nguyên tổ, loài người cắt đứt mối liên hệ với Thiên Chúa, với tha nhân, với
muôn vật muôn loài. Giờ đây, Tin Mừng cứu độ mà Chúa Giêsu mang đến qua lòng
xót thương, đỉnh điểm là biến cố Vượt Qua ở Giêrusalem nối kết từng chi tiết một:
con người lại được chia sẻ vinh quang với Thiên Chúa. Trong trường hợp gặp gỡ
mười người phong: sự đổ vỡ trong tương quan giữa người Do Thái và Samari, sự
khinh miệt của người lành với người bệnh phong, đặc biệt như nguyên tổ là sự trốn
tránh của người tội lỗi với Thiên Chúa, mọi vết nứt, đứt gãy được trám lại thật
khít cách hoàn hảo qua biến cố chữa lành của Đức Giêsu. Đức Giêsu là Thiên
Chúa, sẵn sàng đối thoại với người tội lỗi và dùng quyền năng chữa trị cả tinh
thần, thể xác và linh hồn những người phong hủi. Ngài cũng là người Do Thái tiếp
xúc với người Samari, hành động này vượt qua mọi rào cản ngăn trở giữa hai dân
tộc tồn tại cả ngàn năm lịch sử. Ngài không mắc bệnh phong, qua việc tiếp xúc với
bệnh nhân phong đã đập tan thành kiến ô uế tệ hại. Chỉ một lần gặp gỡ, mọi mối
hiệp thông lại gắn kết. Còn chần chờ gì nữa, Kitô hữu cũng phải vượt qua hàng
rào thành kiến để mở rộng vòng tay bác ái của Thiên Chúa.
Cả mười người cùng đợi chờ, đón đường và
van xin Đức Giêsu. Khi rơi vào cùng một nhịp đập của sự khinh chê, cách ly, tất
cả họ như thể trở nên gắn kết thành một. Sức mạnh của thành kiến xã hội đã đẩy
tất cả họ vào con đường cùng, nhưng cũng chính sức mạnh ấy làm cho họ nhận ra
tính thống nhất của sự đoàn kết của xã hội người phong. Điều này giúp chúng ta
học được bài học của sự liên kết. Quả thực, dù đau khổ, bi ai cách mấy, nếu
chúng ta cùng hợp sức như nhóm người này để đợi chờ, đón đường và van xin, thể
nào Thiên Chúa cũng dùng ngón tay Người mà chạm đến chúng ta. Điểm khởi đầu này
chẳng hề phân biệt giai cấp, tầng lớp, thể chế xã hội hay tôn giáo. Chắc chắn,
mười bệnh nhân cùng mong chờ một điềm lạ vĩ đại nơi những lời lẽ vĩ đại xuất
phát từ một người vĩ đại: “Thầy Giêsu” (17,13). Phải thực sự gọi là trớt quớt:
Đức Giêsu xuất hiện không hào quang, không mây, không chớp, lời lẽ chữa lành
không dài dòng, văn hoa, màu mè. Chỉ một lời, một lời thôi: trình diện tư tế. Nản
lòng lắm chứ! Theo Torah (Lề Luật Do Thái) chỉ khi nào lành sạch hoàn toàn,
nghĩa là không còn chút nào bệnh tật, khi đó bản thân bệnh nhân mới được trình
diện tư tế về hiện trạng lành mạnh của mình. Sau đó tế lễ lên Thiên Chúa như một
bằng chứng thanh sạch và tỏ lòng biết ơn. Đằng này, thân mười như một: lở loét,
ô uế, mà Đức Giêsu lại bảo họ trình diện tư tế. Lố bịch! Thiết nghĩ, Đức Giêsu
đang dồn những người này vào con đường chết, vào thế bí, thế hiểm. Ai ngờ, đây
lại là đường hy vọng, đường thoát hiểm, con đường sống. “Chơi với Chúa” đòi hỏi
phải chấp nhận đánh-cuộc cuộc-đời mình. Ngày nay, Chúa không dùng việc hiện ra
như một hành vi thường xuyên mách bảo phải làm thế này, thế kia. Những gì cần
nói, Ngài đã mạc khải tất cả nơi Thánh Kinh. Khi trình diện tư tế, mười bệnh
nhân đã thể hiện niềm tin mãnh liệt vào Lời Chúa. Nếu chúng ta cũng học hỏi,
cũng tin vào Lời Chúa, Thánh Kinh và thực hành niềm tin ấy thì chính chúng ta
cũng cảm nếm được sự bình an đích thực như thể một phép lạ của Thiên Chúa. “Hãy nếm thử và nghiệm xem” (Tv 33).
Suy niệm đoạn Lời Chúa này không thể bỏ
qua chi tiết một phần mười. Thánh sử Luca viết rất rõ: “đang khi đi thì họ được sạch” (17,14b). Phải chú ý rằng: họ được
lành trước khi gặp tư tế. Có hai điểm cần quan tâm: thứ nhất không phải vì
trình diện mà tư tế chữa lành họ; thứ hai họ vừa sạch phong hủi, lúc ấy vẫn
chưa gặp tư tế, nghĩa là theo Luật tình trạng của họ mới sạch chứ chưa lành lặn
hoàn toàn. Chín người kia phải thực hiện từng con chữ được ghi chép trong Luật.
Cả chín người như mong mỏi gặp cho kỳ được tư tế để nhận được xác quyết của tư
tế là họ lành sạch trăm phần trăm thì mới nghĩ đến việc biết ơn. Riêng người
Samari, người ngoại giáo, anh ta không ràng buộc mình nơi con chữ của Lề Luật. Trước
sau gì, anh ta cũng gặp tư tế như Lời Đức Giêsu đã truyền, nhưng ngay lúc này,
anh phải vội vã quay lại để gặp người chữa lành cho anh. Anh sợ rằng: Người sẽ
đi mất, Người đem ánh sáng cho cuộc đời anh, Người tái sinh anh trong trần đời
này sẽ không còn đứng lại đó để anh kịp nói lên lòng tri ân. Hành động vội vã
quay lại này không mang hình thức của lòng biết ơn đơn thuần nhưng là lòng biết
ơn tận thâm tâm. Anh khao khát, nao nức gặp Người để tri ân. Đến với Chúa với
lòng ước ao, khao khát Chúa, chính là hành vi tri ân hoàn hảo: “Lễ toàn thiêu và lễ xóa tội, Chúa không
đòi. Con liền thưa: Này con xin đến” (Tv 39,7-8).
Thay lời kết, tôi muốn nhìn lại ba bài học
quí giá sau khi suy niệm đoạn Tin Mừng này. Trước tiên, tôi được mời gọi đón nhận
sự khác biệt của người khác, không co tròn trong vỏ ốc tự tôn, phải mạnh dạn
phá vỡ thành kiến để Thiên Chúa dễ dàng dùng tôi như “khí cụ bình an của Ngài” (Kinh Hòa Bình – Thánh Phanxicô Assisi). Thứ
đến, nơi nghịch cảnh cuộc đời, Thiên Chúa như đang chơi trò đánh đố niềm tin của
con người. Tôi được tiếp thêm sức mạnh nơi đời sống cộng đoàn Kitô hữu, qua
kinh nguyện, sự chia sẻ, cảm thông để vững tin rằng: Chúa không bỏ rơi tôi. Nếu
tôi mạnh dạn trở thành khí cụ bình an của Chúa cho tha nhân, thì chắc chắn:
Chúa cũng sẽ gửi một khí cụ bình an khác đến với tôi. Cuối cùng, như người Samari,
một hình ảnh tuyệt vời của lòng khao khát tri ân, chúng ta cùng hiệp thông xin
Chúa đong đầy lòng khao khát tạ ơn Chúa nơi mỗi người chúng ta. Amen!